Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi Họp Mặt Tân Niên Kỷ Hợi 2019.
Như những sinh hoạt thường xuyên của các hội đoàn người Việt tại địa phương Bắc California, Hội Ái Hữu Quảng Ngãi đã tổ chức tiêc đón mừng năm mới Kỷ Hợi (2019) vào lúc 5:30pm ngày thứ Bảy 2/3/2019 tại nhà hang GF Grand Fortune, 4100 Monterey Rd., San Jose. Có hơn 300 quan khách và đồng hương đến tham dự. Trong số đó người ta ghi nhận có: BS Phạm Đức Vượng Tập Thể Chiến Sĩ Hải Ngoại, Ong Trần Song Nguyên và Hội BĐQ, Ong Vũ Huynh Trưởng Chủ tích Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc Cali., Ông Nguyễn Cao Cang Liên Hội Cư Sĩ Phật Giáo, Ban Phụng Sự Cộng Đồng, Ông Nguyễn Vạn Bình, và Bà Mã Phương Liễu Hội Luật Khoa Bắc Cali., Ông Đường Anh Đồng Hội Tây Sơn Bình Định, Ông Lê Đình Qu Cộng Đồng Việt Nam miền Trung Cali., GS Nguyễn Văn Canh, Ông Phan Quang Nhiệp Tổng Hội Phó CSQG, Ông Thái Văn Hòa, CSQG, Ông Nguyễn Hinh CSQG, nhag báo Huỳnh Lương Thiện TB Mõ SF, Ông Đỗ Thông Minh học giả đến từ Nhật Bản, Ông Trần Kim Thiều Hội Diên Hồng Oakland, Ông Trương Đăng Quốc, Ông Trần Hồng Phúc Phòng Thương Mai Oakland, Ông Phạm Hữu Son Cựu CT Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc Cali., Ông Lê Văn Đức HT Hội Quảng Nam Đà Nẵng và Hội QNĐN, Ông Mai Khuyên CT Khu Hội, Ông Cao Gia, Bà Nguyễn Thị Minh Tâm Cộng Đòng Việt Nam Bắc Cali., Bà Nguyễn Thị Nguyệt HT Hội Nữ Quân Nhân SJ, …và CLB Truyền Thông Báo Chí Bắc CA, giới truyền thông báo chí Việt Ngữ: Ông Mỹ Lợi Việt Vùng Vịnh, Ông Trường Kỳ, Ông Nguyễn Hồng Dũng Đài Phố Đêm, cô Hạ Vân Đài Việt Nam Bắc Cali AM1500, Phóng Viên Nghê Lữ đài Nét Việt, Ông Cao Ly Sâm Giám Đốc Chương trình Đài VieTV bắc Cali.,
Lễ Chào Cờ Khai Mạc diễn ra lúc 6:30pm , Bé Hải Âu hát quôc ca Hoa Kỳ và VNCH, sau đó là phút mniệm tường nhớ tiền nhân và các bậc tiền hiền đất Quảng. BTC giới thiệu quan khách tham dự. Lễ Niệm Hương diễn ra sau đó. HT Nguyễn Trung Cao và các vị cựu HT: Jennifer Hồng Trần, Ông Trương Quang Nghiệp, Ông Hoàng Văn Thiệu, ông Nguyễn Diên cùng dân hương. Ông Phan Q. Nghiệp đọc sớ. Trong bài văn tế tiên hiền có nêu tên các bậc công thần Quảng Ngãi: Thượng Công Trương Đăng Quế, Trương Công Định, Lê Trung Đình…v.v.
HT Nguyễn Trung Cao phát biểu chào mừng và chúc Tết đồng hương và quan khách. Trong diễn từ có đoạn: “Thay mặt cho Ban Chấp Hành hội Quảng Ngãi Hải Ngoại Bắc Cali, chúng tôi gởi lời chào mừng nồng
nhiệt nhất đến toàn thể quý vị, và kính chúc quý vị đầu năm Kỷ Hợi sức khỏe dồi dào An Khang và
Thịnh vượng.”
