TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :12/11/2024

 TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  :12/11/2024

Mỹ : Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Quốc vào các vị trí chủ chốt cho chính quyền mới
Tổng thống đắc cử Donald Trump khẩn trương chọn lựa nhân sự cho chính quyền mới, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/01/2025. Những ngày qua, nhiều nguồn thạo tin đã tiết lộ với báo chí những cái tên được ông Trump nhắm tới cho các vị trí quan trọng, như Ngoại Giao và An Ninh Quốc Gia. Đó là những nhân vật trung thành với ông Trump và có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
image.png
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio (P) vận động cử tri cùng Donald Trump ở Allentown, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 29/10/2024. REUTERS - Brendan McDermid
Anh Vũ

Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết chi tiết :


Giống như trong lĩnh vực nhập cư, Donald Trump tìm trong số những người trung thành để giao các vị trí chủ chốt ở lĩnh vực đối ngoại. Là người từng chạy đua chức phó tổng thống, nhưng ở chặng cuối bị JD Vance vượt lên, thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida có thể được nắm chức ngoại trưởng, nhật báo New York Times dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống đắc cử cho biết.

Là con của một gia đình nhập cư từ Cuba, Marco Rubio được biết đến là một người có quan điểm cứng rắn đối với các chế độ độc tài nói chung và nhất là chống Trung Quốc. Là phó chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng Viện, ban đầu ông không đồng quan điểm với tổng thống đắc cử về chiến tranh Ukraina cũng như về việc cần phải gây sức ép với Kiev để chấm dứt chiến tranh, nhưng cuối cùng ông đã thích ứng.

Ông cũng đồng quan điểm với lãnh đạo của mình về vấn đề chi phí quốc phòng của châu Âu, theo đó châu Âu phải tự lo cho mình là chính.

Với vị trí cố vấn an ninh quốc gia, Donald Trump có vẻ như đã chọn một nhân vật diều hâu khác, một dân biểu của Florida, Mike Waltz. Nhân vật này cũng nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Mike Waltz là cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, từng nhiều lần được điều đến Afghanistan, Trung Đông và châu Phi. Ông cũng đã nhiều lần được tặng thưởng huân huy chương cho quân nhân dũng cảm.


Cùng với việc tuyển chọn nhân sự, tổng thống đắc cử Mỹ muốn chính quyền mới được thành lập nhanh chóng, không có sự cản trở. Donald Trump hôm Chủ nhật đã yêu cầu Thượng Viện miễn thủ tục phê chuẩn, việc bổ nhiệm các quan chức cao nhất trong chính quyền tương lai của ông. Một điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống bổ nhiệm mà không cần sự chấp thuận của Thượng Viện khi Thượng Viện không họp. Nhưng quy định hiếm khi được áp dụng, vì các thượng nghị sĩ thường sắp xếp họp vào thời điểm đề cử và do đó thực hiện quyền kiểm soát của họ đối với cơ quan hành pháp.
Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban
Hôm qua, 11/11/2024, trong lúc ngoại trưởng Israel khẳng định đã đạt được tiến triển trong đàm phán đình chiến với Hezbollah, điều mà nhóm Hồi giáo Shia bác bỏ, quân đội của Nhà nước Do Thái tiếp tục tấn công vào nhiều khu vực ở Liban, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng.
image.png
Một người đàn ông ở trước ngôi nhà bị hư hại sau cuộc tấn công của Israel ở Sohmor, phía tây thung lũng Bekaa, Liban, ngày 10/11/2024. REUTERS - Maher Abou Taleb
Chi Phương

Hôm qua, lần đầu tiên Nhà nước Do Thái tấn công vào khu vực Akkar ở miền bắc Liban, từ khi mở chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt nhóm Hezbollah. Điều này khiến toàn nước Liban chìm trong cuộc chiến đẫm máu. Sáng nay, quân đội Israel đã tấn công vào một số khu vực ngoại ô Beyrouth, sau khi Israel kêu gọi người dân sơ tán, vì ở trong khu vực hoạt động của Hezbollah.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :

« Không còn nơi nào an toàn ở Liban. Tối thứ Hai, vùng Akkar, giáp với Syria ở phía bắc nước này đã bị Israel tấn công và hiện toàn bộ lãnh thổ Liban bị chiến tranh nhấn chìm. Các cuộc không kích của Israel đã nhắm vào một khu vực có chủ yếu người theo đạo Hồi nhánh Sunni, hiện đang tiếp đón hàng chục người Hồi giáo Shia ở miền nam nước này.

Không quân Israel cũng đã tấn công dữ dội vào hàng chục thị trấn ở miền nam Liban, khiến 21 ngôi làng phải sơ tán. Nhiều người dân trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công này, những người vẫn ở lại dù các vụ tấn công của Israel gia tăng.

Về phần mình, Hezbollah đã nã vào phía bắc Israel hơn 250 tên lửa hạng nặng. Đây là con số kỷ lục kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Liban hôm 01/10 vừa qua, chưa kể các cuộc tấn công bằng drone. Hôm qua, Hezbollah đã tuyên bố thực hiện 22 vụ oanh kích.

Các khu vực như Safah, Acre, Haïfa, ở phía bắc Israel đã bị Hezbollah tấn công vào hôm qua. Hezbollah đã bắn hàng loạt tên lửa từ các ngôi làng ở khu vực biên giới, vốn được cho là đã được quân đội Israel « dọn dẹp », kiểm soát sau 50 ngày tấn công trên bộ ».
Bắc Triều Tiên phê chuẩn Hiệp ước Quốc phòng với Nga
Hôm nay, 12/11/2024, Bắc Triều Tiên đã phê chuẩn thỏa thuận quốc phòng lịch sử với Nga, trong bối cảnh Matxcơva đang trong cuộc chiến với Ukraina. Thông báo này được đưa ra hai ngày sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 09/11/2024 ký phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược với Bình Nhưỡng.
5d389bae-d977-49d2-acfa-480d50a90e97.png
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, trong lễ ký kết văn kiện hợp tác song phương, ngày 19/06/2024. AP - Kristina Kormilitsyna
Minh Anh

Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA loan báo, thỏa thuận quốc phòng được đúc kết hồi tháng 06/2024 nhân chuyến thăm Bình Nhưỡng của nguyên thủ Nga, đã được lãnh đạo Kim Jong Un « phê chuẩn và ký dưới hình thức sắc lệnh ». Hiệp ước này ràng buộc hai nước hỗ trợ quân sự « không thời hạn » trong trường hợp một nước bị tấn công và cùng hợp tác phá vỡ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống lại hai chế độ này.

Trả lời nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, Victor Cha, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) lưu ý, « đây chỉ là tái kích hoạt hiệp ước an ninh kết nối hai nước trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, nhưng lần này chính Bắc Triều Tiên đến chi viện cho Nga ». Còn theo nhận định từ nhà nghiên cứu Hong Min, Viện Thống nhất Quốc gia, với AFP, việc phê chuẩn hiệp ước hé mở khả năng Bắc Triều Tiên « điều thêm binh sĩ và rất có thể sẽ đông hơn ».

Theo tình báo Hàn Quốc và Ukraina, hiện có khoảng 11 ngàn quân Bắc Triều Tiên đã được đưa đến Nga và đã bắt đầu chiến đấu chống Ukraina tại vùng Kursk hiện đang bị lực lượng Ukraina chiếm đóng một phần.

Trong khi đó, tại bán đảo Triều Tiên, hãng tin Yonhap cho biết hôm nay là ngày thứ 5 liên tiếp Bắc Triều Tiên tiếp tục gây nhiễu tín hiệu GPS tại các vùng biên giới ở biển Hoàng Hải, tây bắc Hàn Quốc. Cũng theo Yonhap, giới phân tích quân sự nghi ngờ Nga đã hỗ trợ công nghệ trong đợt bắn thử tên lửa đạn đạo ICBM Hwasong-19 hôm 31/10. Tên lửa này là một loại mới, không phải là một phiên bản nâng cấp từ một tên lửa có sẵn và đã được phóng thử mà không qua bước thử nghiệm động cơ mới.

Theo nhiều nhà quan sát, được Les Echos trích dẫn, sự kiện cho thấy có một sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên sau nhiều thập niên tìm cách bình thường hóa quan hệ với Washington, đặc biệt là trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump.
Trung Quốc giới thiệu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới tại triển lãm hàng không
Hôm nay, 12/11/2024, triển lãm hàng không Trung Quốc khai mạc tại thành phố Châu Hải (Zhuhai), ở phía nam, gần Macao, với màn trình làng của chiến đấu cơ tàng hình hiện đại thế hệ mới. Sự kiện là dịp để Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng.
image.png
Khách tham quan đứng trước các chiến đấu cơ J-15 của không quân Trung Quốc tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 12/11/2024. REUTERS - Tingshu Wang
Anh Vũ

Triển lãm hàng không Châu Hải, được tổ chức hai năm một lần, là cơ hội để Trung Quốc giới thiệu những tiến bộ mới nhất của mình trong lĩnh vực hàng không dân dụng và quân sự.

Ngôi sao cuộc triển lãm 2024 là chiến đấu cơ tàng hình đời mới nhất của Trung Quốc, J-35A, dấu hiệu cho thấy loại chiến đấu cơ này có thể sớm được đưa vào sử dụng. Theo giới chuyên gia quân sự, như vậy Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ có hai máy bay chiến đấu tàng hình đang hoạt động. Hiện quân đội Trung Quốc đang sử dụng chiến đấu cơ tàng hình J-20. Mẫu J-35A có thiết kế ngoại hình giống với loại F35 tàng hình của Mỹ.

Theo AFP, trong buổi khai mạc sáng nay, nhiều chiếc J-20 đã thực hiện bay biểu diễn theo đội hình.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc được Tân Hoa Xã trích dẫn, cho biết việc có trong tay hai loại chiến đấu cơ tàng hình sẽ cải thiện đáng kể "khả năng (của quân đội Trung Quốc) thực hiện các hoạt động tấn công trong môi trường rất nguy hiểm và đầy tranh chấp".

Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông
Ngày 11/11/2024, Liên đoàn các quốc gia Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Ả Rập Xê Út. Hơn 70 đại diện các nước đã đến dự để thảo luận và bày tỏ lập trường về cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra giữa Israel với lực lượng Hamas tại Gaza và Hezbollah tại Liban, sau nhiều nỗ lực của các nước Hồi Giáo cũng như phương Tây không mang lại được ngừng bắn.
image.png
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman cùng với lãnh đạo các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn Ả Rập trong hội nghị thượng đỉnh bất thường ở Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 11/11/2024. AFP - -
Anh Vũ

Thông tín viên Joseph Clément, tại Riyadh tường trình :

Khi nói đến diệt chủng và thảm sát mà theo ông là nhắm vào người Palestine và Liban, thái tử Mohammed Ben Salman đã cho thấy thái độ của thượng đỉnh đối với Israel.

Ông nói : « Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm buộc Israel tôn trọng hòa bình, an ninh, chấm dứt cuộc xâm lược chống lại những người anh em của Palestine và Liban của chúng ta. Cộng đồng quốc tế phải bảo đảm buộc Israel tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Iran và răn đe Israel tấn công vào lãnh thổ Iran ».

Tiếp sau đó, đại diện của Palestine, Mahmoud Abbas và của Liban Najib Mikati lên phát biểu và được hoan nghênh. Cuối phiên họp, ngoại trưởng Ả Rập XêÚt, hoàng tử Faisal tỏ ý muốn phương Tây phải có trách nhiệm.

Ông Faisal tuyên bố : « Chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng những nguyên tắc mà chính cộng đồng đã đặt ra. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để đạt được ngừng bắn. Chúng ta không từ bỏ con đường ngoại giao. Chúng ta tin tưởng vào hòa bình, sống trong hòa bình, an ninh nhờ con đường ngoại giao. Chúng ta sẽ tiếp sử dụng ngoại giao để đạt được hòa bình mà tất cả chúng ta xứng đáng được hưởng ».

Tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh kêu gọi Israel rút ra khỏi toàn bộ những vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng từ năm 1967. Phía Israel đánh giá lời kêu gọi này là không thực tế.
Philippines lên án Trung Quốc gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông
Trong lúc quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật, dọc theo bờ biển đông nam, hôm nay, 12/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định Trung Quốc đang ngày càng gia tăng áp lực để buộc Philippines nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
image.png
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro phát biểu tại Manila, Philippines, ngày 14/10/2024. AP - Aaron Favila
Chi Phương

Trả lời báo giới về căng thẳng ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực, gây tranh chấp với Manila và nhiều nước khác trong khu vực, lãnh đạo quốc phòng Philippines nhấn mạnh « chúng tôi là nạn nhân trực tiếp từ các cuộc gây hấn của Trung Quốc ». Ông Gilberto Teodoro cho biết « Bắc Kinh ngày càng yêu cầu chúng tôi phải nhượng bộ các quyền chủ quyền trong khu vực, từ bỏ các nhu cầu khai thác tài nguyên của chúng tôi », theo trích dẫn từ The Manila Times.

Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Quốc Phòng Úc Richard Marles tại Canberra, lãnh đạo Quốc Phòng Philippines khẳng định các tuyên bố và hành vi của Bắc Kinh trái với luật pháp quốc tế. Do vậy, việc thiết lập các thỏa thuận quốc phòng với các đối tác như Úc là « phương cách quan trọng để ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Richard Marles, về phần mình, bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với ngành công nghiệp quốc phòng Philippines và sẽ cử một nhóm đánh giá kỹ thuật đến nước này vào đầu năm sau.

Hồi tháng 09/2023, theo Reuters, Úc và Philippines đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và tổ chức cuộc tuần tra chung đầu tiên trên biển và trên không ở Biển Đông một vài tháng sau đó. Lãnh đạo quốc phòng hai nước cũng đã gặp nhau 15 lần kể từ năm 2023.

Ngoài việc thắt chặt quan hệ với Úc và Hoa Kỳ, gần đây, Philippines cũng có kế hoạch chi khoảng 33 tỷ đô la mua sắm các loại vụ khí mới, gồm các máy bay chiến đấu tiên tiến và tên lửa tầm trung.
COP29 : Nước chủ nhà Azerbaijan kêu gọi bảo vệ quyền khai thác dầu khí
Hôm nay, 12/11/2024, mặc dù vắng mặt nhiều nước thuộc khối G20, khoảng 75 lãnh đạo quốc gia và chính phủ, đã đến Baku, dự thượng đỉnh của Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc – COP29. Trong bài phát biểu mở ra cuộc họp, tổng thống nước chủ nhà Azerbaijan đã lên tiếng bảo vệ « quyền khai thác tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia ».
image.png
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev phát biểu trong phiên họp toàn thể của COP29 tại Baku, Azerbaijan, ngày 12/11/2024. AP - Rafiq Maqbool
Chi Phương

Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliev, một lần nữa khẳng định lập trường của một nước phụ thuộc vào dầu khí, theo AFP, coi nguồn nhiên liệu hóa thạch này là « món quà của Thượng Đế ». « Dầu mỏ, khí đốt, gió, mặt trời, vàng, bạc đồng là những nguồn tài nguyên thiên nhiên và chúng ta không thể khiển trách các quốc gia có nguồn tài nguyên đó và cung cấp cho các thị trường, bởi thị trường cần chúng ».

Nhiều tập đoàn dầu khí cũng được cho là nhà tài trợ cho sự kiện này một cách gián tiếp, theo France 24, chẳng hạn như tập đoàn năng lượng SocarGreen. Một điều đáng nói nữa là tổng thống Ilham Aliev và bộ trưởng Năng lượng của Azerbaijan, đều đã từng làm việc cho SocarGreen trong nhiều năm.

Cũng như Ả Rập Xê Út, nước đăng cai COP28 vào năm ngoái, Azerbaijan với doanh thu từ dầu khí chiếm một phần ba GDP, dự trù tăng cường sản xuất khí đốt, thêm 17 %, từ nay đến năm 2026, trong bối cảnh châu Âu muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga. Đây được cho là một nghịch lý đối với ban tổ chức một sự kiện về khí hậu, mặc dù chủ đề trọng tâm năm nay không xoay quanh việc giảm phát thải carbon mà về vấn đề tài chính.

Tại thượng đỉnh của COP19, hôm nay, lãnh đạo các quốc gia, chủ yếu là những nước đang phát triển có mặt đông đảo, bày tỏ mong muốn thông qua thỏa thuận tài chính hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, lên đến hàng ngàn tỷ đô la hàng năm, đến từ các nước giàu. Khoản tiền này được cho là khổng lồ đối với nhiều nước ở Bắc bán cầu, khiến đàm phán gặp nhiều khó khăn, chưa kể nhiều lãnh đạo của khối G20 vắng mặt.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Anotnio Guterres nhấn mạnh các nước phát triển có mặt tại sự kiện « không thể ra về tay không ». Ông Guterres khẳng định « không còn thời gian để lãng phí, thế giới phải trả giá, nếu không thì nhân loại sẽ phải trả giá…, ngân sách dành cho khí hậu không phải là từ thiện mà là khoản đầu tư » cho tương lai.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất