Cái chết của hai người Việt ở Nhật gây xôn xao cộng đồng
Tin tức về vụ một người Việt chết trong trại giam giữ và một bé gái Việt bị sát hại ở Xứ Phù Tang khiến cộng đồng người Việt ở đó xôn xao trong những ngày qua.
Chưa rõ lý do tử vong
Hãng Reuters vào ngày 27 tháng 3 loan tin một người đàn ông Việt Nam tên Nguyễn Văn Huân hay Huấn ở độ tuổi 40, đến Nhật vào năm 1998 để tìm qui chế tỵ nạn, đã chết tại trung tâm giam giữ người cư trú bất hợp pháp ở tỉnh Ibaraki mạn Đông Bắc Tokyo.
Một quản giáo phát hiện nạn nhân nằm bất tỉnh vào khoảng 1 giờ sáng ngày thứ bảy 25 tháng 3. Người quản giáo này đã làm hô hấp nhân tạo cho nạn nhân và kêu xe cứu thương đến đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện; nhưng nạn nhân được xác định chết 80 phút sau đó.
Theo người phát ngôn của Trung Tâm Di Trú Vùng Đông Nhật Bản thì người đàn ông vừa nói chết vì tự tử. Người phát ngôn này không cung cấp thêm chi tiết chỉ cho biết giới hữu trách sẽ cho tiến hành giảo nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết.
Nếu người này tự vẫn cũng không gì đáng ngạc nhiên cả vì ở trong tình trạng như vậy không biết ngày nào ra.
- Ông Vũ Đăng Khuê
Tin nói nạn nhân không có thân nhân nào ở Nhật cả; trong khi đó thì một phụ nữ biết về nạn nhân nói rằng ông này là một người thông minh, vui tính nên không tin là nạn nhân tự tử. Gia đình nạn nhân ở Việt Nam được báo tin để sang tham gia tang lễ.
Bản tin của Reuters ngày 28 tháng 3 cho biết thêm một số người bị giam chung với nạn nhân tự tử chuyển ra một mẫu giấy mà hãng đọc được với nội dung trước ngày được cho là tự tử thì nạn nhân từng nhiều lần than với quản giáo trại giam là ông ta bị đau nhức ở đầu và cổ. Tin nêu rõ vào ngày thứ tư 15 tháng 3, chính bác sĩ tại Trung tâm Tạm giam Người Cư trú Bất hợp pháp cho ghi toa thuốc giảm đau cho nạn nhân. Quản giáo không nghe than phiền của nạn nhân và còn dọa buộc người này không được than vãn.
Theo Reuters, thì một ni sư giúp tang lễ cho nạn nhân ban đầu nói với hãng Reuters là Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo cho ni sư này biết là nạn nhân tự tử tại trung tâm tạm giam Ibaraki; tuy nhiên sang ngày hôm sau vị ni sư này cải chính là Đại sứ quán Việt Nam chỉ nói là nạn nhân chết đột ngột.
Hãng Reuters cho biết có liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo qua cả điện thoại và điện thư để làm rõ sự việc chưa được trả lời.
Một người Việt hiện sinh sống ở Nhật từ năm 1972, ông Vũ Đăng Khuê, cho biết những thông tin liên quan về vụ người đàn ông tự tử ở trung tâm tạm giữ người nhập cư bất hợp pháp như vừa nêu:
Theo như công bố của Cục Quản lý Lý Xuất Nhập Cảnh ở tỉnh Ibaraki thì ông này ở trong tình trạng cư trú bất hợp pháp, giấy tở không hợp lệ. Tôi được biết trong trại tạm giam thì đương sự có quyền nói lên nguyện vọng của mình nhưng hầu như cứ nộp đơn xong thì bị bác, nộp đơn hoài bị bác hoài. Trong tù còn có thời hạn thí dụ 1 năm, 2 năm, 3 năm... thì còn có ngày ra. Nhưng trong trại tạm giam thì không có thời hạn cho đến khi nào anh chấp nhận điều kiện của họ là phải về Việt Nam. Nếu người này tự vẫn cũng không gì đáng ngạc nhiên cả vì ở trong tình trạng như vậy không biết ngày nào ra.
Tôi có kinh nghiệm làm việc rất nhiều với Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thì giả thuyết lớn nhất là có thể ông này ông tự vẫn vì bệnh hoặc coi như là chán chường trong tình trạng cứ mãi mãi là như vậy. Còn giả thuyết hành hung hay bị đánh đập thì theo tôi nghĩ hoàn toàn không có.
Đã từng có người tự sát?
Chuyện người Việt Nam tự sát trong lúc đang bị giam, ông Vũ Đăng Khuê nói tiếp, từng xảy ra trong một nhà tù Nhật Bản cách đây mười mấy năm. Tuy nhiên trường hợp tự vẫn mới đây ở Trại tạm giam người cư trú bất hợp pháp ở Ibaraki là chuyện lần đầu tiên xảy ra.
Một người Việt khác cũng đi du học tại Nhật trước năm 1975, nhà báo Đỗ Thông Minh, cũng nói về nơi mà chính quyền Xứ Phù Tang đối với đối tượng bị cho là nhập cư bất hợp:
Trước đây thỉnh thoảng có một hai trường hợp người Việt Nam chết trong tù với lý do tự sát mà không biết hư thực thế nào.
- Nhà báo Đỗ Thông Minh
Đó là trại giam những người nhập cư bất hợp pháp hoặc những người bị bắt về tôi hình sự. Khi hết án rồi thì họ bị trục xuất và khi trục xuất thì cần phải có một nước đồng ý nhận, vì vậy thủ tục này thường kéo dài rất lâu. Có nhiều người hết án vài năm nhưng phải chờ đợi thêm năm mười năm nữa trong trại tạm giam.
