mê những cung bậc mượt mà của những giai điệu tuyệt vời gợi lên từ dòng nhạc trữ tình êm ái. Ông sinh hoạt với các bạn cùng sở thích là Phan Thắng Toán (guitarist nổi tiếng) và Nguyễn Văn Đắc; nhiều khi tụ họp với nhau nghêu ngao ca hát trên căn gác xép những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong, Lâm Tuyền, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý…
Trong thời gian sinh hoạt ở đây, một người em gái của bạn ông tên Mai thường đứng ngoài cửa nghe giọng ca Lộc Vàng rồi mê đắm chàng. Hai người đôi khi cùng hẹn tâm tình theo từng bước chân trên những con phố dài Hà Nội. Đấy là những năm tháng của tuổi đôi mươi. Nhưng trớ trêu thay, chính vì đam mê dòng nhạc lãng mạn trữ tình đó mà cả ba người đều vướng vào vòng lao lý.
Vào thời ấy dòng nhạc tiền chiến được nhà cầm quyền gọi là “nhạc vàng” và bị cấm hẳn. Chuyện sinh hoạt âm nhạc của nhóm ông Lộc đã lọt vào tai công an nên ngày 27.3.1968, cả ba người bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò và sau đó bị kết án với tội danh “truyền bá văn hóa đồi trụy”. Báo Hà Nội Mới ngày 12.1.1971 trích bản luận tội: “Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài Gòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá, lôi kéo thanh niên…” (!). Ông Phan Thắng Toán bị 15 năm tù và chịu 5 năm quản chế; ông Nguyễn Văn Ðắc 12 năm tù và 5 năm quản chế; ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) bị 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân (năm 1973, nhân ký hiệp định Paris được giảm án còn 8 năm tù, 4 năm quản chế).
Ngày 26.3.1976 Lộc Vàng được thả, từ trại giam ông đi bộ 30km để về ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Ra về với đôi bàn tay trắng, không tiền bạc; ông không dám liên hệ với ai vì sợ người ta ngại quen biết với người tù. Cứ nghĩ rằng lúc này đây người yêu sẽ không chờ đợi mình nữa nhưng kỳ lạ thay, người yêu vẫn đón ông trong vòng tay thắm tình yêu thương nồng ấm. Chị Mai yêu ông và cũng yêu luôn dòng nhạc đã làm cho mình say đắm dù phải trả giá đắt. Khi biết chị gắn bó với một người tù, ông trưởng đoàn Nghệ thuật tuồng trung ương, nơi chị công tác, đã xúc phạm người tù, chị đã nặng lời với ông ta rồi bỏ việc để ra chợ bán đậu phụ mưu sinh. Chỉ là để được sống bên người yêu mà bao năm chị đã chờ đợi.
Ông Lộc Vàng kể lại chuyện bị đi tù: “Chúng tôi gặp gỡ, hát với nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe. Sau khi ra tù, nhà cửa anh Toán cũng tan nát, anh chán đời và tìm vui bên men rượu. Anh lang thang trên đường phố, sống vào tình thương của người qua lại. Ðêm 30.4.1994, người ta nhìn thấy anh Toán nằm gục chết, đói lả, cô đơn trên hè phố… Còn ông Nguyễn Văn Ðắc mất năm 2005. Nghĩ đến cuộc đời của mình sao mà cay đắng, chua chát quá. Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục, những bản nhạc này được hát lên tivi. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”.
Ca sĩ Lộc Vàng hát song ca cùng một nữ nghệ sĩ
Năm 1981 Lộc và Mai hai người lấy nhau, có được cháu trai. Cả hai sống chung trong một mái nhà 9m2 che tạm phía trên toilet của nhà vợ. Ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ việc, quét vôi đến lái xe. Nhưng sự khốn khổ không dừng lại ở đó: tai họa oan khiên từ người láng giềng đem lại khiến mẹ vợ ông bị chém ở chân và con trai 9 tuổi bị chém ngang lưng. Khi ông đưa mẹ vợ vào bệnh viện này thì chị Mai đưa con vào bệnh viện khác. Ông phải đi vay nợ khá nhiều để chạy chữa cho hai bà cháu. Trong cảnh đời khốn khó như vậy mà ông vẫn nặng lòng với tình yêu âm nhạc, những bài hát trữ tình đã cho ông niềm tin vào cuộc đời.
Những lúc rảnh rỗi, ông hát cho vợ nghe những câu: “Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/ Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây/ Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy/ Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em…” (Ngô Thụy Miên, Niệm khúc cuối). Năm 1987, khi đã có những chương trình nhạc vàng được hát ở Hà Nội, lần đầu tiên ông đi hát cho chương trình của nghệ sĩ Khắc Huề, sau đó nhiều nơi khác mời ông đến hát. Khi sinh đứa con thứ hai, vợ ông trở bệnh nặng. Nhiều năm chăm sóc vợ trong cảnh nghèo nàn, đến lúc nhà cũng chẳng còn gạo còn tiền. Đang ngồi trong bệnh viện, có người quen mời đến quán Zcafe để hát. Ông không đành lòng vì vợ đang đau đớn. Nhưng rồi không còn cách nào khác, nhờ đứa con trông mẹ, ông đến hát để có được 200 ngàn đồng lo thuốc thang cho vợ. Đến quán hát mà lòng ông rối bời, trong tiếng hát dường như nước mắt muốn tuôn rơi. Biết vợ mang bệnh nặng ông đã đi khắp nơi, thậm chí ra nghĩa địa tìm cây thuốc nam, lên chùa cầu khẩn Phật. Dù đã chăm lo hết sức mình, nhưng chỉ mấy hôm sau vợ ông vẫn qua đời. Lòng nặng trĩu nỗi đau, ông chỉ còn biết dựa vào tiếng hát, vào niềm đam mê âm nhạc mà sống.
Ông quyết định thuê một chỗ mở quán nhạc nhỏ để thỏa lòng mong ước. Cuộc sống không khá hơn, đã phải bán nhà để bù lỗ chuyện mê hát. Hằng ngày ông phải thầu thêm công việc quét vôi cho các công trình xây dựng để quán cà phê Lộc Vàng (17A đường Hồ Tây, Hà Nội) được mở cửa mỗi đêm để ông có thể đem tiếng hát bằng cả tâm hồn đến cho người yêu nhạc tiền chiến. Tiếng hát đi cùng những tháng năm đau khổ trôi qua đã đem đến những rung động sâu đậm cho người nghe. Ông Lộc ước mơ đến một ngày nào đó được trả lại danh dự cho người chịu oan trái chỉ vì lòng đam mê âm nhạc.
Người ta không hiểu bằng sức mạnh nào mà người nghệ sĩ đã trải qua bao thăng trầm nghiệt ngã của cuộc đời lại có thể cất lên tiếng hát trong từng đêm như lời kinh nhật tụng. Thật vậy, nhạc tiền chiến đã là số mệnh của ông, nghệ sĩ Lộc Vàng.
Comments
Post a Comment