Đoan Trang nhờ người nhận giải nhân quyền.
Blogger Đoan Trang nhờ một phụ nữ gốc Việt nhận giải nhân quyền Homo Homini tại Czech và gửi thông điệp về "cuộc đấu tranh quyền cơ bản" ở Việt Nam.
Blogger Đoan Trang, tác giả cuốn Chính Trị Bình Dân, hiện đang trong tình trạng "ẩn náu tại Việt Nam" sau lần bị câu lưu hôm 24/2.
Lễ trao giải Homo Homini của tổ chức People in Need diễn ra tại Prague, Cộng hòa Czech vào đêm 5/3 giờ địa phương.
Trong clip phát biểu được gửi đến sự kiện, Đoan Trang nói: "Người dân Việt Nam vẫn đang phải đấu tranh để quyền cơ bản của con người được thực thi."
Bà cũng nhắc đến câu chuyện của những người đang bị cầm tù: sinh viên Trần Hoàng Phúc, blogger Thúy Nga và Mẹ Nấm…
"Tôi ước ao là một ngày nào đó, người dân Việt Nam không còn phải đấu tranh với một nhà nước độc tài," Đoan Trang nói trong lời kết bài phát biểu.
'Ý thức của người dân'
Bà Nguyễn Thanh Mai, người đang làm việc cho một hãng hàng không ở Cộng hòa Czech và được Đoan Trang nhờ đi nhận giải thay, nói với BBC hôm 7/3:
"Trong lần về Việt Nam hồi tháng 3/2015, tôi có gặp Đoan Trang. Tôi cho là vì đang phải ẩn lánh, cho nên cô ấy có lý do để lo lắng cho sự an toàn mà người khác có thể sẽ gặp phải nếu công khai đi nhận giải thay cô ấy."
"Đoan Trang là tác giả mà tôi yêu quý và trân trọng. Có thể nói không ngoa rằng cô ấy là người giúp tôi mở mắt."
"Theo như tôi thấy, Đoan Trang khác các nhà báo khác ở chỗ cô ấy ý thức rất rõ rằng người dân cần phải có kiến thức cơ bản về chính trị, về sự vận hành của các thể chế chính phủ, để biết mình muốn thể chế nào, phải chăng quyền đó có là chính đáng hay không và có thể làm được gì cho điều đó."
"Khác với các lời kêu gọi kiểu "Các bạn hãy đi theo tôi", thông điệp của Đoan Trang là các bạn hãy tự tìm hiểu và làm theo những gì các bạn cho là tốt nhất."
"Tuy vậy, Đoan Trang cũng có điều cần hoàn thiện."
Bà Thanh Mai cũng cho biết thêm:
"Từ 1999, tôi về Việt Nam thường xuyên, năm nào cũng một, hai lần vì cha mẹ đã già. Lúc đó thì tôi không hề có bất kỳ hoạt động gì, một phần vì con nhỏ, một phần vì chưa có ý thức."
"Tôi bắt đầu có các hoạt động đầu tiên từ 2013, khi đó tôi tham gia nhóm Văn Lang Praha và bắt đầu dịch, biên tập một số tác phẩm của Vaclav Havel [cựu tổng thống và cũng là nhà viết kịch bất đồng chính kiến] Nhờ các tác phẩm này mà tôi mở mắt hơn, và bắt đầu có những hoạt động mà phần lớn đều có thể thấy trên website Văn Lang."
"Trong lần về nước hồi tháng 12/2015, tôi bị chặn lại và được thông báo rằng mình không được đón nhận tại Việt Nam. Khi tôi hỏi tại sao thì công an cửa khẩu bảo tôi sang hỏi an ninh tại sứ quán Việt Nam tại Czech."
"Dĩ nhiên là chẳng có ai ở đó tự nhận mình là an ninh, cho nên chưa bao giờ tôi biết lý do bị cấm nhập cảnh. Ngay cả khi cha tôi qua đời ở Việt Nam, tôi lên xin visa và cũng không nhận được trả lời."
"Năm ngoái, một nhân viên của sứ quán Việt Nam có mời tôi gặp nói chuyện. Cuối buổi nói chuyện, người này nói tôi nên 'sử dụng quan hệ của mình với báo chí, truyền thông Czech một cách thích hợp hơn'. Tôi cảm ơn sự quan tâm và hứa là sẽ suy nghĩ về lời khuyên này."
Cũng trong hôm 7/3, BBC nhận được ý kiến của ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập Luật Khoa Tạp chí: "Theo tôi được biết, từ khi Đoan Trang về nước vào tháng 1/2015, không ai biết chắc cô ấy có bị cấm xuất cảnh hay không vì cô không bị thu hộ chiếu và chưa thử xuất cảnh lại bao giờ."
"Tuy vậy, chuyện đó không quan trọng vì Đoan Trang đã từng thề trước khi về nước là sẽ không bao giờ rời Việt Nam chừng nào Việt Nam còn độc tài."
"Cam kết vững chắc đó của Đoan Trang cho thấy cô ấy nghiêm túc và sẵn sàng trả giá cao đến như thế nào cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam."
"Từng nhiều lần Đoan Trang nói với tôi rằng, đây không phải cuộc chơi để mà dạo chơi, đây là cuộc đấu tranh giữa sống và chết, giữa khao khát được sống tự do, lương thiện của con người với cái ác, cái xấu đang cố dìm con người xuống."
"Hơn nữa, tôi biết Đoan Trang không ham hố giải thưởng gì. Nếu tôi nhớ không lầm thì cô ấy đã được đề nghị trao giải nhiều lần lắm rồi. Lần này cô ấy đồng ý nhận giải vì giải này không trao hiện kim, mà lại là cơ hội để giới làm phim quốc tế biết đến tình hình nhân quyền Việt Nam nhiều hơn."
Comments
Post a Comment