Pháp: Các Trí Thức Chống Tân Tổng Thống Emmanuel Macron
Trọng Thành (RFI 3/6)
Hơn một tuần trước vòng một bầu cử Quốc hội Pháp, 11/6/2017, nhưng các tuần báo gần như không tập trung vào diễn biến cuộc tranh cử đang diễn ra. Cảm giác về đời sống chính trị dường như sắp sang trang mới là tiêu điểm của tuần báo Le Point với bài xã luận: “Kinh cầu siêu cho cánh tả và cánh hữu của một thời đã qua”.
Tuần báo L’Express có bài “Ngợi ca sự vượt rào” của Jacques Attali. Tuần báo L’Obs có “cuộc phỏng vấn sốc” với nhà triết học Michel Onfray, với tiêu đề “Người ngả theo chủ thuyết âm mưu”. Đối thoại với Onfray – một trong “những trí thức chống Macron” tiêu biểu – cho phép l’Obs, một mặt phê phán lối tư duy chụp mũ của tác giả, nhưng mặt khác cũng có dịp giới thiệu với công chúng một quan niệm khác về chính trị, bắt nguồn sâu xa từ truyền thống xã hội chủ nghĩa Pháp thế kỷ 19, vừa chống Cộng sản, vừa chống tư bản độc tài, hiện vẫn còn nhiều ảnh hưởng.
Bài “Các trí thức chống Macron” của tuần báo L’Obs điểm lại những gương mặt tên tuổi trong hàng ngũ các nhà tư tưởng chống lại tân Tổng Thống, coi việc Emmanuel Macron đắc cử như một sản phẩm của “chủ nghĩa tư bản toàn cầu”. Ngoài Michel Onfray, tuần báo L’Obs giới thiệu nhà triết học Cộng sản Alain Badiou, từng là một lãnh đạo Maoism, nhà Triết học tả khuynh Régis Debray, từng chiến đấu dưới ngọn cờ của nhà cách mạng Che Guevara, nhà Nhân học Emmanuel Todd và kể cả nhà văn, viện sĩ hàn lâm theo tư tưởng bảo thủ Alain Finkielkraut, cũng từng là một người theo Mao trong những năm 1970.
Theo tuần báo L’Obs, “chiến thắng vinh quang của cựu Bộ Trưởng Kinh Tế Macron đã khuấy động tâm lý hoang tưởng vốn có của các trí thức nổi tiếng” nói trên. Michel Onfray gọi Macron là “con búp-bê được tư bản bơm lên”, “thái độ nô lệ trước quyền lực Âu Châu Maastricht (1)” (Emmanuel Todd), “chủ nghĩa cấp tiến ngây ngô” (Alain Finkielkraut) hay “sự thắng thế của nước Mỹ” (Régis Debray).
Các trí thức chống Macron cho rằng toàn bộ cuộc tranh cử Tổng Thống vừa qua chỉ là “một kịch bản đã được viết sẵn”. Viện sĩ hàn lâm Alain Finkielkraut lên án cuộc bầu cử giả mạo. Triết gia Régis Debray cho rằng “hệ thống (chính trị) đã tự cải trang thành phản hệ thống để có thể tiếp tục tồn tại”.
Ám Ảnh Hoài Cổ
Theo tuần báo L’Obs, đa số những người chống Macron nhìn chung có quan điểm hoài cổ. Đối với họ, Macron là “nơi phóng chiếu các huyễn tưởng của cá nhân”. Viện sĩ Alain Finkielkraut lo sợ văn hóa Pháp “tan rã” dưới chiêu bài cổ vũ cho đa nguyên của Macron; đệ tử của Che Guevara nhìn thấy ở Macron sự chiến thắng của “một đạo Tin Lành mới được thế tục hóa”…. “Hiếm khi nào, kể từ những năm 1930, một chính trị gia Pháp lại được soi xét tỉ mỉ đến như thế về mặt tư tưởng”.
Dù sao, những người như viện sĩ Alain Finkielkraut cũng phải thừa nhận: “Macron chưa là de Gaule, nhưng không phải là Mark Zuckerberg”, khi chứng kiến chính trị gia trẻ tuổi nhanh chóng nhập vai nguyên thủ quốc gia và tiến hành một loạt những quyết định táo bạo trong những ngày cầm quyền đầu tiên, kể cả trong lĩnh vực giáo dục.
Tuần báo L’Obs đặt câu hỏi: Triết gia Régis Debray – người ám ảnh bởi nạn “Mỹ hóa” – nghĩ sao khi Macron sẵn sàng đọ tay với Tổng Thống Mỹ Donald Trump trong lần gặp mặt đầu tiên, để khẳng định tiếng nói của nước Pháp trên trường quốc tế?... Nhưng đó chỉ là điểm mở đầu.
Michel Onfray là trí thức nổi bật nhất trong số những người lên án tân Tổng Thống Pháp triệt để nhất. Ông tự cho mình là người có thể nói thay cho hàng triệu người Pháp không tham gia vào các cuộc bầu cử, hay bỏ phiếu trắng.
Đối Thoại và Đối Chất
Onfray là tác giả cuốn “La Cour des miracles”, đưa ra một cái nhìn khác về toàn bộ cuộc tranh cử Tổng Thống Pháp vừa qua (2). Tuần báo L’Obs có bài phỏng vấn ông, mang tựa đề “Tôi không phải là một kẻ theo chủ thuyết âm mưu”.
Tuần báo L’Obs bảo vệ quyền được bày tỏ, được khẳng định quan điểm của nhà triết học, nhưng cũng không hề khoan nhượng khi đề nghị Michel Onfray chỉ rõ những thực tế nào đã cho phép ông đưa ra các kết luận như: toàn bộ cuộc tranh cử nói trên là “một kịch bản đã viết sẵn”, hay tân Tổng Thống Macron là “một con tốt của Nhà nước Maastrich”.
Cuộc đối thoại với tuần báo L’Obs cho phép nhà triết học trình bày một cách chi tiết hơn những suy nghĩ của ông, và cũng nhờ vậy một số mâu thuẫn được phơi bày. Cụ thể là Onfray thừa nhận đã không “có một đầu não, một nhóm những người điều khiển trong hậu trường, xây dựng một kế hoạch” giúp Macron đắc cử, những điều kiện chỉ được hội tụ dần dần trong quá trình tranh cử. Dù sao ông cũng không từ bỏ quan điểm đã có sự dàn xếp từ các thế lực tiền-quyền.
Chủ Nghĩa Xã Hội Vô Chính Phủ
Mối ngờ vực sâu xa đối với giới tư bản và thái độ cự tuyệt mọi hình thức cai trị, độc tài của triết gia Pháp bắt nguồn trực tiếp từ tư tưởng “Xã hội chủ nghĩa vô chính phủ” (socialisme libertaire), với ông tổ Proudhon (1809-1865). Nhưng theo tác giả, truyền thống này có gốc rễ xa xưa hơn từ các phong trào nông dân nổi dậy thời Trung Cổ và tiếp theo đó là phái chính trị Girondin, chủ trương tản quyền và hạn chế sử dụng bạo lực, từng là một lực lượng dẫn dắt Cách mạng Pháp 1789, trước khi bị phái cứng rắn Jacobin tiêu diệt. Biểu hiện đương đại của truyền thống “xã hội chủ nghĩa vô chính phủ”, “chống Cộng sản” là “chủ nghĩa xã hội tự quản” hay “những kinh nghiệm tản quyền” được chính trị gia Michel Rocard (đảng Xã Hội) thí điểm.
Ông Michel Onfray tỏ ra lạc quan khi cho rằng truyền thống “Xã hội chủ nghĩa vô chính phủ” vẫn đang hết sức sống động tại Pháp, với hàng trăm ngàn người tình nguyện hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xóa mù chữ, xây nhà trẻ cộng đồng, tổ hợp tác nông dân…. Theo ông, “những sáng kiến công dân như vậy là những chồi non của một cánh tả, đáng được gây dựng trở lại”.
Về phần mình, tuần báo Le Point có cuộc phỏng vấn triết gia cao niên Michel Onfray cùng nhà triết học trẻ tuổi Gaspard Koenig, tác giả cuốn sách mới “Những nhà phiêu lưu tự do”.
Cuộc phỏng vấn – không kèm bình luận – cho phép hai nhà trí thức vốn được coi là có lập trường rất trái ngược nhau (một người theo chủ nghĩa tự do/libéralisme, một người theo chủ nghĩa Xã hội tự trị) tìm thấy sự đồng điệu trong một số quan niệm như vai trò căn bản của xã hội dân sự, quyền tự chủ cá nhân, xã hội tự quản….
Comments
Post a Comment