Hoàn cảnh người Việt tỵ nạn tại Thái Lan

Hoàn cảnh người Việt tỵ nạn tại Thái Lan

Hiện nay, ước tính có khoảng 500 người Việt Nam thuộc nhiều dân tộc khác nhau đang xin tỵ nạn tại Thái Lan. Cuộc sống của họ hiện rất khó khăn và rất cần sự giúp đỡ về đời sống cũng như những thủ tục pháp lý để tránh bị trả về Việt Nam.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA, Bangkok
2010-01-04
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Một nhóm người Thượng Việt Nam tụ hợp trước trụ sở Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok để xin cứu xét qui chế tị nạn.
Một nhóm người Thượng Việt Nam tụ hợp trước trụ sở Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok để xin cứu xét qui chế tị nạn.
RFA file photo
Trong chuyến công tác đến Châu Á để tìm cách giúp đỡ người tỵ nạn và lao động Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS), đã dành cho đài RFA cuộc phỏng vấn về mục đích của đợt vận động lần này.
Nhiều thành phần
Đỗ Hiếu: Mở đầu cuộc mạn đàm hôm nay, xin ông cho biết về con số người Việt hiện nay xin tỵ nạn tại Thái Lan, họ thuộc thành phần nào và lý do vì sao họ bỏ nước ra đi?
TS Nguyễn Đình Thắng: “Hiện nay chúng tôi ước lượng có 500 người Việt đang xin tỵ nạn tại Thái Lan. Họ có nhiều thành phần lắm, đông nhất là người Khmer Krom, trong đó có cả những tu sĩ Phật Giáo Khmer Krom, Kmer Krom là những người gốc Cam Bốt, nhưng sinh ra và lớn lên ở 6 tỉnh Miền Nam (Việt Nam), thứ 2 là thành phần dân tộc thiểu số mà chúng ta hay gọi là người Thượng, cũng có một số đang lánh nạn tại Thái Lan. 
Hiện nay chúng tôi ước lượng có 500 người Việt đang xin tỵ nạn tại Thái Lan, họ có nhiều thành phần lắm. TS Nguyễn Đình Thắng.
Thành phần thứ 3 là những người bất đồng quan điểm với chánh quyền hiện nay, như những thành viên của Khối 8406, và những tổ chức khác trong nước vì bị đàn áp. Lý do nào họ ra đi? Đó là từ năm 2007 có cuộc đàn áp rất thô bạo và rộng khắp Việt Nam, cả 100 người đã bị bắt, còn nhiều người bị giam mà chúng tôi không thể nào phối kiểm được, có thể là vài trăm, do đó có một số người chạy thoát được sang Cam Bốt, rồi đi đường bộ sang Thái Lan. Hiện nay họ đang xin sự bảo vệ của phủ Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.”
Đỗ Hiếu: Thưa ông, cộng đồng người Việt hải ngoại trong đó có cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ có thể làm được điều gì hầu có thể giúp đỡ, hay can thiệp cho những đối tượng mà ông vừa đề cập đến?
TS Nguyễn Đình Thắng: “Số đồng bào đi sau này rất là khó khăn bởi vì không còn chương trình tỵ nạn như ngày xưa, lúc ấy khi thuyền nhân đi vượt biển thì có thể đến các trại tạm dung hay trại tỵ nạn, thì được quốc tế bảo bọc và tiếp trợ, hiện nay những người này hoàn toàn sống bơ vơ, lại phải sống ẩn nấp vì nếu bị cảnh sát Thái Lan bắt được thì sẽ trục xuất họ về lại biên giới Cam Bốt, hoặc về lại Việt Nam, rất là nguy hiểm và cũng đã có người bị bắt.
Những đồng bào này đang cần sự trợ giúp về hai mặt, thứ nhất là về đời sống, rất khẩn cấp vì họ khó đi làm, không có giấy tờ và khi đi lao động dễ bị lộ diện và bị bắt. Thứ 2 là bảo vệ về pháp lý khi họ khai xin tỵ nạn, Liên Hiệp Quốc không rành rẽ nhiều lắm về tình cảnh hiện nay, nên hồ nghi về lời khai của những người này. Và chính những người này không biết cách nào khai cho đúng với điều kiện và đòi hỏi của luật quốc tế,  về vấn đề tỵ nạn, nên họ cần sự giúp đỡ về mặt pháp lý như tuyển luật sư người Thái Lan để giúp đỡ cho họ.
Tóm lại, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như tại Hoa Kỳ cần giúp đỡ cho những người đứng lên tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và cho những vấn đề công lý xã hội, để giúp họ về cuộc sống, kéo dài được cho tới ngày Liên Hiệp Quốc cứu xét lời khai xin tỵ nạn của họ, và thứ hai giúp về pháp lý để họ được sự bảo vệ về mặt chính trị của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.” 
Cần sự trợ giúp
Đỗ Hiếu: Là một tổ chức bất vụ lợi, ủy ban cứu người vượt biển đã và đang làm những việc gì cụ thể để có thể giúp đỡ những người Việt đang xin tỵ nạn tại Thái Lan, thưa ông?
Đây là những thành phần cần sự bảo vệ cấp thời, vì họ đang đứng trước sự hiểm nguy là có thể bị trục xuất về Việt Nam và sẽ bị đàn áp.TS Nguyễn Đình Thắng.
TS Nguyễn Đình Thắng: “Đây là những thành phần cần sự bảo vệ cấp thời, vì họ đang đứng trước sự hiểm nguy là có thể bị trục xuất về Việt Nam và sẽ bị đàn áp, do đó trong suốt hai năm qua từ ngày bắt đầu xảy ra cuộc đàn áp ở Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu can thiệp, gởi nhiều luật sư qua bên này phối hợp với những tổ chức pháp lý tại địa phương cũng như gây quỹ trong số thân hữu và với một số hội đoàn của Hoa Kỳ để trợ giúp họ về đời sống. Tuy nhiên đến nay, trong con số trên 500, chúng tôi chỉ mới giúp được vài chục người thôi. Cũng có một số trường hợp thành công đã đi định cư, như 6 tu sĩ Phật Giáo Khmer Krom đã đến các quốc gia Bắc Âu định cư vào giữa năm nay, cũng như mt số thành phần thuộc Khối 8406 được đến Hoa Kỳ định cư, trong đó có cả một số người, có lẽ bên ngoài hải ngoại biết tên tuổi, nhưng chúng tôi không tiện nêu tên ra ở đây. Đó là những công việc chúng tôi đã thực hiện và hiện nay chúng tôi có mặt ở Bangkok để tiếp tục nới rộng vấn đề phối hợp với các tổ chức khác, chúng tôi làm việc với tòaĐại sứ Hoa Kỳ, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, những Tổ chức quốc tế bảo vệ người tỵ nạn để làm sao bênh vực và can thiệp được cho đồng bào, tuy nhiên chúng tôi rất cần sự tiếp trợ của cộng đống người Việt hải ngoại nói chung và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.  
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành ủy ban cứu người vượt biển đã dành cho RFA chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.
TS Nguyễn Đình Thắng: “Chúng tôi rất cảm ơn chương trình RFA đã cho chúng tôi cơ hội để trình bày thảm cảnh của nhiều người Việt đang lánh nạn tại Thái Lan, mà thực sự ra cộng đồng người Việt hải ngoại phần lớn vẫn chưa hiểu hay biết được về cảnh ngộ hay nhu cầu của 500 đồng bào người Việt hiện đang lánh nạn tại Thái Lan.”

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất