Kết quả bầu cử ở Đài Loan truyền tải 3 "thông điệp" lớn.

 Kết quả bầu cử ở Đài Loan truyền tải 3 thông điệp lớn   

 Chu Hiểu Huy

image.png

Cuộc bầu cử được nhiều người mong đợi ở Đài Loan vào ngày 13/1 đúng như dự đoán, các ứng cử viên Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan là Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) và Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Meiqin) đã giành chiến thắng và trở thành tân Tổng thống và phó Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc. Ứng cử viên tổng thống Quốc Dân đảng Hầu Hữu Nghi và ứng cử viên Đảng Nhân dân Kha Văn Triết lần lượt tuyên bố thất bại. Khi tuyên bố thất bại, số phiếu giữa ba người cách nhau gần 1 triệu phiếu.

- Người dân Đài Loan đã nhận ra bộ mặt tà ác của chính quyền Trung cộng
- Chính quyền Trung Quốc đã dùng nhiều thủ đoạn để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan nhưng đã thất bại.
- Quá trình bầu cử dân chủ của Đài Loan là hình mẫu cho người Trung cộng.

Mặc dù Đảng Dân tiến không chiếm đa số phiếu trong Quốc hội, điều này có thể sẽ gây khó khăn cho sự điều hành trong tương lai của ông Lại, nhưng đây cũng chính là sức hấp dẫn của nền chính trị dân chủ Đài Loan. Kết quả bầu cử ở Đài Loan đã gửi ba thông điệp lớn tới thế giới:

1. Người dân Đài Loan đã nhận ra bộ mặt tà ác của chính quyền Trung cộng
Trước cuộc bầu cử ở Đài Loan, tôi đã xem một số video phỏng vấn những người trẻ tuổi ở Đài Loan, họ đều hiểu rõ về nhà cầm quyền Trung cộng và Trung cộng, tức là người Trung Hoa đại lục không có tự do và phần lớn tuyên truyền của chính quyền là không đáng tin cậy. Nếu Đài Loan không muốn trở thành một Hồng Kông, bị mất tự do và sức sống thì phải chọn ra người lãnh đạo phù hợp và họ đã bỏ phiếu cho Lại Thanh Đức và Tiêu Mỹ Cầm. Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay cho thấy không ít người Đài Loan hiểu được bộ mặt tà ác của chính quyền Trung Quốc.
Quả thực, người Đài Loan từ lâu đã hiểu rõ giá trị của tự do và giá trị của việc người dân làm chủ đất nước. Như nhà văn nổi tiếng Đài Loan Long Ứng Đài đã mô tả trong bài “Vì sao người Đài Loan không muốn thống nhất với đại lục”:
“Anh ấy ra vào các tòa nhà chính phủ như thể đang bước vào một trung tâm mua sắm. Anh đi làm thủ tục, nộp đơn xin giấy tờ, đóng mấy con dấu, suốt quãng đường đi đều thuận lợi không cản trở. Lấy số rồi chờ đợi, không có ai chen ngang. Đến lượt mình, viên chức công không làm mặt khó chịu hay gây khó dễ cho anh…”
“Việc anh ra nước ngoài du lịch, học tập là điều vô cùng đơn giản và không cần sự chấp thuận của chính phủ, các cơ quan. Anh muốn xuất bản sách thì không cần phải duyệt trước, sau khi viết xong sẽ trực tiếp đến xưởng in và trong vòng một tháng có thể đưa ra thị trường. Nếu muốn tìm thông tin nào đó, anh có thể tìm trên internet, ở các hiệu sách, thư viện, kho lưu trữ các cấp. Sách và tài liệu trong thư viện có thể được mượn mà không có bất kỳ mối quan hệ đặc biệt nào…”
“Anh không sợ cảnh sát vì luật pháp bảo vệ quyền lợi của anh. Anh dám mua nhà vì tài sản riêng được Hiến pháp quy định. Anh đi khám bệnh hay phải nhập viện thủ tục cũng rất nhanh mà không cần hối lộ. Anh có thể lên tiếng và chỉ trích mà không sợ bị trả thù. Khi con thi trượt, ông không phàn nàn vì không phải nghi ngờ rằng kỳ thi gian lận hay không công bằng. Anh có thể hiến máu hoặc quyên góp tiền, anh có thể cho hoặc không mà không bị đặt ra chỉ tiêu cụ thể…”
Trong mắt người dân Đài Loan, việc tất cả quan chức các cấp khi tranh cử đều phải công khai tài sản của mình cho công chúng và chấp nhận sự giám sát của người dân là điều đương nhiên.
Ngược lại, người đại lục, nếu muốn vào hoặc ra khỏi tòa nhà chính phủ, họ phải trải qua các lớp an ninh và phải đăng ký; họ phải làm thủ tục, xin giấy tờ, xin dấu, đòi hỏi phải đi vô số lần, nhưng cuối cùng có thể không có kết quả, đặc biệt là họ phải chứng kiến bộ mặt khó chịu của các công chức.

Tương tự, ở Trung cộng, nếu muốn đi du lịch nước ngoài, phải được người của các cơ quan công quyền cấp hộ chiếu, việc tự ý xuất bản sách là điều không thể tưởng tượng được, bầu cử chỉ là hình thức. Trong các trường đại học, chính trị lấn át giới học giả và quyền lực của bí thư đảng luôn lớn hơn quyền lực của giáo sư. Ngoài ra cảnh sát có thể tùy ý vào nhà người dân, bắt giữ và đánh đập người dân một cách thô bạo, hơn nữa lại dưới danh nghĩa pháp luật, nếu dám chỉ trích, bị cảnh sát trả thù, hay bắt giữ là chuyện rất có khả năng xảy ra...Và muốn xem thông tin thực sự từ nước ngoài, bạn phải dùng phần mềm để vượt tường lửa mới có thể truy cập Twitter, Google, v.v., và chỉ cần không cẩn thận, bạn có thể bị mời đi 'uống trà', bị tạm giữ, hoặc kết án chỉ vì viết gì đó.

Còn việc yêu cầu viên chức chính phủ công bố tài sản còn khó hơn lên trời. Nghe nói có đại biểu Quốc hội đề nghị quan chức công khai tài sản nhưng hầu như quan chức từ trên xuống dưới đều phản đối, lý do là không có quan chức nào tham nhũng, mà chỉ khác nhau về số lượng tài sản.
Tất cả quan chức Trung cộng luôn miệng nói rằng họ “chấp nhận sự giám sát của nhân dân” nhưng chưa bao giờ họ để luật pháp hay người dân lọt vào mắt họ. Thậm chí có quan chức còn công khai hét lên: “Có nghĩa là quyền lực lớn hơn luật pháp!”
Rõ ràng, sự khác biệt lớn nhất giữa người Đài Loan và người đại lục là “Người Đài Loan đã quen sống trong một hệ thống dân chủ, và hệ thống dân chủ được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày”, trong khi người đại lục buộc phải sống trong một hệ thống chuyên quyền, và hệ thống này được thực hiện trong đời sống hàng ngày. Nhận thức rõ điều này, người Đài Loan không muốn trở thành chim trong lồng, họ đã sử dụng lá phiếu để lựa chọn.

2. Chính quyền Trung Cộng đã dùng nhiều thủ đoạn để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan nhưng đã thất bại.
Kết quả bầu cử ở Đài Loan chứng minh rằng Đảng cộng sản Trung Hoa (ĐCSTQ) đã thất bại trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan. Ngay cả trước cuộc bầu cử ở Đài Loan, ĐCSTQ vẫn tiếp tục can thiệp vào Đài Loan, điều máy bay, tàu chiến, khinh khí cầu, phóng vệ tinh về phía Đài Loan để uy hiếp. Vào ngày 9/1, Trung Quốc cũng phóng một vệ tinh và bay qua Đài Loan nhằm uy hiếp Đài Loan. Vào ngày bỏ phiếu ngày 13/1, ĐCSTQ tiếp tục điều động 8 lần máy bay xuất kích, 6 tàu và 2 khinh khí cầu để can nhiễu.

Theo báo cáo gần đây của Reuters, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Đài Loan Thái Minh Ngạn cảnh báo: “Các phương pháp can thiệp bầu cử của ĐCSTQ rất đa dạng”, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và các kênh thông tin khác. Chẳng hạn như chỉ trích vấn đề quản lý của Đảng Dân tiến, thiết lập đặt đặc vụ; về mặt kinh tế, chính quyền Trung Quốc cố gắng gây áp lực lên Đài Loan bằng cách cấm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chính như dứa, na và cá... ĐCSTQ cũng đạt được mục tiêu của mình bằng cách cung cấp các chuyến du lịch giá rẻ cho các chính trị gia Đài Loan. Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu cũng công khai ủng hộ ĐCSTQ, tuyên bố “phải tin vào Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Ngược lại, Đài Loan đã đáp trả những hành động khiêu khích của Trung cộng thông qua các kênh đầu tư của chính phủ, các chiến dịch nhằm xác minh tính chân thực cũng như hợp tác nâng cao trình độ báo chí. Theo dữ liệu từ Viện Freedom House ở Washington, người dân Đài Loan cũng rất nghi ngờ các phương tiện truyền thông có liên kết với chính quyền Trung Quốc. Viện này cho biết gần 75% cư dân Đài Loan ủng hộ việc giám sát các hoạt tuyên truyền của ĐCSTQ.

Mặc dù các phương pháp can thiệp đa dạng của nhà cầm quyền Trung cộng vào cuộc bầu cử ở Đài Loan đã gây chia rẽ cử tri Đài Loan, nhưng kết quả bỏ phiếu cho thấy các phương pháp can thiệp đó của ĐCSTQ đã không đạt được kết quả như mong đợi và kết thúc trong thất bại trước nhiều người Đài Loan sáng suốt.

3. Quá trình bầu cử dân chủ của Đài Loan là hình mẫu cho người Trung Hoa.
Nhìn người Đài Loan bỏ phiếu có trật tự, người đại lục có thấy ngưỡng mộ không? Cho tôi hỏi, có bao nhiêu người ở Trung Quốc thực sự được hưởng quyền bầu cử? Mặc dù Hiến pháp của ĐCSTQ quy định rằng công dân trên 18 tuổi có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt dân tộc, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp, thành phần gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ học vấn, tài sản hoặc thâm niên công tác… nhưng đáng buồn là nhiều người chết mà không biết mình có những quyền đó.
Một số ít người được hưởng quyền này cũng đã đánh mất bản sắc của riêng mình. ‘Công dân kiểu mẫu’ hay ‘cỗ máy giơ tay’ Thân Kỷ Lan, một đại biểu Quốc hội được bầu 12 nhiệm kỳ liên tiếp, cả đời chỉ bỏ phiếu thuận, là điều đáng hổ thẹn nhất của cái gọi là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

So với Đài Loan, đất nước bị ngăn cách với đất liền bằng một vùng biển và đã tiến tới một hệ thống dân chủ, người dân Trung Hoa ở đại lục nên suy nghĩ xem khoảng cách đó là gì. Một cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan có thể đã khiến ngày càng nhiều người Trung Hoa hiểu rằng thực sự được bầu cử là giấc mơ có thật nhất. Để thực hiện được ước mơ như vậy, trước tiên người dân Trung Hoa phải tránh xa và từ bỏ ĐCSTQ.

Lý Ngọc biên dịch

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất