Bạn Biết Gì Về Ngày Độc Lập HK.


Chút tản mạn ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ

Huy Lâm
Inline images 1
Lễ Độc lập Hoa Kỳ rơi vào ngày 4 tháng 7 hàng năm. Đây là khoảng thời gian giữa hè, thời tiết khô ráo, ít mưa nên tất cả những sinh hoạt xoay quanh ngày lễ này đều được tổ chức ngoài trời. Những sinh hoạt cộng đồng thì có diễn hành, hòa nhạc ban ngày và đốt pháo bông vào ban đêm. Sinh hoạt gia đình thì có nướng thịt và ăn nhậu ngoài trời. Vả lại đây cũng là lúc mà các trường học Mỹ đóng cửa, học trò và thầy cô đều rảnh rỗi, và nhiều người còn đi làm cho các công sở cũng nhân dịp này lấy thêm ngày nghỉ ở nhà quây quần với gia đình. Vì thế có thể nói ngày Lễ Độc lập được rất nhiều người tham gia và có lẽ nó là ngày lễ lớn thứ ba ở Mỹ, chỉ sau Lễ Tạ ơn và Lễ Giáng sinh vào cuối năm.
Đây cũng là ngày được người Mỹ treo cờ nhiều nhất trong năm để tỏ lòng ái quốc. Nhưng đây có lẽ là công việc dành riêng cho những người già lớn tuổi, còn những người trẻ thì dường như không quan tâm lắm. Trong một cuộc thăm dò gần đây cho biết đa số những người trẻ không nhớ hoặc không biết ý nghĩa và nguyên nhân của ngày Lễ Độc lập. Đối với họ, điều quan trọng nhất của ngày lễ này là họ được nghỉ làm mà vẫn được ăn lương.
Tuy có điều này ít người biết, theo các sử gia, đáng lẽ ra ngày Lễ Độc lập phải là ngày 2 tháng 7, và người đầu tiên tin rằng đây mới là ngày để người Mỹ ăn mừng “như là ngày hội tuyệt vời hàng năm” chính là John Adams, một trong những quốc phụ của dân tộc Hoa Kỳ và là vị tổng thống thứ nhì của Hợp chúng quốc.
Lý do là vì ngày 2 tháng 7 năm 1776, các đại biểu của 13 thuộc địa quy tụ về Philadelphia nhóm hội nghị và chính thức tuyên bố tách rời thuộc địa ra khỏi Vương quốc Anh.
Một ngày sau đó, 3 tháng 7, Adams viết thư cho vợ là Abigail, trong đó có đoạn như sau:
Ngày 2 tháng 7 năm 1776 sẽ là ngày mở ra kỷ nguyên đáng nhớ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Anh tin rằng đây là ngày sẽ được ăn mừng, bởi các thế hệ tiếp nối sau này, như là ngày hội tuyệt vời hàng năm.
Cuối ngày hôm đó, tờ báo Pennsylvania Evening Post phát hành số đặc biệt loan tin:
“Hội nghị đã tuyên bố ngày hôm nay rằng các thuộc địa thống nhất sẽ trở thành những tiểu bang độc lập và tự do.”
Đến ngày 4 tháng 7, bản tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson soạn thảo mới được các thành viên của hội nghị chính thức công nhận. Và mãi đến ngày 8 tháng 7 thành phố Philadelphia, nơi bản tuyên ngôn được ký kết, mới tổ chức một buổi diễn hành và bắn súng để đánh dấu cái thời khắc quan trọng đó. Đến ngày 9 tháng 7, quân đội dưới quyền lãnh đạo của tướng George Washington mới nhận được tin tức từ chính Washington, lúc đó đang đóng ở thành phố New York để chống lại quân Anh, được lệnh tập họp ở khu Manhattan Hạ tối đó để nghe Washington đọc lá thư đề ngày 6 tháng 7 nhận được từ John Hancock, chủ tịch của hội nghị, và kèm theo đó là một bản in của tờ tuyên ngôn độc lập.
Các học giả sau này nghĩ rằng văn bản của tuyên ngôn độc lập đã không được một đại biểu nào có mặt tại hội nghị ký vào đúng ngày 4 tháng 7 và phải mãi đến ngày 2 tháng 8, tức gần một tháng sau đó, mới được đa số đại biểu ký kết. Hóa ra, bức tranh sơn dầu của họa sĩ John Trumbull tả lại cảnh của ngày ký bản tuyên ngôn độc lập và hiện vẫn được treo tại sảnh đường của tòa nhà quốc hội chỉ là một sản phầm tưởng tuợng của tác giả.
Nhìn từ góc cạnh lịch sử, ngày 2 tháng 7 quan trọng hơn ngày 4 tháng 7 và xứng đáng được gọi là ngày độc lập đầu tiên. Lẽ ra người ta phải sửa cho đúng lại từ thời đó nhưng đã không làm và hơn nữa, năm 1870, quốc hội Mỹ đã chính thức lấy ngày 4 tháng 7 làm ngày lễ kỷ niệm độc lập và người dân Mỹ cứ thế mà làm theo mặc dù rõ ràng là sai ngày.
Có một điều khá đặc biệt là đúng 50 năm sau cái ngày được gọi là “Lễ Độc lập” đầu tiên đó, cả hai ông Thomas Jefferson và John Adams, hai trong nhóm năm người tham gia soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập, cùng mất trong ngày hôm ấy.
Đó là vào khoảng giữa trưa ngày 4 tháng 7 năm 1826, Thomas Jefferson mất trên giường bệnh của ông tại biệt thự Monticello sau 10 năm chiến đấu với đủ mọi thứ bệnh và sức khoẻ ngày một suy yếu để rồi cuối cùng phải xuôi tay. Vị tổng thống thứ ba của Mỹ thọ 83 tuổi, nhưng ông đã không phải một mình ra đi lẻ loi trong ngày đó. Năm tiếng đồng hồ sau, vị tổng thống thứ nhì và cũng là đối thủ chính trị của ông là John Adams mất do truỵ tim tại nhà riêng ở Quincy, Massachusetts. Trong những lời trối trăng cuối cùng của Adams là câu: “Thomas Jefferson còn sống ư.” Không biết Adams có ý gì khi nói câu này, nhưng hồi ấy tin tức đi chậm nên cho đến khi lâm chung Adams vẫn chưa biết là Jefferson đã ra đi trước ông.
Đây là chuyện trùng hợp hết sức ngẫu nhiên – hai bậc quốc phụ và cũng là hai vị tổng thống, cùng tham gia soạn thảo tuyên ngôn độc lập nhưng cũng là hai đối thủ chính trị từng xài xể nhau nặng lời và cuối cùng chết cùng một ngày – có lẽ chưa từng xảy ra ở một quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ. Thế nên có người đã phải ngạc nhiên gọi cuộc đời và sự nghiệp của họ cùng ra đi chung với nhau đó là “món quà quan phòng” như một minh chứng cho thấy Thượng đế thật sự đã ban ân sủng cho đất nước Hoa Kỳ.
Thế nhưng chuyện vẫn chưa hết, đến năm 1831, cũng ngày Lễ Độc lập đó đã lấy đi thêm một vị quốc phụ nữa. Đó là James Monroe – tổng thống thứ năm và là một vị anh hùng của cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ – ra đi ở tuổi 73, nhằm đúng dịp kỷ niệm lần thứ 55 ngày độc lập của người dân Mỹ.
Ngày Lễ Độc lập của Hoa Kỳ, có thể nói cho tới nay không thể chối cãi, là ngày có nhiều tổng thống Mỹ chết nhất. Và người ta tự hỏi vì sao lại có điều kỳ lạ như thế. Sau sự ra đi của Monroe năm 1831, có một số tờ báo đã mỉa mai gọi “ngày khai tử của tổng thống” đó như là một “sự trùng hợp không gì có thể so sánh được,” và lạ lùng đến nỗi bất kỳ thời đại nào trước đó “hiếm thấy xảy ra trong lịch sử nhân loại.” Nhưng nay, bằng với những gì chúng ta học hỏi và hiểu biết thêm về cuộc sống, chúng ta phần nào có thể đoán ra được câu trả lời. Và câu trả lời đó ít nhiều có liên quan đến một điều thực tế là tất cả chúng ta có nhiều khả năng chết trong ngày sinh nhật của mình hơn bất cứ ngày nào khác.
Đây là một sự thật không có gì là hay ho cả. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2012 với hơn hai triệu người cho thấy kết quả là bất cứ ai trong chúng ta đều có khả năng chết trong ngày sinh nhật của mình 14 phần trăm nhiều hơn so với bất kỳ ngày nào khác trong năm. Có hai lý do: Thứ nhất, chết do bị té ngã, đau tim, và đột quỵ tăng cao vào những ngày sinh nhật. Tuy nhiên lý do thứ hai thì lại rất khác thường, và nó cho chúng ta hiểu rõ hơn đôi chút nguyên do của cái “ngày khai tử tổng thống” này: chết do ung thư, tim mạch, và một số những căn bệnh thông thường khác cũng tăng cao trong ngày sinh nhật.
Một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng các bệnh nhân đang phải hứng chịu những căn bệnh mãn tính như nói ở trên trong khi cố gắng chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo đó có thể đã chọn một ngày lễ sắp tới nào đó như là một điểm đích tâm lý để vượt tới bằng cách họ gắng gượng sống thêm chút nữa. Nếu như một người đang phải cố gắng chiến đấu với căn bệnh để qua thêm một Lễ Giáng sinh nữa thì chắc chắn trong đầu người đó đang nghĩ rằng họ sẽ được thêm một cơ hội nữa để được quây quần bên những người thân yêu, có được thêm chút kỷ niệm vui. Và khi ngày đặc biệt đó trôi qua, có lẽ họ cũng cố gắng chiến đấu để vượt qua. Điều này làm tăng thêm giả thuyết cho rằng hai ngày Lễ Giáng sinh và Lễ Tạ ơn cũng nằm trong số những ngày có nhiều người chết vì những nguyên do tự nhiên nhất ở Mỹ, chỉ đứng sau ngày sinh nhật.
Cả ba người John Adams, Thomas Jefferson và James Monroe đều mất trong ngày sinh nhật của quốc gia mà chính họ đã góp phần tạo thành sau khi đã trường kỳ chiến đấu vời những căn bệnh mãn tính đó. Tương truyền rằng vào khoảng nửa đêm ngày 3 tháng 7 bỗng dưng Jefferson thức dậy trên giường lúc lâm chung và hỏi những người xung quanh, “Có phải là mùng bốn không?” Và khi đứa cháu trong nhà trả lời là sắp sang ngày rồi thì Jefferson đã từ chối uống liều thuốc giảm đau từ vị bác sĩ và thều thào, “Thôi, bác sĩ ơi, thôi đừng kéo dài thêm nữa.”
Phải chăng Thomas Jefferson, John Adams và James Monroe đã cố chống lại cái chết để sống thêm một ngày Lễ Độc lập nữa? Một thế kỷ sau, phải chăng hai vị tổng thống khác là Harry S. Truman và Gerald Ford cũng đã cố gượng sống cho tới ngày 26 tháng 12 – là ngày có nhiều tổng thống chết đứng thứ nhì – để được hưởng thêm ngày Lễ Giáng sinh một lần cuối cùng với những người thân yêu của họ? Chúng ta không biết chắc điều đó. Nhưng chúng ta biết chắc một điều đây là những vị tổng thống ít nhiều đã có công lao xây đắp và vun xới cho đất nước Hoa Kỳ, nơi đã từng mở rộng vòng tay bao dung cho những người tị nạn chúng ta, thêm tươi đẹp hơn. Vậy thì nhân dịp ngày Lễ Độc lập, mỗi chúng ta cũng nên bỏ ra một phút im lặng suy ngẫm để cám ơn đất nước đã cho chúng ta cơ hội để được sống kiếp sống của một con người thật sự.
Huy Lâm


Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất