Xe VinFast lại bị thu hồi ở Mỹ, lộ nguồn gốc linh kiện và kiểu kinh doanh độc hại

 

Một bên thân xe VinFast VF8 vỡ nát sau tai nạn ở Việt Nam. (Hình: báo Thanh Niên)

Cục Quản Lý An Toàn Giao Thông Đường Bộ Quốc Gia Hoa Kỳ (NHTSA) vừa yêu cầu VinFast thu hồi toàn bộ 4,888 xe VF8 đời 2023 đến 2025 nhập khẩu vào Mỹ.

Lệnh triệu hồi này kèm yêu cầu thay thế túi khí trung tâm người lái, do NHTSA phát hiện thiết kế túi khí có khả năng gây nguy hiểm khi xảy ra tai nạn. Cụ thể là nếu xe bị tông vào phía người điều khiển, túi khí có thể bung ra làm bị thương ở tay người lái xe.

Đây không phải là lần đầu xe VinFast bị thu hồi liên quan đến lỗi túi khí. Trước đó vào cuối Tháng Năm 2024, lỗi túi khí được xác định là túi khí trơ dùng cho thử nghiệm, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Chỉ sau hai năm kinh doanh tại Mỹ, VinFast đã bị thu hồi kỷ lục: ba lần bị thu hồi và 28 báo cáo phàn nàn trên NHTSA.

Báo cáo thu hồi lần này của NHTSA cho thấy túi khí do công ty Ashimori Korea của Bắc Hàn sản xuất. VinFast cũng đã sử dụng nhiều linh kiện và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc để cắt giảm giá thành. Kỹ sư Hazar Denli, cựu kỹ sư của Tata Technologies Limited (TTL), người tham gia thiết kế khung gầm các mẫu xe VinFast VF6 và VF7, đã tố giác rủi ro an toàn của những mẫu xe này lên Ủy Ban Chứng Khoán & Giao Dịch Hoa Kỳ (SEC) và NHTSA, sau khi tiết lộ các vấn đề tương tự trên BBC Anh Quốc.

Ngoài ra, tạp chí The Times của Anh đưa tin một nhân viên khác từng làm việc với Denli xác nhận thông tin VinFast giam lỏng nhân viên qua đêm trong nhà máy để ép họ làm việc thêm giờ, nhằm tăng năng suất. Những thông tin này làm dấy lên nhiều nghi ngờ về nguồn gốc sản xuất, chất lượng sản phẩm và văn hóa doanh nghiệp độc tài của VinFast, dưới sự điều hành bị cho là mang tính độc tài theo phong cách cộng sản.

Những tiết lộ về nguồn gốc sản xuất của xe

VinFast thường xuyên quảng bá mình là hãng xe Việt Nam, với các sản phẩm mang đậm dấu ấn trí tuệ Việt. Tại sự kiện ra mắt mẫu xe VF e34 ở Việt Nam, ông Hoàng Chí Trung, tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam, từng khẳng định “công nghệ thông minh của VinFast dành cho VF e34 là sản phẩm của sự kết nối tinh hoa trí tuệ của gần 2,000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới tại các viện nghiên cứu của Vingroup.”

Tuy nhiên, không chỉ sử dụng túi khí từ Bắc Hàn, các linh kiện và dây chuyền sản xuất của xe VinFast cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, hồ sơ IPO của công ty LongChuan Design gửi lên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thượng Hải lại tiết lộ một sự thật khác với lời ông Trung. VinFast là khách hàng nước ngoài đầu tiên thuê LongChuan thiết kế và phát triển các dòng xe VF5 và VF e34 theo hình thức chìa khóa trao tay. Điều này có nghĩa LongChuan đảm nhận toàn bộ quá trình thiết kế, phát triển và chuyển giao dây chuyền sản xuất cho VinFast. Hồ sơ IPO còn đề cập đến các công ty TNHH Công nghệ ô tô Yirui Thượng Hải, công ty TNHH Công nghệ mới Yinbaoshan Thâm Quyến, công ty TNHH Khuôn mẫu Huaisheng Thâm Quyến và công ty TNHH Dịch Vụ Kỹ Thuật Ô tô Idida Thượng Hải, những đơn vị cung cấp phụ tùng ô tô, dịch vụ đúc, thử nghiệm và chẩn đoán.

Trang chủ của Longchuan Design thời điểm đó cũng hiển thị logo VinFast, nhưng sau khi sự việc bị tiết lộ, logo này biến mất. Trang hồ sơ IPO ở Ủy Ban Kinh Tế và TM Thượng Hải cũng biến mất sau vài ngày khi có các phát hiện này, bản tin gốc ở Trung Quốc được ai đó yêu cầu xóa, gỡ bỏ. Tuy nhiên, bản lưu trên wikipedia Baidu vẫn còn.

Ngoài ra, dây chuyền sản xuất động cơ của VinFast cũng được chuyển giao bởi Dalian Haosen Hairpin Motor, theo công bố từ chính hãng Trung Quốc trong khi thời gian đầu theo nhiều kênh truyền thông trong nước thì động cơ xe VinFast là từ Bosch. Thông tin từ Volza, ứng dụng tự phục vụ chuyên cung cấp thông tin về thương mại xuất nhập khẩu từ hơn 78 quốc gia, Haosen đã xuất khẩu gần 54% sản phẩm của mình sang Việt Nam, tiếp theo là Ấn Độ và Nga.

Linh kiện radar, một phần trong hệ thống ADAS của VinFast, được Baolong Automotive, Bắc Kinh cung cấp, với số lượng lên tới 200,000 đơn vị, theo công bố trên trang chủ của Baolong, nhiều hơn tổng số xe VinFast đã bán trên toàn cầu.

Hệ thống ADAS được VinFast trang bị cho các dòng xe VF6, VF7, VF8 và VF9. Trước đó, khi mới ra mắt VF8, VinFast giới thiệu hệ thống ADAS của dòng xe này là từ ZF, một nhà cung ứng của Đức.

Theo kỹ sư Hazar Denli chia sẻ trên Reddit, phần lớn các bộ phận của xe VinFast được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý, các nhà cung cấp mà VinFast lựa chọn bị đánh giá là có chất lượng kém nhất trong số những nhà cung cấp tệ.

Cụ thể, ống lót (bushes) nối càng chữ A (LCA) với thân xe được sản xuất bởi một nhà cung cấp Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm sản xuất loại linh kiện này, có tuổi thọ chỉ khoảng 10% so với tuổi thọ của xe. Để khắc phục vấn đề độ bền, VinFast tăng độ cứng của ống lót, tuy nhiên điều này lại làm giảm khả năng cách ly rung động và tiếng ồn của xe.

Bộ phận bảo vệ pin cũng chỉ được làm bằng nhôm thông thường, thay vì vật liệu có độ bền cao hơn. Mặc dù điều này có thể không gây vấn đề lớn trong các vụ tai nạn, nhưng lại gây hại nếu xe thường xuyên chạy trên đường có nhiều ổ gà và gờ giảm tốc. Theo Denli, sau khoảng 100 lần va chạm mạnh, pin có thể gặp vấn đề.

Pin của xe cũng bị đánh giá là loại rẻ tiền và kém chất lượng. Rủi ro chính đến từ hệ thống treo khi xe di chuyển qua các địa hình xấu như ổ gà, gờ giảm tốc hoặc khi xe bị bay lên không trung. Hệ thống treo của VF6 và VF7 được thiết kế không tốt do hạn chế về ngân sách và thời gian. Sau khoảng 40,000km, các kết nối giữa giảm xóc và trục bánh xe có thể trở nên lỏng lẻo, gây ra ứng suất mỏi, làm mòn các kết nối pin và tăng nguy cơ cháy nổ. Hiện tại, VinFast sử dụng pin từ ba nhà cung cấp chính là Samsung SDI, Gotion và CATL.

Kỹ sư Denli cũng tiết lộ rằng Chủ tịch VinFast Phạm Nhật Vượng yêu cầu hệ thống treo phải có giá rẻ nhất và thiết kế trong thời gian ngắn kỷ lục. Quá trình thiết kế và mô phỏng hệ thống treo chỉ diễn ra trong vài tháng, mà không có bất kỳ thử nghiệm thực tế nào trước khi đưa vào sản xuất. Trong khi đó, các hãng xe như Jaguar Land Rover hay Mercedes thường mất đến 5 năm để thiết kế, thử nghiệm và khắc phục sự cố. Các hãng này thường có đội ngũ 20-30 kỹ sư chuyên về hệ thống treo, trong khi đội ngũ của VinFast chỉ có 4 người. VinFast đã bỏ qua các bước thử nghiệm cuối cùng để tiết kiệm chi phí và thời gian. Theo hồ sơ IPO của TTL tại Ấn Độ, thời gian hoàn thành chuyển giao chìa khoá trao tay phát triển toàn bộ (turnkey full development service) các dòng xe cho VinFast diễn ra trong thời gian kỷ lục chỉ 22 tháng.

Văn hoá doanh nghiệp độc tài, độc hại kiểu cộng sản

Theo tiết lộ mới nhất của tạp chí The Times (Anh), các kỹ sư làm việc cho công ty TTL,trong đó có kỹ sư Hazar Denli, phải trải qua những ngày tháng “giam lỏng” đầy áp lực trong một nhà máy ở Việt Nam. Họ bị ép buộc phải gấp rút hoàn thành chiếc xe điện được cho là “không an toàn” để kịp tiến độ ra mắt thị trường cho hãng VinFast.

Theo Denli, việc “giam lỏng” này là do VinFast gây áp lực cho nhân viên để đưa xe ra thị trường nhanh chóng. Một nhân viên tố giác khác, yêu cầu The Times giấu tên, cũng cho hay việc giam lỏng thường xuyên xảy ra do quá trình sản xuất quá gấp gáp. Chính Denli cũng chia sẻ cảm nhận về ban lãnh đạo VinFast trên Reddit, mô tả họ “điển hình như kiểu cộng sản… giống như Stalin…”

“Chúng tôi từ Anh sang Việt Nam, đến Hà Nội để giám sát việc chế tạo nguyên mẫu và ông ta nhốt chúng tôi trong tòa nhà, phong tỏa công trường cho đến khi mọi thứ hoàn thành… Ông ta hủy tất cả các chuyến xe buýt, và vì công trường nằm ngoài thành phố, cách ngôi làng gần nhất 2 giờ đi bộ, nên ngay cả khi bạn trốn thoát cũng không có cách nào quay lại… Không ai được về nhà cho đến khi mọi việc xong xuôi… Đó là chế độ nô lệ thời hiện đại… ,” kỹ sư người Anh đã chia sẻ trên Reddit.

Denli cho biết quy trình phát triển xe diễn ra “vội vàng” và các kỹ sư ở Việt Nam thường xuyên bị nhốt trong nhà máy qua đêm để ép họ làm việc liên tục. Một nhân viên khác (không tiết lộ danh tính), cũng xác nhận rằng anh từng bị giam lỏng trong nhà máy vào cuối tuần để tăng năng suất. Tài liệu nội bộ của Tata thừa nhận sự việc này, cho thấy có một nhóm người đã bị nhốt trong nhà máy và ép phải ngủ lại đó.

Tuy nhiên, sau nhiều vụ tai nạn liên tiếp liên quan đến xe VinFast xảy ra, và nhận thấy các lỗi an toàn nghiêm trọng, anh đã quyết định lên tiếng, bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về các lỗi an toàn nguy hiểm tiềm ẩn trong những chiếc xe này.

Sau khi lên tiếng, Denli bị JLR, hãng xe Anh Quốc được Tata Group mua lại vào 2008 từ Ford, sa thải. Denli hiện đang tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi lại công bằng. Theo luật lao động của Anh, người lao động phần nào được bảo vệ khỏi sự trả đũa của người sử dụng lao động nếu họ tiết lộ thông tin mà họ tin rằng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của bất kỳ cá nhân nào. Theo đạo luật Tiết Lộ Thông Tin Vì Công Lợi năm 1998, những điều khoản hợp đồng khiến họ phải im lặng đều bị vô hiệu hóa.

Theo BBC Anh Quốc, tài liệu nội bộ có được qua Yêu Cầu Truy Cập Dữ Liệu Cá Nhân (DSAR), sau khi phát hiện các bài đăng trên Reddit của Denli, giám đốc nhân sự của Tata Technologies, ông Patrick Flood, bàn với giám đốc nhân sự và thành viên hội đồng quản trị của JLR, ông Dave Williams, về việc sa thải Denli khỏi JLR.

Ông Flood thông báo với ông Williams rằng khách hàng của Tata Group, là VinFast, tự tiến hành điều tra và xác định Denli là tác giả của các bài đăng trên Reddit. Thậm chí, vào ngày bị sa thải, Denli còn bị đưa vào danh sách đen trên nền tảng tuyển dụng Magnit nên mọi đơn xin việc ông nộp qua hệ thống này tự động bị từ chối. Hành động này cho thấy những lạm quyền trắng trợn, thể hiện bản chất độc tài và sự tàn nhẫn trong cách VinFast đối xử với những người dám đứng lên bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng, sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi và sự nghiệp của người khác để bảo vệ lợi ích của mình.

Không chỉ dừng lại ở việc bóc lột sức lao động và trả thù người dám tố cáo, VinFast còn thể hiện rõ bản chất độc tài khi thao túng truyền thông và đàn áp tiếng nói đối lập ngay tại Việt Nam. Một cách trắng trợn, các thông tin bất lợi cho VinFast hoặc Vingroup đều bị kiểm duyệt và gỡ bỏ một cách nhanh chóng trên báo chí Việt Nam, cho thấy rõ sự thao túng và kiểm soát thông tin một cách có hệ thống. Trong khi đó, những bài viết, video ca ngợi xe VinFast lại được lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, tạo ra một bức tranh giả tạo về sự hoàn hảo của sản phẩm và thương hiệu.

Cùng với đó, trên mạng xã hội, các bài viết, bình luận hay video vạch trần sự thật về VinFast cũng thường xuyên bị tấn công và gỡ bỏ. Các trang hội nhóm, cộng đồng Facebook có xuất xứ Việt Nam nếu đăng tải thông tin tiêu cực về VinFast cũng sẽ bị “xóa sổ” chỉ trong vài phút. Như công trình tháp chuông ở nhà ga cáp treo của VinGroup tại cảng Nha Trang bị sập vào sáng ngày 14 tháng Giêng đồng loạt bị gỡ bỏ một cách thần tốc.

Các bài đăng về các vụ tai nạn xe VinFast, hoặc các video xe bị cháy cũng chịu chung số phận. Những hành động này cho thấy sự chuyên chế trong cách VinFast kiểm soát luồng thông tin, không cho phép bất kỳ sự phản biện hay chỉ trích nào. Thậm chí, các tài khoản Facebook thường xuyên cung cấp thông tin bất lợi cho Vingroup và VinFast như Phuong Ngo, Sonnie Tran,… cũng thường xuyên trở thành mục tiêu bị tấn công và vô hiệu hóa.

Tất cả những điều này cho thấy VinFast đã dùng mọi thủ đoạn, từ việc thao túng truyền thông trong nước đến tấn công các tiếng nói phản biện để bưng bít sự thật, vẽ ra một hình ảnh hào nhoáng giả tạo, và trốn tránh trách nhiệm về những sai phạm nghiêm trọng của mình. Đây chính là cách hành xử quen thuộc của các chế độ độc tài, sử dụng quyền lực để chà đạp lên tự do ngôn luận và quyền được tiếp cận thông tin của người dân.

Từ việc sử dụng linh kiện và dây chuyền sản xuất từ các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Bắc Hàn đến việc bắt nhốt nhân viên để ép buộc ra mắt sản phẩm bất chấp an toàn, cùng với việc kiểm duyệt thông tin và đàn áp tiếng nói đối lập, VinFast dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng đang thể hiện một văn hóa kinh doanh độc hại, mang đậm dấu ấn của một chế độ độc tài, bất chấp đạo đức và luật pháp. Những hành vi này không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sự an toàn của người tiêu dùng, mà còn làm xói mòn niềm tin vào một xã hội công bằng, minh bạch, nơi mà pháp luật được thượng tôn. VinFast đã phơi bày một bộ mặt tăm tối trong cách thức vận hành và quản lý doanh nghiệp, nơi mà lợi nhuận và tiến độ được đặt lên trên tất cả, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người và các giá trị đạo đức.

VinFast đang dần trở thành một biểu tượng của sự độc đoán và lạm quyền trong thế giới kinh doanh. Thay vì xây dựng một môi trường làm việc minh bạch và tôn trọng con người, VinFast lại sử dụng các biện pháp chuyên chế, đàn áp để bịt miệng những người dám lên tiếng. Đây không chỉ là một bài học về sự vội vã theo đuổi tham vọng mà còn là một lời cảnh báo nghiêm khắc về sự nguy hiểm của một văn hóa doanh nghiệp độc tài, xem thường các giá trị nhân văn. Thay vì trở thành niềm tự hào của Việt Nam, VinFast đang tự biến mình thành một “chế độ cộng sản thu nhỏ,” nơi mà sự thật và công lý bị bóp nghẹt, chỉ có quyền lực và lợi nhuận được tôn thờ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của khách hàng lẫn sự nghiệp của nhân viên để đạt được mục tiêu của mình.

Những tai nạn kinh hoàng gây chết người

Ngày 24 Tháng Mười Hai, một video ghi lại cảnh chiếc VinFast VF9 đang đậu thì tự lùi rất nhanh đến mức cháy bánh và bốc khói nghi ngút trên đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM. Rất may lúc đó trên xe không có người và cửa đã khóa chặt. Theo video được ghi lại, chủ xe phải xử lý bằng cách xịt làm mát vào bánh xe liên tục và phá cửa sổ xe để mở khóa.

Vào giữa Tháng Mười Hai, một sự cố tương tự xảy ra tại tầng hầm tòa nhà Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, khi một chiếc VinFast VF9 đang đậu cũng đột ngột lùi và tông vào tường, khi chủ xe – một cán bộ ngoại giao, đã xuống xe. Theo lời kể của chủ xe và biên bản ghi nhận, chiếc xe tự động lùi với tốc độ rất nhanh, bánh xe xoay rít lên đến cháy khói trắng sau khi tông vào tường và phải mất 5-6 tiếng sau mới ngưng. VinFast từ chối đền bù với lý do chủ xe đã thao tác sai khi còn cài dây an toàn, không kéo thắng tay và cài số lùi. Nhưng trong trường hợp này, chủ xe đã ra khỏi xe, và tốc độ xe lùi rất nhanh, chứ không vô tình cài số R như hãng giải thích. Chủ xe đang gửi đơn khởi kiện lên Hiệp Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam.

Chỉ vài ngày sau vụ trên xảy ra, trên mạng xuất hiện các đoạn clip ghi lại cảnh một chiếc taxi điện GSM VinFast VF5 đang đậu sau khi trả khách đột ngột chạy tới và tông vào chính khách hàng của mình. Theo camera hành trình, tài xế tháo dây an toàn và đang chồm ra hàng ghế sau, không can thiệp vào chân ga. Điều này trái ngược hoàn toàn với lý do VinFast từ chối đền bù cho chủ xe VF9.

Tiếp theo đó, một video khác từ camera nhà dân ghi lại cảnh một chiếc taxi điện VinFast VF5 khác sau khi tài xế dừng xe và xuống mở cửa cho khách, đột ngột lùi rất nhanh và tông vào một người phụ nữ và đứa con nhỏ đang ngồi trên xe máy đậu phía sau.

Tháng Mười Một, tại Đà Lạt, một chiếc taxi điện VinFast VF5 đột ngột tăng tốc và lật nhào, gây ra cái chết cho một bé gái 1 tuổi và làm ba người khác bị thương. Theo lời kể của mẹ bé gái, chiếc xe đang xuống dốc thì đột ngột tăng tốc và lao vào lề đường.

Hồi Tháng Bảy, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc địa phận tỉnh Hải Dương do chiếc VinFast VF9 gây ra. Nguyên nhân là do một vụ đụng nhẹ trước đó giữa một xe khách và một xe bán tải khiến tài xế và hành khách xuống xe để tranh cãi ngay tại làn đường 120 km/h. Chiếc VF9 lao tới đâm mạnh vào đuôi xe khách, làm hai người chết. Vấn đề đặt ra là liệu các tính năng tránh va chạm và dừng khẩn cấp của hệ thống ADAS trên chiếc VF9 có gặp lỗi gì hay không khi hai xe phía trước đều đang đứng yên.

Cuối Tháng Tư, một vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe VinFast VF8 tại Pleasanton, California đã cướp đi sinh mạng của bốn người trong một gia đình. Chiếc xe đã va chạm với cột điện, sau đó đâm vào một cây sồi lớn, dẫn đến việc xe bốc cháy khiến các nạn nhân không thể thoát ra. NHTSA đang tiến hành điều tra về hệ thống lái của chiếc VF8, sau khi nhận được một số khiếu nại cho rằng tay lái có thể tự động chuyển hướng gây ra tai nạn. Một người bạn của tài xế đã báo cáo rằng chiếc xe trước đó cũng đã gặp sự cố tương tự khi vô lăng tự động di chuyển sang phải.

Những tai nạn liên tiếp này, cùng với các thông tin về nguồn gốc linh kiện từ các quốc gia cộng sản và quá trình phát triển xe, cũng như việc VinFast phớt lờ những cảnh báo về chất lượng và độ an toàn từ đội ngũ kỹ sư như Denli, liệu ai còn dám sử dụng xe VinFast?

Sonny Tran

https://saigonnhonews.com/doi-song/cong-nghe/xe-vinfast-lai-bi-thu-hoi-o-my-lo-nguon-goc-linh-kien-va-kieu-kinh-doanh-doc-hai/

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất