Gián điệp Trung Quốc thứ hai liên quan bà Dianne Feinstein?


Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ, bà Dianne Feinstein, bị phát giác đã bị Trung Quốc cài một gián điệp làm việc cho bà trong suốt 20 năm. Nay, một gián điệp thứ hai lại lộ diện.
Theo báo New York Post (NYP), vào tháng 6/1996, FBI phát hiện chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của bà thượng nghị sỹ, người đang ngồi trong Tiểu ban Công tác Đông Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại, chuyên trách quan hệ Mỹ-Trung.
Các nhà điều tra cảnh báo bà trong một cuộc họp báo kín rằng Bắc Kinh có thể cố gắng gây ảnh hưởng đến bà thông qua các khoản đóng góp chiến dịch bất hợp pháp được thông qua các tập đoàn bình phong và các thực thể khác.

Và lời cảnh báo đó đã trở thành sự thật.
Ông Russell Lowe (bìa trái) – một gián điệp Trung Quốc được cài cắm bên bà Dianne Feinstein suốt 20 năm. (Ảnh: Facebook)

John Huang, một người gốc Nam Bình, Trung Quốc, đã xuất hiện tại nhà bà Feinstein ở San Francisco trong một bữa ăn gây quỹ với một quan chức Bắc Kinh có kết nối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Là một công dân nước ngoài, về mặt pháp lý quan chức này không đủ điều kiện để quyên góp 50.000 đô la cho bữa tiệc.
Sau khi một lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tư pháp điều tra việc gây quỹ bất hợp pháp trong chiến dịch tái tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2007, bà Feinstein đã trả lại hơn 12.000 đô la từ những đóng góp của các nhà tài trợ liên quan đến Huang, người sau này bị kết tội gian lận tài chính vận động cùng với những người Trung Quốc khác. Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và Chiến dịch Clinton cũng đã phải trả lại hàng triệu đô la tiền mặt.
Dù vậy, Bắc Kinh cũng đạt được những thuận lợi thương mại, một phần nhờ bà Feinstein, theo NYP.
Trong các bài phát biểu trên Thượng viện và báo chí, bà Feinstein không biết xấu hổ khi so sánh những vi phạm nhân quyền trầm trọng của Trung Quốc với Mỹ.
Năm 1997, bà so sánh vụ thảm sát năm 1989 của Bắc Kinh với khoảng 10.000 người bị giết với vụ xả súng Tiểu bang Kent (ngày 4/5/1970, với 4 người bị chết).
Bà thậm chí kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ bổ nhiệm một ủy ban nhân quyền “biểu thị sự tiến bộ về nhân quyền ở cả hai quốc gia trong 20-30 năm qua”, “sẽ chỉ ra những thành công và thất bại – cả ở Quảng trường Thiên An Môn và Tiểu bang Kent – và đưa ra các khuyến nghị các mục tiêu cho tương lai”.
Bà Feinstein cũng đã nỗ lực đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1999, cung cấp cho Bắc Kinh tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn và xóa bỏ đánh giá quốc hội hàng năm về các hồ sơ nhân quyền và vũ khí.
Bà Feinstein hiện nay vẫn nằm trong số những người có ảnh hưởng nhất của Thượng viện. Bà đi Trung Quốc mỗi năm cùng với chồng là một nhà đầu tư triệu phú, Richard C. Blum, người dường như được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ này.
Bắt đầu từ năm 1996, khi Trung Quốc mạnh dạn ủng hộ vợ mình, ông Blum đã có thể nhận cổ phần lớn tại các công ty thép và lương thực của Trung Quốc, và đã môi giới hơn 100 triệu đô la giao dịch tại Trung Quốc kể từ đó – với sự giúp đỡ của các đối tác ngồi trong các công ty quân sự Trung Quốc như COSCO và CITIC.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giúp bà Feinstein sống trong một lâu đài trị giá 17 triệu đô la ở San Francisco và có một ngôi nhà nghỉ mát trị giá 5 triệu đô la ở Hawaii. Bà là một trong những thành viên giàu nhất trong Nghị viện Mỹ.
Là Phó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện và là thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Dianne Feinstein đang điều tra các cáo buộc về “thông đồng” của Tổng thống Trump với Nga.
“Bà Feinstein cáo buộc ông Trump bị tác động bởi một quyền lực nước ngoài. Nhưng rõ ràng chính bà có một điểm mù đáng báo động khi nói đến Trung Quốc và an ninh quốc gia”, NYP nhận xét.
Mỹ Khánh

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất