Tháng ba USS Carl Vinson.


RFA
2018-03-12

Một hải quân chụp ảnh hoàng hôn trên vịnh Đà Nẵng trong thời gian USS Carl Vinson cập cảng này.
Một hải quân chụp ảnh hoàng hôn trên vịnh Đà Nẵng trong thời gian USS Carl Vinson cập cảng này.
 AFP

Trong 2 tuần đầu của tháng 3 này có 2 sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của nhiều người dân trong nước và truyền thông quốc tế. Đó là chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975 và mốc lịch sử 30 năm trận thảm sát lính Việt Nam mà Trung Quốc ra tay tại bãi đá Gạc Ma năm 1988.
Hai sự kiện này trong toàn cảnh Biển Đông được những người quan sát nhìn nhận thế nào?

USS Carl Vinson và Đà Nẵng

Người dân thành phố Đà Nẵng đã trải qua 4 ngày được gọi là những ngày hội giao lưu văn hoá khi nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu thả neo tại Vịnh Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm được cho là lịch sử từ ngày 5/3 đến ngày 9/3/2018 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Giới quan sát cho rằng sự kiện này chứng tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ đến vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng mà Trung Quốc muốn kiểm soát.
Theo giáo sư Tương Lai, một vị nhân sĩ được nhiều người biết đến tại Việt Nam, thì khoảng 1 tháng trước đây, ông Nguyễn Tiến Hưng, từng là Quốc Vụ khanh thời Việt Nam Cộng Hoà, và là người am hiểu về tình hình trước và sau năm 1975 có 1 bài phân tích ông cho là rất hay.
“Bài phân tích đó nói về Đà Nẵng và chiến lược của Hoa Kỳ với Viêt Nam. Đà Nẵng luôn luôn là 1 điểm nhạy cảm vào bậc nhất trong quá trình xúc tiến cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như kết thúc cuộc chiến tranh đó.
TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ, trả lời báo trong nước khẳng định rằng “hợp tác quốc phòng - quân sự là một trong những nội dung quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong quan hệ song phương, mang ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ, nhất là giữa các đồng minh, đối tác".
Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Bảy của Mỹ ở Thái Bình Dương là ông Phillip Sawyer đã trả lời các nhà báo ở Đà Nẵng rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cũng như sự có mặt của ông ở Đà Nẵng là vì Việt Nam, vì quan hệ toàn diện Mỹ Việt trong đó có quan hệ quân sự.
Tàu này đến, nên đặt trong phạm vi chiến lược toàn cầu của Mỹ và vấn  đề chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam. - GS Tương Lai

USS Carl Vinson và Trung Quốc

Viện dẫn cùng với ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, nhân vật được Giáo sư Tương Lai nhìn nhận là người am hiểu về Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, nói rằng “Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng này, là Mỹ ngay dưới thời Tổng thống Trump vẫn hết sức quan tâm đến Biển Đông và khu vực Đông Nam Á này”, và ông nói thêm:
“Tàu này đến, nên đặt trong phạm vi chiến lược toàn cầu của Mỹ và vấn  đề chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam.”
Do đó, trả lời cho câu hỏi liệu sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng có phải là câu trả lời của Hoa Kỳ đối với sự  bành trướng ở Biển Đông hay không, Giáo sư Tương Lai khẳng định:
“Theo tôi điều đó là có. Biểu thị đó không phải chỉ là ở chỗ sự hiện diện của Carl Vinson mà thôi mà của những nhà lãnh đạo hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.”
Chuyến thăm này đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ trong lần trả lời phỏng vấn của RFA đã đưa ra nhận định:
“Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.”
Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam. - GS Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Giáo sư Tương Lai, chính tờ Washington Times cũng có 1 bài viết dẫn lời Chuẩn đô đốc - Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson John Fuller nói về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng nói riêng và Biển Đông nói chung.
“Sự hiện diện của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn. Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng tôi có mặt trong vùng biển Nam Trung Hoa và đang hoạt động ở đây. Mục tiêu của tàu Carl Vinson ở Biển Đông để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ, và hợp tác với đối tác và đồng minh. Tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc, vùng biển này không phải của riêng họ.
Cho nên vấn đề người Trung Quốc không thích chuyện này là điều quá rõ.”
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc Bắc Kinh hôm 7/3/2018 bình luận rằng Trung Quốc không hài lòng việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam, nhưng không nói rõ lý do. Tuy nhiên bài báo nhấn mạnh sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ không thể làm đảo lộn cán cân quân sự tại Biển Đông, không thể gây sức ép đặc biệt nào lên Trung Quốc, và người Mỹ chỉ phí tiền để làm việc đó mà thôi.

USS Carl Vinson, Gạc Ma

Hãng thông tấn Reuters từng đưa ra nhận định sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biển Đông.
Mấy ngày sau đến thời điểm đánh dấu một sự kiện khác mà bấy lâu nay  nhiều người Việt Nam kêu gọi nhau ‘không thể quên’: đó là trận thảm sát tại bãi đá Gạc Ma – Trường Sa nơi 64 tử sĩ đã nằm xuống vào ngày 14/3/1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc .
Năm nay, đánh dấu tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma – Trường Sa, Giáo sư Tương Lai phân tích với chúng tôi quan điểm của ông khi được hỏi liệu phải chăng mốc thời gian diễn ra sự có mặt của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng có vẻ như là 1 sự trùng hợp có chủ ý?
“Người Mỹ chẳng hơi đâu nghĩ đến những vấn đề 30 năm kỷ niệm Gac Ma, không nằm trong tư duy chiến lược của họ.”
Người Mỹ chẳng hơi đâu nghĩ đến những vấn đề 30 năm kỷ niệm Gac Ma, không nằm trong tư duy chiến lược của họ. - GS Tương Lai
Trong khi đó Giáo sư Tương Lai tiết lộ 1 chi tiết từ những nguồn tin mà ông có được liên quan vấn đề Gạc Ma:
“Ngày 27/2 trong 1 giao ban báo chí, có 1 ý người ta cân nhắc và bình luận nhiều, đó là kỷ niệm 30 năm Gạc Ma được tuyên truyền cổ vũ cho tinh thần anh hùng chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma. Có  1 câu như thế. Chúng tôi đang chờ, đến ngày 14/3 sắp tới, trong ứng xử người ta ứng xử thế nào thì mới bình luận được.”
Xét ở một góc độ nào đó, có thể về chiến lược quân sự, chính trị, ngoại giao hay chỉ là sự trùng hợp về cột mốc thời gian như đã đề cập ở trên, có thể thấy sự tương quan giữa Carl Vinson, Gạc Ma và Biển Đông hay không?
Phân tích điều này theo ý kiến cá nhân, giáo sư Tương Lai cho rằng ‘có khả năng đó”.
“Gắn 3 sự kiện này rất đúng vì nó là thời điểm diễn ra.”
Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc Trung Quốc liên tục gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.


Tiến Thiện, RFAMột sĩ quan hải quân Hoa Kỳ chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia Việt Nam trên tàu USS Carl Vinson (CVN-70), neo ở bờ biển Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3 năm 2018.
Một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia Việt Nam trên tàu USS Carl Vinson (CVN-70), neo ở bờ biển Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3 năm 2018.
 AFP

Dân Đà Nẵng với chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ

Sự kiện nhóm tàu do hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam từ ngày 5/03/2018 được truyền thông và người dân trong nước quan tâm theo dõi, đặc biệt là với người dân Đà Nẵng.

'Chúng tôi quan tâm'

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm người dân Đà Nẵng đã đổ xô đến những vị trí có thể quan sát được hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson của Mỹ. Các địa điểm như bán đảo Sơn Trà và một số bãi biển có đông đảo phóng viên và người dân tập trung để quan sát được con tàu được đánh giá là hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc này.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với một số người dân Đà Nẵng về suy nghĩ của họ xung quanh sự kiện được cho là “mang tính lịch sử” này.
Sinh viên Hồ Quang Huy đang quan sát tàu sân bay USS Carl Vinson cho chúng tôi biết lý do bản thân quan tâm đến sự kiện hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng:
Hồ Quang Huy: “Thật ra em rất là ghét Trung Quốc. Người Trung Quốc ở đây nhiều quá. Với lại em nhìn thấy người Mỹ thì em thích.. Nói chung nhìn nó hoành tráng, và mở ra một tương lai ngoại giao gì đó với Mỹ hay sao đó.”
Một người dân Đà Nẵng khác, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ:
Ông Nguyễn Văn Hải: “Chúng tôi quan tâm chứ. Chúng tôi là những người dân sống nhờ biển. Và anh em của chúng tôi, dân biển chúng tôi trực tiếp bị hại dưới tay những kẻ xâm chiếm Biển Đông. Và bây giờ có một chiến hạm của Mỹ đã vào biển đông. Như thế chúng tôi vẫn an tâm. Sau lưng chúng tôi vẫn có những người công chính để bảo vệ những người yếu ớt như chúng tôi. Trong khi đó thì chính phủ của chúng tôi không quan tâm đến chúng tôi.”
Tôi chỉ mong đất nước thoát khỏi “cái ách” này. Nhờ ai? Nhờ những bạn đồng minh trung thực chứ không phải “bạn vàng."
- Người dân Đà Nẵng
Trái ngược với sự hồ hởi của người dân, Theo truyền thông Việt Nam, lễ đón tàu không có đại diện cấp cao Việt Nam mà đại diện phía chủ nhà chỉ là các quan chức của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Chúng tôi trao đổi với nhiều người và cũng ghi nhận một thái độ né tránh trả lời phỏng vấn ở một bộ phận không nhỏ. Có người ngại nói lên quan điểm mình nhưng bên cạnh đó cũng có người thờ ơ và cho rằng không quan trọng.
Nhận xét về tương lai mối quan hệ Việt – Mỹ sau chuyến thăm của tàu khu trục của Mỹ, ông Nguyễn Văn Hải nói lên kỳ vọng của mình.
Ông Nguyễn Văn Hải: “Tôi rất mong đợi. Mong đợi ở đây, cái đầu tiên chưa nói đến tương lai. Nhưng mà hiện tại chúng ta chơi với những người văn minh hơn, thượng tôn pháp luật và những người biết trái biết phải hơn thì chúng ta cũng sẽ văn minh hơn. Và từ đó xã hội sẽ văn minh hơn, và con người cảm nhận và biết quý trọng cái sự dân chủ là như thế nào. Vì chúng ta chơi với dân chủ thì chúng ta sẽ học được cái tốt của dân chủ. Tôi chỉ mong đất nước thoát khỏi “cái ách” này. Nhờ ai? Nhờ những bạn đồng minh trung thực chứ không phải “bạn vàng”. Những bạn đồng minh trung thực và muốn chúng ta được tự do, dân chủ, không bị o ép bởi thế lực nào, o ép bởi đảng phái độc tài nào.”

'Hy vọng trời sẽ sáng!'

Như nhiều bạn sinh viên khác, anh Hồ Quang Huy không thực sự mặn mà với hiện tình chính trị Việt Nam nhưng anh cũng nói lên hiểu biết và mong ước của nhiều bạn bè anh.
Hồ Quang Huy: “Em cũng không quan tâm vấn đề thời sự lắm. Nhưng việc thăm của tàu sân bay, thì em rất muốn người Mỹ họ hiện diện tại Việt Nam chứ không phải là người Trung Quốc.
Em không biết về chính trị nhiều. Nhưng em không thích chính quyền mình thân với Trung Quốc.. Mà tương lai em mong không phải chỉ có một mà có nhiều cái tàu của người Mỹ họ vào như vậy.”
Tương lai Việt Nam không thể chỉ dựa vào một cái tàu sân bay của Mỹ được. Mà nó phụ thuộc vào toàn dân Việt Nam.
- Hoàng Thị Hồng Thái
Bày tỏ sự quan tâm nhưng nhà hoạt động Hoàng Thị Hồng Thái sinh sống tại Đà Nẵng nêu lưu ý.
Hoàng Thị Hồng Thái: “Việt Nam đã đón chào rất nhiều nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Mỹ Obama đã từng sang Việt Nam, tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng từng tới Việt Nam. Tương lai Việt Nam không thể chỉ dựa vào một cái tàu sân bay của Mỹ được. Mà nó phụ thuộc vào toàn dân Việt Nam.”
Hồ Quang Huy cũng nêu ra cảm nhận của anh về tương lai của mối quan hệ Việt – Mỹ.
Hồ Quang Huy: “Với tình hình thực tế thì em thấy nó giống như là cái kiểu mấy ông lãnh đạo mình thân Trung nhiều quá. Vài lần em coi thời sự em thấy người Mỹ họ sang thì không có động thái gì, còn người Trung Quốc họ sang thì mình bắn pháo nhiều lắm. cho nên cái việc có cho vào hay không thì cũng không nói lên được điều gì. Thứ hai là em ra đây chơi từ qua tới giờ, em thấy cái tàu kia cứ đứng vậy, không được vào cảng. Việt Nam mình giống như là kiểu đi hàng hai vậy đó. Chứ mấy ông chính quyền mình hơi đâu anh. Mấy ông làm gì thân Mỹ mấy ông thân Trung thôi. Mấy ông chẳng qua là dằn mặt nhau thôi.”
Qua chuyến thăm này, Ông Nguyễn Văn Hải dù dè dặt trong kỳ vọng nhưng vẫn mong nhà cầm quyền Việt Nam trả lại quyền tự quyết và biết “chọn mặt gửi vàng”.
Ông Nguyễn Văn Hải: “Tôi không dám nhận định. Nhưng hy vọng trời sẽ sáng. Và chúng ta không còn nhất nguyên nữa. Nhất nguyên là độc đảng mà từ mấy anh vận hành. Chúng tôi chỉ mong đa đảng và hãy trả về quyền cho người dân của chúng tôi để chúng tôi tự quyết tương lai của chúng tôi và đất nước chúng tôi. Không nên nghiêng về “bạn vàng” hay “bạn đỏ” gì cả mà để chúng ta tự quyết.”
Lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cùng các tàu tuần dương hộ tống đã ghé thăm Đà Nẵng, một cơ sở chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam trước đây.
USS Carl Vinson thăm Việt Nam cũng được các chuyên gia coi là sự đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất