Biết rõ sự tranh đấu đời xưa mới hiểu những trăn trở thời nay
An Nam -
Giá trị của những nỗ lực kết tập tài liệu lịch sử.
17/01/2023
Ảnh bìa sách: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Đồ họa: Luật Khoa.
Đầu năm 1077, quân Tống tràn vào nước ta, lập một phòng tuyến kéo dài đến ba mươi cây số từ bến đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền. Từ đoạn này, quân Tống sẽ băng qua sông Như Nguyệt, rồi tiến tới bờ sông Nhị, phía Tây Bắc Hồ Tây, lộ trình tiến quân chỉ chừng hai mươi cây số. Kinh thành Thăng Long bấy giờ đang bị uy hiếp.
Vào lúc này, Lý Thường Kiệt chỉ huy quân Đại Việt dồn toàn lực bảo vệ bờ nam của sông Nam Định, phòng tuyến che chở cho những lăng tẩm của nhà Lý, những cánh đồng lúa phì nhiêu của người dân.
Quân Tống nhiều lần tiên phong vượt sông Như Nguyệt nhưng gặp quân của Lý Thường Kiệt phản công kịch liệt khiến địch phải tháo chạy về phòng tuyến của mình. Đó là một số diễn biến trong trận Như Nguyệt, một trong những trận đánh kịch liệt nhất để bảo vệ kinh thành Thăng Long trước cuộc xâm lăng của nhà Tống.
Để cổ vũ binh sĩ và uy hiếp tinh thần giặc, Lý Thường Kiệt đã bày kế cho người đứng trong đền Trương Hát ở bờ nam cửa sông Như Nguyệt, giả làm thần và đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” mà muôn đời sau vẫn còn truyền tụng.
Sách sử kể rằng: “Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh đã tan.”
Trên đây là đoạn trích trong một cuốn sách xuất bản từ năm 1949 (đã được tái bản), tên là “Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý” của học giả Hoàng Xuân Hãn.
Cuốn sách vừa nêu là một lý giải hùng hồn cho câu hỏi làm thế nào để người Việt Nam có đủ tự tin khi đứng trước áp lực của những quốc gia được cho là hùng mạnh hơn. Sự dũng lược và gương hy sinh của tiền nhân đã tô điểm cho mảnh đất mà chúng ta đang sống và khẳng định sự khác biệt giữa dân tộc Việt với các dân tộc lân cận vốn có nhiều nét đồng văn. Những chiến thắng vẻ vang trước giặc ngoại xâm hùng mạnh trong lịch sử góp phần hun đúc khí tiết quật cường chảy trong dòng máu của con người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo tác giả, nhắc đến phân tranh không phải cốt để khơi dậy oán thù, nhưng “biết rõ sự tranh đấu đời xưa, sẽ làm cho các nước càng kính nể nhau thêm, và mới hiểu vì sao mà phải cộng tác ngang hàng”.
Khi đọc cuốn sách lần đầu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng cảm thán: “Tôi nhớ cái lần đầu tiên đọc xong bộ sách Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao triều Lý của Hoàng Xuân Hãn, tôi bỗng thấy tâm hồn rung động và tràn đầy cảm thương. Tiền nhân của chúng ta đã khai sơn phá thạch, đem xương máu tâm huyết bảo vệ từng tấc đất, phấn đấu bằng trăm mưu nghìn kế để chiếm lại từ Bắc phương những dải đất nhỏ xíu, hiểm trở, giữ gìn những miếng đất ấy dù phải bỏ xương tàn nơi chốn rừng thiêng nước độc. Tiền nhân đã tổ hợp lại, tự lực tự cường giữ gìn phương Bắc và bành trướng về phương Nam.” [1]
Một trong những tiền nhân lỗi lạc với kỳ công giữ gìn bờ cõi của nước ta là Lý Thường Kiệt. Và một trong những học giả Việt Nam lỗi lạc của thế kỷ 20 giúp cho nhiều thế hệ sau này hiểu rõ hơn về Lý Thường Kiệt chính là ông Hoàng Xuân Hãn.
Học giả Hoàng Xuân Hãn là một trí thức tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục của Việt Nam. Ông có thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim. Năm 22 tuổi, lúc đang du học ở Pháp, ông đã bắt đầu soạn cuốn Danh từ khoa học và xuất bản vào năm 1942 trong lúc giảng dạy tại Việt Nam. Năm 1951, ông sang Pháp định cư, tiếp tục các công việc nghiên cứu, giảng dạy của mình.
Cuốn sách Danh từ khoa học được cho là đã mở đường cho việc dạy các môn khoa học phương Tây bằng tiếng Việt. Với vai trò là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, sử học, văn học, toán học, ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị, như dành 50 năm để thu thập các tư liệu nghiên cứu về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm bị khảo, Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần – Lê, Lịch và lịch Việt Nam, v.v. Các tác phẩm về lịch sử của Hoàng Xuân Hãn là chiếc cầu nối cho thế hệ ngày nay tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của dân tộc, trong đó cuốn Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý là một ví dụ tiêu biểu. [2]
Về sự ra đời của cuốn sách này, Hoàng Xuân Hãn kể rằng vì tránh máy bay oanh tạc Hà Nội hồi năm 1943 nên ông theo trường học vào Thanh Hóa. [3] Tại nơi đây, vào những lúc nhàn rỗi, ông đã tìm thấy bốn tấm bia còn ghi rõ chữ, trong đó có bia ghi công Lý Thường Kiệt đối với các ngôi chùa. Từ cơ sở này, ông bắt đầu chú ý và tìm tòi cẩn thận. Cuối cùng, ông thấy bộ sách từ đời Tống để lại với năm trăm hai mươi quyển có ghi chép những sự kiện thời Tống - Lý. Trong bộ sách này, Hoàng Xuân Hãn đã góp nhặt những sự kiện về ngoại giao giữa hai nước, đồng thời làm rõ những công lao to lớn của Lý Thường Kiệt sau khoảng 900 năm.
Cuốn sách có ba phần chính. Phần đầu nói về trận chiến đánh bại Chiêm Thành, và cuộc tấn công chủ động vào đất Tống trong lúc nhà Tống đang lên kế hoạch xâm chiếm nước ta. Phần thứ nhì nói về cuộc tấn công của quân Tống vào lãnh thổ Đại Việt cho đến khi hai nước bình thường hóa ngoại giao. Phần thứ ba nói về thời gian Lý Thường Kiệt trấn nhậm đất Thanh Hóa suốt 19 năm mới hồi triều và cả việc ông cầm quân dẹp Chiêm Thành một năm trước khi mất.
Tác giả đã cố gắng làm rõ các dữ kiện lịch sử trong thời kỳ này để có thể đem đến cho người đọc những thông tin xác đáng về “vũ công của Lý Thường Kiệt” khi đối chiếu từng chi tiết quá khứ với thực tại, ví dụ có đoạn phân tích rằng: “Các sách và sử Tống đều nói rằng quân Quách Quỳ đánh bại quân Lý ở ải Quyết-lý, rồi thừa-thắng lấy huyện Quang-lang. Sách MKBĐ (Mộng Khê Bút Đàm) lại nói rõ ràng: Quách Quỳ phá ải Quyết-lý ở huyện Quang-lang. Xem đó, ta có thể đoán rằng ải Quyết-lý tức là Nhân-lý ngày nay, nó ở về phía bắc Quang-lang, cách chừng 15 cây-số.”
Trong phần tựa, tác giả thừa nhận rằng khi đọc cuốn sách sẽ thấy nói về phía Tống nhiều hơn, chi tiết hơn là nói về nhà Lý. Ông đã giải thích: “Chắc có độc-giả sẽ trách sự chênh lệch trong cách chép chuyện Tống và chuyện Lý: chuyện Tống kỹ-càng mà chuyện Lý đơn-sơ. Tác-giả cũng lấy điều ấy làm ân hận. Nhưng lỗi là tại dân-tộc ta, hoặc đã ít biên chép việc đương-thời để di truyền lại đời sau, hoặc không biết giữ những vết-tích xưa: cho nên nay rất hiếm tài-liệu của ta về việc ta.”
Một lưu ý khác, vì cuốn sách được viết vào năm 1949 cho nên ngôn ngữ của cuốn sách ít nhiều sẽ gây khó khăn cho độc giả thời nay. Độc giả sẽ thấy cách viết các câu không quen thuộc, dùng nhiều từ Hán Việt hiếm khi còn được sử dụng phổ biến hiện giờ. Việc đọc sách vì vậy mà có thể mất nhiều thời gian hơn.
Tuy nhiên, những trở ngại khách quan đó càng làm chúng ta thêm trân trọng nỗ lực của những trí thức tiên phong trong công cuộc thắp sáng sử xanh của dân tộc, bởi họ ý thức được rằng việc khơi dậy động lực lịch sử là nền tảng quan trọng để cố kết nhân tâm, giúp cho dân tộc tồn tại vững bền trước mọi phong ba, bão táp của thời đại. Đó cũng là tâm huyết mà tác giả muốn gửi gắm ngay phần lời tựa: “Đọc xong đoạn sử này, độc-giả sẽ thấy, cách đây ngót nghìn năm, cha ông ta đã đủ tài-năng nghị-lực để gây dựng, tổ-chức và gìn-giữ khoảnh đất gốc-cỗi của tổ-quốc ta ngày nay; độc-giả sẽ nhận thấy huyết-quản của chiến-sĩ bây giờ vẫn chan-hòa máu nóng của tổ-tiên, máu nóng mà không lẽ có người không mang một dọt. Dẫu trong nhất-thời, có kẻ lỡ-lầm làm hại nước, hoặc con dân một nước có ý tưởng dị-đồng, trước nạn bại-vong, dọt máu ấy cũng đủ gây nên chí quật-cường, lòng tương-ái.”
Đọc quyển sách, chúng ta sẽ thấy thấp thoáng tinh thần “vẫn biết tương lai là thế giới đại đồng, nhưng trước lúc ấy, nước mình phải là một nước thật”. Rõ ràng, trên phương diện một nhà nghiên cứu lịch sử, học giả Hoàng Xuân Hãn không chỉ phản ánh sự kiện lịch sử một cách đơn thuần. Thông qua việc tìm tòi và kết tập các tư liệu lịch sử liên quan đến công lao giữ nước của tiền nhân, ông còn mong mỏi tha thiết về hiện thực của một quốc gia Việt Nam độc lập, tự cường ở thời đại ông đang sống. Điều này càng có giá trị suy ngẫm sâu sắc hơn nữa khi chúng ta hình dung về đất nước Việt Nam trong tương lai, nơi mà “sự lo việc nước không phải chỉ ở đầu lưỡi”.
https://www.luatkhoa.com/2023/01
Comments
Post a Comment