Ngày ta bỏ núi (kỳ 6)
Ngày ta bỏ núi (kỳ 6)
Nhiều kỳ – Kỳ 6
Trung úy Trần Văn Phước, Ðại đội trưởng Ðại Ðội 3/82 và cả chục Biệt Ðộng Quân dưới quyền anh đang quây quần bên một vò rượu cần, vò rượu chiến lợi phẩm. Trự nào cũng xiêu vẹo bước tới, bước lui. Trự nào cũng lè nhè, la hét ồn ào. Tiếng họ cười nói oang oang giữa rừng khuya.
Với tôi, thì uống rượu không là một cái lỗi; nhưng say rượu thì tôi không tha; dù người đó thân cận như chú Phước.
Tôi rút súng bắn tan vò rượu. Những ma men tỉnh rượu ngay lập tức.
“Cuốn lều! Ðại Ðội 3 cuốn lều! Hướng hai ngàn bốn trăm dzu lu! Làm ngay!”
Trung úy Phước và “tòng phạm” riu ríu thi hành lệnh.
Mười phút sau một khoảng rộng lớn trên tuyến phòng thủ của tiểu đoàn bị bỏ trống. Ðại Ðội 3/82 bị phạt phải dạ hành mở đường. Mãi nửa giờ sau tôi mới bớt giận. Tôi ra lệnh cho Ðại Ðội 3/82 dừng lại tấp vào rừng ngủ.
Trong tiểu đoàn này Trung úy Trần Văn Phước là người thân cận nhất của tôi. Tháng 11/1972 khi tôi còn giữ chức Trưởng Phòng 2 của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 thì Chuẩn úy Trần Văn Phước về trình diện.
Vì Chuẩn úy Trần Văn Phước có bằng Tình Báo Căn Bản từ Trường Cây Mai, nên đầu năm 1973 tôi đã cho Phước vào Plei M’rong làm Sĩ quan Ban 2 của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân. Nhưng chỉ được ít lâu, Thiếu tá Phạm Duy Ánh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân đã chịu không thấu cái tật rượu vào là rút súng của ông chuẩn úy nên vội hoàn trả chú Phước về cho tôi. Chỉ có mình tôi là biết cách kiềm chế con ngựa chứng này. Chú Phước đã theo tôi từ đó cho tới ngày tàn cuộc chiến.
Tới cuối năm 1973, sau khi Phước lên thiếu úy thì thầy trò tôi vào Pleime.
Chú Trần Văn Phước và chú Nguyễn Công Minh, sĩ quan truyền tin của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, là hai sĩ quan sau cùng còn ở lại bên tôi, rồi bảo vệ tôi thoát hiểm trong kẽ tóc đường tơ, khi vị trí của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bị địch tràn ngập trưa 15 tháng Tư năm 1974.
Rồi cũng chính Thiếu úy Trần Văn Phước là người đầu tiên cùng tôi đặt chân trên Căn cứ 711 sau khi chúng tôi vất vả hai ngày phản công tái chiếm căn cứ này. Trận đó tiểu đoàn của chúng tôi bị 6 tiểu đoàn của Sư Ðoàn 320A/ Ðiện Biên xa luân chiến.
Trong hai năm sau cùng của cuộc chiến, không có trận đánh nào mà không có mặt Phước bên cạnh tôi.
Sau trận Pleime, Thiếu úy Trần Văn Phước được đặc thăng trung úy. Lên trung úy, chú Phước bỏ nghề Quân Báo, trở lại đời tác chiến làm đại đội trưởng.
Ðây là lần đầu, tôi nặng tay với Phước. Tôi vào máy gọi cho Phước,
– An Bình đây Thái Sơn! Stop được rồi! Nghe rõ chưa?
Ðầu máy bên kia, tôi nghe tiếng người đàn em sụt sịt,
– Em xin lỗi Thái Sơn! Em xin lỗi anh Hai!
Tôi cũng thấy mủi lòng, xốn xang,
– Thôi! Ngủ đi! Chờ mai anh lên với chú!
Tôi lấy điếu Lucky ra hút. Tiếng muỗi đêm vo ve bên tai. Tiếng suối reo rì rào trong khe. Tiếng gió lùa ù ù sau đồi. Trên poncho, lá cây rơi lộp độp. Quanh tôi đủ loại tiếng rừng. Chưa lần nào tôi cảm thấy rừng đêm buồn như thế!
Ðêm 27 tháng Ba năm 1975, trăng sáng như ban ngày.
Gần chín giờ khuya, Trung tá Liên đoàn phó cho người tới lều mời tôi lên gặp riêng.
Tôi nghĩ ông Liên đoàn phó sẽ rầy la tôi về vụ ồn ào của Ðại Ðội 3/82.
Tôi đã chuẩn bị tâm tư nhận lỗi với ông chỉ huy mới của liên đoàn về sự vô kỷ luật của đàn em. Nhưng tôi không ngờ ông Trung tá Liên đoàn phó muốn gặp tôi lại vì mục đích khác chứ không vì chuyện lính tráng say sưa.
Cho tới giờ này tôi mới nhìn thấy dung nhan ông Trung tá Liên đoàn phó, tên ông ấy là Ðào Ðức Châu.
Thì ra trong quá khứ, hơn một năm về trước, tôi và ông ta, đã giáp mặt nhau một lần, chỉ vài phút, ở Bồng-Sơn, Tam- Quan, Bình- Ðịnh, ngày đó ông Châu còn mang lon thiếu tá, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 34, Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân.
Hôm đó, nhân dịp lễ Giáng – Sinh năm 1973 tôi có lệnh tháp tùng Ðại tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 và Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai, Chỉ Huy Trưởng/ Biệt Ðộng Quân/ Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa bay trực thăng tới Bắc Bình-Ðịnh để ủy lạo các đơn vị Biệt Ðộng Quân đang tham chiến ở vùng này.
Tại phi trường Bồng Sơn, Ðại tá Nguyễn Kim Tây, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân đã nài nỉ tôi hoán đổi vị trí cho Thiếu tá Ðào Ðức Châu để ông Châu lên Vùng 2, còn tôi sẽ thay ông Châu giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 34 Biệt Ðộng Quân.
Tôi dư điều kiện để xin đổi vùng, vì tôi đã ở Pleiku, Vùng 2 trong thời gian gần mười năm rồi. Nghe Ðại tá Nguyễn Kim Tây đề nghị, tôi vui vẻ đồng ý ngay.
Ðại tá Nguyễn Kim Tây và tôi quen biết đã lâu. Hơn thế nữa, đầu năm 1972 tôi là người đã bay liên tục cả giờ đồng hồ trên trời Pleiku để sẵn sàng xuống cứu một phi công lâm nạn theo lời yêu cầu của ông Tây.
Hôm đó có một chiếc oanh tạc cơ Skyraider đã bị Việt-Cộng bắn trúng càng trong một phi vụ yểm trợ hành quân ở Kontum mới bay về. Tôi cũng vừa thả xong một toán viễn thám và đang chuẩn bị đáp trước bộ chỉ huy, nhưng Trung tá Nguyễn Kim Tây lại có mặt ở đây và đã yêu cầu tôi bay cover cho chiếc Skyraider bị nạn.
Lý do ông Tây quan tâm tới chuyện này chỉ vì viên phi công lái chiếc Skyraider là một người em ruột của ông Tây.
Dự trù khi máy bay cạn nhiên liệu, phi công sẽ nhảy dù xuống vùng Tây Pleiku và bỏ cho tàu rơi tự do trong rừng, trực thăng của tôi sẽ xuống cứu ông ta.
Nhưng bay tới khi hết xăng, người phi công đã không nhảy dù, bỏ tàu, mà cố gắng đáp bằng bụng. Cú đáp đã thành công ngoài dự liệu của mọi người.
Sau này, năm 1973, ông Nguyễn Kim Tây trở thành Ðại tá Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân nên ông muốn tôi về làm việc với ông.
Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai không phản đối chuyện hoán chuyển này, nhưng Ðại tá Phạm Duy Tất thì có vẻ không vui.
Nhìn tôi, ông Tất nói,
– Anh có làm gì phật lòng Long không mà Long bỏ anh?
Nghe Ðại tá Tất nói, tôi đã mềm lòng, xin hủy bỏ chuyện đổi vùng.
Tôi đã phụ lòng Ðại tá Nguyễn Kim Tây. Tôi đã ở lại với Ðại tá Phạm Duy Tất, với Vùng 2, và tôi đã làm được nhiều điều mà những thiếu tá khác không làm được. Vậy mà qua bao trận đánh, qua bao chiến công, tôi vẫn là thiếu tá.
Tôi hơi ngỡ ngàng, khi nhận ra ông Trung tá Liên đoàn phó của tôi lại chính là ông Thiếu tá Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 34 Biệt Ðộng Quân ngày nào.
Ông Châu mới tới Liên Ðoàn 24 một thời gian rất ngắn. Ông ta chưa hề đi thăm các đơn vị tiền tiêu, do đó tôi chưa từng gặp mặt ông ta.
Chính vì chưa giáp mặt, chưa quen cách điều binh khiển tướng của Trung tá Châu mà tôi đã thề sẽ bắn nát óc ông ta nếu ông ta cắt đứt pháo yểm của tôi cách đây vài ngày.
Ông Trung tá Châu thuộc lớp sĩ quan sống lâu lên lão làng, nên cách chỉ huy của ông ta cũng khác xa cung cách chỉ huy của lớp sĩ quan trẻ chúng tôi.
Ông Liên đoàn phó thân thiện mời tôi vào lều; ông trung tá ngồi trên võng, còn tôi thì ngồi trên khúc gỗ đối diện với ông.
Ông nói với tôi rằng cuộc họp “bí mật” này ông chỉ muốn có mặt mình tôi thôi; ông không cho hai vị chỉ huy tiểu đoàn còn lại là Thiếu tá Ðàng và Thiếu tá Tài biết chuyện ông sẽ bàn tính với tôi.
Ông tự giới thiệu, ông là dân Bắc Di Cư, tốt nghiệp Khóa 12 Võ Bị Quốc Gia. Ông ta vừa học xong khóa tu nghiệp gì đó sau khi lên cấp trung tá thì được lệnh về giữ chức Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân.
Ông Châu mở ba lô lấy bao thuốc lá Salem đầu lọc, mời tôi,
– Long hút thuốc đi! Hút một điếu cho ấm!
Tôi xua tay,
– Cám ơn Niên Trưởng! Tôi không hút thuốc đầu lọc!
Ông Châu im lặng một phút, rồi với một giọng đầy thảm não, ông bắt đầu tâm sự,
– Long ơi! Anh sinh ra để làm chính trị. Chỗ của anh là Thượng Viện, Hạ Viện chứ đâu phải chỗ này? Anh có muốn làm nhà binh đâu? Anh sinh ra không phải để làm lính! Quyết định đi lính của anh là một quyết định sai lầm! Giờ này anh không còn chút hứng thú nào ở quân đội nữa!
Tôi sốt ruột, phang ngang,
– Bây giờ Trung tá có lệnh gì cho tôi thì nói ngay đi! Nếu không, tôi phải về ngủ để mai còn sức mở đường! Liên đoàn đang lui binh, tôi không rảnh ngồi nghe chuyện cổ tích.
Thấy tôi có vẻ không muốn cà kê, dài dòng, ông Châu vội khẩn khoản,
– Long có uy tín với quân đoàn, mai Long xin trực thăng tải thương cho anh về Ðà Lạt được không? Anh…
Tôi ngạc nhiên, trợn mắt, ngắt lời ông Châu,
– Trung tá đừng đùa lúc này!
Ánh sáng từ cái bóng đèn nhỏ mắc vào cục pin PRC 25 cho tôi thấy đôi mắt ráo hoảnh của vị sĩ quan khóa đàn anh,
– Anh nói thật chứ có đùa đâu?
Bây giờ thì tôi biết ông trung tá nói thật, không đùa. Tôi cứ ngồi ớ ra mà không biết phản ứng ra sao. Thấy thế, ông Châu năn nỉ tiếp,
– Long à! Thương anh thì ngày mai Long xin trực thăng cho anh ra khỏi đây, anh sợ chiến trận rồi!
Tôi nhấp nhỏm đứng dậy thì ông Châu vội cầm tay tôi,
– Anh đâu có tình nguyện lên Vùng 2 (?) Anh đâu có quen địa thế ở đây(?) Anh có ở lại cũng chẳng giúp gì cho anh em. Long ở Vùng 2 lâu rồi, quen biết nhiều, ngày mai Long xin trực thăng cho anh ra khỏi đây đi! Mình là anh em cùng trường. Long cố gắng giúp anh! Anh cám ơn Long nhiều lắm!
Thế là hết chuyện! Bộ mặt bỉ ổi của một kẻ tham sống sợ chết đã lộ ra quá nhanh và quá trơ trẽn. Tôi thẫn thờ đứng lên, bước ra khỏi căn lều của tên vô loại.
Ðêm đó tôi ngồi hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác mà lòng thì buồn vô cùng, cứ nhớ về Trường Mẹ Ðà-Lạt không nguôi…
Mờ sáng 28 tháng Ba năm 1975, một công điện khẩn được gởi cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2/ Hành Quân, xin trực thăng tản thương.
Trước khi máy bay tới, Ðại úy Trần Dân Chủ, Ban 3 Liên đoàn đến xin tôi cho phép anh ta theo chân Trung tá Liên đoàn phó rời vùng.
Tôi trả lời anh ta rằng,
– Trực thăng chưa tới thì ông Trung tá Châu còn là người chỉ huy liên đoàn. Anh phải trình diện ông ta, xin ông ta cho phép anh rời nơi đây.
Tôi nói thêm,
– Nếu tôi là người chỉ huy liên đoàn, tôi sẽ không cho bất cứ sĩ quan nào rời vùng. Trong những tình thế hiểm nghèo, người lính trông nhờ vào sĩ quan. Chỉ có sĩ quan mới có khả năng dắt dìu những người lính dốt nát thoát khỏi cơn khốn đốn. Sĩ quan biết sử dụng bản đồ, địa bàn, biết phương hướng. Ði trong núi, trong rừng mới cần sĩ quan dẫn dắt binh lính. Trong thành phố không ai cần các anh dẫn dắt!
Ông Ðại úy Ban 3 dạ dạ, vâng vâng. Nhưng khi máy bay tải thương tới, thì Ðại úy Chủ đã nhanh chân theo bén gót Trung tá Châu lên tàu. Có hai hạ sĩ quan khai bệnh sốt rét tới xin đi, tôi cho đi luôn.
Hóa ra chuyến đi này của Trung tá Ðào Ðức Châu cũng là chuyến bay giã từ quân ngũ của ông ta. Ông ta vắng mặt từ đó, rồi trở thành một trong những người đầu tiên di tản khỏi Việt-Nam ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Trưa ngày 28 tháng Ba năm 1975, khi hai sĩ quan và hai hạ sĩ quan vừa yên chỗ trên sàn trực thăng thì dưới bãi bốc xảy ra cảnh lộn xộn, ồn ào.
Có một người đàn bà nhất định không chịu lên máy bay. Chị ta vừa khóc thút thít vừa co rụt người lại khi mấy anh lính an ninh bãi đáp tìm cách đẩy chị ta lên cửa trực thăng. “Em không về đâu! Em không nỡ bỏ anh ấy giữa rừng!”
Người đàn bà này đã theo đoàn quân của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân từ ngày đầu di tản. Chị không chịu bỏ người thân. Tay chân chị giãy giụa, miệng chị la bài hải:
“Em không sợ chết đâu! Cho em ở lại đi! Các anh ơi!”
Cuối cùng, toán giữ trật tự bãi đáp đành chịu thua người đàn bà.
Chợt không ai bảo ai, tất cả Biệt Ðộng Quân có mặt trên bãi bốc ngày hôm ấy đã đồng loạt vỗ tay hoan hô người phụ nữ can đảm.
Chờ một lúc không thấy ai lên máy bay nữa, tôi ra dấu cho chiếc trực thăng cất cánh.
Chiều đó, khi dừng quân, tôi nhận được một công điện từ Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2/ Hành Quân chỉ định Thiếu tá Hiện Dịch Vương Mộng Long, Khóa 20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam tạm thời giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân.
Tôi mời Thiếu tá Ðàng và Thiếu tá Tài lên gặp tôi để phân nhiệm. Theo đó, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ mở đường, Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đi giữa, Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân có nhiệm vụ đoạn hậu.
Ðối với Thiếu tá Nguyễn Hữu Tài, tôi không gặp trở ngại gì về vấn đề chỉ huy, vì anh Tài là Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi trước khi thuyên chuyển qua Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân làm Tiểu đoàn phó cho Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn.
(còn tiếp)
Comments
Post a Comment