Trò chơi xuất cảng hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ không thành công
Chuyên gia: Lần này, trò chơi xuất cảng hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ không thành công
Bắc Kinh hy vọng có thể giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua xuất cảng và xử dụng doanh số bán hàng ở thị trường nước ngoài để bù đắp cho sự thiếu hụt nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, không giống như 25 năm trước, ván cờ của Bắc Kinh lần này sẽ không thành công.
Thế giới ngày càng không sẵn lòng tiếp nhận hàng của Trung Quốc
Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế cao đối với hàng xuất cảng của Trung Quốc vào năm 2018 và 2019 (dưới thời Tổng thống Trump). Hiện chính phủ của ông Biden đã tuyên bố rằng, họ đang xem xét áp thuế quan bổ sung đối với nhiều loại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Trong bài phát biểu hôm 17/4 tại trụ sở của Công đoàn Công nhân sắt thép (Steelworkers Union) ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, ông Biden đã công khai đề xuất áp mức thuế 25% mới đối với các sản phẩm thép và nhôm được chỉ định của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cũng chỉ đạo việc hợp tác với Mexico để hạn chế thép và nhôm Trung Quốc vào Mỹ thông qua nước này. Nếu thêm các mức thuế theo "Điều khoản 301" của Đạo luật Thương mại năm 1974 của Hoa Kỳ và "Điều khoản 232" thời ông Trump, cũng như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp hiện hành, thì trên thực tế, Hoa Kỳ về cơ bản đã đuổi thép và nhôm của Trung Quốc ra khỏi cửa.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Hoa Kỳ, nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Mỹ đạt gần 3 triệu tấn vào năm 2014 và đã giảm xuống còn 600.000 tấn vào năm 2023, trị giá 900 triệu USD; trong khi tổng lượng thép nhập khẩu của Hoa Kỳ trong năm ngoái là 25,6 triệu tấn. Tổng lượng nhôm nhập khẩu vào Mỹ là 5,46 triệu tấn, nhưng quy mô nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là 200.000 tấn, trị giá 750 triệu USD.
Cũng trong ngày 17/4, để đáp lại khiếu nại của 5 nhóm công đoàn lao động, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố tiến hành cuộc điều tra chính thức theo “Điều khoản 301” đối với các ngành hàng hải, logistics (kho vận) và đóng tàu của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Biden còn phải đối mặt với áp lực từ Quốc hội Mỹ và các ngành nghề trong các vấn đề như ô tô điện, v.v. Theo thống kê của Bloomberg, số công ty và cá nhân Trung Quốc nằm trong danh sách đen xuất khẩu dưới thời chính quyền của ông Biden đã lên tới 319, nhiều hơn so với con số 306 dưới thời ông Trump.
Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc là “bài ngoại”. Ông Biden nói rằng ông không nghĩ mức thuế mới sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của ông với ông Tập.
Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ với mức thuế đề xuất của Mỹ và tuyên bố sẽ trả đũa.
Thế giới không sẵn sàng quay trở lại quá khứ
Kể từ đầu năm nay, các chính phủ trên thế giới đã công bố hơn 70 biện pháp liên quan nhắm vào sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi con số này của cả năm 2021 và 2022 chỉ là 50.
Ông Milton Ezrati, nhà kinh tế trưởng của công ty thông tin Vested ở New York, viết trên Forbes rằng, không giống như khoảng 25 năm trước - khi Bắc Kinh theo đuổi tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, thế giới giờ đây dường như không còn sẵn sàng quay trở lại mô hình hợp tác trong quá khứ với Bắc Kinh nữa.
Liên minh Châu Âu (EU) nói rằng Bắc Kinh đang bán phá giá ô tô điện trên thị trường Châu Âu, và EU đang xem xét các mức thuế trả đũa.
Vương quốc Anh cho hay, máy kéo và máy móc xây dựng của Trung Quốc đã tràn vào nước này và họ đang khởi động một cuộc điều tra về chống bán phá giá. Ngoài ra, ở Anh cũng đã xuất hiện các khiếu nại về xe đạp điện của Trung Quốc.
Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Chile và Mexico đã nêu lên lo ngại về việc Trung Quốc bán phá giá thép, gốm sứ và hóa chất.
Chile đang xem xét áp thuế 15% đối với thép Trung Quốc. Ấn Độ đã đề xuất điều tra chống bán phá giá đối với bu lông, gương và bình giữ nhiệt chân không do Trung Quốc sản xuất.
Indonesia cũng đã có hành động tương tự đối với sợi tổng hợp của Trung Quốc, và nói rằng việc một lượng lớn sản phẩm của Trung Quốc tràn vào đã khiến ngành sản xuất nội địa của nước này gặp nguy hiểm.
Chuyên gia: Lần này, trò chơi xuất khẩu của Bắc Kinh sẽ không thành công
Ông Ezrati cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế Trung Quốc đang rất cần sự giúp đỡ vì Bắc Kinh đã thất bại trước hàng loạt vấn đề kinh tế.
Ví dụ: Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã từ chối giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản và để nó lan rộng. Ở Trung Quốc đã có nhiều công ty bất động sản vỡ nợ hoặc phá sản và nhiều công ty thác tín phải đóng cửa. Trước áp lực này, các biện pháp ứng phó mà chính quyền Trung Quốc đưa ra vẫn chỉ nhỏ lẻ và chưa chạm đến cốt lõi của vấn đề.
Tuy nhiên, thế giới ngày nay đã thay đổi, chính quyền Trung Quốc không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua sản xuất và xuất khẩu như trước kia nữa.
Ông Ezrati nói, 25 năm trước, xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 2% xuất khẩu toàn cầu, nhưng hiện nay xuất khẩu của nước này đã chiếm khoảng 15% xuất khẩu toàn cầu. Điều này khiến các nền kinh tế khác khó có thể giữ cho lợi ích của mình không bị tổn hại nếu hấp thụ quá nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Ezrati nói: “Rõ ràng, mọi thứ sẽ không diễn ra như cách họ đã làm 25 năm trước”. “Cho dù lớp lãnh đạo ở Bắc Kinh có muốn nó thành công đến đâu chăng nữa thì hiện nay kế hoạch của Bắc Kinh cũng không thể thông suốt, sẽ không thành công”.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch
Comments
Post a Comment