Hình ảnh “thành phố mộng mơ” sẽ biến mất.



Hình ảnh “thành phố mộng mơ” sẽ biến mất: Dân lo ngại quy hoạch mới sẽ phá nát trung tâm Đà Lạt!





Dinh Tỉnh Trưởng nơi đang lưu giữ ký ức người Đà Lạt sẽ biến mất. (Hình: Thanh Niên)



LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Giới luật sư cho rằng, việc dỡ bỏ rạp hát Hoà Bình, di dời Dinh Tỉnh Trưởng để thực hiện các công trình nằm trong đồ án “Quy hoạch khu vực Trung Tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt” sẽ biến Đà Lạt thành nơi xa lạ với mọi người.

Ngày 15 Tháng Ba, 2019, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lâm Đồng công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 Khu Vực Trung Tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.”

Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây Dựng Tỉnh Lâm Đồng, cho biết theo đồ án vừa công bố, Rạp Hát Hòa Bình sẽ bị tháo dỡ để xây dựng khu giải trí mới, thay thế Rạp Hòa Bình hiện hữu. Trong khi đó, Dinh Tỉnh Trưởng sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí mới trong khuôn viên dinh. Riêng chợ Đà Lạt sẽ được giữ lại.

Đồ án quy hoạch này đã gây xôn xao dư luận Đà Lạt vì “quá xa lạ với Đà Lạt, không phù hợp với hiện trạng Đà Lạt.”

Nói với báo Thanh Niên ngày 16 Tháng Ba, Kiến Trúc Sư Đặng Phan Lạc Việt (gốc Đà Lạt) cho rằng: “Mỗi thành phố có lịch sử của nó. Khu Hòa Bình, rạp Hòa Bình, khu Dinh Tỉnh Trưởng… là một phần của lịch sử Đà Lạt. Người Đà Lạt tự hào về nó. Nếu phá bỏ rạp Hòa Bình, phá bỏ Dinh Tỉnh Trưởng để thay vào đó những khối kiến trúc xa lạ (như bản vẽ) thì quá đáng tiếc.”



Khối kiến trúc quá xa lạ với Đà Lạt. (Hình: Thanh Niên)



Còn Kiến Trúc Sư Trần Công Hòa (Hội Kiến Trúc Sư tỉnh Lâm Đồng) không giấu được thất vọng. Ông Hòa cho biết, cách đây khoảng năm tháng, Sở Xây Dựng Lâm Đồng có gởi đồ án quy hoạch chi tiết Khu Trung Tâm Hòa Bình cho Hội xem và xin góp ý. Hội đã có góp ý bằng văn bản nêu lên sự cần thiết của việc chỉnh trang, nâng cấp Khu Hòa Bình, song song đó góp ý nhiều điểm trong đồ án thiết kế chưa phù hợp. Thế nhưng, khi công bố và triển lãm đồ án trên thì những điều mà Hội Kiến Trúc Sư góp ý không được ghi nhận.

“Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay có thể xem là biểu tượng của Đà Lạt vì nó gắn bó với đời sống sinh hoạt, tinh thần, chính trị, văn hóa…của người dân Đà Lạt. Từ mọi ngả đường khi nhìn về tháp cao của rạp Hòa Bình, người dân và du khách dễ dàng định được hướng đi…,” Kiến Trúc Sư Hòa nói.

“Khi thực hiện đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, đơn vị thiết kế nghiên cứu chưa tới, quên đi cộng đồng cư dân, cái mới đưa vào phải phù hợp với cảnh quan xung quanh, tiếp nối ký ức xưa,” ông nói thêm.



Người dân lo lắng đời sống bị ảnh hưởng nếu dự án quy hoạch được thực hiện. (Hình: Thanh Niên)



Các kiến trúc sư thuộc Hội Kiến Trúc Sư Lâm Đồng cho rằng đồ án vừa công bố “chưa tạo được điểm nhấn, kiến trúc hai khối nhà kính quá xa lạ với Đà Lạt, không phù hợp với hiện trạng của Đà Lạt.”

Riêng với Dinh Tỉnh Trưởng, các kiến trúc sư đều nhận định, “đây là một công trình có giá trị lịch sử, có giá trị về kiến trúc, văn hóa; khu vực quanh Dinh là một mảng rừng xanh lâu đời cần gìn giữ cho Đà Lạt.”

Ông Trần Bảo Văn (ở Phường 1, thành phố Đà Lạt) cho rằng, chẳng phải đồi thông, quảng trường hay những bậc thang sống ảo, mà rạp chiếu phim Hoà Bình (khu Hoà Bình, Đà Lạt) mới là nơi được nhắc đến như một chứng nhân lịch sử, như “di sản ký ức” trong lòng nhiều người khi nghĩ về thành phố ngàn hoa này.

Theo đồ án quy hoạch, Dinh Tỉnh Trưởng sẽ di dời nguyên khối đến một “góc” nào đó, để thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc Hồi Giáo, Ấn Độ rất xa lạ với Đà Lạt. “Dinh tỉnh trưởng cần được gìn giữ như trung tâm lưu giữ ký ức của người Đà Lạt,” Kiến Trúc Sư Hòa nói.

Theo tài liệu “Đường phố Đà Lạt,” Khu Hòa Bình là khu trung tâm Đà Lạt, nằm trên ngọn đồi cao 1,494 mét. Lúc đầu, tại vị trí rạp Hòa Bình là “Chợ Cây.” Năm 1931, chợ này bị cháy. Đến năm 1934, chợ Đà Lạt được xây dựng rộng 900 mét vuông. Quảng trường phía trước và đường quanh chợ gọi là Place du Marché (Quảng trường Chợ). Năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hòa Bình. Chung quanh chợ là các cửa hiệu của nhiều sắc dân Việt, Hoa, Pháp và Ấn Độ. (Tr.N)

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất