Ai thay ông Phúc làm chủ tịch nước Việt Nam?
Hiếu Chân -
Ai lên thay ông Phúc là chuyện không đáng bận tâm vì cốt lõi của vấn đề là thể chế chính trị.
17/01/2023
Các quan chức cộng sản vừa bị phế truất. Từ trái sang: Vũ Đức Đam, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thanh Long và Phạm Bình Minh. Ảnh Facebook.
Đúng như tin đồn trên mạng xã hội, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Việt Nam, đã bị các đồng chí của ông loại ra khỏi Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) sau phiên họp bất thường của trung ương đảng chiều 17 tháng Giêng 2023 và sẽ mất luôn chức chủ tịch nước trong phiên họp bất thường của Quốc hội vào chiều mai 18 tháng Giêng.
Hai phiên họp bất thường với khoảng 600 quan chức trong cả nước về dự để hợp thức hóa việc phế truất ông Phúc thực ra chỉ là màn hài kịch rất tốn kém chỉ để thực thi quyết định của cuộc họp bí mật của Bộ Chính trị vào ngày 13 tháng Giêng sau màn kịch tương tự cách đây nửa tháng để bãi chức hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Đảng CSVN quả là tiêu tiền dân không biết xót!
Sau khi lan truyền chóng mặt thông tin ông Phúc bị “thẻ đỏ” mấy hôm trước, bây giờ người ta bắt đầu kháo nhau ai sẽ là người thay ông ta ở chức vụ chủ tịch nước. Lời đồn không chỉ rộ lên trên mạng xã hội hay trong quán nước vỉa hè, mà cả trên những trang báo lớn: “Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng?” (VOA), “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị buộc về hưu, ai sẽ là người thay thế?” (RFA) v.v…
Theo những nguồn tin này, có nhiều người có thể được lựa chọn để ngồi vào chiếc ghế ông Phúc để lại, trước mắt là để đọc bài diễn văn chúc Tết trên truyền hình vào đêm Giao thừa năm Quý Mão sắp đến – một việc có tính chất lễ nghi thường do chủ tịch nước thực hiện. Việc bãi chức ông Phúc chỉ vài ngày trước thời điểm chúc Tết có khi cũng là một cách hạ nhục ông ta.
Đúng như “bọn phản động” đồn đãi, “chủ tiệm nước” Nguyễn Xuân Phúc là chủ tịch nước đầu tiên trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam bị tổng bí thư sờ gáy một cách công khai (ảnh: TTXVN)
Lựa chọn thứ nhất có thể là ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước – điều ông Trọng đã làm một lần sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột chết năm 2018. Nhưng lần này, sức khỏe ông Trọng không được như bốn năm về trước; ông có đủ sức “ngồi một đít hai ghế” nữa hay không thì khó đoán được.
Theo luật, bà Võ Thị Ánh Xuân, đương kim phó chủ tịch nước, phải là người tạm thay ông Phúc xử lý công việc của chủ tịch nước trong thời gian chờ đảng CSVN sắp xếp một ủy viên Bộ Chính trị khác thay ông Phúc và Quốc hội lại diễn trò “phê chuẩn” trong kỳ họp giữa năm 2023. Bà Xuân là nhân vật “vô danh tiểu tốt”, dù có chức phó chủ tịch nước nhưng hầu như chẳng ai biết tới, cho đến lúc bà đi Uzbekistan hội đàm và cam kết hợp tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin – người mà cả thế giới căm ghét vì cuộc xâm lược Ukraine.
VOA dẫn nguồn từ tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu làm việc ở Singapore, và của blogger Bùi Thanh Hiếu, một nhà phân tích, bình luận nổi danh về thời cuộc Việt Nam, đưa ra nhận định “Các ông bà Tô Lâm, Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai nổi lên là những ứng cử viên hàng đầu có thể kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được Đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận cho rời chức vụ chủ tịch nước và các vị trí nắm quyền quyết sách trong đảng hôm 17/1”. Vì đảng quy định người giữ chức chủ tịch nước – một trong tứ trụ – phải là ủy viên Bộ Chính trị nên ba ông bà Lâm, Thưởng và Mai có lợi thế hơn bà Xuân nói trên.
Ông Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, năm nay 53 tuổi. Ông đang là thường trực Ban Bí thư, chức vụ trong đảng chỉ sau ông Trọng, có thể hô mưa gọi gió, từ đó có thể ngắm nghía vị trí tổng bí thư. Liệu ông có từ bỏ cái ghế đẹp ấy để sang làm chủ tịch nước, một chức vụ nặng phần nghi thức mà chẳng có mấy thực quyền hay không.
Bà Trương Thị Mai mới vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ đầu tiên, không có lợi thế bằng ông Thưởng và ông Lâm đã ngồi hai nhiệm kỳ. Vả lại, ở chức vụ trưởng ban, Ban Tổ chức trung ương, bà Mai có quyền rất lớn trong việc điều động cán bộ cao cấp của đảng, bố trí người vào các chức vụ từ trung ương xuống tỉnh thành. Bà có chịu rời bỏ chiếc ghế rất màu mỡ đó không thì chưa biết được.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm – nhân vật gian hùng số một hiện nay ở Việt Nam, và có đủ quyền lực thao túng bất cứ ai, kể cả vị trí thủ tướng của Phạm Minh Chính. Ảnh: VTV
Xem ra ông Tô Lâm, đương kim bộ trưởng Bộ Công an là có vẻ hợp lý nhất. Ông Lê Hồng Hiệp cho rằng “ông Tô Lâm, 65 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2, Bộ trưởng Công an, là khuôn mặt sáng giá nhất để kế nhiệm ông Phúc”. “Ông Tô Lâm có rất nhiều ảnh hưởng, nhiều quyền lực, có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận lớn trong Ban chấp hành Trung ương Đảng”, ông Hiệp nói với VOA. Một lý do khác để Tô Lâm có thể được chọn thay Nguyễn Xuân Phúc là vì Tô Lâm có trong tay “hồ sơ” của những người khác, như bình luận của giáo sư Trần Hữu Dũng, chủ trang viet-studies.
Nếu ông Tô Lâm lên thay ông Phúc thì sẽ có những hiện tượng đáng chú ý: Toàn bộ “tứ trụ” đều là dân phía bắc vĩ tuyến 17, trong đó có hai trụ là tướng công an (Phạm Minh Chính + Tô Lâm)! Miền Nam coi như “trắng” đại diện, không có khuôn mặt nào trong chốn cung đình. Cơ cấu lãnh đạo như vậy đáp ứng mục tiêu “đốt lò” của ông Trọng là quyết củng cố sự cai trị độc đoán của đảng CSVN, đề cao guồng máy an ninh, triệt tiêu mọi tiếng nói khác và xóa bỏ ảnh hưởng của phương Tây dân chủ – giống như ông Tập Cận Bình đã làm bên Tàu.
Nhưng cơ cấu đó cũng gây phản cảm, mà như giáo sư Zachary Abuza thuộc Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ nhận xét trên Nikkei Asia Review, đó là “biểu hiện sự bất an của chế độ” và có thể làm cho các nhà đầu tư ngoại quốc hoài nghi độ ổn định chính trị cùng quyết tâm cải cách kinh tế của Việt Nam.
Dù ai lên thay ông Phúc thì vụ thanh trừng cũng sẽ không “mở đường cho sự vươn lên của các nhà lãnh đạo trong sạch hơn, có năng lực hơn, giúp cho đảng CSVN đấu tranh với tham nhũng tốt hơn, cải thiện sự điều hành” như nhận định của ông Lê Hồng Hiệp trên tạp chí Fulcrum. Hy vọng của ông Hiệp về cải thiện điều hành, đấu tranh với tham nhũng tốt hơn sau vụ thanh trừng quả là một ảo vọng thiếu thực tế!
Với người dân trong nước, ai lên thay ông Phúc là chuyện không đáng bận tâm vì cốt lõi của vấn đề là thể chế chính trị chứ không phải cá nhân; chừng nào đảng cộng sản độc tài, phản động và tàn bạo vẫn còn đó thì không hy vọng có sự thay đổi tốt hơn. Vả lại, ai lên ai xuống là chuyện của Bộ Chính trị, của giới lãnh đạo chóp bu trong đảng CSVN, người dân Việt Nam không có quyền được biết, không được bàn bạc, góp ý kiến hay bỏ phiếu, cứ như đất nước là tài sản riêng của những người đó. Đã vậy thì người dân cũng chẳng quan tâm nhiều, trừ khi cần trút nỗi tức giận trên các trang mạng xã hội.
Sau lời đồn về ông Phúc chứng tỏ là đúng, người ta bắt đầu chú ý đến ông Phạm Minh Chính, thủ tướng. Ông Chính được cho rằng đã nộp đơn xin thôi tất cả các chức vụ vì trách nhiệm chính trị liên quan đến thời kỳ làm Bí thư Quảng Ninh mười năm trước. Vụ ông Chính được đồn là sẽ xem xét ngay sau tết Nguyên đán.
Vài tuần trước tết là thời gian có nhiều biến động chính trị hiếm thấy. Cái lò của ông Trọng cháy rừng rực đốt cả cành nhánh lẫn củi gộc, không phải để nấu bánh chưng bánh tét mừng xuân mà chỉ bộc lộ một sự hỗn loạn trong cuộc đấu đá ở thượng tầng và bộ mặt thật của một chế độ đã đến hồi mạt vận.
Comments
Post a Comment