TRANH LUẬN về “PARIS AGREEMENT”.
TRANH LUẬN về “PARIS AGREEMENT”
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Nhiều người đả kích ông Trump về việc triệt thoái khỏi Thỏa ước Paris mà thật ra chưa hiểu nội dung là gì! Đây là quyết định chẳng bất ngờ của Tổng thống Mỹ làm dư luận mọi nơi có phản ứng khen chê. Vì khó phân biệt loại biến cố trọng đại và trò phù phiếm, ta nên thận trọng nhìn lại toàn cảnh. Thứ nhất, ông Trump chẳng gây bất ngờ vì từ khi tranh cử, ông hoài nghi Thỏa ước và sau mấy ngày tham khảo ý kiến nhiều người thì công bố quyết định triệt thoái. Đây là quyết định tượng trưng về một văn kiện quốc tế có nhược điểm mà thiên hạ không biết. Nếu cần thay đổi vì các yếu tố kinh doanh, khoa học hay kỹ thuật thì cả nước phải đồng ý và sự đồng ý thể hiện qua luật lệ của thể chế dân chủ. Điều đó không có với Thỏa ước Paris. Ngược lại, Chính quyền Trump đã và đang ban hành nhiều sắc lệnh hành pháp để cải tổ việc làm ăn theo hướng giản lược hành chánh và cải tổ chánh sách năng lượng, v.v. Các sắc lệnh ấy đi ngược với cam kết từ Thỏa ước Paris nên ta chẳng ngạc nhiên.
- Đầu tiên, nên gọi là Thỏa ước thay vì Hiệp ước hay Hiệp định vì không được đưa ra Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn sau ngày thỏa thuận 12 Tháng 12 năm ngoái – khi đã có kết quả bầu cử và vài tuần trước khi Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm. Mưu của Obama là dùng một thỏa thuận quốc tế để chi phối sinh hoạt quốc gia mà khỏi qua Quốc hội vì không đủ đa số hai phần ba tại Thượng viện. Đã vậy, thỏa thuận không có giá trị cưỡng hành, là non binding. Thí dụ, các Tòa án Quốc tế không thể đòi các nước thi hành những cam kết tự nguyện của họ. Đâm ra công dân, doanh nghiệp và xã hội Mỹ phải chấp hành sự cam kết được lãnh đạo thỏa thuận với xứ khác theo lối nhiệm ý mà các xứ khác thì không. Cụ thể thì kinh tế Mỹ bị thiệt hại, dân phải nộp thuế để viện trợ cho các nước nghèo kỹ thuật cải tiến môi sinh mà các nước này lại chẳng bị trừng phạt nếu không giảm lượng khí thải như đã cam kết.
- Nếu muốn bình luận thì cần trí nhớ: 20 năm trước, Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) về cùng yêu cầu tiết giảm khí thải với giá trị cưỡng hành đã thất bại. Năm 1998, Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton ký Nghị định thư Kyoto, là văn kiện có quyền trừng phạt các nước vi phạm, mà không dám xin Thượng viện phê chuẩn vì trước đó Thượng viện biểu quyết chống với tỷ lệ 95-0, là không một lá phiếu Dân Chủ. Sau này Chính quyền Bush rút khỏi Nghị định thư Kyoto rồi bị đả kích như ông Trump ngày nay. Thất bại Kyoto mới dẫn đến Thỏa ước Paris mà còn tệ hơn vì bao trùm lên quá nhiều lãnh vực sinh hoạt, kể cả bảo vệ nữ quyền hay nhiều trò hấp dẫn cho cánh tả, mà lại không có giá trị cưỡng hành khi các nước vi phạm.
- Khởi đầu là ngôn từ. Ngày xưa, người ta dùng chữ “nhiệt hóa” hàm ý địa cầu bị hâm nóng, bây giờ thì dùng chữ mơ hồ là “thay đổi khí hậu” vì thấy có nơi hạn hán có nơi bị lụt chứ mọi sự chẳng tất yếu xảy ra theo một đường thẳng. Nhìn trong trường kỳ thì qua mấy chục ngàn năm, từ khi xài củi, than tới dầu thô và khí đốt, nhân loại đã tìm sự tiến bộ để có lợi về kinh tế và an toàn về môi sinh dù sự tiến bộ ấy gây ra nhiều thay đổi và đào thải. Hãy nhìn xe hơi bằng thép rồi nhôm và nhựa, ngày càng nhẹ và ít tốn xăng dầu hơn thì biết. Khi đó, ta nên phân biệt các nước đã phát triển và chưa phát triển. Các nước kỹ nghệ hóa biết sự độc hại của thán khí từ nhà máy và tự động cải thiện bằng kỹ thuật mới, theo quan điểm của họ, như Canada hay Úc cũng chưa hưởng ứng Thỏa ước Paris. Còn chậm tiến như Trung Quốc, Ấn Độ hay Pakistan chưa lên tới trình độ ấy và hẹn vài chục năm nữa nhưng tiếp tục gây ô nhiễm về nhiều mặt mà không bị chế tài.
- Lý luận của Chính quyền Trump là Hoa Kỳ tự giải quyết vấn đề và tự động giảm lượng khí thải hơn nhiều xứ khác với loại thuật lý hay technolody mới chứ không để quốc tế chi phối nhưng lại nín thinh trước nạn ô nhiễm do xứ khác gây ra. Kẻ phục Tầu thì nói vì Mỹ triệt thoái, Bắc Kinh sẽ tung tiền vào quỹ gọi là Khí Hậu Xanh, Green Climate Fund, để giúp các nước nghèo cải thiện kỹ thuật sản xuất và nhờ đó có thêm ảnh hưởng quốc tế cùng với Liên Âu. Họ quên là Bắc Kinh đang bán kỹ thuật và máy móc gây ô nhiễm cho các nước nghèo, kể cả Việt Nam, mà bên trong thì sông ngòi và khí quyển Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng nhất! Sau này, ta sẽ có một chương trình riêng về nạn ô nhiễm đó mà thiên hạ cứ quên. Tôi kết luận là Âu Châu tiếp tục gian và hèn mà xoay lưng với các vấn đề thật.
Hình đi kèm: sông Tam Tuệ đỏ lòm tại Quý Châu - Trung Quốc
Comments
Post a Comment