Kỳ thị người gốc Á gia tăng tại Mỹ
Tội ác kỳ thị người gốc Á gia tăng tại Mỹ- Một số biện pháp ngăn ngừa và đối phó
Đài Tiếng Nước Tôi Sacramento/Stockton tổng hợp từ nhiều nguồn
30/12/2022
Nội dung: Bối cảnh; Các hình thức "hate crime"; Nguyên nhân; 9 Biện pháp ngăn ngừa và đối phó
Bối cảnh tại Mỹ trong 3 năm qua
Thông báo ngày 20/7/2022 của Stop AAPI Hate cho biết từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2022, có hơn 11.400 tội phạm do kỳ thị đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI) đã được các nạn nhân tự báo cáo trên khắp Hoa Kỳ. Con số thực có thể còn cao hơn nhiều vì đa số các nạn nhân e ngại hoặc không biết cách báo cáo. Người Mỹ gốc Á tại Nữu Ước và Los Angeles bị tấn công nhiều nhất.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp California được công bố vào tháng 6/2022, tội phạm do kỳ thị người gốc Á ghi nhận được của tiểu bang đã tăng ở mức đáng báo động 177,5% từ năm 2020 đến năm 2021.
Số lượng phụ nữ báo cáo bị tấn công do kỳ thị cao gấp đôi so với nam giới, đặc biệt người lớn tuổi. Cứ năm người AAPI thì có một người đã trải qua kinh nghiệm bị thù ghét (trong hai năm ghi nhận là 2020 và 2021).
Các hình thức kỳ thị và tội ác
“Hate Crime” tức tội phạm do kỳ thị bao gồm những hành vi quấy rối, lời nói miệt thị, ngôn từ kích động thù địch, thái độ kỳ thị, đe dọa, phân biệt đối xử. Những loại tội phạm này chiếm 67% các trường hợp được báo cáo, theo Stop AAPI Hate. 17% liên quan đến hành hung thể xác, có người bị đánh tới trọng thương, khuyết tật suốt đời và có người thiệt mạng.
Một vài thí dụ điển hình trong ba năm qua như: một người nhập cư lớn tuổi Thái Lan chết sau khi bị xô xuống đất, một người Mỹ gốc Philippines bị dao cắt hộp rạch vào mặt, một phụ nữ Trung Quốc bị tát rồi châm lửa đốt; kinh hoàng nhất là vụ thảm sát tại Atlanta, khiến tám người thiệt mạng trong một vụ xả súng điên cuồng ở ba tiệm spa châu Á vào ngày 16 tháng 3 năm 2021. Hung thủ là một tay súng da trắng đã đến ba doanh nghiệp spa mà sở hữu chủ là người Á Đông nã đạn và giết chết 8 người, 6 trong số đó là phụ nữ Á.
Bà Hoài Nguyễn, cư dân San Jose, nơi có đông người Việt sinh sống nhất nhì ở hải ngoại, cho biết đã nhiều lần bị gọi là "virus corona" khi đang đi dạo và mua sắm, nhưng bà không thể ngờ rằng sự phân biệt đối xử và thù hận lại trở nên bạo lực tới vậy.
Có những doanh nghiệp đã bị phá hủy, chẳng hạn như một nhà hàng Việt Nam ở Portland đã bị phá hoại ba lần (ngày 1/3/2021) và chủ nhân tin rằng đó là một cuộc tấn công kỳ thị chủng tộc. Ngày 28/11/2020, sáu ngôi chùa Phật giáo ở Little Saigon đã bị xịt sơn.
Một phụ nữ Việt 64 tuổi đã bị cướp trước siêu thị Đại Thành ở San Jose trong những này Tết Nguyên Đán 2021. Ông Ngọc Phạm, 83 tuổi, vô cớ bị đánh khi đang mua sắm tại một khu trung tâm thành phố ở San Francisco (tháng 3/2021) khiến ông té xuống với những thương tích nặng, chảy máu, bầm dập, mũi bị gẫy và cổ bị chấn thương. Hung thủ tấn công ông Ngọc Phạm cũng đã đấm vào mặt cụ bà Xiao Zhen Zie, 76 tuổi, ở San Francisco, California ngày 17/3/2021. Bà Zie, người Việt gốc Hoa, đã quyết định sử dụng gần 900.000 USD từ chiến dịch gây quỹ giúp bà để ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Á chống lại tội ác do kỳ thị này.
Gần đây nhất, một thợ nail gốc Việt ở tiểu bang Ohio bị tấn công vô cớ, hôn mê tới nay vẫn chưa tỉnh. Ông Trần Phong, 43 tuổi, bị một người đàn ông tấn công ở bên ngoài quán rượu Ye Olde Cock N Bull vào khoảng 2 giờ sáng ngày 1/9/2022, và sau đó được cảnh sát đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Bà Thảo, em gái ông Phong cho biết bác sĩ giải phẫu não bộ chẩn đoán ông Phong chỉ có 5% cơ hội sống sót. Anh bà là một người đàn ông vui vẻ, dễ mến, thích nấu ăn cho mọi người, sống cùng cô con gái 14 tuổi.
Chủ quán rượu cho biết “Chỉ có một phía tấn công thôi. Tôi không ở đó, nhưng theo lời những nhân chứng thì anh ấy bị một người đánh trong lúc anh không kịp chống đỡ gì cả.”
“Anh Phong bị gãy bốn cái răng và bị chấn thương sọ não trầm trọng,” Bà Thảo nói trong cơn xúc động. “Một trong bốn cái răng rơi vào phổi anh và hiện thời vẫn nằm trong đó.”
Bà Thảo chia sẻ: Chúng tôi đã từng bị kỳ thị, nhưng đã giữ im lặng vì sợ ảnh hưởng đến đời sống. Bây giờ thì không thể im lặng được nữa. Chúng ta là công dân Mỹ như tất cả những người khác. Chúng ta cần phải nói ra sự thật và chống cự lại hiện tượng thù ghét này, nếu không mọi sự sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Nguyên nhân
1/ Do đại dịch COVID-19 bị chính trị hóa. Một số chính trị gia và truyền thông cực hữu đã lợi dụng việc nhiều người ghét thể chế Cộng sản Trung Quốc và nhân đại dịch phát xuất từ nước này, đã dùng những chữ như
“China virus—vi khuẩn Tàu,” và “Kung Flu (ghép chữ “kung” của “kung fu”—võ Tàu, và “flu”—cúm),” để đổ tháo nguyên nhân của đại dịch lên Trung Hoa. Từ đó người dân Mỹ gốc Hoa, và gốc Á nói chung đã trở thành nạn nhân của những kẻ có óc kỳ thị.
2/Tin giả, tin xuyên tạc, thuyết âm mưu và mạng xã hội đã khiến hiện tượng thù ghét lây lan nhanh chóng khi đại dịch và cả khoa học/y học bị chính trị hóa, bị xuyên tạc và được lợi dụng để trục lợi. Trong bối cảnh bị dịch đe dọa, con người lại càng trở nên hoang mang, lo sợ và dễ trở thành nạn nhân của tin giả, và cộng đồng AAPI đã trở thành đích nhắm của “hate crime”.
3/ Hiện tượng cực đoan hóa, chia rẽ và bạo lực do những thành phần chủ trương “da trắng thượng đẳng, những kẻ theo chủ nghĩa phát xít lo lắng mình trở thành thiểu số trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay (khi những cuộc hôn nhân đa chủng trở nên phổ thông, di dân gia tăng và sự đi lại dễ dàng trên thế giới), từ đó phong trào cực đoan da trắng bạo động đã trổi lên khắp nơi, không chỉ riêng tại Mỹ.
Tuy nhiên, hiện tượng bạo lực và tội phạm kỳ thị gia tăng nhiều hơn ở Mỹ khi súng đạn tràn lan, những kẻ cực đoan núp sau Tu Chính án số 1 và 2 để thúc đẩy chia rẽ, bạo lực. Hiệp Chủng Quốc cũng là thế giới của di dân với nhiều sự dị biệt và nền văn hóa khác nhau. Đây là điểm son giúp đất nước này trở nên hùng mạnh và giàu có, nhưng cũng là điểm dễ bị những kẻ cực đoan và kỳ thị khai thác để tạo sự chia rẽ và hận thù.
Một số chính trị gia Mỹ và truyền thông cực đoan đã khai thác sự nghi kỵ và nỗi sợ người gốc Á và di dân dành việc của người da trắng. Nỗi sợ về “hiểm họa da vàng” từ đó lan tỏa và cùng với nó, nạn kỳ thị người gốc Á và di dân.
Người Mỹ gốc Việt có thể làm gì để bảo vệ cộng đồng mình và giúp chấm dứt dịch bạo hành?
1. Chung sức cùng các cộng đồng bạn: bao gồm cộng đồng Á Châu và các sắc tộc khác cũng đang bị kỳ thị như da đen, Do Thái, LGBTQ, Hispanic hay gốc La Tinh.
Khi một sắc tộc bị sỉ nhục, toàn thể cộng đồng người Mỹ gốc Á và da mầu đều bị tổn thương. Kẻ kỳ thị sẽ không phân biệt người Á Châu thuộc quốc gia nào, mà sẽ tấn công bất cứ ai có hình dạng Á Đông.
Như Phó Tổng Thống Kamala Harris đã nói ngày 18 tháng 3, 2021 trong một bài diễn văn lên án bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á (Bà Harris lai Ấn): “Hành hung một người trong chúng ta là bạo hành tất cả chúng ta.”
Chúng ta cần cùng các cộng đồng người Á phản đối bạo lực, cũng như ủng hộ các tổ chức Á Đông khác, như: Compassion in Chinatown là một tổ chức với mục đích ủng hộ phố Tàu tại San Francisco; Quỹ Giúp Kiện Cáo và Giáo Dục Người Mỹ gốc Á (Asian American Legal Defense and Education Fund) cổ võ quyền công dân cho mọi người Mỹ gốc Á. Các tổ chức thiện nguyện này đều cần sự ủng hộ tài chánh và tình nguyện viên.
Nhiều tổ chức cộng đồng Á Châu đã hợp tác để thành lập tổ chức chống thù ghét Stop AAPI Hate vào Tháng Ba, 2020, và đến nay nhận được khoảng 11,500 báo cáo tội phạm do kỳ thị trên trang web.
Đã có những tình nguyện viên trong cộng đồng AAPI và cả những người Mỹ da trắng, da đen và gốc La Tinh, tình nguyện thành lập các nhóm tuần hành trong khu xóm của mình để bảo vệ những vị cao niên Á Châu dễ bị trở thành đích nhắm của những kẻ bạo lực quá khích.
Cộng đồng AAPI cũng đã tổ chức những cuộc biểu tình chung để chống “hate crime” và cộng đồng Việt Nam cũng đã tham gia trong những sinh hoạt này.
2. Báo cáo mọi trường hợp hận thù mà quý vị là nạn nhân hoặc đã chứng kiến: Sự im lặng sẽ cho phép các tội ác do thù hận tiếp tục xẩy ra. Hãy báo cáo để các nhóm tình nguyện, các nhà hoạt động và các chính trị gia có thể đưa ra các chính sách đối phó. Quý vị có thể trình báo các trường hợp bạo hành bằng ngôn từ, văn bản hay hành hung do kỳ thị đến Stop AAPI Hate, Stand Against Hatred, và AAPI Hate Crimes. Nạn nhân của tội ác do thù ghét có thể gọi cho FBI theo số 1-800-CALL-FBI hoặc báo cáo trực tuyến tại tips.fbi.gov.
3. Đừng ngại cầu cứu sau khủng hoảng: Cần sự giúp đỡ không phải là yếu đuối. Tìm cố vấn và trị liệu tâm thần sau một cuộc khủng hoảng hay chấn thương vì sự thù ghét sẽ giúp quý vị và gia đình hồi phục. Gọi Viet Care và Asian American Health Initiative, nơi cung cấp dịch vụ y tế tâm bệnh cho người Mỹ gốc Việt, hoặc đường giây trợ giúp Phòng Ngừa Tự Sát tại 800 273 8255. (Chuyên viên cố vấn có mặt 24/7 và có người nói tiếng Việt nếu cần). Quý vị cũng có thể tìm danh sách điều trị viên người Mỹ gốc Á tại Asian Mental Health Collective.
4. Tập cảnh giác khi ra ngoài
Tìm hiểu và dự trù trước những tình huống bị tấn công để có thể đối phó. Võ sư Art Ishii, người đứng đầu môn phái Matsubashi-Ryu - Karate-Do, cho biết nhiều nạn nhân tội ác do kỳ thị thường bị bất ngờ, nên ông nhấn mạnh sự cảnh giác khi ra ngoài. Phải tập luyện cảnh giác đến mức thành thói quen để phản ứng hiệu quả. Ông khuyên các vị cao niên nên nhìn chung quanh và nên suy nghĩ đến những nguy hiểm có thể xảy ra, hay những con đường để chạy trốn, không nên nghe nhạc hay nhìn vào điện thoại để có thể chú tâm vào thực tại.
Không nên đánh lại khi bị hành hung, hãy tìm lối thoát và kêu cứu
Ông David Ito, thầy dạy võ của Trung Tâm Akido Los Angeles, cho hay bỏ chạy là cách tự vệ hiệu quả nhất, hãy cầu cứu để không bị tấn công, dùng những đồ tự vệ khác như còi huýt hay bình xịt hơi cay rất hữu dụng nếu biết cách sử dụng. Hãy la lớn để cầu cứu và gây sự chú ý của người xung quanh và khiến hung thủ e sợ. Nhiều tổ chức cộng đồng cũng có các lớp học tự vệ miễn phí cho người cao niên.
5. Đừng thụ động hay đứng bên lề: Nếu chứng kiến cảnh một người bị hà hiếp, hãy can thiệp một cách an toàn cho bản thân nếu có thể, hoặc gọi cảnh sát, kêu gọi sự giúp đỡ của người xung quanh, nói chuyện với nạn nhân để giúp họ ra khỏi cơn nguy khốn. Tìm các chỉ dẫn cách can thiệp trên địa chỉ online này hoặc ghi tên trên mạng học cách can thiệp khi chứng kiến nạn nhân bị cảnh hà hiếp. Lớp miễn phí do Hollaback, một tổ chức với mục đích ngăn chặn hà hiếp, quấy nhiễu, hành hung. Tổ chức này cũng có khoá dạy cách đối phó khi chính quý vị là nạn nhân của sự kỳ thị người Á Đông.
6. Quý vị không cô đơn: Ngoài các tổ chức chống lại tội ác kỳ thị nói chung, người Việt còn có các tổ chức do các thiện nguyện viên của cộng đồng thành lập như PIVOT, VietRise, Vietnamese American Community Center of the East Bay, VietLead, Việt Solidarity & Action Network, and Viet Unity—Bay Area.
PIVOT nói trong một tuyên bố, “Chúng tôi tin chắc là những bạo lực do lòng thù hận đối với bất kỳ nhóm nào là sự bạo hành trên tất cả chúng ta. Chúng ta cần chung tay trong sứ mệnh bài trừ tội ác gây ra bởi lòng thù hận….PIVOT quyết tâm xây đắp một cộng đồng có khả năng và cổ động chính trị để gây sức mạnh cho người Mỹ gốc Á trong cuộc tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc, chống lòng thù hận, và bạo lực.”
7. Khai dụng truyền thông: cả truyền thông dòng chính lẫn truyền thông thiểu số để lên tiếng cũng như tham gia các hoạt động dòng chính (mainstream) để hòa nhập, gia tăng tinh thần hoạt động xã hội và chính trị dòng chính (both social activism và political activism)
Theo Amanda Nguyen, một nhà hoạt động và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận về quyền công dân Rise, dù dân số gốc Á tăng nhanh hơn so với các nhóm lớn khác trong cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ vừa qua, nhưng theo cô, những câu chuyện về cộng đồng gốc Á đã không được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mối quan tâm của cộng đồng này không được các đảng phái chính trị thăm dò ý kiến.
Một phần cũng là do chính người Á Đông, đặc biệt người Việt sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, có quán tính văn hóa “không thích chính trị”, và thụ động trong việc lên tiếng cũng như tham gia các hoạt động xã hội. Đôi khi sự thiếu hòa nhập cũng là do trở ngại ngôn ngữ. Tuy nhiên, những điều này đã không còn là vấn đề đối với các thế hệ người Việt trẻ tuổi nói riêng, và cộng đồng AAPI nói chung, khi họ sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Tuổi trẻ Việt Nam cũng đã tham gia mạnh mẽ trong việc đối phó với vấn nạn tội ác do kỳ thị.
8. Tranh đấu để được luật pháp bảo vệ.
Cộng đồng AAPI hầu như vô hình và không được lắng nghe”, nhưng giờ đây đã tập họp lại để lên tiếng, tạo sự chú ý của chính phủ và được bảo vệ, người gốc Á nên chủ động hơn để bảo vệ lấy mình, thay vì tiếp tục nhẫn nhịn trước thái độ kỳ thị và những cách đối xử bất công.
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Biden đã ký một lệnh hành pháp cấm sử dụng ngôn ngữ như “China virus” hay “Kung Flu” trong chính phủ liên bang.
Ông cũng đã ký ban hành Đạo luật về tội ác kỳ thị liên quan tới đại dịch Covid-19 vào ngày 20 tháng 5, 2021 để đối phó với tỷ lệ gia tăng các cuộc tấn công chống người châu Á.
Dự luật chỉ định một quan chức tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xúc tiến việc xem xét các tội phạm bạo lực và căm thù liên quan đến Covid-19, đồng thời cung cấp các khoản tài trợ cho chính quyền tiểu bang và địa phương để cải thiện hệ thống báo cáo của chính họ. Dự luật lưỡng đảng đã được Quốc hội thông qua vào đầu tháng 5/2921 với sự tán thành áp đảo của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.
“Chúng ta cần đoàn kết như một dân tộc, như một quốc gia,” ông Biden nói trong buổi lễ ký dự luật tại Tòa Bạch Ốc. Ông lên án sự căm thù là "một thứ thuốc độc xấu xa đã đeo bám và ám ảnh dân tộc chúng ta từ lâu".
Ở cấp tiểu bang, các nhà lập pháp California đã phân bổ ngân sách trong quỹ tiểu bang để mở rộng việc thu thập dữ liệu, các sáng kiến vận động chính sách và nguồn lực cho các nạn nhân. Trên thực tế, cũng có nhiều nỗ lực địa phương hơn để chống lại sự ghét bỏ.
Theo báo mạng News Is Out, Thống Đốc Gavin Newsom ký hai đạo luật vào Tháng Chín năm nay (2022) để đối phó với những sự việc và tội thù ghét nhiều chưa bao giờ thấy ở California.
Các đạo luật đó vừa bảo vệ người Á Châu Thái Bình Dương, vừa bảo vệ cộng đồng LGBTQ (đồng tính nam, nữ; lưỡng tính, chuyển giới, giới tính lạ) cũng đang bị kỳ thị và thù ghét nhiều hơn trước. Các cộng đồng thuộc mọi chủng tộc và giới tính đang cộng tác để đối phó với sự kỳ thị và thù ghét có liên quan đến các thuyết âm mưu hay chính trị.
Trong Tháng Sáu, ông Rob Bonta, bộ trưởng Tư Pháp California, đưa ra báo cáo về tội thù ghét của năm 2021, cho thấy tội phạm do kỳ thị của tiểu bang cao nhất trong hơn 20 năm vừa qua.
“Hate crime” tại California đã tăng 32.6% từ năm 2020 đến 2021, với sự thù ghét người gốc Phi Châu vẫn xảy ra nhiều nhất, nhưng chỉ tăng 12.5%. Trong khi đó, thù ghét người Á Châu tăng đến 177.5%, và thù ghét người Latino hay Hispanic tăng 29.6%. Tình trạng thù ghét người Do Thái và cộng đồng LGBTQ cũng tăng đáng kể. Vì vậy, nhiều tổ chức cộng đồng của người Á Châu và cộng đồng LGBTQ hợp tác để kêu gọi các nhà lập pháp California đưa ra những dự luật để bảo vệ họ, và hai đạo luật được Thống Đốc Newsom ký sẽ có hiệu lực vào Tháng Giêng, 2023.
Hai đạo luật được California thông qua năm nay kết hợp chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân để đối phó với thù ghét và quấy rối ở nơi công cộng, nơi người dân đi mua sắm. Đạo luật thứ nhất là SB 1161 để bảo vệ người Á Châu và LGBTQ trên các phương tiện giao thông công cộng, và đạo luật thứ hai là AB 2448 khuyến khích các doanh nghiệp tạo một môi trường an toàn và chào đón khách hàng.
9/Giải pháp xã hội và giáo dục.
Cần có những sinh hoạt trao đổi văn hóa, tạo sự cảm thông, thành lập nhóm đa văn hóa – liên cộng đồng, xiển dương sự cảm kích, lòng biết ơn nhau và sức mạnh của sự đoàn kết. Tránh ngôn từ gây chia rẽ, bạo lực. Từ bạo lực ngôn từ sẽ đi đến bạo lực khí giới hay thể chất.
Trong một tài liệu phổ biến từ tháng 2 năm 2020, cơ quan UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã đề nghị một số biện pháp để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng kỳ thị liên quan đến dịch Covid-19.
Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn từ để giảm những thành kiến trong cộng đồng. một đề nghị thiết thực là khi nói về bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19), không nên liên kết bệnh với một địa danh hoặc một dân tộc nào đó. Tài liệu của UNICEF nói vì thế mà không nên sử dụng tên gọi như "vi rút Vũ Hán", "vi rút Trung Quốc", “vi rút Tàu”, hay "vi rút châu Á", mà nên dùng tên chính thức của bệnh.
Theo tài liệu này, chữ Covid-19 đã được chọn lựa một cách thận trọng nhằm tránh gây kỳ thị - "Co" là viết tắt của Corona, "vi" là viết tắt của virus, và “d” là viết tắt của disease – bệnh. Như vậy, Covid-19 là dịch bệnh do virus corona chủng mới xuất hiện năm 2019 gây ra. Chính vì vậy mà các tài liệu chính thức cũng như truyền thông nói chung đều nói tới Covid-19.
Tài liệu của UNICEF nói rằng nhận thức sai lệch, tin đồn và tin giả góp phần gây nên tình trạng kỳ thị xã hội và phân biệt đối xử, tinh thần đoàn kết và hợp tác của cộng đồng thế giới sẽ giúp ngăn chặn tốt hơn sự lây truyền của dịch bệnh, và chính sự thật, chứ không phải nỗi sợ hãi, sẽ giúp chúng ta ngăn chặn dịch COVID-19.
Nguồn:
- Cụ bà gốc Á tặng lại 900.000 USD cho cộng đồng gốc Á tại Mỹ - VietBF
- Người Mỹ gốc Việt không cần phải lo lắng về tội ác kỳ thị chống người Á Đông? – Viet Fact Check / Việt Kiểm Tin – Fighting misinformation by and for VietAms, a project by PIVOT – Để chống lại các tin sai lệch từ và nhắm vào người Mỹ gốc Việt, một dự án của PIVOT
- Người Á Châu dẫn đầu các nỗ lực chống thù ghét ở California - Báo Người Việt (baonguoiviet.org)
- Covid 'hate crimes' against Asian Americans on rise - BBC News
- Hate Incidents Against Asian Americans Continue to Rise: Study - The Crime Report
- Những cách giúp người cao niên tránh nguy hiểm vì thù ghét người gốc Á - Báo Người Việt (baonguoiviet.org)
Comments
Post a Comment