Trung cộng rơi vào hỗn loạn vì Tập nắm độc quyền lãnh đạo


image.png

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China military in disarray over Xi’s monopoly on power,” Nikkei Asia, 26/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Việc Tập đoàn quân 83 ủng hộ ‘lãnh đạo tập thể’ đã thách thức lãnh tụ tối cao.

Quân Giải phóng Nhân dân, lực lượng quân đội hùng mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị do bất đồng về cách chủ tịch Tập Cận Bình điều hành hệ thống lãnh đạo của đất nước.

Bất đồng đã nổi lên vào đầu tháng này, khi lực lượng chính trị hùng mạnh của Quân Giải phóng bị kéo vào một loạt các sự kiện bất thường.

Vào ngày 1 tháng 12, Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương đã đăng một bài viết trên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình, thông báo về một phiên họp thảo luận do Tập đoàn quân 83 trực thuộc bộ tư lệnh này tổ chức.

Bài viết của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương được đính kèm một bức ảnh có chứa khẩu hiệu chính trị gồm 16 chữ, được đóng khung vàng treo trên tường. Tập đoàn quân 83 hiện đang ủng hộ khẩu hiệu này thông qua phiên họp.

Khẩu hiệu này bao gồm bốn nguyên lý – lãnh đạo tập thể, tập trung dân chủ, tham vấn cá nhân, và quyết định tại hội nghị.

Phiên họp được tổ chức trước một khẩu hiệu được đóng khung, về cơ bản có nội dung: Quyền ra quyết định phải được chia sẻ, chứ không nên tập trung vào tay một số ít người. (Ảnh từ tài khoản mạng xã hội chính thức của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương).

Những điều này có nghĩa là: phải thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ trong chế độ lãnh đạo tập thể, các vấn đề quan trọng phải được thảo luận một cách riêng rẽ và đúng mực, và quyết định phải được đưa ra trong các cuộc họp.

Thoạt nhìn, dường như không có vấn đề gì. Nhưng ở Trung Quốc ngày nay, khẩu hiệu này nghe có vẻ thách thức. Quan trọng hơn, hành động thách thức lại đến từ bên trong quân đội.

Việc Tập đoàn quân 83 công khai ủng hộ các nguyên lý này đã xảy ra dù Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Tập đã tập trung đáng kể quyền lực vào tay mình kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào năm 2012.

Hơn nữa, bài viết của Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương không hề nhắc đến Tập. Cũng không đề cập đến các thuật ngữ chính trị nhằm đảm bảo việc tập trung quyền lực vào tay ông, chẳng hạn như “lãnh đạo tập trung, thống nhất,” “Hai thiết lập” và “Hai duy trì.”

Hội nghị trung ương sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 18 năm 2016 đã định vị Tập là “hạt nhân” của Đảng. Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với Tập là hạt nhân đã được nhấn mạnh ở Trung Quốc kể từ đó đến nay.

“Hai thiết lập” ám chỉ việc thiết lập vị thế của Tập như là hạt nhân của đảng và thiết lập vị trí chỉ đạo của hệ tư tưởng cùng tên của ông. Trong khi đó “Hai duy trì” có nghĩa là bảo vệ vị thế hạt nhân của Tập và bảo vệ quyền lực và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương.

Tập đoàn quân 83 đã nhóm họp xem xét các chủ đề được thảo luận trong Hội nghị Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương được tổ chức vào đầu năm nay. Tập Cận Bình cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan quân đội hàng đầu giám sát Quân Giải phóng Nhân dân.

Tin tức về phiên họp của Tập đoàn quân 83 nhanh chóng lan truyền khắp cả nước sau khi được đưa tin rộng rãi trên trang tin trực tuyến Bành phái Tân Văn (Tên tiếng Anh: The Paper) và nhiều phương tiện truyền thông khác.

Phiên họp tập trung vào Hội nghị Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương diễn ra tại Diên An, một căn cứ cách mạng cũ ở tỉnh Thiểm Tây, được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 6, theo thông báo của Quân ủy Trung ương.

Đích thân Tập đã tham dự sự kiện. Các chính sách cơ bản về hệ thống lãnh đạo quân đội và các vấn đề chính trị khác có lẽ đã được thảo luận tại hội nghị. Các chủ đề khác có thể bao gồm các vấn đề về ý thức hệ và nhân sự.

Hội nghị của Quân ủy Trung ương được tổ chức trước cả hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại vào tháng 7 và mật nghị Bắc Đới Hà, một hội nghị bí mật giữa những nhân vật chủ chốt của đảng được tổ chức vào mỗi mùa hè.

Sẽ rất kỳ lạ nếu các chủ đề như lãnh đạo tập thể, tập trung dân chủ, tham vấn cá nhân, và quyết định tại hội nghị – tất cả những chủ đề mà Tập đoàn quân 83, đóng tại tỉnh Hà Nam, ủng hộ trong bài đăng trên mạng xã hội – lại không được thảo luận tại hội nghị Quân ủy Trung ương vào tháng 6.

Theo thông báo đưa ra sau hội nghị đó, Tập chỉ ra rằng “quân đội Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp trong công tác chính trị.” Thông báo cũng tuyên bố khá đột ngột rằng nguyên tắc “tập trung dân chủ” sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, Tập cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bí thư đảng ủy. Xét đến “tập trung dân chủ,” rõ ràng ông đã cố gắng nhấn mạnh vào “tập trung” hơn là “dân chủ.”

Ở Trung Quốc, đảng lãnh đạo mọi thứ, và các chi bộ đảng sẽ được thành lập trong các tổ chức khác nhau. Bí thư đảng ủy là các quan chức cấp cao nhất về mặt chính trị của các tổ chức.

Mặt khác, thuật ngữ “lãnh đạo tập trung, thống nhất” đã không xuất hiện trong thông báo của hội nghị Quân ủy Trung ương vào tháng 6. Thay vào đó, thông báo chỉ đề cập đến “lãnh đạo thống nhất.”

Nhiều khả năng, lãnh đạo tập thể, tập trung dân chủ, và dân chủ nội đảng đã trở thành những chủ đề bí mật và gây tranh cãi của hội nghị Quân ủy Trung ương và chúng vẫn đang tiếp tục được thảo luận trong quân đội.

Vào tháng 6, Miêu Hoa – người được cho là “điệp viên trong quân đội” của Tập – vẫn còn giữ chức vụ Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương. Ông cũng là một trong sáu thành viên của Quân ủy Trung ương.

Năm tháng sau, vào cuối tháng 11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng tuyên bố rằng Miêu đã bị đình chỉ chức vụ vì “nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.” Hình phạt dành cho ông có thể liên quan đến những diễn biến kể từ sau hội nghị Quân ủy Trung ương.

Vào ngày 9 tháng 12, tám ngày sau khi Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương đăng tải bài viết về cuộc họp của mình trên mạng xã hội, tờ Giải Phóng Quân Báo, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, đã đăng một bài bình luận chính thức có tiêu đề “Đi đầu trong việc tuân thủ lãnh đạo tập thể.”

Bài bình luận mở đầu bằng việc mạnh dạn trích dẫn Đặng Tiểu Bình và những phát biểu của ông về lãnh đạo tập thể hồi nửa sau thập niên 1950, dưới thời Mao Trạch Đông.

Những câu được trích dẫn của Đặng bao gồm: theo truyền thống, các quyết định quan trọng của đảng là do tập thể chứ không phải cá nhân đưa ra, rằng quyền lãnh đạo của đảng phải được thực hiện thông qua tập thể các đảng bộ chứ không phải một hoặc hai người, và rằng các quyết định quan trọng của đảng phải được đưa ra thông qua các cuộc thảo luận nhóm.

Một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc nhận định bài bình luận đã “phản đối và chỉ trích sự tập trung quyền lực quá mức [vào tay Tập], đây là điều rất đáng chú ý.”

Bài bình luận cũng trích dẫn những phát biểu của Mao, nhà sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chỉ trích các nhà lãnh đạo tự ý đưa ra quyết định nhân danh sự “tập trung quyền lực” bất chấp lãnh đạo tập thể.

Bài bình luận này được viết bởi một sĩ quan đang phục vụ trong một đơn vị quân đội ở tỉnh Hà Nam.

Hai ngày sau, vào ngày 11 tháng 12, tờ Giải Phóng Quân Báo lại đăng một bài bình luận khác, “Đi đầu trong việc thúc đẩy dân chủ nội đảng.” Bài bình luận này do một sĩ quan quân đội tại Văn phòng Cải cách và Cơ cấu của Quân ủy Trung ương biên soạn.

Bài luận nói rằng: trong tập trung dân chủ, dân chủ đi trước tập trung quyền lực. Bên cạnh đó, các bí thư và các thành viên cấp cơ sở có mối quan hệ bình đẳng trong các tổ chức đảng, có tiếng nói và quyền biểu quyết ngang nhau khi thảo luận và ra quyết định.

Nó cũng nói rằng các bí thư chỉ là những người đứng đầu đơn vị và họ không bao giờ được biến mình thành ông chủ, hoặc điều chỉnh quan hệ của họ với các thành viên cấp cơ sở thành một hệ thống phân cấp. Xin lưu ý rằng người ngồi ở vị trí cao nhất trong số các bí thư là Tổng bí thư Tập.

Trước khi kỷ nguyên Tập bắt đầu vào năm 2012, Hồ An Cương, một nhà kinh tế học Trung Quốc nổi tiếng và là giáo sư Đại học Thanh Hoa, đã nhấn mạnh đến tính ưu việt của lãnh đạo tập thể – hệ thống chính trị độc đáo của Trung Quốc – thông qua một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng.

Vào thời điểm đó, Hồ chỉ ra những vấn đề của chế độ tổng thống như ở Mỹ và nhiều nơi khác, nơi quyền lực tập trung vào tay một nhà lãnh đạo quốc gia.

Nền kinh tế Trung Quốc đã khiến Tập đau đầu trong nhiều năm. Giờ đây, đến phiên quân đội tạo ra trở ngại cho chủ tịch Trung Quốc. © Reuters

Nhưng sau khi thời đại của Tập bắt đầu, việc tập trung quyền lực vào tay một người đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Trong quá trình đó, lập luận của Hồ dần trở thành một lý thuyết chính trị nguy hiểm, một lý thuyết nguy hiểm khi được trình bày trước công chúng.

Tuy nhiên, một bộ phận trong quân đội hiện đang bắt đầu công khai ủng hộ lãnh đạo tập thể và dân chủ nội đảng.

Không phải tất cả các bài viết trên tờ Giải Phóng Quân Báo đều ủng hộ những nguyên lý này. Trên thực tế, một bài viết ủng hộ việc tập trung quyền lực vào tay Tập đã được đăng trên tờ này vào cùng thời điểm đó. Một tập đoàn quân khác thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương – chịu trách nhiệm bảo vệ các khu vực miền trung Trung Quốc, bao gồm cả Bắc Kinh – đã được nêu tên trong bài viết đó.

Hiện tại, sự hỗn loạn của quân đội Trung Quốc dường như chỉ giới hạn ở tư tưởng chính trị và ý thức hệ. Nhưng vẫn chưa biết liệu cuộc đấu đá xoay quanh hệ thống lãnh đạo đất nước và các vấn đề khác có ảnh hưởng đến các chiến dịch quân sự hay không.

Liệu có khả năng sự hỗn loạn chính trị của quân đội Trung Quốc sẽ lan sang các thể chế khác không? Chúng ta có thể sẽ biết câu trả lời vào năm sau.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất