Tình Nghĩa vợ-chồng của những cựu tù “cải tạo”.
Bài thứ hai này, tôi phải nói đến Chị Nguyễn Thị Lập, Phu nhân của Thếu tá Lê Quang.
Anh Lê Quang cưới Chị vào năm 1968. Sau này, Anh là Thiếu tá trẻ, khi mới 25 tuổi.
Ngày 24/03/1975, trong trận chiến sống chết với quân thù Cộng sản, Thiếu tá Lê Quang đã bị thương rất nặng, được đưa về điều trị tại Quân Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng. Anh đã bị nhiều mảnh dạn khắp thân thể, cho đến bây giờ, có những mảnh cũng không thể lấy ra. Nhưng quan trọng nhất, là Thiếu tá Lê Quang đã mất đi thị lực một bên mắt!
Sau ngày 30/04/1975, Thiếu tá Lê Quang đã bị Việt cộng bắt đưa vào nhà tù “cải tạo” Tiên Lãnh. Đây là trại tù lớn nhất tại Quảng Nam. Anh đã ở trong trại này suốt 14 năm, mới được ra tù. Mặc dù, đã bị mất thị lực một bên mắt, nhưng ở trong tù, bọn công an đã bắt buộc Anh phải làm những công việc nặng nề như Anh phải làm “thợ cày” ruộng, cày đất trồng khoai, trồng mía…
Phần Chị Nguyễn Thị Lập, vợ của Thiếu tá Lê Quang, Chị đã lâm vào những cảnh ngộ vô cùng bi thương, gian nan, khốn khổ:
Sau khi Thiếu tá Lê Quang bị bắt vào tù, bọn Cộng sản đã ập vào nhà của Chị tại Thị xã Quảng Ngãi. Căn nhà này, do Chị làm chủ, là nơi chị vừa bán vải, vừa làm nghề may.
Bọn Cộng sản bất lương, tàn ác, đã chia nhau cướp sạch nào là vải vóc, máy may, cây kim, cuộn chỉ... Chúng cũng lục tung lấy hết tiền bạc của Chị. Xong, chúng cướp luôn căn nhà, và đuổi chị ra đường. Chị Nguyễn Thị Lập, trong tận cùng của sự đau đớn, Chị đành một tay ôm đứa con nhỏ mới sinh, tay kia dắt hai con lớn hơn, và một ít quần áo, rồi đi tìm người thân ở nhờ…
Thế rồi, trong suốt 14 năm dài Thiếu tá Lê Quang ở tù, thì Chị, người vợ của cựu tù “cải tạo” phải gánh chịu không biết bao nhiêu những gian truân, đau khổ… mà bằng ngôn ngữ của con người khó có thể tả hết cho được. Quý vị hãy tưởng tượng, một người phụ nữ mới sinh con, với các con đều còn nhỏ dại, nhà cửa, tài sản, tiền bạc, đã bị Cộng sản cướp hết, phải ôm con ra đi khỏi căn nhà của mình, trong khi chồng đã bị bắt vào tù… Làm sao có thể nói hết. Có ai thấu được cảnh Đoạn Trường này!
Thế nhưng, Chị Nguyễn Thị Lập, đã không chịu gục ngã. Chị phải đứng lên, chị phải sống, dù vô cùng gian khổ trong nước mắt; Chị đã nuôi các con và vẫn đều đặn thăm chồng, là Thiếu tá Lê Quang trong suốt 14 năm dài ở trong nhà tù “cải tạo”.
Sau khi ra tù, Thiếu tá Lê Quang đã cùng vợ con sang Hoa Kỳ, theo “diện” cựu tù “cải tạo”. Nơi miền đất tạm dung, Chị Nguyễn Thị Lập chẳng những tiếp tục đi làm, nuôi các con, mà còn tiếp tay cùng chồng, Thiếu tá Lê Quang, để Anh nhờ một người thân tại Đà Nẵng, âm thầm tìm đến những trận địa xưa, để dựng bia mộ cho hơn 100 người lính, mà Anh vẫn nhớ tên từng người, họ là những người lính thuộc quyền của Anh đã gửi nắm xương tàn tại đó!
Ngày 15/07/2018, chúng tôi sang Hoa Kỳ, tham dự Ngày Hội Ngộ Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi gặp lại được các vị cựu tù, mà cho đến giờ này, mỗi lần nhớ đến, tôi đều không cầm được nước mắt. Tôi đã gặp Thiếu tá Lê Quang, được Anh kể cho nghe nhiều câu chuyện, tôi sẽ viết lại những chuyện này trong thời gian tới.
Anh kể:
“Trong đời Lính và Chỉ huy của anh, mỗi trận đánh, nếu có lính chết, thì nhất định anh phải hành quân lấy xác, không bỏ họ. Tuy nhiên, chỉ có hai trận không thể lấy được xác lính. Trong đó, có trận đánh quyết liệt sinh tử vào ngày 24/03/1975, anh đã bị thương nặng, đến mất thị lực một bên, nên không lấy xác của lính mình được, nên giờ đây, anh phải lo xây dựng bia mộ cho họ, ngay nơi trân địa ngày xưa vậy.”
Với một tấm gương Trung Trinh – Tiết Hạnh Khả Phong. Chị Nguyễn Thị Lập đã làm tất cả những gì có thể làm, Chị đã đau đớn đến tột cùng, nuôi các con, trong đó, có đứa con sơ sinh, nhưng Chị không bỏ rơi người chồng trong nhà tù “cải tạo”. Chị đã lặn lội trèo non, băng rừng, lội suối, đem con đến thăm chồng, để chồng vơi bớt những khổ đau, những màn hành hạ, đọa đầy của bọn Cộng an Cộng sản tàn bạo, dã man, ác độc…
Xin quý vị cũng đừng quên, vào thời điểm ấy, có những vị cựu tù “cải tạo” khác, thân thể vẫn còn lành lặn thì đã bị vợ bỏ rơi, ôm cầm sang thuyền khác…
Còn Thiếu tá Lê Quang, một cựu tù “cải tạo” với một mắt đã mất đi thị lực, và những mảnh đạn vẫn còn trong thân thể, vì không thể “gắp” ra được.
Như vậy, mà vợ của Anh, Chị Nguyễn Thị Lập vẫn một lòng son sắt, trọn vẹn tình nghĩa Phu-Thê, chung thủy bên người chồng, một vị Sĩ Quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn nguyên vẹn.
Và, cuối bài này, tôi vẫn muốn lập lại đến muôn vạn lần nữa:
Ngàn đời sau, hậu thế sẽ không quên một trang sử đầy đau thương và nước mắt, mà những cựu tù “cải tạo”, và của những người vợ của cựu tù, đã hy sinh, gian truân, cay đắng muôn phần, để nuôi đàn con khôn lớn… và đã lặn lội ngàn dặm thăm chồng ở chốn rừng sâu, núi thẳm dưới chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam. Trang sử ấy sẽ không bao giờ phai mờ, sẽ là những tấm gương Tiết Liệt; những lớp hậu sinh hãy ghi nhớ, đừng lãng quên những tấm gương ngời sáng của người đi trước.
19/12/2018
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Comments
Post a Comment