Sau đó ông trình bày: “Một lần nữa, mùa xuân lại về trên đất khách quê người hơn 44 năm qua. Ai trong chúng ta lại không ngậm ngùi hoài niệm lại một mùa xuân thật đẹp, hằng in sâu đậm trong ký ức, đã theo ta trong suốt quãng đời dài xa xứ. Hôm nay chúng ta tề tựu về đây, để đón mừng năm mới Kỷ Hợi 2019. Đây là dịp để cho quý đồng hương, thân hữu gặp gỡ, hàn huyên, chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm, và nhằm gìn giữ tập tục cổ truyền văn hóa dân tộc. Chúng ta cũng không quên chúc cho những nhà tranhđấu cho Tự do Dân Chủ trong nước, được “chân cứng đá mềm”. Chúc cho quê hương sớm thoát ách độc tàicộng sản, để Tự Do, No Ấm, trở lại trên mảnh đất Việt Nam yếu dấu của chúng ta….”
Trong phầm kết thúc ông đọc một bài thơ:
“Sau đây tôi xin đọc bài thơ, xin được kính tặng đến quý đồng hương và quan khách:
Kỷ Hợi Xuân về kính chúc đồng hương
Quý bậc cao niên thọ phúc cát tường
Thế hệ trung tuần, lộc tài khởi phát
Thế hệ học sinh đoạt giải quan trường.
Núi Ấn, sông Trà địa linh nhân kiệt
Tụ khí hạo nhiên xuất hiện anh hùng
Đã sản sinh bao người con ưu tú
Tô xanh trang sử Việt oai hùng
Truyền thống tinh anh nẩy lộc đơm hoa
Quảng Ngãi đồng hương đoàn kết một nhà
Tay bắt mặt mừng, mùa xuân hội ngộ
Khơi dòng cảm xúc nhớ cố hương xa.
Mẹ Quảng Ngãi ơi! Con nhớ thiết tha
Cổ lũy cô thôn. Thạch bích dương tà
Con hẹn xuân sau, sẽ về nhìn lại
Sơn bút phê vân, Thiên Ấn Niêm hà …”
Tiếp theo là phát quà cho caec em dưới 10 tuổi.
Trước khi vào phần dạ tiệc và văn nghê. Hai vị Phó HT: Kim Anh và Vũ Diệu Hiền nói lời cảm tạ.
Cũng nên biết thêm. Trước giờ khai mạc, trong phần chào đón quan khách, hai người điều khiển chương trình: GS Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng và cô Hạ Vân, Giám đốc Đài Việt Nam AM1500 đã trình bày về đất Quảng Ngãi. Người hỏi người đáp.
Quảng Ngãi nổi tiếng là nơi có nhiều cảnh đẹp. Tương truyền từ thời thi sĩ Đạm Am Nguyễn Cư
Trinh làm Tuần vũ Quảng Ngãi (1750), ông đã vịnh ;thập cảnh; Quảng Ngãi. Các Nho sĩ địa phương vịnh
hai cảnh đẹp khác, hình thành nên 12 cảnh và gọi chung là Cẩm Thành thập nhị cảnh. Mười Hai cảnh đó là:
THIÊN ẤN NIÊM HÀ - (Ấn Trời Trên Sông)
Núi Thiên Ấn nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía bắc thành phố Quảng Ngãi, thuộc xã Tịnh An, Sơn
Tịnh. Núi cao 106m, bốn mặt hình thang cân, nhìn từ xa trông như một ấn (trời) đóng trên dòng sông Trà
Khúc nên có tên gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông). Người dân Quảng Ngãi xem núi là
linh sơn của vùng đất này.. Trên núi bằng phẳng, có chùa Thiên Ấn là danh lam với nhiều tháp mộ các
thiền sư cao tăng mang dáng uy nghi, trầm mặc. Phía tây nam đỉnh núi là phần mộ của nhà chí sĩ yêu nước
Huỳnh Thúc Kháng. Thiên Ấn niêm hà tượng trưng cho sĩ khí Quảng Ngãi.
THIÊN BÚT PHÊ VÂN - (Bút Trời Vẻ Mây)
Núi Thiên Bút nằm ở Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, cao 60m, hình chóp nón, trên núi có
nhiều cây, từ xa nhìn lên tựa như ngọn bút lông chỉ lên trời. Về phía đông có hòn Nghiên tựa như nghiên
mực. Vào buổi chiều tà có dải mây thấp thoáng in bóng đàn nhạn bay qua đỉnh núi, người xưa thường
bảo ấy là lúc "Thiên Bút phê vân" (bút trời viết lên mây). Núi tượng trưng cho văn khí của Quảng Ngãi.
Hiện nay trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Chàm cổ.
CỔ LUỸ CÔ THÔN - (Thôn Cổ Lũy Cô Quạnh)
Cổ Lũy cô thôn nằm ở xã Nghĩa Phú, quận Tư Nghĩa, có núi Phú Thọ, cao 60m, rộng chừng 8 mẩu
tây, trên núi còn dấu vết đồn lũy, thành quách Champa. Trong núi có chùa Hang với huyền thoai
con cọp thần. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát về dòng sông Trà Khúc hùng vĩ, cửa Đại nên thơ, rừng dừa
xanh Cổ Luỹ, đảo Lý Sơn thấp thoáng trong khói sóng biển xanh, phía Tây là đồng lúa xanh. Thôn Cổ
Lũy như cắt khỏi đất liền. Tương truyền, Nguyễn Cư Trinh khi đứng trên núi trông về xóm Mồ Côi của
những người dân chài đơn độc bên cửa Đại, đã gọi là Cổ Luỹ cô thôn (thôn Cổ Lũy cô quạnh).
LONG ĐẦU HÝ THỦY - (Đầu Rồng Giỡn Nước)
Núi tọa lạc ở phía Bắc cầu Trà Khúc, Xã Sơn Long, Sơn Tịnh. Tương truyền khí mạch của dãy núi
Long Đầu khởi phát từ núi Thình Thình (Đông Nam quận Bình Sơn) rồi chạy về phía nam dừng lại bên bờ
sông Trà Khúc mà giỡn nước, nên cổ nhân gọi là Long Đầu hý thủy (đầu rồng giỡn nước). Tại đây có
vực rất sâu, có truyền thuyết kể rằng vua Nam Chiếu dừng bên bờ sông Trà Khúc. Núi Bàu Lác là đỉnh cao
nhất của dãy Long Đầu, trên đó một trống đồng. Phía Tây là núi Sứa, nơi các nhà khảo cổ học tìm thấy mộ
chum Văn hóa Sa Huỳnh.
LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT - (Trăng Tắm Hồ Sen)
Hồ tọa lạc ở thôn Liên Chiểu, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ. Nơi đây có hồ sen rộng, soi bóng núi
Xương Rồng ở phía Tây, vào những đêm trăng, phong cảnh nên thơ huyền ảo, đi thuyền trên hồ thấy
bóng trăng thấp thoáng dưới sen, chìm trong đáy nước nên cổ nhân gọi là Liên Trì dục nguyệt (trăng
tắm ao sen). Phía Bắc hồ có di tích ngôi đền Quan Thánh, có tạc 4 pho tượng cao hơn 3m, diễn tả sự tích
vào đêm trăng hồn Quan Công bay xuống núi đàm đạo cùng Phổ Tĩnh thiền sư và hóa duyên theo Phật.
HÀ NHAI VÃN ĐỘ- (Đò Chiều bến Hà Nhai)
Bến sông tọa lạc ở xã Tịnh Hà, Sơn Tịnh. Ngày trước nơi đây trên bến dưới thuyền tấp nập, những
người dân vùng bờ bắc sông Trà Khúc thường qua lại để buôn bán,. Vào những buổi chiều tà khi ánh dương
lặn trên núi Thạch Bích phía Tây, soi bóng những con thuyền lờ lững qua sông, làm cho lòng người
buồn man mác, nên người ta đặt là Hà Nhai vãn độ (đò chiều Hà Nhai).
THẠCH BÍCH TÀ DƯƠNG - (Hoàng Hôn Trên Vách Đá)
Một cảnh đẹp hùng vĩ nên thơ nằm về phía Đông Nam Sơn Hà, giáp Minh Long. Thạch Bích (Đá
Vách) là ngọn núi cao nổi tiếng của Quảng Ngãi, thế núi quanh co cao chót vót, cây cối rậm rạp, vách đá
dựng ngược, sắc đá màu ngọc lúc ráng chiều nên được gọi là Thạch Bích tà dương (bóng chiều Thạch
Bích). Cảnh vật nơi đây thay đổi từng thời khắc trong ngày, đặc biệt là mỗi buổi chiều tà, khi vạn vật bắt
đầu chìm vào bóng đêm thì trên đỉnh Thạch Bích vẫn còn sáng bừng ánh hoàng hôn, tạo nên một vẻ đẹp
vừa oai hùng vừa thơ mộng.
AN HẢI SA BÀN - (Bãi Cát An Hải)
Vùng An Hải phía Bắc cửa Sa Kỳ có núi thấp chạy sát mép biển bỗng dưng uốn cong tạo eo lõm
vào đất liền. Vùng đất eo lõm này toàn là cát trắng phau. Mùa gió thổi vào tạo nên lốc xoáy vun cát lên,
đứng trên núi nhìn xuống trông giống hình dáng cái mâm cát khổng lồ rất đẹp, nên gọi là An Hải sa bàn
(mâm cát An Hải).
THẠCH CƠ ĐIẾU TẨU - (Ông Câu Bên Gành Đá)
Tọa lạc ở mũi đất phía Nam cửa biển Sa Kỳ, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 16km về hướng
Đông Bắc. Đó là một dãy đá thiên nhiên thẳng hàng, ở giữa có một tảng đá in hình hai dấu chân người,
bên cạnh là một hang đá lộ thiên, mỗi khi sóng biển dội vào hang đá nước phun lên rất đẹp, trông như lò
nấu rượu. Trên một tảng đá có in hình một vết lõm trông giống như dấu bàn chân, gọi là bàn chân ông
khổng lồ. Ngoài mép nước một hòn đá đen nổi lên ở cửa biển trông như người ngồi câu giữa dòng nước,
gọi là Thạch cơ điếu tẩu (ông câu trên ghềnh đá).
LA HÀ THẠCH TRẬN - (Trận Đá La Hà)
La Hà gồm 3 cụm núi đá liên hoàn: núi La Hà, núi Đá Chẻ, núi Hùm, thuộc xã La Hà, quận Tư Nghĩa.
Nơi đây có nhiều tảng đá nằm dưới đồi. Tương truyền xưa kia trong vùng còn hoang vắng, gió thổi
qua đây gầm rất mạnh, tưởng như có cả một đoàn quân mai phục, nên gọi là La Hà thạch trận (trận đá
La Hà). . Do việc khai thác đá bừa bải, nên ngày nay thắng cảnh này đã gần như bị phá hủy thành phế tích.
VÂN PHONG TÚC VŨ - (Mưa Trên Núi Vân Phong)
Vân Phong là tên một dãy núi cao nằm ở phía Nam Trà Bồng, còn gọi là núi Cà Đam. Đỉnh núi cao
vút lên giữa tầng trời được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi trùng điệp, trông ngọn núi rất tươi sáng.
Nhìn về phía chóp núi lúc nào cũng thấy mây bay dờn dợn bao phủ, trông khí sắc giống như trời vào
buổi tinh mơ hay sau khi mưa tạnh nên được gọi là Vân Phong túc vũ (mưa trong núi Vân Phong).
VU SƠN LỘC TRƯỜNG - (Đồng Nai Núi Vu Sơn)
Vu Sơn là ngọn núi cao nằm về phía Tây quận Bình Sơn. Nhìn từ xa, ngọn núi như điểm phát mạch
cho các dãy núi thấp hơn chạy về đồng bằng. Trên vùng triền núi có rừng cây rậm rạp tươi tốt, là nơi
hươu nai về tụ tập rất đông nên gọi là Vu Sơn lộc trường (bãi nai ở núi Vu).
Trong cuộc hội ngộ chào đón năm mới, ngoài những ồn ào náo nhiệt của ca nhạc, dạ vũ, tiếng chạm của những ly pha lê lanh canh…v.v. còn có những câu chuyện mang đậm nét văn hóa thâm trầm dễ thương và đáng nhớ. Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Phần, có bờ biển dài khoảng 129 km với vùng lãnh hải rộng lớn khoảng 11,000 km2 và 6 cửa biển và bãi biển đẹp.
Người ta kể lại rằng: Trên bờ biển Quảng Ngãi có 6 cửa biển, tính từ phía Bắc vào Nam là: Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Cả 6 cửa biển này là hình ảnh gần gũi, thân thương, với sinh hoạt và đời sống tình cảm của những người đất Quảng.
Về địa hình, cửa Sa Cần ở Bình Sơn (còn có tên gọi là Thái Cần, Thế Cần, Sơn Trà), thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông là nơi sông Trà Bồng đổ ra biển. Trước cửa Sa Cần có một đảo nhỏ án ngữ là hòn Ông; phía Đông Bắc có các đảo và doi cát như núi Co Co (còn gọi là hòn Cổ Ngựa), có mũi Túi - mũi Đất che các hướng sóng Đông và Đông Bắc. Vì vậy, cửa biển này tương đối khuất sóng gió, là nơi rất tốt cho đậu thuyền bè. Sa Cần là cửa biển đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi
Nằm gần cửa Sa Cần là cửa Sa Kỳ, là nơi đi thuyền ra đảo Lý Sơn (cù lao Ré) gần nhất so với các cửa biển khác.
Trong quá khứ, chúa Nguyễn đã sai quân binh trưng dụng ngư dân làng An Hải và làng An Vĩnh thành lập đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển và tìm kiếm hải vật ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sa Kỳ chính là nơi đội Hoàng Sa làm lễ xuất bến khi đi và dâng lễ hoàn nguyện khi về.
Cửa Cổ Lũy còn có tên gọi là cửa Đại, nằm giữa các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An và Tịnh Khê, nơi hai con sông lớn Trà Khúc và sông Vệ đổ về. Cửa biển hẹp nhưng có vũng sâu, tàu lớn, ghe bầu có thể ra vào được. Vùng cửa Đại nổi tiếng với phố cổ Thu Xà, bến Phú Thọ sầm uất một thời. Nơi đây cũng có nhiều cảnh đẹp của Quảng Ngãi. Người ta có câu hát:
“Tư Nghĩa, cửa Đại là đây
Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa
Dưới thời bông súng nở đua
Ngó lên trên chùa đá dựng kiểng giăng
Ngó qua bên xóm Trường An
Ngó xuống Hòn Sụp cát vàng soi dương.”
Cửa Lở nằm giữa xã Nghĩa An và xã Đức Lợi, cửa sông Vệ đổ ra biển. Cửa biển hẹp và cạn, hàng năm bị bồi lấp mạnh, không được thuận lợi cho thuyền bè ra vào. Vùng cửa Lở nổi tiếng với nghề làm mắm ở làng Kỳ Tân và làng An Chuẩn thuộc xã Đức Lợi, Mộ Đức. Hai làng gần nhau, nhưng có những năm, vào mùa mưa, nước dâng, cát bồi lấp khiến đường đi lối lại thật lắm khó khăn.
“Kỳ Tân, An Chuẩn bao xa
Chàng đi thiếp ở lại nhà sầu thương.”
Cửa Mỹ Á nằm giữa địa phận các xã Phổ Quang, Phổ Minh và Phổ Vinh thuộc Đức Phổ, nơi sông Trà Câu đổ ra biển. Cửa Mỹ Á là chỗ ghe thuyền ra vào tránh bão, trao đổi hàng hóa và nghề cá. Cá, mắm từ cửa Mỹ Á theo đường ghe ngược dòng Trà Câu đến với vùng trung du và thượng nguồn, phía Minh Long, Ba Tơ.
“Nắng đò ngang nắng về Mỹ Á
Lộng gió nồm nam thuyền cá quay về
Anh với em nặng mối tình quê
Thương nhau chung thủy như đôi ghe chung buồm.”
Cửa Sa Huỳnh là nơi thông ra biển của đầm Nước Mặn. Tàu thuyền vào cửa Sa Huỳnh có hướng đi qua một cửa biển hẹp, địa hình thay đổi về độ sâu. Sa Huỳnh là nơi giao thương buôn bán sầm uất.
Người xưa có câu hò tiếng hát:
“Kể từ Bình Định kể ra
Sa Huỳnh, chợ Nãi bước qua Đò Đầm
Chợ Dốc ngồi chẳng an tâm
Ngó ra Thanh Hiếu thấy đầm Lâm Đăng
Sông Trường có bến lội băng
Chợ Cây Chay buôn bán thẳng giăng hai hàng
Qua đò thì tới Du Quang
Ngó qua Mã Loạn không thấy chàng, chàng ơi...”
Sáu cửa biển ở Quảng Ngãi chẳng những là nơi ra vào, bến đậu cho tàu thuyền của ngư dân, mà lại còn là chốn trai gái làng làm nghề buôn bán trên sông nước gặp nhau. Có lời ca, tiếng hò của những cô gái ngóng theocánh buồm xa, cũng có câu ca của những chàng trai nắm chặt tay chèo đuổi theo luồng cá chạy.
Trong dân gian còn truyền lại câu vè “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co…” nhưng đâu biết rằng những nông dân, ngư dân đất Quảng có một cuộc sống thơ mộng, dễ thương, tràn đầy cảm xúc tình tứ bắt nguồn từ sóng nước, ruộng đồng. Người ta kể rằng biển cả bao la và những con thuyền vượt sóng ra khơi là những hình ảnh đẹp trong đời sống người dân hiền lành chất phát, là hình ảnh đẹp còn truyền lại trong ca dao, dân ca, văn hóa của Quảng Ngãi./. [LB]
Comments
Post a Comment