Chim.


Intro: Song Thao Chim là thứ lượn lờ không biết mệt trong thơ. Tôi thử làm một chuyện nho nhỏ: vào google tìm thơ có chim...
Song Thao

Chim là thứ lượn lờ không biết mệt trong thơ. Tôi thử làm một chuyện nho nhỏ: vào google tìm thơ có chim ở trong. Cả vài trăm bài hiện lên, đọc không hết. Từ Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh đến Du Tử Lê, Trần Đức Uyển, Nguyễn Hữu Định, Đỗ Trung Quân, Quan Dương, Bùi Chí Vinh, Lê Hân…, ông nào cũng dính chim. Biết lựa chim của ông nào. Đành đánh trống lảng, lơ các ông đi, chơi một phùa trích thơ chim của…Trần Mộng Tú!
Em bỏ lại sau lưng
Bờ sông và những con chim cánh trắng
Nắm vụn bánh cuối cùng
Ðã ném trên mặt nước
tiếng chim kêu
Tiếng cánh lao xao đập vào nhau gọi em quay lại
Còn gì mà níu kéo
Những mẩu bánh cuối cùng đã tung cao
Mấy câu thơ trên trích trong bài “Hỏi Chàng”. Chàng đây dĩ nhiên không phải là chim. Ai lại đi hỏi chim. Nó chỉ biết hót chứ đâu biết nói! Chim chỉ là thứ…lung khởi để hỏi người: Em hỏi chàng / Con chim nào em nên đợi? / Con chim cũ bay về? / Con chim mới bay tới? / Ôi! Mẩu bánh tình yêu / Muôn đời / Vẫn làm em bối rối.
Chúng ta tôn trọng sự bối rối của nhà thơ khi đợi con chim cũ hay con chim mới. Chim trong thơ của nhà thơ nữ họ Trần là thứ chim nhởn nhơ ngoài trời. Chim tung tăng bay lượn chẳng chút chi ràng buộc. Nhưng khi chim đã vào lồng thì lại là chuyện khác.
Khoảng năm 1952 hay 1953 chi đó, lâu ngày quá tôi không nhớ chính xác. Đoàn Gió Nam từ Sài Gòn ra Hà Nội trình diễn. Linh hồn của đoàn là ban hợp ca Thăng Long. Linh hồn của ban Thăng Long là nữ ca sĩ Thái Thanh. Lúc đó Thái Thanh còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới hai chục cái xuân xanh. Lúc đó tôi còn là…trẻ con, được ông anh họ mua vé cho đi coi cùng với ông. Tôi rất khoái màn trình diễn của cô Thái Thanh, màn đơn ca bài
“Chim Lồng” của nhạc sĩ Phạm Duy. Cảnh trên sân khấu rộng rãi chỉ có một chiếc lồng chim có con chim nho nhỏ nhẩy nhót ở trong. Ca sĩ Thái Thanh cứ xoay quanh chiếc lồng chim trong khi hát.
Chim, chim chim ơi ! Chim, chim chim ơi !
Cớ, cớ cớ sao mi buồn rầu
Cớ, cớ cớ sao mi nặng sầu
Này là hạt gạo, này là hạt kê
Này là lồng son xinh xắn nhé
Này là bình nước rất ngon kia
Chim, chim chim ơi !
Cớ, cớ sao mi ngậm ngùi
Ớ ớ chim ơi ! Ớ ớ chim ơi !
Ớ ớ chim ơi ! Ớ ớ chim ơi !
Chim là biểu tượng của tự do, bay nhẩy khắp trời. Nay vướng vào cảnh cá chậu chim lồng, dù có được ở trong lồng son gác tía, gạo nước trắng trong, lại được cô ca sĩ thăm hỏi thắm thiết, buồn vẫn cứ buồn, ngậm ngùi vẫn cứ ngậm ngùi. Nếu chim biết nói, chắc sẽ nổi cáu lên khi cô ca sĩ cứ mân mê chiếc lồng hỏi tới hỏi lui: “Hỏi chi mà vô duyên vậy hổng biết!”.
Chim trong lồng coi vậy còn không đến nỗi. Chim trong quần mới vất vả đời chim. Chuyện đang ầm ỹ trên mặt báo ở Mỹ. Người nhốt chim trong quần là một ông Việt Nam: ông Sony Đồng, cư dân Garden Grove. Theo nhật báo The Orange County Register, năm 2010, ông này đã bị kết án 4 tháng tù vì tội buôn chim lậu vào Mỹ. Ông tới phi trường Los Angeles trên chuyến bay từ Việt Nam qua. Nhân viên quan thuế tại phi trường đã mời ông vào phòng riêng để khám bổ túc. Trên đường đi, lông chim từ trong quần của ông rơi vãi trên đường. Khi nhân viên quan thuế yêu cầu ông vén quần lên, lồ lộ trên hai ống quyển của ông có 14 con chim quý, mỗi bên 7 con. Những con chim này được cho uống thuốc ngủ, bỏ vào những chiếc bao, móc vào vớ của ông. Chim nằm trong quần ông Sony Đồng trong suốt 20 tiếng bay từ Việt Nam về Mỹ. Tôi phục ông này. Đeo 14 con chim lủng lẳng trong quần ngồi trên ghế chật chội của máy bay, vậy mà ông chịu được. Tiền khiến con người có chí khí phi thường! Bao nhiêu tiền? Ông chỉ bỏ ra ít tiền thuê mấy nông dân ở miệt vườn bẫy chim, tính ra chỉ ba hoặc bốn đô một con. Về Mỹ ông bán vài trăm một con, có con bán được tới cả ngàn đồng, bỏ túi chục ngàn như không. Hình ảnh 14 chú chim bám vào ống quần được quan thuế Mỹ phổ biến đã làm xôn xao dân Mỹ . Họ xót xa trước sự tàn nhẫn của con người đối với chim muông. Lần đó ông Sony Đồng mang chim thuê cho ông Đức Lê. Ông này nuôi chim bán ngay sân sau nhà tại Garden Grove. Tòa đã xử phạt ông Sony Đồng, 46 tuổi, bốn tháng tù và ông Đức Lê, 34 tuổi, sáu tháng nằm nhà giam.
Theo hãng thông tấn AP thì không phải vô cớ mà ông bị quan thuế chú ý. Hai năm trước, năm 2008, cũng trong một chuyến bay từ Việt Nam về tới phi trường Los Angeles, ông đã bị bắt vì chim. Kỳ đó ông bỏ 18 con chim chích chòe lửa vào va ly. Khi bị lộ, ông đã bỏ va ly chạy trốn về nhà. Ông này chắc có bộ óc lớn bằng óc chim nên không nhớ là va ly có ghi tên tuổi, địa chỉ rõ ràng trên đó. Không thấy tin tức nói hồi đó ông có bị phạt chi không nhưng tên tuổi của ông đã được ghi vào sổ đen.
Đã mang nghiệp chim vào thân, rất khó đoạn tuyệt dù đã tù tội vì chim. Tháng 12 năm 2016 vừa qua, ông Sony Đồng lại dính vào chim, tuy ông chẳng đi đâu cả. Ông chỉ ra phi trường Los Angeles đón một người từ Việt Nam về. Người về là ông Quang Trương. Ông này cũng đã bị quan thuế Mỹ để ý khi ông đã có lần bị hải quan Việt Nam bắt về tội buôn lậu chim khi lên máy bay xuất cảnh. Lần này ông Quang Trương lại mang chim từ Việt Nam qua Mỹ. Mấy con chim theo ông Quang lên máy bay có số phận khá hơn chút đỉnh. Chúng không phải đeo toòng teng trong quần mà được nằm trong những chiếc hộp đặt trong va-ly đàng hoàng. Số chim ông Quang cho nằm trong va-ly là 30 con, chia thành hai va-ly, mỗi cái chứa 15 con. Ông này cũng đã khôn ngoan đặt những chiếc hộp chim này vào giữa va-ly, chung quanh được chêm áo quần và các đồ vật khác. Phi trường tới vẫn là Los Angeles. Mấy ông này vui thiệt. Quan thuế của phi trường này đã quá quen với những chiêu buôn chim quý của mấy ổng, vậy mà mấy ổng vẫn cứ bơ bơ xuống phi trường này. Vừa thấy mặt ông Quan Trương, quan thuế biết ngay thế nào cũng có hàng. Nhưng họ giả bộ làm lơ, không bắt mở va-ly, cho ông này thong thả đi ra. Họ muốn làm một mẻ lớn. Người tới đón ông Quang Trương không ai khác hơn là ông Sony Đồng! Chờ cho hai ông hội ngộ với nhau, dẫn nhau ra xe, họ mới ra tay. Khám trong người ông Sony Đồng, có số tiền 8 ngàn đô. Chắc là tiền trả cho ông Quang. Bị chộp cả hai, họ hết đường chối cãi. Chánh Án Janes Otero sẽ xử hai ông này vào ngày 14 tháng 5 năm 2018. Trong khi bị điều tra, ông Quang khai đã nhiều lần buôn lậu chim, mỗi lần được 2 ngàn đồng và được bao vé máy bay đi về. Ông Sony Đồng, bị bắt tới lần thứ ba, nên bản án có thể lên tới 5 năm tù.
Nhốt chim vào quần có lẽ là một hành động quốc tế. Bởi vì không chỉ có người Việt mang chim Việt ra khỏi đất Việt. Mà người ngoại quốc du lịch Việt Nam cũng làm y chang. Cũng giấu chim trong quần. Một ông Cuba, ông Ignacio Agramonte, đã chơi bạo, nhét tới 66 chú chim ruồi trong quần, mang từ Việt Nam về Cuba. Kể ra trong quần có tới 66 chú chim thì hơi nhiều. Vậy nên mới có vụ chim tử nạn trong quần. Có hai chú chim nằm gần “cái gọi là chim” trong quần ông Ignacio đã lăn quay ra chết. Cái chết này cũng dễ hiểu. Luật tự nhiên là cá lớn nuốt cá bé. Cá hay chim cũng rứa. Vậy nên hai chú chim ruồi đã chết ngắc. Tại phi trường Camaguya, ông Ignacio đã thoát ra khỏi máy dò kim loại. Ông thơ thới bước ra, tưởng đã thoát nạn. Một nhân viên quan thuế thấy ông bước chậm rãi khác thường và quần của ông có những chỗ lồi lõm không giống ai nên chặn ông lại. Nhân viên quan thuế Hermogenes Yonsiver kể lại: “Khi bị chặn lại, ông ta lập tức tìm cách lấp liếm. Ông nói chỉ mang theo một con chim bồ câu nhỏ về làm quà cho cháu nội”. Một con bồ câu nhỏ đã biến thành 66 con chim ruồi.
Những vụ buôn lậu chim đều xuất phát từ Việt Nam làm dấy lên câu hỏi: “Bộ Việt Nam nhiều chim quý lắm sao?”. Cũng có thể. Nhưng đúng hơn có lẽ là tại Việt Nam việc quản lý chim quý, thứ chim được quốc tế bảo vệ cho khỏi tuyệt giống, lỏng lẻo hơn ở những nước khác nên chim mới túa nhau ra khỏi nước. Dân ta mang chim ra khỏi nước đã đành, mấy ông Mỹ cũng ôm chim về Mỹ. Ngày 24 tháng 3 năm 2017, ông Kurtis Law đã ôm tới 93 con chim về phi trường Los Angeles. Ông không nhồi trong quần mà bỏ vào va-ly. Nếu lọt ông vớ bộn. Chim trong va-ly của ông gồm các giống họa mi, chim oanh mỏ đỏ, chim oanh tai bạc. Ông mua có một hoặc hai đô một con. Về Mỹ bán được trên dưới một ngàn đô! Người ta đi buôn một vốn bốn lời đã lãi khủng. Ông chơi tới cả ngàn lần lời, làm chi không ham! Ông gói riêng từng con, cho uống thuốc ngủ, cột mỏ và đặt nằm “trong tình trạng kinh hoàng đến nỗi chúng không thể cựa quậy được”. Khi bị bắt, chỉ có 8 con còn sống! Dân Mỹ nổi tiếng là yêu súc vật. Chúng ta không lạ chi chuyện này. Họ yêu chó mèo đã đành, đến rắn rết, khỉ, bọ, họ yêu tuốt. Huống chi là chim. Vậy nên những kẻ buôn chim này đã khiến bàn dân thiên hạ ghê tởm, coi như phạm tội ác…diệt chủng!
Chim được chu du qua biên giới là những giống chim quý có giá bán cao vời vợi. Hiểu chim phải là những tay chơi chim. Không có tôi trong số những tay chơi này. Một lần tôi qua Florida, tới một cơ sở nuôi chim và trồng cây cảnh của người Việt, chủ nhân khoe chim với tôi, thứ này đang có giá, thứ kia là loài hiếm, khó có thể tìm được con thứ hai. Mỗi lồng làm bằng kẽm cao quá đầu người, trong đó có để những chậu cảnh, chỉ nhốt một hai con. Chim thả sức bay. Toàn chim quý mang từ Việt Nam qua. Với người trần mắt thịt như tôi, chim nào cũng giống nhau. Phải chi bữa đó có ông Luân Hoán đi cùng với tôi! Ông này họ hàng với chim nên rất rành chim.
bìm bịp, cú mèo, vàng anh, khướu
họa mi, chất quạch, sáo, bù chao…
những tiếng hót vàng chưa tên gọi
đang thổi âm thanh đến cõi nào?
Tới nhà ông…chim này rất vui. Tiếng chim hót át tiếng chủ nhân. Có lẽ vì vậy nên ông ít nói. Nhà văn Hồ Đình Nghiêm, trong bài “Tiếng Chim”, đã đà đà chuyện chim của ông Luân Hoán: “Nghe đâu nhà thơ Luân Hoán thời còn ở bên nhà rất thích nuôi chim. Cả trăm thứ chim trong thiên hạ đều quy về một…nhà thi sĩ. Lần đầu trong đời, tôi nghe có người cất công sắm cả chục cái mùng nhỏ để mỗi đêm buông xuống cho đàn chim yêu mến khỏi bị muỗi cắn. Thơ và Chim là hai thứ mà anh Luân Hoán mê nhất. (Sao không có bướm vào trong đó nhỉ?) Anh từng bán mấy mẫu ruộng gia đình chia cắt cho để lấy tiền in thơ. Ðó là những ngày huy hoàng cũ. Lang bạt qua đây anh ngụ tạm trên mấy thước đất lạnh của người ta, thế nhưng lòng vẫn còn trung thành ấp giữ niềm đam mê cũ. Thơ, Chim. Chim, Thơ”.
Chim ngụ tại nhà của nhà thơ xứ Quảng này không theo mùa mà theo nhiệt độ lên xuống trên trán của chủ nhân. Có lần tới nhà thấy la liệt lồng chim. Chim nhảy nhót, kêu hót nhộn nhịp, cứ tưởng mình đang ở ngoài đồng ngoài ruộng. Có lần tới thấy lặng thinh, chẳng thấy bóng dáng một chú chim nào. Hỏi, ông mới ậm ừ nói chán rồi. Có lần ông khoe mới mua được một chú hoàng oanh có giọng hót ngọt ngào. Hỏi tới, ông cho biết đã mua tới vài trăm. Có lần ông điện thoại hỏi tôi có muốn lấy chim không? Tôi thì chim chóc chi. Hỏi cớ sự sao ông lại cho chim đi chỗ khác chơi, ông bảo ông chán không muốn nuôi chim nữa. Ông Luân Hoán không chim chóc chi là một điều lạ. Tôi vội lái xe tới nhà ông coi xem nhiệt độ trên trán ông cao thấp ra sao thì thấy một lồng chim giả. Chú chim trong lồng gật gù chẳng có tiếng hót chi. Lại có lần tới nhà ông, chim thật chim giả chẳng thấy đâu nhưng lại nghe thấy tiếng chim hót. Nhìn quanh quất chỉ thấy một chiếc máy cassette.
em gửi qua một cuộn băng cassette
đã rình thu tiếng hót chích chòe
ôi tiếng hót giở từng trang thơ ấu
thở đầy hồn nhạc gió mát lũy tre
và bụi duối và hàng keo…bờ giếng
vàng mênh mông hương đất nức sau hè
ôi tiếng hót dễ thương chi lắm vậy
dập dồn dâng cao vút, vỡ mang mang
Đọc thơ, tôi mới ngộ ra tiếng chim hót phải có nơi có chốn. Hót ở nơi cố quận, dù hót bằng cassette, vẫn thấm hơn chim thật hót tại quê người. Tiếng chim, nghe chừng không đơn giản!

Song Thao
11/2017
Trích Phiếm 20.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất