Phiên tòa xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sắp kết thúc – Bị cáo Nguyễn Hải Long đã thú nhận tội hỗ trợ mật vụ Việt Nam cướp người tại Đức.





Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa án
NGUỒN: https://thoibao.de/phien-toa-xet-xu-vu-bat-coc-trinh-xuan-thanh-sap-ket-thuc-bi-cao-nguyen-hai-long-da-thu-nhan-toi-ho-tro-mat-vu-viet-nam-cuop-nguoi-tai-duc

Trong phiên tòa hôm nay, luật sư Alexander Sättele đã nhiều lần bày tỏ mong muốn vụ xử này được sớm kết thúc. Có lẽ đây cũng là mối quan tâm của phía Việt Nam, vì phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long kéo dài càng lâu, thì bộ mặt Nhà nước Việt Nam càng bị “ê chề” trước báo chí truyền thông quốc tế và công luận thế giới. Trong khi luật sư Alexander Sättele mong muốn vụ án này kết thúc càng sớm càng tốt, thì luật sư Stephan Bonell lại tìm cách kéo dài vụ xét xử này ra. Thông thường nếu bị cáo có 2 luật sư, thì các luật sư phải làm việc phối hợp chặt chẽ với nhau trong công việc bào chữa cho thân chủ, nhưng những biểu hiện trong các phiên xử tại tòa án cho thấy rõ ràng luật sư Bonell và luật sư Sättele làm việc hoàn toàn độc lập với nhau.
Theo lịch trình dự trù, phiên tòa xét xử nghi can Nguyễn Hải Long về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sẽ kéo dài đến cuối tháng 8 năm nay, nhưng hôm nay thứ Ba ngày 17/07/2018 bất ngờ bị cáo Nguyễn Hải Long đã thú nhận tội trước tòa án Thượng thẩm Berlin, do vậy phiên tòa có lẽ sẽ sớm kết thúc trong vòng tháng 7 này.
Trong phiên xử ngày hôm nay, luật sư Simon Keßler (trợ lý cho luật sư Alexander Sättele) đã thay mặt thân chủ Nguyễn Hải Long đọc bản thú nhận tội.
Bản nhận tội mở đầu bằng tiểu sử của bị cáo. Nguyễn Hải Long hiện 47 tuổi, quê quán ở Lai Châu, còn người cha già và người mẹ 68 tuổi đang sinh sống ở Việt Nam, bị cáo có nguyện vọng sớm trở về Việt Nam chăm sóc cha mẹ già yếu (Theo luật Đức gia cảnh cũng là một yếu tố để được khoan hồng giảm bớt mức án).
Năm 1989 bị cáo đi sang Đông Đức theo diện lao động hợp tác và làm việc trong một xí nghiệp ở Đông Berlin. Năm 1990 khi bức tường Berlin sụp đổ Nguyễn Hải Long trở về Việt Nam. Năm 1991 bị cáo quay lại nước Đức bằng con đường bất hợp pháp và đặt đơn xin tỵ nạn ở nước Đức. Bị cáo cư ngụ trong một trại tỵ nạn ở thị trấn Cottbus miền Đông nước Đức và đã rời khỏi nước Đức sau khi bị bác đơn xin tỵ nạn hồi năm 1996.
Từ tháng Năm năm 1999 Nguyễn Hải Long cư ngụ tại nhiều thành phố khác nhau ở Cộng hòa Séc và sinh sống bằng nghề buôn bán quần áo. Cuối cùng từ tháng 7 năm 2001 đếng tháng 8 năm 2013 bị cáo cư ngụ tại thành phố Brno và sau đó đến sinh sống ở Praha. Tại đây bị cáo có một cửa hàng “Quang Minh – MoneyGram” chuyên về dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền trong chợ Sapa.
Tình trạng gia đình là độc thân, nhưng độ từ 3 đến 4 năm nay Nguyễn Hải Long sống chung với một phụ nữ Việt Nam 42 tuổi tên là N.T. Hằng, tại một căn hộ ở Praha cùng với 2 đứa con riêng còn nhỏ tuổi của người bạn đời.
Đặc biệt là mối quan hệ với ông Đào Quốc Oai. Bị cáo gọi ông Oai bằng cậu, nhưng thật ra ông Oai là cậu của N.T. Hằng, người bạn đời của Nguyễn Hải Long. Trong bản thú tội, bị cáo thừa nhận vì mối quan hệ thân thuộc nên đã tin tưởng và nghe lời ông Đào Quốc Oai mà lần lượt đi thuê 3 chiếc xe ở cửa hàng của Bùi Hiếu trong chợ Sapa, nhưng bị cáo không hề biết trước, đây là một vụ bắt cóc.
Khi Nguyễn Hải Long lái chiếc xe thứ hai, chiếc VW Multivan T5 sang Berlin, và gặp mặt ông Trung tướng Công an Việt Nam Đường Minh Hưng tại khách sạn “Berlin, Berlin”. Từ đó bị cáo cảm thấy có những điều đáng nghi ngờ nhưng không thể bỏ ngang giữa chừng được.
Mãi đến sau khi Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc ngày 23/07/2017, trên đường từ Praha đến Berlin để trả phòng và lấy hành lý cho Trung tướng Đường Minh Hưng tại khách sạn Sylter Hof, ông Đào Quốc Oai mới cho bị cáo biết là ông Đường Minh Hưng đến Đức để bắt một nhân vật quan trọng đưa về Việt Nam xét xử. Ông Oai cũng nói là ông có tham gia và vụ bắt cóc đã thành công.
Nguyễn Hải Long cũng cho biết, tối hôm 23/07/2017 bị cáo đã tham dự buổi tiệc “ăn mừng thành công” của Trung tướng Đường Minh Hưng cùng với Đào Quốc Oai tại nhà hàng Sen ở Praha, hôm đó tướng Hưng uống bia rượu khá nhiều.
Nhà hàng Sen ở Praha nằm trên đường Vosátkova 1, nơi Trung tướng Đường Minh Hưng ăn mừng vụ bắt cóc thành công cùng với Đào Quốc Oai và Nguyễn Hải Long
Sau khi biết được đây là một bắt cóc và khi chủ xe Bùi Hiếu điện thoại đến than phiền rằng “thuê xe làm việc gì vậy mà giờ đây người chủ xe bị cảnh sát đến truy hỏi”, thi bị cáo Long cũng cảm thấy lo sợ và tính đến chuyện trốn về Việt Nam, nhưng vì còn gia đình ở đây và vì ông Đoài Quốc Oai trấn an “không đến nỗi nào đâu”, nên bị cáo Long đã không bay về Việt Nam.
Sau khi nghe Luật sư của bị cáo Nguyễn Hải Long đọc bản thú nhận tội, đại diện Viện Công tố Liên bang Đức đã không đồng ý với bản nhận tội này vì bị cáo Long mặc dù đã thú nhận tất cả những công việc đã làm, nhưng vẫn chối cãi rằng không hề biết trước, đây là một vụ bắt cóc. Điều này là hoàn toàn không phù hợp với những chứng cứ khách quan của cuộc điều tra.
Cuối cùng luật sư của Nguyễn Hải Long đã đồng ý và đọc bản bổ sung trước tòa. Mở đầu, bị cáo đã ngỏ lời xin lỗi tòa án, vì sợ gây nguy hiểm cho gia đình nên trong bản thú tội đầu tiên đã không nói hết tất cả sự thật. Giờ đây, bị cáo thú nhận rằng, trước khi đi thuê chiếc xe đầu tiên BMW X5 vào ngày 18/07/2017, bị cáo đã biết rõ mình tham gia vào một âm mưu và kế hoạch của mật vụ Việt Nam nhằm bắt “một người Việt Nam bị truy nã đang trốn ở Đức, người này biển thủ nhiều tiền và hẹn gặp người tình tại Berlin”. Nguyễn Hải Long cũng cho biết, bị cáo đã nhận lời làm những công việc hỗ trợ trong vụ bắt cóc này, mặc dù biết rằng Việt Nam không phải là một nhà nước pháp quyền. Bị cáo cũng biết về vai trò chỉ huy của Trung tướng Đường Minh Hưng trong vụ bắt cóc này.
