Việt Nam: Tảo hôn 'vẫn tiếp diễn'.


  • 7 tháng 3 2018
Việt Nam, tảo hônBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionMột bà mẹ H'mong 16 tuổi và con trai 3 tuổi tại Lào Cai
Nạn tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở miền núi, nơi các cặp vợ chồng trẻ con về ở với nhau cho tới khi đủ 18 tuổi mới đăng ký với chính quyền và 'chịu phạt hành chính một chút', theo một mục sư ở tỉnh Điện Biên.
'Tảo hôn còn phổ biến'
Việt Nam, tảo hônBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionTình trạng tảo hôn được cho là còn rất phổ biến ở vùng núi VN
Việt Nam, tảo hônBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionNhiều gia đình muốn con cái kết hôn sớm để có thêm người chăn bò, làm nương
"Tảo hôn là chuyện phổ biến ở chỗ chúng tôi từ xưa", ông Sùng A Chìa, mục sư tại một hội thánh Tin Lành ở huyện miền núi Mường Chà, nói với BBC qua điện thoại hôm 7/3.
"Mới đầu năm nay tôi đã đi bốn đám cưới của cô dâu chú rể dưới 18 tuổi", ông Chìa nói.
"Đồng bào miền núi sau Tết đám cưới nhiều, do trong Tết thanh niên đi chơi, thấy cô nào 'vừa mắt' thì về nói chuyện với bố mẹ xin đi hỏi vợ."

"Nhiều thiếu niên chỉ học đến lớp 7, 8, 9 rồi nghỉ để ở nhà phụ giúp gia đình."
"Những người kết hôn ở bản tôi có được giấy đăng ký kết hôn của xã là hiếm."
"Thường người dưới 18 tuổi kết hôn vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục của đồng bào trên đó nhưng không làm thủ tục với ủy ban."
"Họ về sống với nhau, khi nào có con cái, hai người đủ 18 thì mới xuống ủy ban đăng ký kết hôn, chịu phạt hành chính một tý."
"Hội Thánh chúng tôi vẫn có các bài giảng về vấn đề lấy vợ lấy chồng sớm, khi chưa có kinh nghiệm nuôi con cái thì sẽ vất vả."
"Sinh con ra không có giấy khai sinh, không có bảo hiểm, các con đau ốm thì khổ."
"Nhưng tình trạng tảo hôn vẫn nhiều, tôi nghĩ là do ý thức của người dân và do hoàn cảnh còn nghèo."
"Họ chỉ biết lấy chồng lấy vợ càng sớm thì càng tốt, có người giúp gia đình làm nương làm rẫy."
"Họ không nhận thức được những vấn đề khác trong tương lai."
"Trong bản, gần nhà tôi có gia đình tảo hôn nay đã có năm con dù người chồng hiện chưa đến 30 tuổi. Họ nghèo lắm, vẫn sống trong nhà tranh."

Tăng hay giảm?

Việt Nam, tảo hônBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Image captionThiếu kiến thức và đời sống khó khăn được cho là nguyên nhân khiến tảo hôn tiếp diễn ở nhiều huyện miền núi Việt Nam
Trong khi đó, một người dân ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên muốn ẩn danh lại nhìn nhận tảo hôn ở địa phương này có dấu hiệu giảm.
Ông nói với BBC qua điện thoại rằng độ tuổi tảo hôn có vẻ tăng lên, trung bình ở lứa tuổi 16,5 năm 2017, so với các năm trước nhiều em kết hôn khi mới 14, 15 tuổi, thậm chí trẻ hơn.
Lý do có thể do học sinh miền núi hiện được tiếp cận với công nghệ thông tin nên đã hiểu biết hơn. Tỷ lệ tới trường cao hơn các năm trước.
"Trước Tết tôi mới chỉ biết một đám cưới ở xã trong đó cô dâu mới 14 tuổi, học lớp Tám," ông cho biết.
Việt Nam gần đây chưa có công bố nào về tình trạng tảo hôn hiện tăng hay giảm.
Hiện chỉ có số liệu từ cuộc điều tra quốc gia đầu tiên về điều kiện kinh tế xã hội của 53 nhóm dân tộc thiểu số do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành từ năm 2015.
Theo đó, tỷ lệ tảo hôn trung bình trong nhóm này ở mức cao, 26,6%.
Một số cộng đồng dân tộc thiểu số trong nhóm này thậm chí có tỷ lệ tảo hôn rất cao, lên tới 50 - 70%.
Truyền thông Việt Nam cho hay 11% nữ giới ở Việt Nam trong độ tuổi từ 20-49 kết hôn khi chưa đến 18 tuổi - thông tin được đưa ra tại một hội thảo quốc gia về vấn đề tảo hôn, tổ chức tại Hà Nội năm 2017.
Hiện chưa có số liệu mới hơn nào về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam được công bố.

Giảm trên toàn cầu

Việt Nam, tảo hônBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM
Tỷ lệ tảo hôn trên toàn thế giới giảm, theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef.
Tổ chức này ước tính có 25 triệu vụ tảo hôn được ngăn chặn trong thập kỷ qua.
Hiện cứ 5 phụ nữ thì một kết hôn trước 18 tuổi, so với một trong bốn trước đây.
Unicef cho biết các nước Nam Á cũng chứng kiến tỷ lệ tảo hôn sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay.
Ở Ấn Độ, tảo hôn giảm nhờ nâng cao giáo dục trẻ em gái và tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn.
Unicef cho hay nạn tảo hôn hiện xảy ra nghiêm trọng nhất ở châu Phi nhưng Ethiopia cũng đã giảm 1/3 tỷ lệ tảo hôn.
Báo cáo nói rằng gánh nặng tảo hôn đang chuyển sang vùng hạ Sahara châu Phi.
Unicef cho biết, cứ ba vụ tảo hôn thì một vụ xảy ra ở vùng hạ Sahara châu Phi, so với một trong 5 vụ trước đây.
Các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 theo Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Bà Anju Malhotra, cố vấn về giới của Unicef nói rằng để đạt được mục tiêu đó, cần đẩy mạnh các nỗ lực 'ngăn chặn hàng triệu trẻ em gái bị đánh cắp tuổi thơ do tảo hôn'.
Do tảo hôn ảnh hưởng cả đời một con người nên "bất kỳ mức giảm nào đều là tin tức đáng hoan nghênh - nhưng chúng ta còn một chặng đường dài trước mắt", theo bà Malhotra.
Bà nói: "Khi một phụ nữ bị buộc phải kết hôn từ khi còn là một bé gái, cô ấy sẽ phải đối mặt với những hậu quả ngay lập tức và suốt đời."
"Tảo hôn khiến cơ hội đến trường của trẻ em gái giảm, nguy cơ bị ngược đãi và các biến chứng thai sản tăng. Đó là chưa kể những hậu quả xã hội rất lớn, nguy cơ cao về chu kỳ nghèo đói từ đời này sang đời khác."

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất