NGƯỜI KHÁCH TRỌ HỮU TÌNH NHƯNG BẠC NGHĨA
Rialto là một thành phố nhỏ khô cằn, thiếu nước, chỉ có 93,000 dân nằm trong quận San Bernadino, California, giữa hai freeway 15 và 25. Hơn một nửa dân cư ở đây là những người gốc Mễ di dân, một phần năm là dân gốc Phi Châu. Thu nhập bình quân mỗi người chỉ khoảng $13,375.00 mỗi năm, và 13% dân chúng ở đây sống dưới mức đói nghèo của nước Mỹ, trong khi tỷ lệ tội ác lại cao hơn những thành phố khác mà thành phố lại không đủ ngân sách thuê nhân viên cảnh sát. Rialto cũng có nhiều “group home kids” mà chúng ta gọi nôm na là “viện mồ côi”. Tại đây nhiều em học sinh bỏ học vì cha mẹ quá nghèo hay không biết Anh ngữ, phần lớn các em không có một máy computer ở nhà nên việc học rất khó khăn.
Gần đây, một nhóm người Việt gồm có bác sĩ, thầy cô giáo, sinh viên và tu sĩ cư ngụ trong vùng San Bernadino, đã chọn Rialto để thiết lập một trung tâm giáo dục, khởi đầu trong phạm vi nhỏ mang tên là H.O.M.E. tuy mang danh nghĩa là “Mái Ấm” nhưng theo các sáng lập viên đây là mấy chữ viết tắt của “House of Méditation & Education”. Theo người trưởng nhóm, họ muốn chọn Rialto là vì trong vùng, đây là một thành phố nghèo nhất trong vùng, nơi mà trẻ em lêu lổng, nghèo khó cần dân chúng góp tay với chính quyền địa phương để giúp đỡ. Trẻ em có thể đến đây học hay xử dụng computer, được hướng dẫn làm home work hay đọc sách. Sau giờ học ở trường, nếu trẻ em gọi nhau “Go home!” chính là về mái ấm này. Cha mẹ đi theo con cũng được dự phần chỉ dẫn về computer hay hỏi han việc học của con em. Tất cả đều do những thiện nguyện viên làm việc không công. Chính cô bác sĩ trưởng nhóm sau khi tốt nghiệp, chỉ muốn đi làm bán thời gian để còn thời gian lo cho... các em, cô đã trải qua mười lăm năm vất vả lo cho con ăn học, nay con đã vào đại học, là lúc cô muốn trả nợ đời. Trên nước Mỹ, bao nhiêu người trong chúng ta đã làm được những việc như thế? Trong một buổi họp cộng đồng Việt Nam tại một địa phương miền trung Hoa Kỳ, một vị linh mục đã có can đảm phát biểu thẳng thắn với đồng hương như sau: “Trong thành phố này, người Mỹ: - giàu có hơn quí vị rất ít, - giàu có bằng quí vị không bao nhiêu, - nghèo hơn quí vị rất nhiều. Nhưng lòng bác ái của người địa phương rất rộng rãi, không có công tác từ thiện nào mà họ không góp công góp của, không như người Việt chúng ta.
-Thưa Cha! Vậy thì Cha nghĩ, 8 tỷ một năm gởi về Việt nam không phải là tiền từ thiện hay sao? Có điều chúng ta chỉ lo cho quê hương, họ hàng, còn ở đây chúng ta chỉ là người khách trọ.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ đã gọi nhau quyên góp tài chánh, đem tiền về giúp Việt Nam đã quá nhiều, nhưng việc người Việt tỵ nạn giúp nước Mỹ thì quá ít, phải nói là rất vô tình. Những nghĩa vụ như tuân hành luật pháp, đi lính, đóng thuế, chúng ta đã làm đủ, nhưng hình như chúng ta vẫn sống trên đất Mỹ không gì khác hơn là một... du khách, hay là một người tình “vẫn đi bên cạnh cuộc đời” không hề lưu tâm để ý gì đến những chuyện chung quanh. Người Mỹ khen chúng ta thành công trong vấn đề học vấn và thương mãi. Có bằng cấp thì có job thơm, thương mãi thành công thì trở nên giàu có, điều đó có nghĩa gì với đất nước đã cưu mang chúng ta, nếu chúng ta chưa dùng sở học, sự giàu có để giúp đỡ, đền đáp được gì cho đất nước này. Ở nam Cali, nơi có người Việt tại quốc ngoại đông nhất, mỗi năm chúng ta lại thấy có một bữa cơm cho người khó khăn hay một buổi phát túi ngủ cho vài trăm người vô gia cư, có lẽ vẫn còn quá ít ỏi.
Sau nhiều cuộc chiến tranh có người Mỹ tham dự hay không, nước Mỹ đã giang tay đón nhận nhiều dân tộc đến sinh sống tại Hoa Kỳ. Ðể “trả ơn”, nhiều tổ chức Hồi giáo ở Mỹ đã quyên góp tiền gởi về ủng hộ cho khủng bố Al-Qaida, tổ chức đã muốn tận diệt nước Mỹ. Nhiều di dân Trung Cộng và cả Ðài Loan đã trở thành gián điệp cao cấp cung cấp cho quốc gia họ những bí mật về quốc phòng hay kinh tế của nước Mỹ, một cảnh “nuôi ong tay áo”. Những người này khi nhập tịch đã tuyên thệ trung thành với nước Mỹ cũng như chúng ta, nhưng xem việc nước Mỹ như việc của hàng xóm, không muốn can thiệp hay đóng góp, thậm chí cũng không muốn đi bầu cử.
Chúng ta đã thấy chính phủ Mỹ can thiệp cho nhiều người mang các sắc tộc khác nhau trong nhiều tình huống khó khăn, nguy hiểm, chỉ vì họ là công dân Mỹ. Cựu Tổng thống Bill Clinton từ Bắc Hàn trở về Mỹ sau khi đã thành công trong việc cứu hai cô phóng viên Laura Ling gốc Trung Hoa, và Euna Lee, gốc Ðại Hàn. vì tội "xâm phạm lãnh thổ Bắc Hàn." Nếu các bạn là công dân đi du lịch, làm việc hay thậm chí buôn ma tuý, nước Mỹ chắc không bao giờ bỏ các bạn.
Ở quốc gia nào, việc mở rộng du lịch cũng nhắm mục đích thu ngoại tệ, nhưng trong phạm vi khách du lịch Việt Nam sang Mỹ thăm bà con, ít người đem tiền đến để giúp nước Mỹ phồn thịnh, mà ngày về túi đầy đô la nhờ viện trợ của các công dân Mỹ, trong khi công dân Mỹ thì dành dụm tiền đem về cố hương giải sầu. Rồi đây khi trái gió trở trời, chúng ta gặp hoạn nạn nước Mỹ đã bên cạnh chúng ta. Một tiếng kêu cấp cứu trong đêm, một cơn truỵ tim, một cơn bão lốc hay lụt lội, chúng ta đều được cứu giúp tận tình. Nước Mỹ cũng nghèo, cũng có nhiều vấn nạn nhưng quả thật lòng ta đôi khi cũng dửng dưng.
Chúng ta phát động nhiều lần quyên góp để giúp cho trẻ em nghèo ở Việt Nam , xem như bà con ruột thịt, mà quên người hàng xóm khốn khó bên cạnh chúng ta. Mỗi năm vào mùa lạnh, nhiều kẻ không nhà đã chết trên đường phố Los Angeles hay New York, nhiều trẻ em bụi đời, nhà tù thiếu niên không ai thăm viếng, những nhà dưỡng lão thiếu một lời hỏi han. Cộng đồng người Việt chưa hề thấy có một công tác xã hội nào hữu hiệu để giúp ngay nước Mỹ, nơi chúng ta đang sống. Chúng ta thường tự hào là người Việt trọng điều nhân nghĩa, sống có thủy có chung, nhưng nhiều khi vẫn cư xử như người khách trọ vô tình. |
Comments
Post a Comment