Với lời nhận tội bổ sung này, Viện Công tố Liên bang Đức cũng như bà Luật sư Schlagenhauf của ông Trịnh Xuân Thanh đã đồng ý chấp nhận. Và bị cáo Nguyễn Hải Long đã lên tiếng xác nhận và ký vào bản nhận tội ngay buổi chiều hôm nay trước tòa.
Tại sao Nguyễn Hải Long thú nhận tội?
Theo luật pháp Đức, nếu bị cáo Nguyễn Hải Long thú nhận tội, thì sẽ được khoan hồng, mức án sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên để tránh bị kháng án kiện tụng lên những tòa án cấp cao hơn, nên nội dung lời thú tội của bị cáo Long cần phải được sự đồng ý chấp nhận của tất cả các bên tham gia trong thủ tụng tố tụng này.
Trước đây không lâu, luật sư Alexander Sättele đã đệ đơn xin cho bị cáo Nguyễn Hải Long được tại ngoại và tòa án đã bác đơn này, nhưng nhờ vào những lý lẽ viện dẫn nêu ra để bác đơn, luật sư của Nguyễn Hải Long biết được quan điểm của tòa án: Bị cáo Long “có vai trò quan trọng trong những việc chuẩn bị, việc thực hiện và nhất là việc ngụy trang cho vụ bắt cóc”. Những việc bị cáo Long đã làm, không phải là “những việc hỗ trợ đơn thuần”, không phải là “việc góp phần hoàn toàn nhỏ nhoi”, mặc dù bị cáo Long không trực tiếp ra tay bắt cóc cũng như chuyên chở nạn nhân bị bắt cóc.
Từ khi biết quan điểm của tòa án sau 13 phiên xử, luật sư Alexander Sättele biết rằng, không thể nào biện hộ cho thân chủ Nguyễn Hải Long được trắng án, cho nên ông chỉ tìm cách làm sao giảm mức án cho thân chủ mà thôi, và thú nhận tội là một phương cách để được khoan hồng giảm bớt mức án.
Trước khi bản nhận tội thứ nhất được đọc trước tòa, bà Regine Grieß chánh án chủ tọa phiên tòa cũng cho biết bị cáo Nguyễn Hải Long có thể bị kết tội với mức án từ 3 năm 6 tháng đến 5 năm tù.
Ngoài ra, việc thú tội cũng nhằm mục đích để phiên tòa xét xử này kết thúc sớm, thay vì kéo dài đến tận cuối tháng 8 năm nay như dự trù và có thể kéo dài lâu hơn nữa. Trong phiên tòa hôm nay, luật sư Alexander Sättele và trợ lý là luật sư Simon Keßler đã nhiều lần bày tỏ mong muốn vụ xử này được sớm kết thúc.
Có lẽ đây cũng là mối quan tâm của phía Việt Nam, vì phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long kéo dài càng lâu, thì bộ mặt Nhà nước Việt Nam càng bị “ê chề” trước báo chí truyền thông quốc tế và công luận thế giới.
Vấn đề 2 luật sư khác nhau của Nguyễn Hải Long
Ngay từ đầu vụ án xét xử này, luật sư biện hộ cho Nguyễn Hải Long là luật sư Stephan Bonell, tiền thù lao cho luật sư Bonell do Nhà nước Đức đảm nhận vì bị cáo Long không có khả năng tài chánh chi trả. Nguyễn Hải Long đã chọn luật sư Bonell ở thành phố Leizig miền Đông nước Đức, vì ông luật sư này đã từng cãi cho Đào Quốc Oai trắng án trong một vụ án bắn chết người khi xưa Đào Quốc Oai còn ở nước Đức.
Ông Stephan Bonell, luật sư thứ nhất của Nguyễn Hải Long (ở giữa) – ngồi cạnh là thông dịch viên
Kể từ đầu tháng 6 năm 2018 Nguyễn Hải Long có thêm một luật sư thứ hai, đó là luật sư Alexander Sättele (và người trợ lý là luật sư Simon Keßler). Chắc chắn Nhà nước Đức không chi trả tiền thù lao cho luật sư thứ hai này và đến nay không biết ai đã đứng ra thuê thêm luật sư này bào chữa cho bị cáo Long? Chỉ có 2 khả năng có thể xảy ra, hoặc là những thân hữu của Nguyễn Hải Long ở Praha – CH Séc đứng ra thuê, hoặc là Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thực hiện việc bảo hộ công dân của mình.
Ông Alexander Sättele, luật sư thứ hai của Nguyễn Hải Long
Thông thường nếu bị cáo có 2 luật sư, thì các luật sư phải làm việc phối hợp chặt chẽ với nhau trong công việc bào chữa cho thân chủ, nhưng những biểu hiện trong các phiên xử tại tòa án cho thấy rõ ràng luật sư Bonell và luật sư Sättele làm việc hoàn toàn độc lập với nhau.
Chẳng hạn như vào cuối phiên tòa hôm nay, luật sư Stephan Bonell có vẻ không hài lòng với thỏa thuận thú nhận tội nêu trên, khi ông nói trước tòa rằng ông mới nhận được email ngày hôm qua thông báo các sự việc về thỏa thuận thú nhận tội với sự đồng ý của thân chủ Nguyễn Hải Long. Mặc dù không phát biểu ra thành lời, nhưng hình như ông cảm thấy luật sư Sättele đã thỏa thuận sau lưng ông, luật sư Bonell chỉ lên tiếng phàn nàn rằng những thông tin trong email đến với ông quá muộn.
Một điểm nữa, trong khi luật sư Alexander Sättele bày tỏ mong muốn vụ án này kết thúc càng sớm càng tốt, thì luật sư Stephan Bonell lại tìm cách kéo dài vụ xét xử này ra. Trong phiên tòa hôm nay, luật sư Bonell đã đệ đơn yêu cầu tòa án mời một nữ nhân viên của Bộ Ngoại giao Đức ra cung khai về vấn đề tại sao không dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, mặc dù Bộ Ngoại giao Đức không phải là cơ quan có thẩm quyền về việc dẫn độ. Ông Bonell còn yêu cầu tòa án cho ông đọc trước tòa một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Đức về các xung đột trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra ông Bonell còn đặt vấn đề về tính hợp pháp của vụ án hình sự ở Việt Nam xét xử Trịnh Xuân Thanh.
Tòa án sẽ quyết định về những yêu cầu của luật sư Bonell vào phiên xử kế tiếp vào ngày 23/07/2018. Và qua sự thú tội của bị cáo Long, tòa án thấy không còn cần thiết thẩm vấn một nữ nhân viên cảnh sát điều tra mà dự trù diễn ra trong phiên xử ngày mai 18/07/2018 và phiên xử ngày mai cũng bị hủy bỏ với sự đồng ý của tất cả các bên tham gia vụ tố tụng.
Ngoài ra, trong phiên xử hôm nay, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức, và 3 nhân viên Đại sứ Quán Việt Nam được mời đến làm nhân chứng; nhưng ông Đại sứ Việt Nam có gửi thư đến tòa thông báo vắng mặt theo quyền miễn trừ ngoại giao.
Phiên xử kế tiếp sẽ diễn ra vào thứ Hai tuần sau ngày 23/07/2018 với phần luận tội của đại diện Viện Công tố Liên bang Đức và của luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho Trịnh Xuân Thanh, người bị hại trong vụ án.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất