Trả Hiếu

Trả Hiếu
Truyện ngắn của Hải Lê
(Viết cho Ngày Lễ Của Mẹ. Happy Mother’s Day!)


*Truyện có thật ở San Jose, chỉ đổi tên các nhân vật!
http://i59.tinypic.com/30iz2if.jpg

Chưa bao giờ trong cuộc đời bà Liên nếm những giây phút ngọt ngào hạnh phúc như thế. Bà gánh rau ra chợ Phú Nhuận bán, ngày thường như những gánh nặng oằn lên đôi vai gầy, sao hôm nay lại nhẹ tênh! Chỉ vì bức thư của thằng con trai tên Tâm, kèm theo cả hình ảnh gia đình nó nữa, vẫn còn nằm yên trong túi chiếc áo bà ba của bà đây, cẩn thận bà còn gài thêm chiếc kim băng phía ngoài. Bây giờ cả xóm Chùa Hưng Thạnh đã biết rõ tin vui này. Đánh tan dư luận mười mấy năm qua, bà là người mẹ vô phước, có con bên Mỹ mà không liên lạc, không gởi về giúp đỡ người mẹ cực khổ dù…một cắc! Có thế chứ, con trai của bà cũng phải khác người, cả đời chờ đợi giây phút này, rồi cũng đến!

Nhớ ngày khi nhận được lá thư của đứa con trai, gần 20 năm rồi chứ ít sao, bà mừng quên ăn quên ngủ hơn cả một tuần lễ. Đọc lá thư mà không cầm được nước mắt. Bà đọc đi đọc lại, rồi tiến đến bàn thờ của người chồng thắp nhang cả chục lần trong ngày. Bà thầm trong miệng: “Mình ơi, dậy mà coi thằng con trai mình nè, giờ nó đã học thành tài, trả hiếu mẹ nó ra sao.”

Nhớ lại ngày 30 tháng 4, 1975. Cả nước quấn khăng tang, riêng bà thì quấn khăn tang thứ thiệt! Chồng bà được báo tin chết ở mặt trận Long Khánh! Chiến đấu cả chục năm không chết, sao lại chết vào giờ phút cuối cùng!

Tuy nhiên sau ngày “giải phóng” bà cũng còn chút an ủi, thà rằng ông ấy chết như thế cũng hay, còn hơn những bà bạn mang tiếng có chồng, cuộc sống còn khó khăn hơn những người có chồng chết. Có chồng cũng như không, tay nuôi con, tay thăm chồng trong trại cải tạo, còn bà chỉ cần chịu khó lam lũ nuôi thằng Tâm lúc đó gần 11 tuổi là xong.

Giải phóng gì đâu, kéo Xuống Hố Cả Nước (XHCN) thì có. Bữa đói bữa no, ăn khoai độn sắn, thê thảm chưa từng thấy. Chính vì thế vài năm sau đó nảy ra phong trào vượt biên, ai cũng tìm đường vượt biên, thoát khỏi cái cảnh địa ngục trần gian này. Đến nỗi ai cũng công nhận “Cái cột đèn có chân, nó cũng vượt biên!”

Nhớ lại ngày lo được một chỗ cho thằng Tâm trên con tầu, sợ nó quyến luyến mẹ không đi, bà đã cầm tay gạt nước mắt nói với nó: “Con còn trẻ, phải ra nước ngoài mới có tương lai, ở lại đất này, không phải con chết, mà mẹ cũng chết.” Không ngờ thằng Tâm chẳng thắc mắc gì cả, chỉ đặt câu hỏi “Sao mẹ không đi với con?” Bà thẳng thắn: “Mình không đủ tiền con ạ, vả lại mồ mả cha mày còn đang nằm ở nghĩa trang Biên Hòa kia, bỏ đi cũng tội cho ông ấy, không có ai bầu bạn nhang khói.”


Trời Phật độ, chuyến tầu vượt biển của thằng Tâm may mắn an tòan đến đất tự do, sau đó bà nhận được vài ba lá thư từ thằng Tâm, cái kể cảnh sống trên đảo tị nạn ra sao, cái sau cùng thông báo, nó được qua Mỹ và được một nhà thờ phía bên miền đông bảo lãnh cho ăn học. Rồi nó tâm sự: “Vừa làm vừa học, nên không có thời giờ viết thư, xin mẹ đừng mong thư.” Từ ngày đó không còn cái nào khác!

Bà cũng thông cảm, qua hơn mười mấy năm, tuần trước, bà mới nhận lại lá thư từ…thiên đàng! Phải nói đúng là thiên đàng, vì mọi thứ quá tốt đẹp hơn cả trăm lần bà mơ ước. Tâm thông báo đã tốt nghiệp văn bằng bác sĩ, đã lập gia đình, kèm theo là tấm ảnh của vợ con nó. Con dâu bà ôi tươi đẹp duyên dáng làm sao. Đứa cháu nội tên John, 2 tuổi nhìn chỉ muốn…cắn! Nhưng câu xúc động nhất của lá thư là: “Tụi con đang làm thủ tục bảo lãnh mẹ, chỉ vài tháng nữa thôi, sẽ đón mẹ qua Mỹ sống với tụi con! Tiện đây tụi con biếu mẹ 2 ngàn đô, biếu ai thì biếu, hay để mẹ muốn tiêu gì thì tiêu, trước những ngày rời khỏi quê hương.”

Giờ phút mong đợi của bà Liên sau vài tháng rồi cũng đến. Sáng hôm đó khi chiếc “ô tô con” bóng lưỡng đậu trước căn chòi lá của bà Liên, cả xóm chùa không biết ai đã báo tin, tụ tập đông nghẹt người. Đám đông tò mò “ Coi thằng Tâm sau gần 20 năm trời ra sao.” Từ trên xe, Tâm dắt vợ, bế con bước vào chòi lá, ai cũng khen thầm “Sao bà Liên có phúc thế! Chả bù với nhà mình…”

Bà Liên mừng mừng tủi tủi cứ nắm thật chặt tay đứa con trai, tay kia gạt nước mắt: “ Mẹ nhớ con quá, con đã lớn vầy rồi sao.” Thằng Tâm: “Mẹ cứ làm như con ngày nào, gần 20 năm rồi chứ bộ! À quên đây là dâu và đứa cháu nội của mẹ.”

Sau giây phút trùng phùng cảm động kéo dài hơn 10 phút, bà Liên chợt nhớ ra: “Phải bầy gì cho các con ăn chứ” Nói là làm, bà bước tới bàn thờ có hình chồng, bê những dĩa đồ ăn còn dính bụi nhang, như thói quen, chu miệng thổi đi rồi bày lên bàn. Nếu chú ý thấy vợ của Tâm nháy mắt, Tâm mau mắn: “Cám ơn mẹ, tụi con vừa mới ăn sáng rồi mẹ ạ. Mẹ còn nhớ thằng Hùng bạn con hồi nhỏ không, bây giờ nó làm lớn lắm trong chính quyền, sáng nay tụi con có đi ăn sáng với vợ chồng nó, bàn chuyện làm ăn ý mà. Mẹ à, tụi con sẽ đi du lịch 2 tuần lễ, trong thời gian này mẹ sửa soạn, rồi tụi con trở lại đưa mẹ qua Mỹ.”

***


Rồi cuối cùng bà Liên cũng đến Mỹ, mới đầu tình cảm “mẹ mẹ con con” thật ấm áp, sau vài tháng niềm vui đoàn tụ càng ngày càng phai nhạt dần. Bà Liên thấm dần nỗi buồn nhớ xót xa của một người có tuổi phải xa lìa quê hương, chòm xóm. Vợ chồng thằng Tâm thì phải đi làm từ sáng đến tối mới trở về nhà. Bà Liên lủi thủi chăm sóc đứa cháu nội. Mới đầu bà còn bận nấu nướng, bận rộn cũng quên đi nỗi buồn, sau này thì không, vợ chồng thằng Tâm không ăn được những món bà nấu, nên bà nấu gì thì ăn…một mình! Vợ chồng tụi nó ăn riêng.

Việc chăm sóc đứa cháu nội cũng làm phật lòng vợ chồng con cái không ít, nhất là với đứa con dâu của bà, ngày nào cũng lên giọng không việc này cũng việc kia: “Sao mẹ không biết đọc chữ, đồ ăn quá hạn sao lại cho cháu ăn.” hay “ Mẹ dừng xức dầu cho thằng John nữa, con chịu không nổi mùi…thúi này!” Những lúc này bà chỉ biết lui vào phòng âm thầm gạt nước mắt.

Càng ngày bà càng tủi thân, cảm tưởng như mình vô dụng. Hễ vợ chồng thằng Tâm về, bà vội bàn giao đứa cháu nội, lui vào phòng, bật cái TV, nhìn vào hình ảnh nhạt nhòa vì nước mắt. Những phút này bà mới tiếc nuối những tình cảm chòm xóm bên kia bờ Thái Bình Dương, nhớ đến nấm mồ người chồng không nhang khói. Nhưng biết làm sao bây giờ.

Một bữa vợ chồng Tâm mời Bà ra thưa chuyện, trên bàn bên cạnh thằng Tâm có một xấp giấy tờ, mở đầu Tâm nói: “Con đã xin được cho mẹ tiền già, nhưng sống ở trên đất Mỹ này, không ai có khả năng lo cho người khác được, nên con đã mua cho mẹ một cái bảo hiểm nhân thọ, 2 triệu đô, nếu trừ tiền bảo hiểm, con sẽ đưa mẹ 2 trăm mỗi tháng còn lại.” Bà Liên thấy cay cay đắng đắng muốn trào lên mắt, bà thoáng thấy một chút sự thật, giọng run run, nhưng bà cố sức lấy giọng bình tĩnh trả lời: “Các con đã đưa mẹ qua đây, tùy ý các con tính, sao mẹ cũng chịu.”

Bây giờ, sau 2 năm, có lẽ niềm vui nhất của bà là cái…thùng thơ! Vui buồn cùng những lá thư từ bạn bè hàng xóm từ quê hương gởi qua. Tuy bà biết trong 10 lá thư thì cũng có 6, 7 là thư xin tiền, mà lòng bà vẫn vui “tội nghiệp, họ khổ quá mà!” Nhưng ít ra họ cũng còn nghĩ đến mình. Còn cái xứ ê hề vật chất ở đây, lại để mình cơ đơn. Nhưng với số tiền 200 đô la hàng tháng giúp họ như…muối bỏ biển. Cứ giúp người này, lại áy náy không giúp được người kia.

Đường xá nơi đây bà cũng bắt đầu quen thuộc. Lại may mắn kết hợp được, một hai bà bạn bày cách. Một hôm bà gặp Tâm nói: “Mẹ già rồi, sức khỏe càng ngày càng suy yếu, để cải thiện, mỗi sáng để mẹ đi bộ chung quanh xóm một tiếng đồng hồ được không?” Tâm trả lời: “ Mẹ thích làm gì tùy ý, mới giờ đó thằng John vẫn chưa thức dậy cơ mà.”

Từ đó, dọc con đường khu Capitol. Epx way, khi trời gần về sáng, có một người đàn bà lớn tuổi, tưởng bà chạy bộ, nhưng lại ngừng các ngõ ngách, dừng lại bất cứ nơi nào nhìn thấy lon nhôm, lon nhựa, cẩn thận thu lượm bỏ vào một cái túi giấy!

***


Tin một bà cụ tập thể dục bị dụng, tài xế xe bỏ chạy làm cộng đồng địa phương xót sa. Nhưng vợ chồng Tâm đón nhận khá bình tĩnh, không ngờ nó lại đến sớm hơn những gì đã dự liệu! Tấm chi phiếu 2 triệu đô tiền bảo hiểm nhân thọ, hiện ra trước mặt, làm Tâm quên ngay đi nỗi buồn mất mẹ!

Đám ma bà Liên rất lớn, mẹ của một bác sĩ, con dâu lại làm lớn trong một hãng điện tử phải khác người thường chứ! Ai đến nhà quàn thăm viếng bà Liên lần chót cũng an ủi vợ chồng Tâm: “Số mệnh mà. Nhưng bà có phước, được con trai bảo lãnh, sống vui vẻ đến cuối đời!” Một bà hỏi “Trước đó bà có căn dặn gì không con?” Tâm mau mắn “Mẹ con thường hay tâm sự, nếu có bề nào, mẹ muốn được thiêu và tro cốt muốn được chôn bên cạnh mộ ba con ở Việt Nam.” Bà bạn mẹ còn ân cần căn đặn: “Nhưng sau 100 ngày, mới nên đưa tro cốt bà về quê hương.”

Tin đám ma bà Liên dược một vài tờ báo trong vùng đăng tải, khen ngợi vợ chồng Tâm là người con có hiếu, cáo phó phân ưu tràn ngập trên nhiều tờ báo. Vợ chồng Tâm rất thỏa mãn, không nói ra, nhưng vợ chồng đều có chung một ý nghĩ “vừa có tiếng lại có miếng!” Cơ hội may mắn thật hiếm có trên cuộc đời này.

Sau 100 ngày, đánh dấu ngày bà Liên qua đời, nhớ thời gian phải mang tro cốt mẹ về VN, Tâm đã gọi cho Hùng: “Cậu làm lớn bên đó, muốn nhờ cậu mua giúp tớ một mảnh đất khang trang, để làm mộ cho song thân của tôi, cậu giúp được không?” Hùng cười to, đon đả: “ Chuyện quá dễ, để tớ lo cho. Mọi chi phí biếu cậu luôn, như là chút phúng điếu cho phải nghĩa. Tớ với cậu là bạn bè thân từ bé, có mối làm ăn này này hấp dẫn lắm, muốn mời cậu tham gia, chẳng phải làm gì cả, lại lời to! Cậu có tin không, chỉ cần mở một trương mục, tên của cậu, chẳng ai chấm mút gì được trong tài khoản này cả. An tòan chưa, hễ cậu bỏ vào tài khoản này 1 ngàn, một tháng cậu thu được 100 tiền lời! Cậu cứ thử đi, cứ thế đi, rồi ngày nào cậu về VN, mình gặp nhau, sẽ bàn về những chuyện làm ăn lớn hơn nữa.”

Tâm bán tính bán nghi “Tội gì mình không thử xem, an tòan quá mà!” Ai ngờ Tâm như trúng số …lần thứ hai! Mới lần đầu Tâm bỏ vào trương mục này mười ngàn đô la, chưa đến cuối tháng, Tâm đã nhận được tấm chi phiếu một ngàn đô la trong…thùng thơ! Đi đâu mà kiếm!

Càng ngày Hùng càng tạo cho Tâm vững chắc niềm tin. Tâm sung sướng quá, không có dịch vụ nào, chẳng phải làm gì cả, lại sinh lợi lớn như thế. Thế là bao nhiêu tiền Tâm có, đều gạt hết vào trong “tài khoản đặc biệt” này, còn nợ thêm bạn bè, người thân để bỏ vào, lấy lời cho mau.

***


Rồi vợ chồng Tâm cũng thu xếp được công việc, chuyến đi VN này có mang tro cốt của mẹ. Máy bay vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chưa kịp xuống máy bay, 4 tên công an chen ngược hành khách, đến trước mặt vợ chồng Tâm, một tên nói: “Chúng tôi được lệnh bắt giữ ông bà, vì ông bà có bằng chứng phạm pháp, xin theo chúng tôi làm việc!”

Sau khi chúng còng tay, dắt đến một căn phòng nhỏ, lại có thêm 2 tên công an nữa, đứng trước một cái bàn, trên có vali hành lý của vợ chồng Tâm. Một tên công an vỗ bàn nói: “ Chúng tôi được quyền kết tội ông bà…buôn bán ma túy! Bằng chứng là, trong hũ tro cốt, ông bà mang theo, giả mạo để qua mắt chính quyền!” Vừa nói tên này mở nắp hũ tro cốt, đổ ra mặt bàn kiếng, toàn chất…mầu trắng như xà bông bột! Cả vợ chồng Tâm há to miệng, mồ hơi lấm tấm trên mặt, đôi chân mềm nhũn như muống té xuống sàn. Nhưng Tâm còn khá sáng suốt, móc ra một tấm danh thiếp trao cho tên công an, nói: “Nhờ anh liên lạc với người người bạn thân của tôi, có thể cứu giúp gì cái tội oan ức của vợ chồng tôi được không?”

Chỉ không chưa đầy nửa tiếng sau thì Hùng tới. Sau khi nói chuyện với đám công an, Hùng đến nói với vợ chồng Tâm, nhìn hai khuôn mặt xanh như tầu lá chuối: “Tội này ngặt lắm, có thể tử hình như chơi! Tôi đã làm việc với họ, với điều kiện sáng mai anh chị phải gặp tôi, nếu mọi việc suông sẻ, anh chị được rời khỏi nước trong vòng 24 tiếng.” Vợ chồng Tâm mừng húm, gật đầu lia lịa.

Sáng hơm sau, Hùng chở vợ chồng Tâm đến một nhà “bank”, làm một cái giấy ủy quyền sang hết tài khoản đầu tư này qua tên cho Hùng, Tâm tức giận muốn nghẹt thở, biết mình đính vào một âm mưu hèn hạ, nhưng “cá nằm trên thớt”, thà mất tiền còn hơn mất mạng! Biết làm sao bây giờ. Vừa run run ký vào tờ giấy, vừa phải tươi cười bắt tay với tên ăn cướp nói lời cám ơn vì “bạn bè đã lo cho nhau!”

Về đến khách sạn, mặt hai vợ chồng như hai cái bánh tráng thấm nước, chỉ biết nhìn nhau thở dài, mong cho tới giờ rời khỏi cái địa ngục này, Tâm nói với vợ: “Trong khi chờ đợi đến sáng mai, tại sao anh và em không đến nghĩa trang Biên Hòa tìm mộ của ba, một công đôi chuyện, chứ nằm chờ sốt ruột lắm.”

Sau 2 tiếng tìm kiếm, đọc tất cả tên trên mộ bia, Tâm bắt đầu lấm tấm mồ hơi hột, không có mộ bia nào trùng tên của ba Tâm cả. Hỏi thăm một người gần đó cho biết, một số lô đã được cải táng không biết mang đi đâu. Đất nghĩa trang ngày đang được nhà nước quy hoạch. Chán nản vợ chồng Tâm trở về khách sạn.

Sáng hôm sau, trên chuyến may bay trở về Mỹ, hai người như cái xác không hồn, gần đến Mỹ, vợ Tâm mới thốt ra lời “Mai tôi sẽ ký giấy ly dị, tôi không thể sống với…một con bò!”

***


Việc đầu tiên về nhà, nhớ đến những việc cần làm, Tâm lao vào phòng mẹ, với ý định dọn dẹp sạch sẽ để cho thuê! Đã mất vợ, không biết cách lo, mất cả nhà thì chỉ có nước…ra ngoài đường ở mà thôi!

Đang dọn dẹp, đến cái tủ quần áo, thấy một hộp gỗ khóa bằng một chìa khóa nhỏ, thắc mắc mẹ chứa gì trong hộp gỗ này, mở ngăn tủ, lấy cây kéo, nậy ổ khóa ra, Tâm bắt đầu lục lọi. Đầu tiên là những tấm hình Tâm hồi nhỏ, được người cha mặc bộ quân phục bồng trên tay, bên cạnh là mẹ đang tươi cười, mắt Tâm bắt đầu cay sè! Rồi những tấm hình Tâm còn bé, đang giỡn vui với mẹ, được cha chụp lén, thật sống động hạnh phúc, làm lòng Tâm như có ai đang cào cấu. Bỏ qua xấp hình, cái gì đây, ủa sao lại có tờ giấy chứng nhận mẹ đã…bán trái thận? Rồi một xấp thơ bạn bè chòm xóm bên VN gởi cho mẹ. Cuối cùng là tờ giấy gấp làm bốn, không có phong bì, Tâm vội mở ra, nét chữ mẹ đây mà, người nhận lại…là Tâm! Linh tính đây là lời quan trọng mẹ dặn, mắt Tâm nhạt nhòa, nhưng vẫn cố gắng đọc từng chữ:

“Tâm con thương yêu của mẹ,

Mẹ biết chắc thế nào con cũng đọc được những dòng chữ này, thì mẹ cũng đã về chỗ với ba con. Dù mẹ không còn trên cuộc đời, nhưng mẹ muốn nói với con một vài điều, mà khi mẹ còn sống không thể nói với con được:
-Trước nhất, mẹ xin lỗi, mẹ không có sức khỏe để giúp vợ chồng con chăm sóc cháu John tốt hơn, vì khi lo cho con vượt biên, không đủ tiền, mẹ phải bán trái thận của mình để lo cho con, nên sức khỏe mẹ có hạn, không được như những người đàn bà khác!

-Điều kế tiếp, con phải hứa với mẹ, tiếp tục giúp đỡ ông Tám cụt chân, bà Bảy mù, con Tấm què ở xóm mình nhé, ờ còn trong chùa Hưng Thạnh có nuôi 20 em thiếu nhi mồ côi nữa. Họ tội lắm, sống cuộc đời mà chẳng ai cần để ý đến những số phận hẩm hiu của họ con à. Hy vọng con có điều kiện vật chất giúp đỡ họ tốt hơn mẹ nhiều. Thật ra 200 đồng con đưa mẹ hàng tháng, chẳng thấm vào đâu, mỗi buổi sáng mẹ nói với con đi tập thể dục, là để đi nhặt lon nhôm, lon nhựa để có thêm chút ít giúp đỡ họ…….”

Tâm không thể đọc thêm nữa, bây giờ thì Tâm đã hiểu tất cả, Tâm ôm đầu hét lớn: “Mẹ ơi! Con đã giết mẹ rồi!” đập tay, dậm chân xuống sàn nhà, khóc ngất như một đứa con nít. Tâm bây giờ mới thấm thía thân phận đứa con mồ côi trên cõi đời này, tro cốt mẹ cũng không giữ được, mộ cha cũng phiêu bạt nơi dâu. Tâm rống lên “Cha mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu!”

Trong khi đó nơi thành phố có tên Hồ Chí Minh, trong một nhà hàng cực kỳ sang trọng, trên bàn nhậu đầy cao lương mỹ vị, rượu ngon hàng chục chai, những tên công an vây quanh hả hê tươi cười. Hùng đập tay lên bàn để mọi người chú ý, rồi lôi ra một bịch nylon quăng lên bàn hỏi: “ Đố tụi bay trong bọc này có gì bên trong?” Đám công an lắc đầu, Hùng trả lời: “Chúng ta là những đỉnh cao trí tuệ, lừa lấy cả được Miền Nam! Tao cũng vừa lừa được một thằng bác sỹ, tưởng nó khôn, ai ngờ không bằng đứa con nít. Tro cốt của mẹ nó đấy, đổi ra mấy triệu đô chứ ít sao. Bà già này linh thiệt, không giúp con bà mà lại giúp tao, để nhớ ơn, ngày mai tao sẽ lên chùa, gởi bà vào đó, để hưởng chút nhang khói, ăn trái nhớ kẻ trồng cây mà tụi bay, …sống có nghĩa, trời mới thương!...”

Vài tháng sau, tại một thành phố có đông người Việt nhất nước Mỹ, có tên mỹ miều là Thung Lũng Hoa Vàng, trong số cư dân homeless, lại có thêm một người Việt, mất vợ mất con, mất nhà mất xe, ra ngoài đường ở. Để đánh dấu ngày “lịch sử” này, Tâm ra tòa án thành phố đổi tên, Trần Tâm thành Trần Truồng! Cô thư ký tòa án lắc đầu: “Trần Truồng đã có người lấy rồi, còn Trần Như Nhộng! thì chưa, ông có muốn tên này không?”

Tâm gật đầu, Trần Truồng mà cũng có người lấy, thì còn cái đ…gì trên cuộc đời này nữa! Tội bất hiếu, đâu có ghi…trong luật pháp! Tại sao ta phải bị phạt nặng nề thế! Cha mẹ ơi!

Viết cho Ngày Lễ Mẹ. Happy Mother’s Day!
San jose 14 tháng 5 năm 2014
Hải Lê




Ít Hình Ảnh Bà Me Việt Nam:













Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất