Cựu Tổng thống Jimmy Carter là “đại ân nhân” của người Việt thuyền nhân, tị nạn! Cứu giúp gần 3 trăm ngàn người Việt, đến Mỹ!
(Ngọc Lễ)
(Cựu tổng thống Jimmy Carter tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân Chủ năm 2008 tại Denver, Colorado.)
-Cựu tổng thống Jimmy Carter đã giúp hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam đến Mỹ và thiết lập nền tảng để Mỹ tiếp đón người tị nạn về sau mà nếu không có ông thì đã có biết bao nhiêu thuyền nhân Việt chết trên biển, những người nắm rõ vấn đề trong cộng đồng Việt Nam cho biết.
Ông Carter là tổng thống Mỹ thứ 39 từ năm 1977 cho đến năm 1980, những năm đầu tiên sau cuộc chiến ở Việt Nam. Sức khoẻ ông trở nên rất yếu ở tuổi 98. Ông được đưa về nhà riêng ở bang Georgia để sống những ngày cuối đời trong an bình bên cạnh người thân.
Cựu tổng thống Carter qua đời ngày 29 tháng 12, 2024, ở tuổi 100.
Đây cũng là lúc cộng đồng Việt ở Mỹ tưởng nhớ đến những công lao của ông trong việc giúp đỡ người Việt tị nạn khi ông còn là tổng thống.
‘Hành động can đảm’
Giáo sư Lê Xuân Khoa ở bang California, người từng đứng đầu một trung tâm tư vấn về chính sách đối với người tị nạn dưới thời Tổng thống Carter, nói với VOA rằng ‘tất cả người Việt tị nạn đều nhớ ông Carter là một ân nhân’.
Ông Khoa nhắc lại lịch sử là vào năm 1979 khi mà làn sóng thuyền nhân Việt Nam ồ ạt đổ đến các nước đông nam Á, ‘đã có nhiều tàu tị nạn bị kéo trở lại ra biển và còn dọa bị bắn khiến cho nhiều người tị nạn đã chết’.
Khi đó cộng đồng quốc tế đã triệu tập hội nghị về người tị nạn ở Geneva và ông Carter đã là nguyên thủ đầu tiên cam kết tăng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận từ 7 ngàn lên 14 ngàn người một tháng, tổng cộng 168 ngàn người một năm, ông Khoa kể lại những con số mà ông ‘nhớ rất rõ’.
“Từ xưa đến nay chưa bao giờ có vị tổng thống nào chấp nhận cho người tị nạn hay di dân vào nước Mỹ nhiều như vậy,” ông nói.
Ngoài ra, ông Carter còn kêu gọi các nước tạm dung người Việt tị nạn tiếp tục tiếp nhận và các nước Âu-Mỹ theo gương Mỹ để nâng con số tiếp nhận lên, cũng theo lời kể của ông Khoa.
Theo nhận định của giáo sư này thì nếu không có hành động đó thì ‘chắc chắn dân tị nạn Việt Nam đã bị đuổi về hết và các trại tị nạn cũng sẽ bị đóng cửa’.
Ông đánh giá hành động này của ông Carter là ‘rất can đảm’ trong bối cảnh tình hình chính trị và thái độ người dân Mỹ lúc đó rất bài xích dân tị nạn Việt Nam.
“Đó là hành động rất can đảm của ông Carter bằng cách giải thích cho dân chúng Mỹ rằng truyền thống nước Mỹ là tiếp nhận tị nạn, là yêu giá trị tự do dân chủ, bằng cách giải thích rằng những người tị nạn là những người đã bỏ nước ra đi, bỏ tất cả sự nghiệp và tài sản để chạy trốn cộng sản.”
“Vì thế mà dân chúng Mỹ, các chính trị gia và Quốc hội đã lắng nghe ông và đồng ý cho ông tăng số lượng tiếp nhận người tị nạn lên,” ông nói thêm.
‘Tấm lòng lương thiện’
Khi được hỏi lý do tại sao ông Carter lại có hành động như vậy, ông Khoa cho rằng ‘có thể ông Carter không phải là chính trị gia giỏi về chính trị, nhiều thủ đoạn tranh giành với người khác nhưng bản chất ông ấy là người hiền lành, lương thiện’.
“Không ai chối cãi được ông ấy là người tôn trọng tự do, nhân quyền, bảo vệ dân chủ ở Mỹ và các nước khác,” ông cho biết. “Nếu không phải Tổng thống Carter thì tôi cũng không dám nghĩ rằng các tổng thống khác nếu có lòng tốt cũng sẽ không dám làm mạnh đến như vậy.”
Theo phân tích của ông thì các chính trị gia khác sẽ ‘cân nhắc nặng nhẹ về chính trị nhiều hơn chứ không đặt nặng về nhân đạo’ nên ‘cũng có thể sẽ gia tăng con số người tị nạn’ nhưng ‘sẽ không thể nào làm mạnh dạn và một cách tha thiết như ông Carter được’.
Ông chỉ ra Tổng thống Gerald Ford, người tiền nhiệm của ông Jimmy Carter, cũng giúp đỡ người tị nạn Việt Nam rất nhiều ‘nhưng vì lý do chính trị nhiều hơn lý do nhân đạo’ vì, theo lý giải của ông, Đảng Cộng hòa của ông Ford ‘có sự mặc cảm vì nước Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa’.
Sau nhiệm kỳ của ông Carter một thời gian thì nước Mỹ lại có phong trào ‘compassion fatigue’ tức là ‘mệt mỏi tình thương’ đối với người tị nạn trước tình trạng ‘dân tị nạn Việt kéo qua Mỹ quá đông và kinh tế Mỹ cũng khủng hoảng nên họ đòi chấm dứt tiếp nhận tị nạn’, cũng theo lời kể của Giáo Sư Khoa.
Đóng góp lớn thứ hai của ông Carter theo ông Khoa là giúp thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông đánh giá là ‘đạo luật tị nạn đầu tiên của nước Mỹ có giá trị cho đến giờ và là nền tảng để cho nước Mỹ thâu nhận người tị nạn’, trong đó có những chương trình quan trọng đối với người tị nạn Việt Nam như HO và OPD (Ra đi có trật tự).
Ông cũng chỉ ra là bà Rosalynn Carter, phu nhân của ông Carter, là người đã đứng ra vận động gây quỹ viện trợ nhân đạo cho người tị nạn. Ông ca ngợi lòng nhân hậu của ông bà Carter sau khi về hưu vẫn đi vận động khắp thế giới để xây cất nhà cho người nghèo, trong đó có người nghèo ở Việt Nam.
Theo quan sát của ông Khoa ‘chính sách tị nạn của Mỹ ngày eo hẹp lại’. “Lúc trước tiếp nhận mỗi năm từ 100 đến 200 ngàn người giờ chỉ còn có mười mấy ngàn,” ông nói và kêu gọi người tị nạn Việt Nam đã thành công trên đất Mỹ nên đóng góp để giúp đỡ người tị nạn trên khắp thế giới đến Mỹ.
‘Hy sinh lớn’
Cùng nhận định với ông Lê Xuân Khoa, nhạc sỹ Nam Lộc, người có hơn 40 năm làm công việc giúp đỡ người tị nạn và được cơ quan di trú Mỹ (USCIS) phong làm ‘Đại sứ quốc tịch’ hồi năm 2022, cho biết rằng giai đoạn Tổng thống Jimmy Carter nắm quyền cũng là lúc ‘người tị nạn Việt Nam ra đi đông nhất’.
Ông dẫn ra số liệu cho thấy vào năm 1977 khi ông Carter mới bước vào Tỏa Bạch Ốc, chỉ có gần 16 ngàn thuyền nhân, nhưng qua đến hai năm 1978 và 1979 thì con số này đã tăng vọt lên lần lượt là 87 ngàn và 203 ngàn. Đến năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Carter con số thuyền nhân Việt Nam còn 71 ngàn và đến sau đó thì ‘đã giảm đi rất nhiều’.
Theo lời ông Nam Lộc thì khi ông Carter vừa lên cầm quyền, ông ‘đã chứng kiến những hình ảnh thảm khốc của người Việt tị nạn chết trên biển’ nên đã ra lệnh cho hải quân Mỹ ‘cứu vớt người tị nạn Việt Nam’.
“Nếu không có sự can thiệp của ông đối với thế giới, nếu ông không ra lệnh cho các chiến hạm của Mỹ và của hải quân Mỹ cứu vớt người Việt trên Biển Đông thì có lẽ hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên Biển Đông,” ông nói.
Việc ông tăng gấp đôi con số người tị nạn được Mỹ tiếp nhận khiến ông chịu sự chống đối rất nhiều, cũng theo lời ông Nam Lộc.
“Có thể nói sự hy sinh rất lớn của ông là khiến ông bị thất cử nhiệm kỳ hai,” ông Lộc nhận định. “Nhưng ông không có điều gì ân hận bởi vì tôi nghĩ ông cảm thấy ông đã làm đúng lương tâm là cứu với hàng trăm ngàn người trên Biển Đông.”
Ông nói chính bản thân ông khi đó làm việc trong lĩnh vực tị nạn ‘cũng đã gặp rất nhiều sự chống đối ở các thành phố mà ông làm việc’ và Quốc hội Mỹ lúc đó cũng đã lên tiếng phản đối những chính sách tị nạn của ông Carter vì nó quá tốn kém ngân sách của nước Mỹ.
‘Chính khách khác biệt’
Nhạc sỹ Nam Lộc có cùng nhận định với giáo sư Lê Xuân Khoa là ông Carter là ‘một chính khách khác biệt’. Ông nói: “Ông Carter là một trong những người Hoa Kỳ thuần túy có trái tim rộng lượng, biết thương người, yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do nên hy sinh sự nghiệp chính trị của mình.”
Ông chỉ ra bằng chứng là cựu Tổng thống Jimmy Carter đã mang lại hòa bình giữa Israel và các nước Trung Đông và được cộng đồng quốc tế ghi nhận với giải Nobel hòa bình. “Ông được thế giới ngưỡng mộ vì sự nhân bản của mình,” ông Lộc nhận xét về cựu tổng thống.
Ngoài ra, cũng theo ông Lộc, ông Carter còn có công lớn trong việc giúp người Việt tị nạn khi sang đến Mỹ ổn định cuộc sống và hòa nhập vào nước Mỹ. Vào thời điểm đó, dân tị nạn Việt Nam ở Mỹ chỉ ‘trong tình trạng tạm dung’, tức là không được lãnh trợ cấp gì hết.
“Vào năm 1977 người Việt chúng ta được ra một đạo luật đặc biệt để chuyển từ tạm dung sang thường trú nhân. Nếu không có ông Carter thì chúng ta cũng chỉ ở trong tình trạng tạm dung theo đúng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ,” ông cho biết.
Chính tấm gương ông Carter, người đã dành cả đời phụng sự cho tha nhân dù là khi đã trên 90 tuổi, là người đã truyền cảm hứng cho ông Nam Lộc cống hiến cho người tị nạn trong suốt 40 năm qua và đến giờ mặc dù đã về hưu nhưng ông vẫn ‘muốn dành thời giờ để phục vụ người tị nạn và tranh đấu cho những người kém may mắn’, ông giãi bày.
“Có thể nói không ngoa rằng ông Carter là người đã thay đổi toàn bộ chính sách và sự đối xử của thế giới nói chung và người dân Hoa Kỳ nói riêng đối với người tị nạn Việt Nam.”
Nhạc sỹ này nói rằng bất chấp những khác biệt về quan điểm chính trị hay đảng phái, ông tin rằng ‘trong lòng những thuyền nhân Việt Nam tử tế luôn nhớ ơn đến những người đã giúp đỡ họ’.
Mặc dù cựu tổng thống ‘không bao giờ mong chờ sự tri ân’ nhưng ông Nam Lộc cho rằng cộng đồng Việt Nam ở Mỹ nên ‘gửi lời tri ân đến gia đình cựu tổng thống’ để ‘nhân dân Mỹ biết rằng họ đã có một vị tổng thống vĩ đại’.
‘Mở đường cho tị nạn’
Về phần mình, ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn Việt Nam, nhắc lại một cuộc biểu tình của người Việt trước tòa Bạch Ốc vào lúc cao điểm cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam khi mà các nước đông nam Á đẩy tàu tị nạn Việt Nam ra biển khơi.
“Chính Tổng thống Jimmy Carter đã bước ra tận hàng rào bắt tay với người biểu tình, điều mà không có tổng thống nào dám làm,” ông Thắng nói với VOA.
“Có người biểu tình Việt Nam đã nói rằng: ‘Ngài Tổng thống ơi, xin hãy cứu đồng bào chúng tôi. Ông Carter đã trả lời rằng ‘Được, hãy để tôi suy nghĩ’,” ông Thắng kể.
Chỉ vài ngày sau đó, ông Carter ra lệnh các tàu bè Mỹ đón hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đến Mỹ định cư. Việc này đã làm giảm áp lực cho các nước tạm dung để họ tiếp tục nhận thuyền nhân Việt Nam vào các trại tị nạn, cũng theo lời vị giám đốc này.
Ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh đến đạo luật Tị nạn năm 1980 mà ông cho là đã mở đường cho các công việc giúp đỡ người tị nạn của ông đến tận bây giờ.
“Trước đó Hoa Kỳ không có chính sách tị nạn. Sau này Hoa Kỳ mới có chính sách tị nạn rõ rệt. Đó là công lao của Tổng thống Carter và Quốc hội bấy giờ.”
Theo ông thì nếu không có Tổng thống Jimmy Carter thì cộng đồng Việt Nam ở Mỹ ‘chỉ có quy mô rất nhỏ’.
Ông cũng chỉ ra ông Carter đã thay đổi ý thức của chính phủ Mỹ trong việc đối xử với người tị nạn đã đến Mỹ. Lúc người Việt mới di tản sau năm 1975 nước Mỹ ‘không có chương trình của chính phủ để giúp đỡ họ’, tức là không có trợ cấp và những dịch vụ cho người tị nạn mà chỉ có những cơ sở tư nhân đứng ra giúp đỡ.
“Đến thời ông Carter mới có chương trình của chính phủ Mỹ nhận đây là trách nhiệm của chính phủ liên bang,” ông Thắng nói và chỉ ra các trợ giúp như cấp chỗ ở, cho tiền thuê nhà, dạy lái xe, cấp thẻ xanh và nhập tịch sau một thời gian...
Ông kể lại một kỷ niệm là khi chương trình đánh dấu 30 năm người Việt ở Mỹ được tổ chức thì ban tổ chức có gửi thư mời đến vợ chồng ông Carter thông qua tổ chức Carter Foundation.
“Ông Carter có gửi thư trả lời nói rằng ông xin lỗi vì ông rất kẹt nên không tham dự được và gửi lời chào đến cộng đồng người Việt,” ông kể. “Đó là một tổng thống rất khiêm nhường. Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ nhận được thư hồi đáp do chính ông viết, xin lỗi và ký tên.”
Thư mời gửi cho ông Carter đó, ông Thắng cho biết, có nêu lên lòng biết ơn của người Việt tị nạn đối với ông. Ông cho rằng ‘chắc chắn cộng đồng Việt Nam có món nợ ân tình với ông Carter’.
Theo lời ông thì cộng đồng người Việt ‘nên vinh danh một vị tổng thống nhân từ không thể chối cãi kể cả những người thuộc đảng đối lập với ông Carter’.
“Sự khác biệt về chính kiến là rất bình thường ở Hoa Kỳ. Chúng ta có thể không đồng ý với ông Carter ở một số chính sách chẳng hạn nhưng chúng ta không thể phủ nhận những việc làm nghĩa ích, nhân đạo, tấm gương sống nhân từ của Tổng thống Carter và bà Carter,” ông Thắng nói.
Comments
Post a Comment