Nhà báo Đỗ Thông Minh cho biết tiếp:
Trước đây thỉnh thoảng có một hai trường hợp người Việt Nam chết trong tù với lý do tự sát mà không biết hư thực thế nào. Trong vòng ba bốn năm trở lại đây đã có 11 người chết trong các trại tạm giam. Trường hợp của anh Nguyễn Văn Huấn thì được biết không có thân nhân gì ở Nhật cả, trường hợp bị giam nhiều khi nó vô vọng quá cho nên họ thất chí họ tự tữ cũng có, hoặc có thể là do thanh toán nhau. Người ta nói là tự sát nhưng còn chờ giải phẫu để xác minh.
Theo số liệu từ Bộ Tư Pháp Nhật được hãng tin Reuters trích dẫn thì nơi xảy ra vụ tự tử hôm thứ Bảy đã có 2 người Việt tự kết liễu đời mình hồi năm 2014. Vụ việc của nạn nhân có tên Nguyễn Văn Huân hay Huấn được cho là tự tử trong trại tạm giam nâng tổng số lên hơn chục người kể từ năm 2006 đến nay.
Tình trạng này khiến có dư luận trong cộng đồng dòng chính nêu thắc mắc về sự điều hành quản lý trong trại tam giam, rằng có thể cơ quan hữu trách bỏ mặc mà không tìm cách cải thiện tình trạng giam giữ người trong các trại tù kiểu này.
Bé gái bị sát hại
Vào ngày thứ sáu, 24 tháng 3, một học sinh lớp Ba, em Lê Thị Nhật Linh, 10 tuổi, bị mất tích tại thành phố Abiko, tỉnh Chiba cách Tokyo chừng 50 cây số.Cảnh sát thành phố Abiko tỉnh Bachi, nơi gia đình em Lê Thị Nhật Linh cư ngụ, cũng loan báo tiếp tục điều tra để tìm manh mối và thủ phạm đã sát hại em.
Rất nhiều người Việt bày tỏ sự thương cảm đối với nạn nhân Lê Thị Nhật Linh mà tin nói là mất tích trên đường đi học, sau đó thi thể được tìm thấy với những dấu hiệu bị xâm hại rồi bị bóp cổ chết. Bạn Khánh Tín sang Nhật từ năm 2006 theo diện du học sinh và hiện đang làm việc tại Kanagawa, qua trang facebook cá nhân có ý kiến về vụ cháu Lê Thị Nhật Linh:
Vụ đó vô tình là trúng vô người Việt Nam thôi chứ bình thường cũng có nhiều vụ mất tích rồi bị giết mà sau đó người ta mới phát hiện.
Liên quan đến trường hợp em học sinh bị hãm hại Lê Thị Nhật Linh, ông Đỗ Thông Minh nói:
Ở Nhật nói chung vấn đề an ninh là khá an toàn nhưng không có nghĩa là hoàn toàn, thỉnh thoảng vẫn xảy ra chuyện những em bé gái bị bắt cóc, bị xâm hại tình dục rồi bị giết. Cho nên bên Nhật này cách đề phòng của họ là cho các em mang một cái máy nhỏ để khi bị nguy khốn các em bấm cái nút đó thì cái máy kêu rất to để báo động, đó là cách phòng vệ của người Nhật.
Ở Nhật nói chung vấn đề an ninh là khá an toàn nhưng không có nghĩa là hoàn toàn, thỉnh thoảng vẫn xảy ra chuyện những em bé gái bị bắt cóc, bị xâm hại tình dục rồi bị giết.
- Nhà báo Đỗ Thông Minh
Theo tin từ Sở Cảnh Sát thành phố Abiko, án mạng xảy ra vào lúc em Lê Thị Nhật Linh đi bộ đến trường như lệ thường mỗi ngày. Trường học của Nhật Linh chỉ cách nhà khoảng 800 mét nhưng đó là khu vực khá vắng vẻ và có nhiều nhà máy. Ngày 25 là ngày cuối cùng mà bố của Nhật Linh, ông Lê Anh Hào, nói rằng ông đã thấy Nhật Linh rời nhà rồi sau đó vài tiếng thì trường học điện về báo cho biết em không tới lớp ngày hôm ấy.
Đa số học trò của Nhật là tự đến trường chứ không có xe đưa rước tại vì bên đây nhỏ hẹp nên họ đi bộ thôi. Khi em mất tích rồi thì người đi câu người ta mới phát hiện xác em ở một cái kênh thoát nước.
Án mạng xảy ra vào lúc mẹ của Nhật Linh, bà Nguyễn Thị Nguyên, đang ở Việt Nam với đứa em trai 3 tuổi của Nhật Linh. Bà Nga đã bay trở lại Nhật hôm 28 tháng 3.
Tin tức cho biết lực lượng chức năng vào ngày 27 tháng 3 tìm thấy một chiếc cặp mà ông Lê Anh Hào xác nhận đó là cặp của đứa con gái không may.
Thông tin về nạn nhân Lê Thị Nhật Linh được truyền thông tại Việt Nam liên tục cập nhật. Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 30 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng Nhật để điều tra và truy tìm thủ phạm đã sát hại em Lê Thị Nhật Linh.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên án hành vi giết người vô nhân tính đối với bé gái Việt Nam ở Nhật, đồng thời gởi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
Comments
Post a Comment