Bằng Giây Phút Này 42 Năm Về Trước!




Bằng Giây Phút Này 42 Năm Về Trước

-Ngày 29 tháng tư
Saigon hôm nay bắt đầu thực sự đi vào cơn hỗn loạn.
*Từ 4 giờ sáng, đại bác của CS bắn vào bộ chỉ huy của Tổng Tham Mưu ở Tân Sơn Nhứt và bộ tư lệnh hải quân. Nhiều kho súng và kho săng bốc cháy, bùng nổ.
6 giờ sáng, Văn tiến Dũng ở Bến Cát nhận lời khen ngợi của Bộ Chính trị ở Hà Nội và yêu cầu Dũng tiến quân thần tốc.
*10 giờ sáng, đài phát thanh Saigon đọc bức thư của Dương Văn Minh gởi cho Martin:
«Tôi trân trọng yêu cầu ông đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên cơ quan tùy viên quân sự DAO rời khỏi VN trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29 tháng 4, 1975 để vấn đề hoà bình của VN sớm được giải quyết» (Todd p. 362).
Bình luận về ông Minh, Kissinger đã viết:« Ông Minh làm Tổng Thống không tới 72 giờ, chỉ đủ làm được hai việc quan trọng: một là yêu cầu Hà Nội ngưng chiến và thương thuyết chính trị, điều mà Hà Nội đã từ chối thẳng thừng, và hai là ngày 29 tháng tư, ông yêu cầu tất cả người Mỹ rút ra khỏi VN 24 giờ. Bức thư này phù hợp với lịch trình rút lui của chúng tôi, nó đã thực sự giúp cho chúng tôi tháo ra mà không bị chỉ trích là Mỹ đã bỏ rơi đồng minh của mình» ( Hưng, tr.393).
Ông Hoàng ngọc Thành tiết lộ một chi tiết «ly kỳ» hơn: Tòa đại sứ Mỹ soạn một văn thư cho tuớng Minh yêu cầu người Mỹ rút đi trong vòng 24 giờ và bảo cho đọc trên đài phát thanh Saigon. Dương Văn Minh kể cho bà con và bạn hữu biết là ông đã làm như đại sứ Graham Martin bảo (Thành,tr. 568).
Nếu quả tình sự việc như vậy, VN đã đến hồi mạt vận vì một nhân vật luôn có mặt trong những cơn khủng hoảng chính trị lớn, chỉ vì muốn làm tổng thống mà hạ mình nhận lệnh của Pháp và của Mỹ.
Trong khi đó, Saigon bắt đầu một cuộc hỗn loạn không tả được. Từng đoàn người tràn vào chiếm kho hàng ở Tân Cảng, súng đạn tủa ra khắp nơi, người ta đạp trên xác chết quân sĩ và đặc công.
Thành phố không còn có chỉ huy: DVMinh đã cách chức tướng Bình, 60 000 cảnh sát và 10 000 cảnh sát dã chiến không biết nghe lịnh ai, quân đội cũng thay đổi tham mưu trưởng 3 lần trong 24 giờ: hôm kia là Cao Văn Viên, nhưng ông đã ra đi cùng với tham mưu phó, hôm qua là tướng Nguyễn Văn Minh và Vĩnh Lộc, nhưng mỗi người chỉ có vài giờ rồi cũng bỏ đi cùng với Chung Tấn Cang, Mai Hữu Xuân, Nguyễn cao Kỳ , Ngô Quang Trưởng, nói chung có 60 vị tướng lãnh.(Darcourt)
Theo tài liệu lưu giữ tại BảoTàng Viện ở San Jose thì vào thời điểm tháng 4-1975, VNCH có 112 tướng lãnh, 80 tướng đã rời VN vào cuối tháng 4.
Trường hợp của Đặng Văn Quang thì bi đát và nhục nhã hơn. Pierre Darcourt đã kể:
«Một cảnh tượng bi đát đã xảy ra ở cổng tòa đại sứ. Tướng Đặng Văn Quang mà nhiều người tố cáo là đứng đầu đường dây buôn lậu ở VN lại không có tên trong danh sách di tản của người Mỹ. Binh sĩ gác cổng đuổi ông đi. Ông phải chạy lại van nài nghị sĩ Nguyễn Văn Ngải giúp ông xin trực thăng bốc đi. Có ai ngờ, một ông cựu cố vấn quân sự của Tổng Thống, ngạo mạn kiêu căng, tác oai tác phúc ở dinh Độc Lập suốt mấy năm trời thì nay chỉ là một đống mỡ run rẩy vì sợ sệt. Ông ta hết quỳ lạy cầu khẩn rồi viện dẫn mạng sống của vợ con và của chính ông vì sẽ bị CS giết. Động lòng, nghị sĩ đưa ông ta cùng đi chung nhưng không nói tên ông ta là ai….» (Darcourt,194 ). Theo Snepp, thì Quang nhờ sự giúp đỡ của Polgar dù nhiều nhân viên CIA không muốn thấy mặt Quang ví Quang đã được CIA trả lương mà đã phản bội không báo cho CIA biết kế họach rút quân của TT Thiệu. Trong cơn hốt hoảng, Quang bỏ quên đứa con trai cùng đi với ông ở ngoài hàng rào sắt của tòa đại sứ. (tr.392)
Trường hợp của Trần Văn Đôn thì lại rất tàn nhẫn với thuộc cấp. Trước khi hối hả leo lên trực thăng cùng với con trai là một bác sĩ, ông Đôn nói với đoàn tùy tùng: « các anh ở lại, các anh không có chức vụ, không có gì nguy hiểm». Những quân nhân nầy vừa đau khổ, vừa khinh bỉ nhìn theo chiếc trực thăng cất cánh. (Darcourt, p. 194)
Lartéguy châm biếm: «Hôm qua là Phó thủ tướng, múa may, tưởng có thể thay thế Minh, bi đát hóa tình hình để đẩy Hương đi. Hôm nay, hối hả bỏ chạy, không thông báo cho cả viên đại tá chánh văn phòng khiến ông này sau đó tự tử .Ông Đôn chỉ là kẻ thừa hành của chánh phủ Pháp.» (Lartéguy , p.129)
Trong khi đó, cuộc di tản đang đến hồi lên cơn sốt.
*10 giờ 40: từ phi trường Tân Sơn Nhứt, tướng Homer Smith, chỉ huy trưởng DAO điện đàm với đô đốc Noël Gayler, tư lịnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương ở Honolulu là phi trường TSN không còn sử dụng được cho cho phi cơ C-130 nữa. Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Gayler áp dụng «Giải pháp số 4» tức di tản bằng trực thăng.
* 12 giờ 30: 36 trực thăng vận tải khổng lồ được yểm trợ bởi các trực thăng chiến đấu Cobra rời hàng không mẫu hạm Hancock.
15 giờ: Thủy quân lục chiến thiết lập 3 bãi đáp trực thăng ở khu quân sự trong sân bay TSN.
Có 3000 người chờ đợi di tản. Trên không phận Saigon, trực thăng của Đệ Thất hạm đội, của CIA, của Air America bay rà rà trên nóc các cao ốc tụ điểm, lên xuống phi trường được phi cơ chiến đấu Phantoms sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Lực lượng hải lục không quân được huy động như chưa bao giờ có sau trận đổ bộ Dunkerque năm 1940.
* Buổi chiều, trước cửa tòa đại sứ Mỹ có độ 20 000 người chen chúc nhau, hàng ngàn người đổ về bến Bạch Đằng để tìm bất cứ phương tiện nào bằng đường biển, xe cộ vật liệu vất bừa bãi trên đường phố, người dân nhốn nháo, thất thần. Martin áp dụng phương thức di tản người Việt: người đến trước, được di tản trước (premier arrivé, premier servi). Đây là dịp cho các người Mỹ làm tiền các nhà giàu người Việt bằng cách mạo nhận là thân nhân để đưa đi, bán thẻ lên tàu của nhân viên dưới quyền cho người Việt chịu mua với giá từ 5000 đến 10 000 mỹ kim. «Tướng Cao HH, cố vấn TT Thiệu thay vì phân phối 50 thẻ di tản cho bộ tham mưu, đem bán mỗi vé 1000 mỹ kim» (Terzani, p.61)
* 10 giờ đêm (10 giờ sáng Washington): báo cáo từ Saigon về Ngũ Giác Đài cho biết cuộc di tản người Mỹ ở Cần Thơ và ở Vũng Tàu tốt đẹp, trong lúc ở Saigon hỗn loạn.
- Schlesinger điện cho Martin: còn 400 nhân viên tòa đại sứ phải di tản hết và gấp rút.
- Martin trả lời giọng giận dữ: Hãy chỉ cho tôi phương pháp ép những người Mỹ ra đi khi phải bỏ vợ con ở lại [vợ VN và con lai Mỹ]. Đã 4 giờ rồi, tôi đã báo cho Gayler biết là tôi cần 30 phi vụ CH-53, [chở được 50 người, chen chúc được 70] mà bây giờ tôi chỉ có một CH-46 [nhỏ hơn]
Một giờ sau, từ tòa Bạch Ốc, Don Rumsfield yêu cầu Martin di tản 150 nhân viên IBM còn kẹt ở Saigon. Martin lồng lộn: Hãy cút đi, để cho tôi yên ! Trong lúc đó, hải quân lục chiến hối hả tiêu hủy hồ sơ, các trang bị máy móc mà người Mỹ đã trang bị hùng hậu từ 10 năm qua (chỉ hồ sơ của CIA là 14 tấn).
*12 gìờ đêm: Martin điện cho Gayler: Chẳng nhận được gì 20 phút qua, chắc tôi phải ở lại đây ngày 30 tháng tư.Và điện cho Kissenger, Martin trêu cợt: Nếu không suôn sẻ, tôi sẽ qua tòa đại sứ Pháp xin tá túc, và chắc tôi sẽ được ngủ trong phòng của bà Mérillon, và hi vọng bà còn ở đó chớ không ở Paris» (Todd p. 378)


Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất