Lê Văn Khoa: Một Đời Cho Nghệ Thuật.



Lê Văn Khoa: Một Đời Cho Nghệ Thuật.









Lê Bình

Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 12 tháng 8 năm 2018, tại CLB Mây Bốn Phương, 730, S. 2nd St, San Jose Văn Thơ Lạc Việt và VietNam Film Club đã long trọng trình chiếu bộ phim tài liệu Giáo Sư Lê Văn Khoa: Một Đời Cho Nghệ Thuật. Có hơn 100 người tham dự. Trong số quan khách, ngươi ta ghi nhận có sư hiện diện của một số nhà hoạt động văn hóa tại Thung Lũng Hoa Vàng:  Họa sĩ Trương Thị Thịnh, Vũ thị Ngà, Ông Chu Lynh, Ông Vũ Văn Lộc, Ông Đỗ Hữu Nhơn, Ông Ngô Văn Quang, Ông Chu Tấn, Ông Bùi Đức Lạc…và giới truyền thông báo chí.

Lễ chào cờ do Ông Hoàng Thưởng điều khiển diễn ra lúc 2:00pm, sau đó Nhà báo Lê Văn Hải, thay mặt BTC, nói lời chào mừng. Ông phát biểu:
“Nói tới con người sự nghiệp của GS Lê Văn Khoa, có lẽ tôi phải đứng trên sân khấu này, từ bây giờ cho đến ngày mai! chưa chắc đã nói hết!
Hơn nữa, chuyện này không phải chuyện của tôi.
Tôi chì muốn kể một kỷ niệm nhỏ, thời mới lớn về GS Khoa mà thôi.
Hồi thập niên 60, khi phương tiện truyền hình mới có, cả nước chỉ có 2 chương trình giáo dục: Đó là chương trình “Đố vui để học” và “Thế giới trẻ em” của GS Khoa trên băng tầng số 9.
Chính vì chương trình này, Thày Lê Văn Khoa trở thành Thày chung của nhiều trẻ em trên toàn quốc, khác biệt với nhiều với nhiều GS khác.
Nhà tôi ở Tân Bình, Phú Nhuận, mỗi lần thấy xe GS Khoa vào xóm, con nít chạy theo bu như kiến, hô lớn: Lê Văn Khoa, Lê Văn Khoa, hoan hô!
Tại sao chúng không gọi là giáo sư hay thày, mà chỉ kêu tên trống, điều này đối với người Á Đông là vô lễ.
Nhưng tôi nghĩ đây là một món quà rất lớn cho GS Khoa, thưa là vì hình ảnh GS quen thuộc như một người bạn, trong tim những trẻ thơ hồi thập niên 60.
Ít có vị GS nào, gây được tình cảm thân thương, bạn hữu với trẻ em như thế!
Thưa quý vị,
Đất nước ta đứng vững trên 4 ngàn năm, nhờ chủ trương trọng người tài.
Bia Văn Miếu tại Hà Nội có ghi:
“Hiền tài như nguyên khí quốc gia, khí vững, thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém, thì thế nước yếu và suy!”
Vua Quang Trung và Ngô Thì Nhậm trong Chiến Lập Học có ghi:
“Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải trọng giáo dục, muốn trị nước phải trọng người tài”
Đều này thật đúng cho hoàn cảnh Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện nay. Với các lãnh đạo “lớp ba trường làng,” “mù dắt mù” thì làm sao mà không đưa cả nước xuống hố!
Một lần nữa, tôi là Lê Văn Hải, xin cám ơn quý vị đã đến đây tham dự buổi sinh hoạt của “Ông Anh tôi” là Lê Văn Khoa!...”

Sau đó, Ông Vũ Văn Lộc giới thiệu về Viet Nam Film Club (VFC), ông Chu Lynh, đại diện cho VFC trình bày cuốn phim Lê Văn Khoa Một Đời cho Nghệ Thuật, và tặng cuốn phim cho Viêt Museum San Jose.

Phần 2 của chương trình  chiếu cuốn phim và trao đổi với   Nhà Giáo Dục, Nhạc sĩ, Nhiếp Ảnh gia Lê văn Khoa.

 Theo anh Lê Văn Hải: “Những ai đã từng quen biết và sinh hoạt với Giáo Sư Lê Văn Khoa trước 75 tại Việt Nam, hay sau 75 trên khắp các vùng đất định cư mới này, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, đều công nhận: Ông là một người đa tài, đa năng, đa hiệu. Những đức tánh tốt như khiêm tốn, đầy óc sáng tạo, tự tin, cẩn trọng và tình yêu nước nồng nàn trong tim của ông, có thể đã là nguyên nhân giúp ông thành công trong cuộc đời và sự nghiệp. Ông lại là người đạo đức, luôn cởi mở, biết lắng nghe, hòa nhã trong cách ứng xử, nên ai ai cũng mến mộ. Tài năng và ảnh hưởng, tên tuổi lừng danh, nổi bật trên thế giới của ông, quả là một điều xứng đáng cho người Việt Nam chúng ta khâm phục, hãnh diện.”

Tưởng cũng nên biết thêm. Ông Lê Văn Khoa, sanh ngày 10 tháng 6, năm 1933 tại Cần Thơ, Nam Việt Nam. Đã say mê âm nhạc từ năm 13 tuổi. Mặc dù gia đình ông không có khả năng gởi ông vào trường nhạc chuyên môn, nhưng ông đã lượm được một quyển sách về lý thuyết âm nhạc mà ai đó đã vứt bỏ. Với quyển sách này, ông đã tự học và khám phá phương pháp sáng tác âm nhạc bằng cung cách riêng độc đáo của ông.
Năm 1953, Ông Lê Văn Khoa, ở tuổi 19, đã vươn lên tạo được sự chú ý của mọi người, khi ông gửi hai hai tác phẩm âm nhạc tham dự cuộc thi sáng tác nhạc toàn quốc, và ông đã đoạt giải thưởng do một ủy ban giám khảo quốc gia lựa chọn. Ông còn nổi tiếng trong lãnh vực giáo dục, qua những chương trình thiết thực “khoa học vừa chơi vừa học” cho trẻ thơ trên đài truyền hình VN trước 75.

Sau khi định cư tại Mỹ năm 1975, Lê Văn Khoa đã tiếp tục sáng tác nhiều thể loại âm nhạc. Các sáng tác nhạc giao hưởng của ông được ưu tiên chọn lựa để trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Cho đến nay, Lê Văn Khoa đã là tác giả của trên 600 tác phẩm và hòa âm, viết cho hợp ca, và dàn nhạc giao hưởng, rất nhiều ca khúc phổ thông và dân ca, trong cộng đồng, được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và Dàn Nhạc Giao Hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ sử dụng rất nhiều.
 Bên cạnh đó, Ông Lê Văn Khoa cũng là một nhiếp ảnh gia đoạt nhiều giải thưởng, nhưng lại là một nhiếp ảnh gia tự học, khi năm ông 20 tuổi, từ Việt Nam, sinh quán của ông. Ông đã đoạt các huy chương Vàng, Bạc, Ðồng, và bằng Tưởng Lệ Danh Dự của ba bộ môn nhiếp ảnh khác nhau trong một cuộc thi nhiếp ảnh năm 1963. Năm 1968, Ông Lê Văn Khoa đã giúp hoàn thành ba cuốn sách nhiếp ảnh, và đã đồng sáng lập Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (APA). Hội ảnh của ông đã đoạt Huy Chương Vàng trong số những Hội Ảnh Có Hình Ðẹp Nhất trong cuộc thi ảnh Trierengerg Super Circuit, Áo Quốc. Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa cũng đoạt danh vị Nhiếp Ảnh Gia đầu tiên người Việt có ảnh triển lãm tại Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ.

Trong suốt hành trình nghệ thuật chuyên nghiệp của ông, Lê Văn Khoa đã để lại dấu ấn lâu dài trên hằng triệu người thưởng ngoạn và hâm mộ ông. Tài nghệ sâu rộng và đa dạng của ông đã đem lại cho ông sự kính phục của các cộng đồng bạn trên thế giới.

GS LÊ VĂN KHOA, xứng đáng là người đã làm phong phú đời sống văn hóa của người Việt Nam tị nạn và góp phần giúp thế giới nói chung, nhất là người Mỹ nói riêng, hiểu biết văn hóa Việt Nam hơn. Ông là một viên ngọc quý báu.

Trong phần trình bày của mình, nhà báo Lê Văn Hải có một đề nghị: “Muốn chấm dứt “tà quyền CS” ngoài những vận động theo thời cuộc hướng của quốc tế, trong giai đoạn chưa có được chung một chiến lược cụ thể của người Việt Quốc Gia, điều mà chúng ta cần và nên làm là “BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT”. Muốn dùng vũ khí này, thì không thể quên những người đã góp phần tạo nên nền Văn Hóa tốt đẹp mà chúng ta đã được hưởng, trong nhiều thập niên qua. Một trong những điều cần thiết nhất để nuôi những ngọn lửa đấu tranh bằng phương tiện “giữ hồn” văn hóa. (Hồn nước còn, nước Việt còn!).
  

Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa. Buổi ra mắt phim tại San Jose 08-12-18

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất