Những bộ phim được ưa thích của điện ảnh quốc tế năm 2018
Một bộ phim hài về xác sống có kinh phí siêu thấp của Nhật, một bộ phim tiểu sử về một doanh nhân buôn lậu thuốc chữa bệnh ung thư ở Trung cộng, kiệt tác phim nghệ thuật đen trắng đến từ Mexico hay bộ phim thể thao của Nga trong thời chiến tranh lạnh là bốn trong những cú "hit" gây kinh ngạc của điện ảnh quốc tế (không tính Hollywood) năm 2018.
Những bộ phim bom tấn Hollywood như Avengers: Infinity War, Black Panther, Jurrasic World: Fallen Kingdom, Incredibles 2, Venom, Mission Impossible 6, Deadpool 2 hay Aquaman… là những hiện tượng khuynh đảo doanh thu phòng vé toàn cầu. Điều đó vô tình khiến khán giả bỏ quên những bộ phim xuất sắc của những nền điện ảnh khác. Trong nỗ lực cạnh tranh với các bộ phim đến từ Hollywood, những cú hit dưới đây của các nền điện ảnh trên thế giới đã mang lại nhiều sắc thái và sự đa dạng cho điện ảnh thế giới trong năm 2018.
NHẬT BẢN: ONE CUT OF THE DEAD
Được sản xuất với kinh phí cực thấp, chỉ 3 triệu yen (27.000 USD) và quay trong thời gian ngắn kỷ lục là 8 ngày với dàn diễn viên vô danh, One Cut of the Dead, bộ phim hài xác sống của đạo diễn 34 tuổi Shinichiro Ueda là một hiện tượng được nói đến nhiều nhất của điện ảnh Nhật trong năm nay. Là một bộ phim độc lập trong số khoảng 400 phim độc lập được sản xuất mỗi năm ở Nhật và hầu hết chúng đều biến mất không tăm tích, One Cut of the Dead lại tạo ra một hiện tượng vô tiền khoáng hậu tại phòng vé Nhật Bản.
Sau 6 ngày trình chiếu tại một rạp chiếu phim nghệ thuật nhỏ tại Tokyo vào cuối năm 2017 và không tạo được mấy tiếng tăm, bộ phim này chỉ bắt đầu tạo được cơn sốt nhờ hiệu ứng truyền miệng cũng như sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả quốc tế tại LHP quốc tế Udine ở Ý vào đầu năm 2018.
Sức hút từ bên ngoài nước Nhật khiến bộ phim lập tức tạo cơn sốt khi phim được phát hành rộng rãi tại thị trường nội địa vào tháng 7 và thậm chí kéo dài đến tháng 10.
Thành công của bộ phim là nhờ sáng tạo bất ngờ trong cấu trúc và kể chuyện của đạo diễn. Câu chuyện phim lồng trong phim, kể về một đoàn làm phim đang quay một bộ phim về xác sống kinh phí thấp tại nhà máy lọc nước bỏ hoang thì đối mặt với những xác sống thật . Đoạn phim mở đầu dài 37 phút được thực hiện với chỉ một cú máy duy nhất được đánh giá là sáng tạo đột phá của đạo diễn.
Sau khi ra rạp hơn một năm, bộ phim thu về 26,7 triệu USD tại thị trường Nhật Bản, cao gấp gần… 1000 lần kinh phí sản xuất, chưa kể bộ phim đang bán bản quyền cho hàng chục quốc gia trên thế giới. Bộ phim hiện đang xếp thứ 15 trong bảng doanh thu tại Nhật Bản năm 2018, cao hơn cả Venom và Solo: A Star Wars Story, hai bom tấn của Hollywood.
Tuy nhiên, thành công quá lớn của bộ phim cũng gây ra những ồn ào thị phi. Đạo diễn Ueda thừa nhận cấu trúc của bộ phim được lấy cảm hứng từ vở kịch của một người bạn. Ban đầu, nhà viết kịch này cũng rất hào hứng với thành công của bộ phim và lên mạng chúc mừng thành công của đoàn làm phim. Tuy nhiên, khi doanh thu của bộ phim cao gấp gần… 1000 lần kinh phí sản xuất thì lại là một chuyện khác. Nhà viết kịch này cho rằng bộ phim này ảnh hưởng từ vở kịch của anh ta quá nhiều và đang tính chuyện đưa ra tòa để tranh chấp bản quyền. Đạo diễn Ueda không muốn làm to chuyện nên cuối cùng đã dàn xếp mọi chuyện trong im lặng.
TRUNG CỘNG: DYING TO SURVIVE
Dying to Survive không phải là bộ phim ăn khách nhất tại thị trường điện ảnh Trung cộng năm nay nhưng nó là bộ phim được nói tới nhiều nhất là là niềm tự hào của nền điện ảnh tỷ dân đang khao khát những bộ phim hay thực sự. Đây cũng là bộ phim hiếm hoi đặt ra những vấn đề xã hội nhạy cảm mà thoát được nhát dao kiểm duyệt của ngành công nghiệp điện ảnh Trung cộng, một trong những lý do chính khiến các nhà làm phim của nước này luôn tìm cách thoát ly hiện thực bằng những thể loại an toàn như võ thuật kungfu, lãng mạn hài đô thị hay nhai đi nhai lại các bộ phim cải biên về Tây Du Ký hàng năm.
Bộ phim do Ning Hao, một nhà sản xuất và đạo diễn mát tay giữ vai trò sản xuất, Văn Mục Dã đạo diễn và Từ Tranh đóng vai chính, kể câu chuyện có thật về một thương nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch cầu đã tìm cách buôn lậu loại thuốc giả từ Ấn Độ về Trung cộng với cái giá rẻ hơn nhiều so với mức giá quá đắt đỏ của loại thuốc chính thức của bệnh viện nhà nước. Không chỉ cứu được mình, anh ta còn giúp đỡ hơn 1000 bệnh nhân nghèo có thu nhập thấp khác và được xem là "người hùng" dù bị chính phủ Trung cộng bỏ tù vì buôn lậu thuốc trái phép. Dưới sức ép của những người bệnh nhân nghèo, cuối cùng anh ta cũng được trả tự do.
Được làm theo phong cách hài đen và phần nào đó gợi liên tưởng đến những bộ phim tiểu sử từng đoạt giải Oscar như Dallas Buyers Club hay Philadelphia, - Dying to Survive lập tức trở thành một hiện tượng phòng vé tại Trung cộng mùa hè năm nay và đạt doanh thu lên đến 453 triệu USD, (so với mức kinh phí sản xuất chỉ 10,9 triệu USD) và đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng doanh thu tại thị trường Trung cộng năm nay, chỉ sau hai bộ phim chiếu hồi Tết Nguyên đán là Điệp vụ Biển Đỏ và Thám tử phố Hoa 2.
Không chỉ ăn khách vang dội, bộ phim này cũng rất được lòng giới phê bình với số điểm rất cao. Hầu hết các nhà phê bình đều tán thưởng bộ phim và cho thấy khán giả rất khao khát những bộ phim đặt ra được những vấn đề xã hội có tác động đến những người dân bình thường. Ngạc nhiên hơn, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn công khai ca ngợi bộ phim, đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý lập tức giảm giá thuốc điều trị ung thư và "giảm gánh nặng cho các gia đình nghèo mắc bệnh". Đây là điều hiếm hoi mà một bộ phim điện ảnh Trung cộng có thể làm được.
MEXICO: ROMA
Alfonso Cuaron là một trong ba đạo diễn Mexico liên tiếp đoạt 4 giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất tại 3 kỳ trao giải Oscar gần đây. Dù vậy, những bộ phim đoạt giải của họ đều được sản xuất tại Mỹ.
Sau Gravity, bộ phim khoa học giả tưởng thành công lớn về doanh thu, Alfonso Cuaron gây bất ngờ khi trở về quê hương Mexico để thực hiện Roma, một bộ phim đen trắng, tác phẩm "bán tự truyện" như lời tri ân mà ông muốn dành tặng cho quê hương và gia đình của mình. Bộ phim mới nhất của Alfonso Cuaron đang được xem là một kiệt tác của điện ảnh thế giới năm nay và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Sư tử vàng tại LHP Venice.
Không chỉ biên kịch, đạo diễn, Cuaron còn đảm nhiệm vai trò quay phim và dựng phim. Ở vai trò nào, ông cũng để lại dấu ấn của sự tài hoa khiến bộ phim này trở thành một tác phẩm gần như hoàn mỹ và chạm vào cảm xúc của người xem.
Bộ phim có kinh phí 15 triệu USD này được Netflix mua bản quyền phát hành trực tuyến khắp thế giới vào tháng 12.2018. Tuy nhiên, để đủ điều kiện tranh giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, Roma được phát hành tại ba rạp chiếu phim ở Mexico và đạt mức doanh thu 200.000 USD chỉ trong 5 ngày phát hành đầu tiên, được xem là mức doanh thu kỷ lục đối với một bộ phim phát hành hạn chế tại nước này.
Roma hiện không chỉ là ứng cử viên số 1 của giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, mà bộ phim này cũng đang tràn trề hy vọng được đề cử ở các hạng mục quan trọng khác như Phim, Đạo diễn, Biên kịch và Quay phim xuất sắc nhất. Nếu điều đó thành hiện thực thì Roma trở thành bộ phim thứ 2 sau Ngọa hổ tàng long (2000) của đạo diễn Lý An cùng lúc được đề cử Oscar cho Phim hay nhất và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất kể từ năm 2000 đến nay.
TÂY BAN NHA: CHAMPIONS CHIẾN THẮNG
Một nhóm cầu thủ bóng rổ bị thiểu năng trí tuệ có điểm gì chung với một siêu anh hùng xuất thân từ một nhân viên văn phòng? Ít nhất, họ có điểm chung đều là những ngôi sao của hai bộ phim hài ăn khách của điện ảnh Tây Ban Nha năm 2018 đủ sức cạnh tranh với các bom tấn đến từ Hollywood và cứu nguy cho thị trường điện ảnh nước này khỏi một bàn thua trông thấy.
Champions - nhan đề bộ phim hài kể về những nhà vô địch bóng rổ bị thiểu năng trí tuệ trở thành bộ phim Tây Ban Nha ăn khách nhất năm nay, thu về hơn 22 triệu USD và xếp thứ 5 trong 10 phim ăn khách nhất trong bảng xếp hạng; trong đó, 9 bộ phim còn lại đều đến từ Hollywood. Bộ phim cũng đại diện cho điện ảnh Tây Ban Nha tranh cử Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nhưng không lọt vào đề cử.
KENYA: HIỆN TƯỢNG PHIM ĐỒNG TÍNH NỮ RAFIKI
"Những cô gái Kenya tốt sẽ trở thành những người vợ Kenya tốt" - đấy là "luật bất thành văn" ở đất nước châu Phi còn nặng về hủ tục và thành kiến này. Tuy nhiên, hai cô gái trẻ Kena và Ziki không chọn con đường như vậy. Hai cô gái trẻ yêu nhau và đối mặt với những thách thức và thành kiến của xã hội để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của họ - đó là nội dung của bộ phim đồng tính Rafiki của điện ảnh Kenya.
Rafiki của nữ đạo diễn Wanuri Kahiu đã làm nên lịch sử khi trở thành bộ phim đầu tiên của điện ảnh Kenya được chọn chiếu tranh giải tại LHP Cannes và cũng là bộ phim đầu tiên đề cập đến câu chuyện tình yêu đồng tính nữ. Tuy nhiên tại quê nhà, bộ phim đột phá này bị cấm phát hành, với lý do là " mục đích rõ ràng của nó là khuyến khích cho tình yêu đồng tính nữ - điều trái pháp luật ở đất nước Kenya".
Tuy nhiên, nữ đạo diễn Wanuri Kahiu đã thách thức phán quyến của ủy ban kiểm duyệt phim và cho phát hành giới hạn bộ phim trong một tuần ở Kenya. Dù không phải là đột phá, bộ phim thu về được 33.000 USD trong 7 ngày phát hành và một lần nữa làm nên lịch sử - Rafiki trở thành bộ phim thành công thứ 2 từ trước tới nay tại Kenya.
PHÁP: SINK OR SWIM
Tại Pháp, bộ phim hài Sink và Swim bất ngờ trở thành "hit" năm nay sau khi được giới thiệu tại LHP Cannes và trở thành bộ phim thành công nhất của StudioCanal từ trước tới nay. Hơn 4 triệu lượt người xem đã mang về cho bộ phim hài với sự tham gia của các ngôi sao lớn như Guillaume Canet và Mathieu Amalric khoản doanh thu 33 triệu USD, xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng phim ăn khách nhất của năm, chỉ sau Avengers: Infinity Wars.
Nhưng StudioCanal cũng gặp một thất bại lớn trong năm với bộ phim Un Peuple et Son Roi, một bản anh hùng ca kể về cuộc Cách mạng Pháp. Dàn sao danh tiếng và đầu tư kinh phí lớn, nhưng bộ phim này chỉ thu hút được hơn 300.000 lượt người xem và thu về 2,3 triệu USD.
NGA: THREE SECONDS
Ở quốc gia nổi tiếng với môn thể thao khúc côn cầu (hockey), một bộ phim về đề tài bóng rổ lại trở thành hiện tượng của năm với khoản doanh thu kỷ lục. Three Seconds (còn có tên khác là Going Vertical), bộ phim thể thao đề cao chủ nghĩa dân tộc của Nga kể về cuộc đối đầu căng thẳng với đội tuyển bóng rổ Mỹ tại kỳ Olympic 1972 - thời điểm diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ - đã thu về 54 triệu USD tại Nga, biến nó trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại tại nước này.
Giống như những người anh hùng trong bộ phim đã chiến thắng đội tuyển Mỹ trong giây cuối cùng, bộ phim này cũng giúp điện ảnh Nga đánh bại các bom tấn đến từ Hollywood để trở thành phim có doanh thu cao nhất của năm tại nước họ.
BA LAN: CLERGY
Tại Ba Lan, một bộ phim bi kể về nạn tham nhũng và lạm dụng tình dục tại một Nhà thờ Công giáo lại trở thành bom tấn tại nước này, được xem là điều kỳ diệu nhất mà điện ảnh Ba Lan làm được. Clergy của đạo diễn Wojciech Smarzowski, câu chuyện ly kì của ba vị linh mục gặp lại nhau sau một biến cố bi thảm trong quá khứ - đã trở thành hiện tượng lớn tại Ba Lank hi thu về 30 triệu USD tại phòng vé và trở thành bộ phim nội địa có doanh thu kỷ lục tại nước này.
Tuy nhiên, với một quốc gia trong đó có tới 85% người theo đạo Công giáo, bộ phim này cũng gây ra một cuộc tranh luận dữ dội, đặc biệt là với những chủ đề nhạy cảm như tham nhũng hay lạm dụng tình dục trong nhà thờ.
Lê Hồng Lâm
Comments
Post a Comment