Tin Tức Tổng Hợp Cuối Tuần

 


Gaza: Hơn 250 Tổ Chức Phi Chính Phủ Kêu Gọi Ngừng Cung Cấp Vũ Khí Cho Do Thái và Hamas

image.png

(Hình: Một binh sĩ Do Thái đang chuẩn bị đạn dược trên một xe bọc thép, gần khu vực biên giới giữa Do Thái và Gaza, ngày 10/4/2024.)

-Hôm 11/4/2024, đại diện của một tập hợp bao gồm hơn 250 tổ chức nhân đạo và bảo vệ nhân quyền quốc tế ký tên vào một bức thư ngỏ kêu gọi "ngừng chuyển giao vũ khí ngay lập tức cho cả phía Do Thái lẫn các nhóm vũ trang Palestine"

Sáng kiến do 16 tổ chức đề xuất ban đầu được khởi động từ tháng 1/2024, nay đã thu thập được hơn 250 chữ ký, trong đó bao gồm những tổ chức lớn như Amnesty International, Save the Children, Oxfam, Caritas hay tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF).

Các bên ký vào bức thư ngỏ nói trên yêu cầu ngừng ngay lập tức và kêu gọi các quốc gia chấm dứt chuyển giao vũ khí có thể được sử dụng nhắm vào nhân quyền và chà đạp các quyền cơ bản nhất của con người được quy định theo luật pháp quốc tế.

Hơn 250 tổ chức nhân quyền và nhân đạo hưởng ứng sáng kiến này đồng thời mạnh mẽ cho rằng "Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới". Trong mục tiêu này, Liên Hiệp Quốc cần nhanh chóng thông qua "các biện pháp ngăn chận các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Do Thái và các nhóm vũ trang Palestine". Bức thư ngỏ nói trên đồng thời lên án Do Thái oanh kích và phong tỏa Gaza, tố cáo Hamas bắt giữ con tin Do Thái từ sau vụ tấn công hôm 7/10/2023.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua "ghi nhận cam kết của Do Thái sẽ cho mở thêm các trạm để đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza" đồng thời định chế đa quốc gia này đòi nhà nước Do Thái nỗ lực hơn nữa trước viễn cảnh 2 triệu dân Gaza "chết đói".

Về chiến sự, Hamas hôm 12/4 cho biết quân đội Do Thái đêm 11/4 lại tiến hành các đợt oanh kích "tàn khốc" ở Gaza, cả chục căn nhà dân và chung cư bị phá hủy. Về ngoại giao các bên trung gian gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập vẫn đang đợi hai phe Do Thái và Hamas trả lời về đề nghị tạm ngừng bắn đổi lấy sinh mạng cho một số con tin Do Thái.

 

 

Ukraine Thông Qua Luật Tuyển Thêm Lính Nghĩa Vụ

image.png

(Hình: Tiểu đoàn Siberia thuộc Quân đoàn Quốc tế của Lực lượng Vũ trang Ukraine thao dượt tại một địa điểm không được tiết lộ ở vùng thủ đô Kyiv của Ukraine, ngày 10/4/2024.)

-Trong bối cảnh Nga gia tăng tấn công vào lãnh thổ Ukraine, hôm 11/4/2024, chính quyền Kyiv đã chính thức thông qua một Dự luật gây tranh cãi từ nhiều tháng qua, huy động thêm binh lính đến chiến trường.

Theo hãng tin AP, Dự luật được đưa ra thảo luận từ đầu năm nay, do sự thúc ép của quân đội Ukraine, muốn huy động thêm 500.000 lính. Sau nhiều lần sửa đổi, văn bản đã chính thức được Quốc hội Ukraine thông qua với 283 phiếu thuận, nêu ra các trừng phạt nặng hơn đối với những người trốn nhập ngũ, giảm một số điều kiện miễn trừ nhập ngũ, và cho phép huy động cả những tù nhân.

Luật đã gây tranh cãi vì xóa bỏ điều khoản quy định giải ngũ đối với binh lính đã phục vụ quân đội trong 36 tháng. Đây được coi là một đòn nặng đối với các binh lính "đã kiệt sức" vì được điều ra mặt trận từ hơn 2 năm qua.

Theo hãng thông tấn AP, luật mới cũng sẽ đưa ra một số thay đổi so với hệ thống tuyển quân hiện tại, mở rộng quyền hạn của chính quyền Ukraine, cho phép gửi giấy thông báo đi nghĩa vụ bằng hệ thống điện tử.

Luật cũng gây bất bình vì hệ thống tuyển lính hiện nay bị nhiều người Ukraine chỉ trích là không công bằng, không hiệu quả và thường là có tham nhũng. Để có hiệu lực, văn bản luật này còn phải được Tổng thống Ukraine ký ban hành.

Trong bối cảnh thiếu nguồn lực chiến đấu từ 2 năm chiến tranh, chính quyền Kyiv gần đây cũng đã hạ tuổi đăng ký đi nghĩa vụ từ 27 xuống còn 25 tuổi.

Về tình hình trên chiến trường, trong đêm 10 rạng sáng 11/4, Ukraine cho biết Nga đã bắn 40 phi đạn và 40 drone vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Hầu hết các phi đạn và drone đã bị bắn chặn, nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại đối với các trạm biến áp và hệ thống điện tại các thành phố như Odessa, Kharkiv, Zaporijia, Lviv hay Kyiv. Viên chức Ukraine cũng cho biết sáng nay, ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 4 người bị thương trong các vụ tấn công của Nga tại Mykolaiv, thành phố miền Nam Ukraine.

Tổng thống Ukraine hôm 11/4, một lần nữa kêu gọi các nước Âu Châu, Hoa Kỳ và đồng minh "đừng nhắm mắt làm ngơ" trước Kyiv và nhanh chóng gửi vũ khí cho quân đội Ukraine. Tại Hoa Thịnh Ðốn, gói viện trợ quân sự 60 tỉ Mỹ kim hiện vẫn bị Quốc hội Hoa Kỳ chặn lại. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần thúc giục Hạ viện, khẳng định "chiến tranh ở Ukraine có thể kết thúc nếu như Chủ tịch Hạ viện cho phép biểu quyết", vì ông cho rằng đa số các Nghị sĩ của cả hai đảng đều ủng hộ Ukraine.

 

 

Điện Kremlin Nói Sẵn Sàng Đàm Phán Với Ukraine Trên Cơ Sở Thỏa Thuận Cũ

image.png

(Hình: Ông Dmtry Peskov nói ông thấy phía Ukraine không sẵn sàng đàm phán.)

-Hôm 12/4/2024, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết một Thỏa thuận Hòa bình bị hủy bỏ giữa Nga và Ukraine hồi năm 2022 có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán mới nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Kyiv sẵn sàng đàm phán.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng Nga và Ukraine sắp đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự tại các cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 4 năm 2022, nhưng sau đó Ukraine đã quay lưng với thỏa thuận, khi quân đội Nga rút lui gần Kyiv.

Thỏa thuận này được cho là bao gồm các điều khoản yêu cầu Ukraine áp dụng quy chế trung lập về địa chính trị và không gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), giới hạn quy mô lực lượng vũ trang và cấp quy chế đặc biệt cho miền Đông Ukraine – tất cả những gì mà Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy đã nói rõ là ông phản đối.

Trong phát biểu hôm 11/4, ông Putin đã một lần nữa nêu lên khả năng hòa đàm và nói rằng ông sẵn sàng cho điều mà ông gọi là các cuộc đàm phán thực tế nhưng không chấp nhận các cuộc đàm phán phía Ukraine đang tổ chức mà không có Mạc Tư Khoa và không tính đến thực tế mới theo quan điểm của ông.

Ông Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, cho biết đã có rất nhiều thay đổi kể từ năm 2022, bao gồm cả những gì ông nói là việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga 4 khu vực mới, ám chỉ các phần lãnh thổ của Ukraine mà Mạc Tư Khoa đã tuyên bố là của mình.

Tuy nhiên, ông Peskov cho biết thỏa thuận Istanbul bị hủy bỏ vẫn có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán mới và Nga đã sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Mạc Tư Khoa có cảm nhận được phía Ukraine có hề sẵn sàng cho đàm phán hay không, ông Peskov nói: "Không, chúng tôi không thấy điều đó".

Ukraine nói rằng họ muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ của họ, bao gồm cả Crimea, bán đảo mà Mạc Tư Khoa đã sáp nhập vào năm 2014, và mọi binh lính Nga phải rời khỏi lãnh thổ của mình. Họ đang cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế theo lập trường của họ mà không có Nga.

 

 

Nga Tiếp Tục Oanh Kích Nhằm "Phi Quân Sự Hóa Ukraine"

image.png

(Hình: Nhân viên cứu hỏa phun nước dập đám cháy tại một cơ sở của Ukraine bị Nga oanh kích. Ảnh chụp ngày 11/4/2024.)

-Hôm 12/4/2024, chính quyền Ukraine, thông báo các cuộc oanh kích của drone Nga trong đêm qua ở miền Nam Ukraine đã gây ra hỏa hoạn tại một cơ sở năng lượng ở vùng Dnipropetrovsk và làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng ở vùng Kherson.

Theo tuyên bố của Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, Serhiy Lysak, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, các mảnh vỡ của drone đã gây ra hỏa hoạn tại một cơ sở năng lượng trong vùng và các lực lượng cứu cấp khẩn cấp đã dập tắt đám cháy. Còn Thống đốc vùng Kherson, ông Oleksandr Prokudin cho biết vụ tấn công của quân đội Nga đã làm hư hại một cơ sở hạ tầng quan trọng và 7 khu dân cư ở vùng Kherson, nhưng không gây thương vong.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 11/4, tuyên bố các cuộc oanh kích gần đây vào mạng lưới năng lượng của Ukraine, gây thiệt hại đáng kể cho mạng lưới điện của quốc gia này, nằm trong khuôn khổ kế hoạch "phi quân sự hóa Ukraine" của điện Kremlin.

Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Belarus Alexander Lukashenko tại điện Kremlin, nhà lãnh đạo Nga nhận định những cuộc oanh kích này có thể gây ảnh hưởng đến tổ hợp công nghiệp-quân sự Ukraine. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh những cuộc tấn công này nhằm đáp trả việc Kiev nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, bao gồm các nhà máy lọc dầu. Ông Putin phát biểu : "Gần đây, chúng tôi đã chứng kiến một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở năng lượng của chúng tôi và chúng tôi buộc phải đáp trả".

Trong khi đó, đang công du Lithuania, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi các đồng minh cung cấp hệ thống phòng không mới để chống trả trước các cuộc tấn công của Nga.

 

 

Liên Hiệp Âu Châu Thắt Chặt Kiểm Soát Biên Giới Chống Nhập Cư Bất Hợp Pháp

image.png

(Hình: Phiên họp toàn thể tại Nghị Viện Âu Châu ở Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 10/4/2024.)

-Hiệp ước Tị nạn và Di dân đã được Nghị Viện Âu Châu (EP) thông qua ngày 10/4/2024 với tỉ lệ sát sao trong bối cảnh chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Âu Châu và văn bản bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền phản đối. Hiệp ước tập trung 2 điểm chính là thắt chặt kiểm soát di dân tới Liên Hiệp Âu Châu (EU) và hợp tác liên đới giữa 27 nước thành viên. Sau khi được Hội Đồng Âu Châu (EC) chính thức phê chuẩn, văn bản sẽ có hiệu lực vào năm 2026.

Theo thông tấn xã AFP, điểm đầu tiên của Hiệp ước là rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ xin tị nạn xuống còn 5 ngày, thông qua hệ thống "sàng lọc" bắt buộc, kiểm tra danh tính, an ninh…, ngay khi người xin tị nạn vừa tới lãnh thổ Liên Hiệp Âu Châu, để xác định xem có đáp ứng đủ các tiêu chí hay không.

Những người ít có cơ may được cấp quy chế tị nạn sẽ được cứu xét theo "thủ tục ở biên giới". Trong khuôn khổ thủ tục này, khoảng 30.000 chỗ sẽ được mở trong các trung tâm tạm giữ những người chờ xét đơn tị nạn. Những trung tâm này theo dự kiến sẽ có thể tiếp nhận đến 120.000 di dân hàng năm.

Điểm thay đổi lớn thứ hai liên quan đến liên đới tiếp nhận di dân. Chính sách di dân của khối, còn được gọi là Quy chế Dublin III, không hề thay đổi từ 20 năm qua, quy định là di dân nộp đơn xin tị nạn ở nước đầu tiên họ đặt chân tới trong Liên Hiệp Âu Châu. Quy định này gây khó khăn, quá tải cho những nước tiếp nhận đơn xin tị nạn, đặc biệt là các nước Nam Âu. Các nước thành viên khác sẽ gánh lấy trọng trách, hoặc hỗ trợ tài chánh khoảng 20.000 Euro cho mỗi người xin tị nạn nếu không muốn tiếp nhận. Hội Đồng Âu Châu dự kiến điều chuyển trong khối ít nhất 30.000 người xin tị nạn mỗi năm. Con số này vẫn rất thấp so với khoảng 490.000 đơn xin tị nạn được chấp nhận trong Liên Hiệp Âu Châu năm 2023.

Cuối cùng, theo "cơ chế tương trợ" của Liên Hiệp Âu Châu, trong trường hợp có khủng hoảng tị nạn như vào năm 2015-2016, một di dân có thể bị giam bên ngoài biên giới của khối đến 9 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay. Cơ chế khủng hoảng này cũng áp dụng trong trường hợp một "nước thứ ba hoặc một tác nhân không phải là Nhà nước" sử dụng di dân để gây bất ổn cho một nước Liên Hiệp Âu Châu.

 

 

Thủ Tướng Pháp Công Du Gia Nã Ðại Nhằm Duy Trì Thỏa Thuận CETA

image.png

(Hình: Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau (phải) và đồng nhiệm Pháp Gabriel Attal trong lễ đón tiếp ở trụ sở Nghị viện Gia Nã Ðại, Ottawa, thủ đô của Gia Nã Ðại, ngày 11/4/2024.)

-Hôm 11/4/2024, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal và đồng nhiệm Gia Nã Ðại Justin Trudeau, đã cùng lên tiếng bảo vệ Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) giữa Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Gia Nã Ðại. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đây là "thỏa thuận mà đôi bên cùng có lợi", 3 tuần sau khi văn bản này bị Thượng viện Pháp bác bỏ.

Từ Québec, thông tín viên Pascale Guéricolas của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể :

Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) đã liên kết Gia Nã Ðại và Liên Hiệp Âu Châu từ 6 năm qua. Việc Thượng viện Pháp bác bỏ CETA cách đây 3 tuần có thể gây lo ngại cho phía Gia Nã Ðại vì điều này có nguy cơ khiến Hiệp định không được phê chuẩn.

Do đó, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với thỏa thuận mang lại lợi ích cho nông dân Pháp, những người chỉ trích CETA. Ông Attal nói : "Trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng hơn một phần ba và tăng một cách cân đối. Đối với nông nghiệp Pháp, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đã tăng gấp ba. Nền kinh tế Pháp sẽ chịu thiệt thòi nếu CETA không được áp dụng, và rất may là CETA được áp dụng".

Đối với Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau, dù sao Pháp cũng không thể tìm được một đối tác tốt hơn. Ông Trudeau nói : "Nếu một quốc gia không thể hoặc không muốn ký kết Thỏa thuận Thương mại Tự do với một đất nước tiến bộ, cởi mở và có trách nhiệm như Gia Nã Ðại, thì nước đó muốn ký kết Hiệp định thương mại tự do với quốc gia nào ?"

Trao đổi thương mại giữa Pháp và Gia Nã Ðại hiện đạt khoảng 10 tỷ euro.

 

 

Nam Hàn: Đối Lập Chiếm Đa Số ở Quốc Hội Không Ảnh Hưởng Đến Chính Sách Đối Ngoại

image.png

(Hình: Lãnh đạo phe đối lập Nam Hàn Lee Jae-myung trả lời báo chí tại Hán Thành, thủ đô của Nam Hàn, ngày 10/4/2024.)

-Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) của Tổng thống Yoon Suk Yeol và đồng minh chỉ có được 108 ghế ở Quốc hội, mất 6 ghế so với trước. Thủ tướng Han Duck Soo và nhiều viên chức đã từ chức. Ngày 11/4/2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết "khiêm tốn tiếp nhận ý kiến của người dân" và "tiến hành cải cách các vấn đề quốc gia và cố gắng hết sức để ổn định nền kinh tế và sinh kế của người dân".

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại, đặc biệt là về Bắc Hàn, sẽ không bị tác động nhiều vì kết quả bầu cử Quốc hội, theo thông tin viên Nicolas Rocca của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Hán Thành:

"Chỉ với khoảng 100 Dân biểu, đảng bảo thủ đã bị mất thêm vài ghế. Thất bại này đã dẫn đến hệ quả ngay lập tức. Thủ tướng từ chức, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân cùng với nhiều Cố vấn ở phủ Tổng thống cũng từ chức. Người thua cuộc chính dĩ nhiên vẫn là Tổng thống Nam Hàn. Ông Yoon Suk Yeol trở thành Tổng thống đầu tiên đảm nhiệm hết nhiệm kỳ với thiểu số ở Quốc hội. Một số người trong đảng cầm quyền đã lên tiếng thắc mắc liệu ông có nên rời khỏi đảng hay không.

Tình hình sẽ không có thay đổi lớn, bởi vì phe đối lập, gồm đảng Dân chủ (DP) và một đảng mới nổi khác, đã vượt qua ngưỡng 180 Dân biểu nhưng không đạt được đa số 200 Dân biểu. Như vậy, họ không thể bác quyền phủ quyết của Tổng thống hoặc sửa đổi Hiến pháp và có nguy cơ rơi vào bế tắc.

Kể từ khi ông Yoon Suk Yeol được bầu làm Tổng thống, chưa đầy 1/3 văn kiện đề xuất được Quốc hội thông qua. Nhìn vào tỉ lệ tín nhiệm thấp và kết quả thảm hại của cuộc bầu cử, khó có thể hình dung rằng ông Yoon Suk Yeol đạt được thỏa hiệp giữa hai đảng. Ngược lại, chính sách đối ngoại hiện nay có thể được tiếp tục: cứng rắn với Bắc Hàn, xích lại gần với Mỹ và Nhật Bản. Nhưng ở cấp độ quốc gia lại có nguy cơ bế tắc chính trị".

 

 

Anh Tuyên Bố Sẽ Tập Trận ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Với Hoa Kỳ và Nhật Bản

image.png

 (Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps ở Brussels, 15/2/2024.)

-Hôm thứ Tư (10/4/2024), Bộ Quốc phòng Anh nói rằng Vương quốc Anh sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung thường kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Mỹ và Nhật Bản từ năm 2025 nhằm tăng cường an ninh trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps nói trong một bản tuyên bố: "Tiến hành các cuộc tập trận chung sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới bất kỳ ai tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp - mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi không bị giới hạn bởi khoảng cách và chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào trên toàn cầu".

Bộ Quốc phòng Anh cho hay hàng không mẫu hạm HMS Prince of Wales của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ được khai triển tới khu vực trong khuôn khổ một nhóm thực hiện các hoạt động và tập trận với các đồng minh, bao gồm cả một cuộc ghé thăm cảng ở Nhật Bản.

Trước đó trong cùng ngày 10/4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hứa hẹn về một "kỷ nguyên mới" trong hợp tác chiến lược Mỹ-Nhật.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hoa Thịnh Ðốn, hai bên cho biết mục tiêu của họ là xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh toàn cầu "phù hợp với mục đích" nhằm giải quyết những thách thức phức tạp và có liên kết với nhau.

Ông Biden nhấn mạnh cam kết vững chắc của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng bao gồm cả năng lực nguyên tử.

Hoa Kỳ và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, đã và đang tăng cường quân đội để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc tại các khu vực bao gồm Biển Đông và xung quanh Đài Loan.

Hai ông Biden và Kishida cũng công bố kế hoạch nâng cấp mạng lưới liên lạc quốc phòng và kết nối năng lực phòng không giữa Mỹ, Úc Ðại Lợi và Nhật Bản để chống lại các mối đe dọa trên không và phi đạn.

Hôm 8/4, Úc Ðại Lợi, Anh và Mỹ nói rằng họ xem xét việc hợp tác với Nhật Bản thông qua Hiệp ước an ninh AUKUS.

 

 

Hợp Tác Tại Biển Đông, Trọng Tâm Thượng Đỉnh 3 Bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân

image.png

(Ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr.)

-Cuộc họp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân diễn ra tại Tòa Bạch Ốc hôm 11/4/2024. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết lãnh đạo ba nước sẽ thông qua một thỏa thuận bao gồm việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Trước cuộc họp thượng đỉnh, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp riêng Tổng thống Phi Luật Tân.

Hôm 11/4, Tổng thống Joe Biden gặp lại Thủ tướng Fumio Kishida và sẽ cùng tiếp Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc. Theo một viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, được thông tấn xã AFP trích dẫn, sự hiện diện của Tổng thống Phi Luật Tân là "tín hiệu mạnh mẽ và cứng rắn mà Hoa Thịnh Ðốn và Tokyo gửi đến Bắc Kinh" vào lúc mà Manila liên tục bị Trung Quốc uy hiếp ở Biển Đông.

Theo các nguồn tin thông thạo, nhân cuộc họp hôm 11/4, ông Biden một lần nữa sẽ nhắc lại lập trường kiên định, đó là "Hiệp định phòng thủ hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông, bao gồm cả việc bảo vệ các tàu tuần duyên của Phi Luật Tân". Ngoài ra, hãng tin Mỹ AP cho biết Tổng thống Hoa Kỳ chính thức thông báo huy động quân đội Mỹ hỗ trợ Phi Luật Tân nâng cao khả năng phòng thủ trên biển.

Về phía Manila, trả lời báo chí trước khi lên đường đến Hoa Thịnh Ðốn, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 10/4/2024 cho biết "chủ đích của Hiệp ước Ba bên là Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân có thể tiếp tục phát triển để đem lại thịnh vượng, hỗ trợ lẫn nhau và đương nhiên là nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng như là bảo đảm tự do hảng hải trong vùng biển này". Thượng đỉnh Hoa Thịnh Ðốn là cơ hội để các bên "đi sâu thêm vào chi tiết về các chương trình hợp tác ba bên, bao gồm cả việc thực hiện các dự án chung ở Biển Đông", nơi mà trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng cường độ.

Trước cuộc họp hôm 11/4, Thủ tướng Fumio Kishida từng quan niệm hợp tác "chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân là một yếu tố then chốt trong khu vực". Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản hôm đầu tuần nêu đích danh Trung Quốc "không ngừng gây áp lực, hà hiếp" các nước láng giềng, kể cả Nhật Bản và Phi Luật Tân. Đại sứ Nhật tại Hoa Thịnh Ðốn đã xác định tham vọng của "Bắc Kinh trong vùng biển này sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận" tại thượng đỉnh ba bên hôm 11/4.

Hôm 10/4, hai Thượng Nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất một Dự luật cấp 2,5 tỉ Mỹ kim viện trợ quân sự cho Phi Luật Tân, giúp Manila chống lại các áp lực của Trung Quốc.

Ngoài hồ sơ Biển Đông, kinh tế cũng là một ưu tiên của Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. muốn nhân dịp này kêu gọi đầu tư của Mỹ và Nhật vào một số lĩnh vực thiết yếu như "cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bán dẫn, an ninh mạng, năng lượng tái tạo và nhất là hợp tác ba bên về quốc phòng và hàng hải".

Thông tấn xã AFP ghi nhận đương nhiên Trung Quốc đặc biệt theo dõi thượng đỉnh Hoa Kỳ-Nhật Bản-Phi Luật Tân tại Hoa Thịnh Ðốn hôm 11/4, do Bắc Kinh quan niệm đây là một nỗ lực của các bên nhằm hạn chế ảnh hưởng về địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

 

 

Thái Lan Yêu Cầu Chính Quyền Quân Sự Miến Ðiện Giảm Bạo Lực

image.png

  (Hình: Người dân tụ tập tại cửa khẩu cầu hữu nghị Thái Lan-Miến Ðiện ở thị trấn Myawaddy.)

-Hôm 12/4/2024, Ngoại trưởng Thái Lan nói rằng đã đánh tiếng tới chính quyền quân sự Miến Ðiện là cần giảm bạo lực, và cho biết thêm rằng họ đang chuẩn bị trước khả năng dòng người vượt biên từ Miến Ðiện vào Thái Lan sau khi một thị trấn biên giới rơi vào tay quân nổi dậy.

Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara cho biết Thái Lan cũng đang làm việc với các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để theo đuổi kế hoạch hòa bình cho Miến Ðiện, còn được gọi là đồng thuận năm điểm vốn đang bị ngưng đình trệ.

"Thái Lan muốn thấy hòa bình và đối thoại", ông Parnpree nói với các phóng viên sau chuyến thăm đến Mae Sot nằm đối diện thị trấn Myawaddy trên lãnh thổ Miến Ðiện. Thị trấn này đã bị quân kháng chiến chống chính quyền quân sự dưới sự lãnh đạo của nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) giành lấy từ tay quân đội Miến Ðiện.

Ông nói thêm rằng Thái Lan đang xem xét các tuyến đường giao thương thay thế trong trường hợp giao tranh dẫn đến các con đường bị phong tỏa.

Dòng người đều đặn, trong đó có những người lo sợ bị không kích, đã xếp hàng tại một cửa khẩu để tháo chạy khỏi Miến Ðiện hôm 12/4.

"Tôi sợ không kích", bà Moe Moe Thet San, một cư dân thị trấn Myawaddy đang đứng xếp hàng rồng rắn cùng hàng chục người khác trong cái nóng oi bức để qua biên giới sang Thái Lan, nói với thông tấn xã Reuters. Bà qua được biên giới cùng với đứa con trai khoảng 5 tuổi.

"Họ làm những tiếng động rất lớn rung chuyển căn nhà tôi", người mẹ 39 tuổi này nói thêm. Bà nằm trong số những người kéo về cửa khẩu biên giới duy nhất ở Mae Sot. Bà cho biết tiếng bom đã khiến họ rời bỏ nhà cửa do lo sợ cho sự an toàn của họ.

"Đó là lý do tại sao tôi trốn tới đây. Họ không thể đánh bom ở Thái Lan", bà nói thêm.

Theo các nhà phân tích, việc để mất thị trấn Myawaddy đã khiến chính quyền quân sự Miến Ðiện, vốn đã vật lộn với nền kinh tế rơi tự do, mất đi nguồn thu quan trọng từ giao thương biên giới trong khi làm cho các nhóm phiến quân trở nên mạnh thêm.

 

 

Hoa Kỳ và Nhật Bản Thắt Chặt Hợp Tác Quốc Phòng và Không Gian

image.png

(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô của Hoa Kỳ, ngày 10/4/2024.)

-Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã được tiếp đón long trọng tại Tòa Bạch Ốc ngày 10/4/2024. Trong buổi họp báo chung với lãnh đạo Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi "bước tiến quan trọng nhất" trong mối quan hệ đối tác "phồn thịnh" với Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Lãnh đạo hai nước thông báo "thắt chặt hợp tác quốc phòng", cũng như hợp tác về không gian, đường sắt và nhiều lĩnh vực khác.

Theo thông tấn xã AFP, hợp tác quốc phòng giữa Hoa Thịnh Ðốn và Tokyo sẽ "hiệu quả hơn". Lực lượng Mỹ (khoảng 54.000 quân) đóng ở Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (FJA) sẽ cải thiện "khả năng tương tác" thông qua "một bộ chỉ huy và giám sát". Hiện nay, lực lượng Mỹ ở Nhật Bản bị phụ thuộc chặt chẽ vào Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đóng tại Hawaii.

Ngành công nghiệp quốc phòng hai nước dự kiến nhiều thỏa thuận để đồng phát triển và sản xuất phi đạn, cũng như bảo trì chiến hạm, chiến đấu cơ Mỹ ở Nhật Bản. Một "diễn đàn" song phương sẽ được tổ chức nhằm xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác để "kết nối tốt hơn" chính sách công nghiệp quốc phòng của hai nước. Hoa Thịnh Ðốn muốn hỗ trợ Tokyo nhiều hơn trong việc xây dựng khả năng phòng thủ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực không gian. Theo Tổng thống Biden, "sẽ có 2 phi hành gia Nhật Bản tham gia các chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artémis của Mỹ, trong đó có một người sẽ là phi hành gia không phải là người Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng". Chính phủ hai nước cũng ủng hộ dự án đường sắt cao tốc nối Dallas và Houston ở tiểu bang Texas, trị giá 30 tỉ Mỹ kim, sử dụng kỹ thuật Shinkansen của Nhật Bản.

Tại buổi họp báo, Tổng thống Joe Biden cũng cho biết "lần đầu tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi sẽ thành lập một mạng lưới phi đạn phòng không và một hệ thống phòng thủ". Liên minh AUKUS (gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc Ðại Lợi) sẽ hợp tác phát triển kỹ thuật quốc phòng mới với Nhật Bản. Ngoài ra, Hoa Kỳ, Úc Ðại Lợi và Anh Quốc sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận chung trong tương lai.

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Mỹ đã dự buổi dạ tiệc tối 10/4, như diễn viên Robert De Niro, chủ tập đoàn Amazon Jeff Bezos và chủ tập đoàn Apple Tim Cook…. Hôm 11/4, Thủ tướng Fumio Kishida phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ, sau đó dự thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Mỹ và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất