Ăn Chay





Ăn chay.


Khi đề cập đến “ăn chay” nhiều người có suy nghĩ rằng việc đó chỉ dành cho người tu hành, hoặc những Phật tử ăn chay. Có thể đúng với những năm thuộc thế kỷ XX. Hôm nay, tại những nước Âu Mỹ, ăn chay không còn là “độc quyền” của người theo Phật Giáo. Ăn chay có thể hiểu đơn giản là việc dùng những thực phẩm không có thịt động vật; và không chỉ có những tín đồ đạo Phật ăn chay, nhưng các tôn giáo khác cũng ăn chay. Chẳng hạn, tín đồ Công giáo có ăn chay mỗi ngày thứ Sáu và các ngày lễ buộc, và ăn chay mang ý nghĩa “hãm mình, chịu khó, kiêng ăn…”, giáo chúng của đạo Hồi cũng ăn chay…v.v.

Người ta ăn chay vì nhiều lý do khác nhau: Ăn chay để bảo vệ sức khỏe, có người ăn chay vì sở thích, có người ăn chay để trị bịnh, có người ăn chay theo niềm tin tôn giáo…v.v. Tuy nhiên, hiện nay vì việc ăn chay mang nhiều lợi ích thiết thực, có lợi cho sức khoẻ, để chữa bịnh nên mọi người đều có thể ăn chay…nhưng không phải ai cũng ăn chay được. Khi chúng ta đã quen ăn mặn, việc ăn chay không phải dễ dàng gì.  

Dù vì bất cứ lý do gì, thì việc ăn chay cũng là một điều tốt. Ăn chay có ích cho sức khỏe đã đành, và còn giúp bảo vệ môi trường trong sạch. Khi ăn chay nên ăn đúng cách, biết phối hợp các thứ rau đậu, thực phẩm làm sẵn…v.v., để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và tránh xa được nhiều căn bệnh. Có lẽ ai cũng có thể kể một vài bộ phận trong cơ thể có ảnh hưởng do việc ăn uống như tim, thận, tiểu đường, xơ cứng động mạch do ăn chất béo có hại khi dùng thịt động vật. Ngược lại, nếu ăn chay, các món ăn thường giàu chất xơ, sinh tố, khoáng chất, thải bớt những chất độc ứ đọng trong cơ thể. Đối với phái nữ, ăn chay cũng là một cách ăn kiêng, giữ gìn vóc dáng, sắc đẹp. Và cuối cùng, có thể, khi ăn chay tâm hồn sẽ thanh thản, giản dị, dễ dung hòa thiên nhiên và cảm thấy bình an hơn…v.v.

Tại thành phố San Jose, những lúc gần đây có nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên bán thức ăn chay. Những nhà hàng, quán ăn nầy chuyên môn và không lẫn lộn chung với các thức ăn mặn. Nên thấy một thực tế là: Khi vào nhà hàng quán ăn bán thực phẩm, thức ăn mặn…như thịt cá…v.v. nếu có nấu cho khách hàng một phần ăn chay thì cũng không thể gọi là tinh khiết “thuần chay”.

Trưa nay, tôi được mời một bữa ăn chay ngon miệng, tinh khiết…mà thú thật, nếu không biết trước thì không ai có thể nghĩ các món ăn đang bày trên bàn là những món chay: Là đậu hủ, mì căn, tàu hủ ky, cà rốt, ngò tây, giá đậu, khoai tây, rau cải, hành ngò, ớt xanh…v.v. Bữa ăn có 4 món: Khai vị với dĩa gỏi bún-Gỏi Niết Bàn Nirvana Gourmet Salad, và 3 món ăn chánh là Canh Chua đồ biển, Đậu hủ xào rau cải Stir Fried Mixed Vegetables Combo, Buddha Clay Pot Thập Cẩm Đặc Biệt Kho Tộ. Nhìn cách trình bày, hương vị của thức ăn đã thu hút sự chú ý của tôi. Những dĩa thức ăn trình bày đẹp mắt, khói lan tỏa trên những món ăn, hương thơm khiến ta muốn cầm đũa thử ngay. Thông thường, trong cách ăn uống, người ta không để ý, có lẽ do thói quen là “ăn lấy no” là được. Thật ra, nếu biết thưởng thức một bữa ăn đúng, không những ta thưởng thức trọn vẹn những thực phẩm để nuôi cơ thể mà lại còn giúp cho cơ thể mau tiêu hóa, và ta có một bữa ăn ngon.

Theo tôi, khi ăn tất cả ngũ quan đều phải dùng đến: Mắt Mũi Tai Miệng Lưỡi – để thấy màu sắc, nghe âm thanh, thưởng thức hương vị của món ăn. Khi một món ăn dọn lên bàn (dù chay hay mặn) điều trước nhất là đôi mắt sẽ nhìn thấy màu sắc, tai sẽ nghe âm thanh xì xèo trên chiếc dĩa sắt của món nướng, xào (hot spot), và mũi sẽ nhận được mùi thơm xông vào tận phế phủ...chỉ bấy nhiêu đó thôi thì nước miếng sẽ tự khắc trào ra miệng. Đừng nghĩ chuyện chi khác (thèm ăn, háu ăn, hay tham ăn…). Nước miếng sẽ làm cho thức ăn mềm dễ hấp thụ, dịch vị sẽ làm tiêu hóa thức ăn …Tạo hóa sanh ra con người có đủ ngũ quan là vậy.

“Nhà sạch thì mát
Bát sạch thì ngon”
Chẳng ông bà xưa nói thế chăng? Quán ăn sạch sẽ, trang trí bắt mắt, không gian êm đềm…và chén bát đữa muỗng dọn lên đâu ra đó. Tươm tất, sạch sẽ. Đến quán ăn, nhà hàng, bắt đầu từ khi người tiếp viên dọn bàn với nụ cười, tiếng chào nhỏ nhẹ, quần áo gọn gàng. Dĩa muỗng chén đũa giấy lau tay…tươm tất đâu ra đó.  Tất cả những việc nầy chuẩn bị cho ta một bữa ăn ngon.

Không hiểu những người làm tiếp viên (bồi bàn) trong nhà hàng, quán ăn có được huấn luyện hay dặn dò trước khi được thuên mướn làm công việc đó? Thật khó chịu khi một người khách đến một quán ăn (nhà hàng), bước vào, chẳng thấy ai hướng dẫn; ngơ ngác hồi lâu, có người đứng đâu đó trong góc nhà lên tiếng “Ngồi đi!”; và, sau đó một tấm bìa cứng (gọi là thực đơn) được ném phạch xuống bàn; tiếp theo, một nắm đủa muỗng bỏ xuống bàn một đống kêu rổn rảng; tiếp theo là câu hỏi “Ăn gì không?”. Trời đất ơi! Vào nhà hàng không để ăn thì vào làm chi? Sau khi xem qua, khách gọi món ăn, và bữa ăn như một bổn phận nuốt cho xong bữa!

Tại nhà hàng chay Di Lạc không thấy “hoạt cảnh” đó diễn ra. Khách hàng được tiếp đón niềm nở bằng những nụ cười của hai thanh niên trẻ (nam nữ) làm công việc “chạy bàn”. Những món ăn được dọn lên bàn. Và chúng tôi có bữa ăn ngon miệng.

Món gỏi “ăn chơi” trong khi đợi món chính dọn ra, có tên gọi Gỏi Niết Bàn. Đó là những cộng bún trộn đu đủ bào, có rau thơm, ngó sen, cà rốt…v.v. nước chấm chua ngọt, món nầy trông giống “Gỏi Ngón Sen Tôm Thịt”, dường như không khác chi mấy. Các loại rau quả được xào vừa mềm đủ, thấm đẫm nước sốt, rất vưừa miệng. Món xào đậm đà.  Món canh chua, món mặn…ăn với cơm thật hợp khẩu vị Việt Nam. Nhưng điều nầy mới đáng nói. Giá cả của món ăn. Ba người chúng tôi có một bữa trưa ngon miệng, no bụng, nhẹ nhàng…mà giá cả không hơn $40. Thật ngạc ngạc nhiên!

Tại nhà hàng Di Lạc Cơm Chay có khoảng 85 món ăn. Có thể kể vài món: Curry Eggplant Clay Pot, Cà Tím Xào Cà Ri Trong Tộ, Món Chay Xào Trên Đĩa Sắt, Abalone or Combination, Oyster Mushroom Poridge, Cháo Bào Ngư hoặc Thập Cẩm, Nấm Hương, Sizzling Lã-Vọng w/Rice Paper, Salad and dipping Sauce, Chả Lã Vọng Cuốn Bánh Tráng…v.v. Gần nhà tôi có nhà hàng chay

Có thể bạn không thích ăn chay. Có thể bạn dùng chay trị bệnh “mỡ đường máu”. Có thể để đổi món…Nhà hàng Di Lạc là nơi bạn nên đến thử một lần.  Bạn có thể vào Google Search Engine tìm nhà hàng này. Tại sao một vài con số và tên đường nhưng tôi không để ra đây? Chỉ là một trò chơi cùng bạn đọc thế thôi. Đang ngồi làm việc, hoặc ở nhà…bạn muốn thử một bữa chay thì chiếc smartphone sẽ giúp bạn. Khi đến ăn xong nếu bạn thấy lời tôi nói không đúng, xin bạn gửi đến tôi vài chữ vào email: nangtheky21@yahoo.com, tôi sẽ mời bạn.

Gần nhà tôi có hơn 10 nhà hàng vegan & vegetarian Restaurants, nhưng không bằng Di Lạc Cơm Chay so về giá cả và thức ăn.

Bạch Phụng
(Nang Magazine- www.nang21.com)

 Ăn Chay đầy đủ dinh dưỡng.

Protein:
Nguồn cung cấp protein dồi dào nhất từ các loại thực phẩm từ thịt động vật có thể thay thế bằng trứng, sữa, sữa chua, pho mai... Nguồn cung cấp protein khác khá phổ biến trong khẩu phần ăn chay là các loại đậu, đậu lăng và ngũ cốc.

Sắt:
Nguồn bổ sung sắt trong chế độ ăn chay phổ biến từ trứng. bánh mì, ngũ cốc, các loại nguyên cám, đậu hũ, rau xanh như cải xoăn, rau chân vịt và bơ đậu phộng. Đặc biệt, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thụ sắt, như cà chua và chanh.        

Vitamin B12:
Loại vitamin này rất cần thiết nhưng thường chỉ có trong thực phẩm từ động vật. Chỉ có một lượng nhỏ được tìm thấy trong trứng và sữa. Do đó, nếu bạn áp dụng chế độ ăn chay không có 2 loại thực phẩm trên, thì việc bổ sung vitamin B12 là điều vô cùng cần thiết.

Acid béo omega-3:
Thực phẩm từ thực vật có chứa loại acid béo này không hề nhiều. Tuy nhiên, nguồn acid béo omega-3 này không dễ hấp thụ như các loại cá.

Theo bản kê của macrobiotic (ăn dinh dưỡng) thì các món ăn được chia thành âm & dương. Các loại ngũ cốc (gạo, lúa mì...) là quân bình nhất, tức là món ăn chính với điều kiện còn lứt (tức còn cám chưa chà xát cho trắng mất hết chất bổ.) Bên phần dương là các loại đạm của động vật gồm các động vật của các loài ở biển (cá, tôm, cua..) và các con thú vật, các loài chim... và các sản phẩm của chúng như trứng, sữa, bơ…Bên phần âm là các loài thực vật (thảo mộc) như các loại đậu,củ, rau và âm nhất là trái cây, các loại cà, nấm, măng... Như vậy người ta ăn chay nhất là ăn chay trường dễ bị các bệnh về âm vì ăn các loại âm.

Người ăn chay không bệnh hay ít bị các bệnh mà người ăn mặn mắc phải như béo phệ, huyết áp cao, xơ mỡ động mạch, bón, trĩ, tim, ung thư, dạ dầy... Song lại bị bệnh thiếu máu, huyết áp thấp, tiêu chảy, tiểu đường, phổi và cũng có những loại ung thư vì quá âm. Nói như thế người ăn chay không thể mắc bệnh của người ăn mặn hay ngược lại; song nói nhiều hơn, đa số hay dễ mắc bệnh hơn trong vòng tương đối khi so sánh (ngoài ra ung thư có bệnh vừa do dùng thực phẩm dương và âm gây ra chứ không phải do một loại âm hay dương).

Ăn chay nếu ta ăn uống quá “âm” thì mất quân bình thì phải có bệnh nghĩa là ăn không đúng cách; ví dụ ăn quá nhiều trái cây, uống quá nhiều nước, ăn quá nhiều canh hay xúp. Trên phương diện ăn uống đầy đủ thì người ăn chay quá kham khổ cũng bị bệnh, ví dụ như cứ ăn ròng gạo lứt muối mè quá lâu, hay chỉ ăn tương chao rau muống, muối tiêu thì không đủ chất bổ, và lẽ tất nhiên cơ thể suy nhược sẽ có nhiều bệnh xẩy ra (do thiếu nhiều chất như sinh tố, khoáng, đạm thực vật..).

Những chất cần thiết cho cơ thể:

1/ CHẤT BÔT.
Bắt buộc người ăn chay trường phải có ngũ cốc còn lứt, tức là còn cám. So sánh các món ăn của người ăn chay thì cơm và bánh mì lứt là dương nhất. Nên không có dương này để cân bằng phần quá âm của đồ ăn thì sẽ có bệnh. Có nhiều cư sĩ tại gia ăn chay trường bị rất nhiều bệnh vì ăn chay không đúng cách như tiểu đường, tim, trĩ, mất ngủ, thận, bọng đái, bại liệt, lao, bao tử, gan và nhiều bệnh khác..

Trong gạo lứt có đầy đủ các loại chất bổ mà không có thức ăn nào dù động vật hay thực vật có đủ để thay thế cho nó cả. Như các loại acid amin, chất béo, chất bột, chất xơ, các loại sinh tố, các loại khoáng…v.v.

2/ CHẤT ĐẠM.
Để có đủ chất đạm (protein) mà người ăn mặn có trong thịt cá và các loài động vật, người ăn chay có chất đạm trong các loại đậu.
Đứng đầu là đậu nành (soya bean). Đậu nành có trong đậu phụ (tàu hủ) hay đậu khuôn (bean curd-tofu), nước tương  (soy sauce), tương hột. Tương nên làm mặn, nếu không dễ chua; ăn có hại cho bao tử. Chao ăn ít vì lên men có thể sình bụng, no hơi, khó tiêu. Đậu xanh có nhiều chất sắt, mát gan, lọc máu dùng trong mùa hè nóng nực. Giá đậu xanh; nhiều sinh tố E. Đậu đỏ (red bean) bổ thận âm và dương. Đậu đen (black bean) bổ tỳ, bổ thận dương. Đậu trắng, đậu ván an thần, ngủ ngon, giải nhiệt. Đậu phụng (peanut): có nhiều acid amin tốt cho tuổi già. Mè (sesame) bổ, được các tài liệu đông và tây y công nhận. Các loại đậu như green bean, đậu petit pois, đậu Hòa Lan, đậu Đũa v.v.. đều tốt.

3/ CHẤT BÉO (lipide):
Có trong các loại dầu thảo mộc (đậu phụng, đậu nành, mè, hướng dương (sun flower) bắp, olive, và trong các loại bơ (butter) thảo mộc hay trong các hột (seeds), trái dừa, trái bơ (avocado)...

4/ SINH TỐ (vitamin)
Xếp theo âm dương thì sinh tố A và D (dương), các sinh tố B (âm dương quân bình) có trong gạo lứt rất nhiều, sinh tố C  (âm) có trong các trái cây và rau, dưa. Sinh tố A có trong cà rốt, các loại khoai có màu vàng trong ruột, bí ngô, các loại dầu, bắp, tương do đậu nành làm ra, đậu xanh và đỏ, lá rau dền, diếp, xoài, đu đủ, hồng…
Sinh tố D có nhiều trong các dầu thảo mộc, bơ thảo mộc, dầu thảo mộc.
Sinh tố E có nhiều trong các phần của thảo mộc như lá, búp non, các mầm và mộng (mộng lúa, giá sống) các loại dầu thảo mộc. Sinh tố P có trong lá trà xanh, chanh, cam, quít, đậu phụng. Sinh tố V có trong các cải bắp. Sinh tố K lá các loại rau. Sinh tố F trong các loại dầu thảo mộc (có nhiều iode). Sinh tố C có nhiều trong các trái cây và rau dưa nhiều nhất trong ớt loại to, rau dền, cải, su bông, chanh, chuối, xoài, đu đủ, cam, chanh v.v..

5/ CHẤT KHOÁNG (minerals)
Có nhiều trong gạo lứt, tương, nước suối thiên nhiên, và rong biển (seaweed). Hạt còn nguyên, rau xanh, trái cây, các loại đậu, các loại hạt…Chất béo lành mạnh như dầu ô-liu và bơ.

Một vài món ăn:
Bữa sáng:
Bánh mì nướng, trứng và rau quả như cà chua, rau chân vịt, nấm.
Sữa chua, hoa quả và các loại hạt.
Bánh mì nướng, ngũ cốc nguyên hạt, bơ đậu phộng và một quả chuối.

Bữa trưa:
rau đậu trộn với dầu giấm và dầu o-liu.
Giá, salad, dầu giấm (dressing)
Bánh mì bơ, phô-mai, và rất nhiều món salad tùy theo sở thích.

Bữa tối:
Rau, đậu, cùng nước sốt cà chua ăn với cơm.
Đậu hủ (tàu hủ) và rau xào .
Đậu xanh và bí đỏ nấu cà-ri ăn với cơm.
Mì ống nấu với đậu và phô mai.

Đồ ăn chơi:
Bánh ngũ cốc nguyên hạt và phô mai.
Sữa chua và các loại hạt.
Trái cây tươi.
Trái cây sấy khô.
Rau xanh.
Bánh ngũ cốc nguyên hạt và bơ đậu phộng.

(Nguồn: Tổng hợp từ internet)


Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất