Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ: “Không Thể Chấp Nhận Việc Quân Sự Hóa Các Đảo Nhân Tạo”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Bảo Đảm Mỹ Cam Kết Lâu Dài Với Á Châu.

VOA Tiếng Việt (4/6)


(Hình AP: Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ phát biểu về An ninh Mỹ-Á tại Tân Gia Ba, 3/6/2017.)

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hồi cuối tuần đã sử dụng một diễn đàn hàng đầu về an ninh khu vực để trấn an Á Châu rằng Hoa Kỳ không rút khỏi cam kết lâu dài của họ đối với khu vực.

Ông Mattis lưu ý rằng ông chủ yếu tham gia Đối thoại Shangri-La để lắng nghe.

Sáng Chủ Nhật (4/6/2017), ông đã có cuộc gặp đặc biệt với toàn bộ 10 lãnh đạo quốc phòng của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tuy nhiên, trong bài phát biểu của ông, là diễn văn thực sự đầu tiên của chính quyền ông Trump trước toàn khu vực, ông Mattis nói về tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm thế nào để mọi quốc gia, cả lớn lẫn nhỏ, đều có tiếng nói trong việc định hình hệ thống quốc tế.

Ông nói Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức, cả ông Mattis lẫn Ngoại Trưởng Rex Tillerson đều đã thực hiện một số chuyến đi đến khu vực, theo Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, điều này thể hiện rõ cam kết lâu dài của Hoa Thịnh Ðốn đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Ông phát biểu: “Sự cam kết lâu dài này dựa trên các lợi ích chiến lược và các giá trị chung là người dân tự do, các thị trường tự do, và một quan hệ đối tác kinh tế sôi động và mạnh mẽ, một quan hệ đối tác cởi mở đối với tất cả các quốc gia bất kể quy mô, dân số hay số lượng tàu trong Hải quân, hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào khác”.

Ông cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng làm việc với các nước khác để bảo đảm một Á Châu hòa bình, thịnh vượng và tự do, một châu lục tôn trọng tất cả các quốc gia đang duy trì luật pháp quốc tế.

Ông nói: “Chúng tôi không nhận thấy không quốc gia nào là một hòn đảo cô lập khỏi các quốc gia khác, chúng tôi sát cánh với các đồng minh và cộng đồng quốc tế cùng giải quyết các thách thức an ninh bức bách”.

Ông Kurt Campbell, cựu Phụ tá Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói bài phát biểu của ông Mattis đã mô tả tốt tính liên tục về quan điểm của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Theo đánh giá của ông Campbell, bài phát biểu rất mạnh mẽ và có tác dụng trấn an, nhưng nó được đưa ra ngay sau khi Tổng Thống rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuần trước, tại Liên Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Tổng Thống Trump đã không khẳng định điều 5 của Hiến chương NATO, là điều quy định rằng tấn công vào một nước là tấn công cả khối.

Ông Campbell nói ông Trump là Tổng Thống đầu tiên làm như vậy.

Những động thái chính sách của Tổng Thống Donald Trump, dù là việc rút khỏi Hiệp định Paris, hay việc ông rút khỏi nhóm các nước tham gia TPP, đều đã đặt ra những câu hỏi về con đường phía trước ở Âu Châu và Á Châu.

Ông Campbell nói rằng điều thấy rõ từ bài phát biểu của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ là có một khoảng cách không thể phủ nhận giữa các phương pháp tiếp cận truyền thống mạnh mẽ của các Bộ Trưởng Mattis, Tillerson, và những người khác so với cách làm của Tổng Thống.

Ông Campbell nói: “Chúng ta chưa có câu trả lời về việc chúng ta đang đi đến đâu liên quan đến TPP, chúng ta chưa có câu trả lời về thương mại, chúng ta chưa có câu trả lời về sự ủng hộ của chúng ta đối với các định chế. Khu vực hiện đang kiên nhẫn, họ đã chấp nhận là Hoa Kỳ đúng dù không có bằng chứng, nhưng điều đó sẽ không kéo dài được lâu hơn nữa”.

Tuy nhiên, một số người không lo lắng, họ lưu ý rằng Tổng Thống Mỹ mới nắm quyền vài tháng và các viên chức của ông đã thường xuyên thăm khu vực, những điều này nêu bật cam kết liên tục với khu vực.





Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ: “Không Thể Chấp Nhận Việc Quân Sự Hóa Các Đảo Nhân Tạo”

VOA Tiếng Việt (3/6)


(Hình REUTERS: Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến đọc diễn văn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Tân Gia Ba, ngày 3/6/2017.)

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hoan nghênh các nỗ lực hợp tác của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế về vấn đề Bắc Hàn tại diễn đàn an ninh thường niên ở Tân Gia Ba hôm thứ Bảy (3/6/2017). Tuy nhiên, về vấn đề Biển Đông, ông miêu tả việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo tại đó, bất chấp trật tự quốc tế, là điều không thể chấp nhận.

Trong bài diễn văn đọc trước các đại biểu và giới truyền thông tham dự cuộc đối thoại Shangri-La, ông Mattis nói:

“Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên luật lệ vốn phục vụ tất cả các nước có mặt hôm nay tại diễn đàn này, kể cả và đặc biệt, là Trung Quốc”.

Ông Mattis nói trong khi sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ có, nhưng xung đột không nhất thiết phải xảy ra.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ nói: “Xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các sơ sở trên các thực thể trong lãnh hải quốc tế, phương hại đến sự ổn định khu vực”. Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc củng cố quân sự các căn cứ trên những đảo nhân tạo, khác biệt với những gì các nước khác đã làm.

Ông Mattis nói cách tiếp cận của Bắc Kinh không chỉ khác biệt về mặt bản chất của các động thái vũ trang các đảo nhân tạo, mà còn về thái độ của Bắc Kinh, “coi thường pháp luật quốc tế, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, cũng như cố gắng của Trung Quốc gạt sang một bên tiến trình giải quyết ôn hòa các vấn đề liên quan”.

Trung tướng He Lei, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và cũng là người đứng đầu đoàn Trung Quốc tại các cuộc họp ở Shangri-La, đã thẳng thừng bác bỏ những tố cáo của ông Mattis. Tướng He nói Trung Quốc đã ký kết hơn 23.000 Hiệp định song phương và 400 Hiệp định đa phương, đồng thời tham gia vào tất cả các ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.

Ông He nói:

“Trung Quốc là một nước ủng hộ và bảo vệ các quy tắc và quy định quốc tế cũng như khu vực, nhưng khi định nghĩa các quy tắc quốc tế, cần phải dựa trên những gì mà đa số các nước đồng ý, và đại diện cho các lợi ích của đa số”.

Ông He nói thêm rằng điều đó cũng áp dụng cho các quy tắc và quy định khu vực. Ông lưu ý những tiến bộ hồi gần đây của Trung Quốc cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong việc soạn thảo một thỏa thuận khung cho một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Ông nêu bật vai trò của Trung Quốc tham gia hình thành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996.

Tuy nhiên, ông He không đề cập đến việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực The Hague về vấn đề Biển Đông hồi năm 2016. Phán quyết của tòa bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền lịch sử trên hầu hết tuyến hàng hải đang trong vòng tranh chấp gay gắt trong khu vực.

Từ khi lên nhậm chức, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đặt vấn đề Bắc Hàn vào thứ tự ưu tiên hàng đầu, và trong bài phát biểu của mình, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis lặp lại mối quan ngại của chính quyền Tổng Thống Trump về mối nguy rõ rệt và hiện hữu do Bắc Hàn đặt ra cho khu vực và xa hơn nữa.

Bộ Trưởng Mattis nói:

“Cùng với những tuyên bố liều lĩnh, chương trình của Bắc Hàn hiện nay thể hiện rõ ý định của nước này muốn thủ đắc phi đạn-đạn đạo có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, kể cả các phi đạn liên lục địa, vốn đặt ra những mối đe dọa trực tiếp và tức thời đối với các đồng minh trong khu vực, các đối tác của chúng ta, và cả thế giới”.

Những phát biểu gay gắt của ông Mattis đã xóa tan phần nào những suy đoán của một số người rằng chính quyền hiện nay duy trì sự im lặng về vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.

Bộ Trưởng Mattis tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không mang những lợi ích của các đồng minh ra làm những con bài để mà cả.

Không giải thích chi tiết, nhưng Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết là các nước đang làm việc để đề ra những biện pháp trừng phạt mới, được tăng cường, đồng thời tăng nỗ lực ngoại giao để gây áp lực đối với Bắc Hàn. Nhưng ông nói thêm rằng bên cạnh lời nói và sự hỗ trợ, hành động của tất cả các bên liên quan cũng cần thiết.

Ông nói:

“Chính quyền của ông Trump được khích lệ bởi cam kết mới của Trung Quốc trong nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế hướng tới phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên”.

Ông nói: “Rốt cuộc, Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Bắc Hàn là một gánh nặng chiến lược chứ không phải là một tài sản. Gánh nặng ấy đã làm tăng sự bất hòa và khiến các dân tộc yêu chuộng hòa bình trong khu vực, phải tăng chi tiêu quốc phòng”.

Trong khi các quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh ngày càng trở nên lạnh nhạt hơn trong những năm gần đây dưới quyền Kim Jong-Un, Trung Quốc vẫn là đồng minh và là nước ủng hộ lớn nhất của Bắc Hàn. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không thực sự muốn giải quyết vấn đề này, vì họ e rằng làm như vậy có thể dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất, và mặc nhiên đặt Hoa Kỳ ngay tại cửa ngõ phía Đông-Bắc của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, những lời đe doạ và các cuộc thử nghiệm phi đạn liên tục của lãnh tụ Kim Jong Un đang làm xói mòn sự hỗ trợ dành cho Bắc Hàn ở Trung Quốc. Và trong nước này đang xuất hiện những lời kêu gọi ngày càng gay gắt hơn, đòi Bắc Kinh phải có phản ứng quyết liệt hơn.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất