Diệp Thế Lân, Con Đường Chính Trị Và Những Ước Mơ.





Bóc những tờ lịch của tháng 4, thấy lòng bồi hồi, cảm xúc. Trong một thoáng hương xưa tôi thấy em cười tươi trong nắng, mắt long lanh hạnh phúc bay cao, trong thoáng giây em đứng bên đời kia, bỗng ngỡ ngàng mình đã mất mùa xuân.

“Dĩ vãng năm xưa nơi đâu, cuốn theo chiều mưa.”

Tôi thấy hình ảnh những chiếc trực thăng nối đuôi nhau trên vòm trời như một đàn chim, chở theo thân nhân, vợ con, chạy trốn Cộng Sản, của những ngày cuối tháng 4,1975.

Từng chiếc một họ đáp xuống chiếc Mid-Ways của Mỹ đậu ngoài khơi, để rồi trực thăng được đẩy xuống biển như một món đồ chơi, nhường chỗ đáp cho chiếc khác.

“Đã không có ai đi tìm xác rơi,” vì những con chim đại bàng này tự nó đã bẻ gẫy cánh của mình, khép lại những chiến tích ngang dọc một thời trên bầu trời Việt Nam của binh chủng không quân.

Cùng lúc 43 chiến hạm trong tổng số 83 chiếc của hải quân Việt Nam đã được lệnh tập họp tại Côn Sơn đi tới Subic Bay, Phi Luật Tân, mang theo 30 ngàn đồng bào, trong khi chính họ, những
người lính hải quân chẳng có thân nhân đi theo, trên chuyến hải hành đầy đau thương và nước mắt. Vào ngày 8 tháng 5, 1975, một lễ hạ kỳ được diễn ra trên bong tầu, mọi người đồng loạt hát bài Quốc Ca lần cuối trong nghẹn ngào. Nước Việt Nam Cộng Hòa đã không còn nữa. Những chiếc mũ được ném xuống lềnh bềnh trắng xóa mặt nước, rồi từ từ chìm dưới lòng đại dương, như khai tử binh chủng hải quân một thời lừng lẫy.

Phải 38 năm sau mọi người mới có dịp biết đến sự kiện này, nhờ Trung Tâm Dân Sinh làm cuốn DVD “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng.” Và lần lượt sau đó các binh chủng Bộ Binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp, Lôi Hô, v.v., từ từ buông súng theo lịnh đầu hàng của Dương Văn Minh. 

Sự mất miền Nam đưa đến sự xóa sổ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngang dọc một thời làm khiếp vía quân thù trên khắp bốn vùng chiến thuật. Tất cả chỉ còn là huyền thoại.

Cuộc chiến chấm dứt bằng những cái chết oai hùng của nhiều người lính vô danh đã chiến đấu tới giây phút cuối cùng. Và sự tuẩn tiết của 7 vị tướng tá “Anh hùng tử, khí hùng bất tử” đã đi 
vào lịch sử và quân sử Việt Nam với tháng 4 đen của toàn thể người dân miền Nam. 

Lịch sử sang trang với những tan tác, đau thương, với những đổ vỡ, chia ly, tù tội, chết chóc. Hàng ngàn người bỏ xác trên biển Đông, nhiều người đàn bà đã bị hãm hiếp đã man bởi bọn cướp biển. Những người dân miền Nam đi tìm Tự Do trong cái chết. Họ đi tìm Tự Do trên những con thuyền mong manh trôi nổi trên đại dương. Trong tuyệt vọng, đói khát, những tiếng nguyện cầu vang cao trong đêm với từng hồi nấc nghẹn. 



“Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ?”
Tháng 4 với người tù lính Ngụy. 

Bằng nỗi đắng cay câm nín của người lính dù sau 11 năm tù trở về nghe đưa con gái hỏi mẹ: 
“Mẹ ơi, mẹ nói ba cả đời cầm súng chiến đấu mà sao miền Nam lại mất?”

Một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác, bởi vì và tại vì, nó có quá nhiều nguyên nhân. Nhưng cho dù nó có bất cứ nguyên nhân nào, anh khẳng định một điều, anh và các đồng đội cùng nhiều vị tướng tá đã ở lại để phải đi vào nhà tù Cộng Sản, đã không hề hối tiếc khi cầm súng bảo vệ cho phần đất miền Nam yêu quý, cho người dân có được những ngày tháng yên lành. 

Những trăn trở, những đắng cay, nhọc nhằn, hãi hùng, mất mát, đã theo chân những người tị nạn trên khắp thế giới trong nhiều năm dài. Những vết thương đã thành sẹo nhưng khi chạm vào vẫn vẫn có cảm giác nhói đau ở trái tim khi kỷ niệm chợt ùa về “Những buồn đau đã qua rồi nhưng quá khứ đau thương, thảm khốc của tháng 4 đen năm 1975 vẫn ở đâu đó trong tâm hồn người Việt chúng ta, những kẻ đã mất quê hương.”

Và bây giờ là tháng 4, 2016.
Anh hỏi tôi: “San Jose có gì lạ không em?”

Xin trả lời: “San Jose đang nở rộ các cuộc vận động tranh cử Dân Cử, Nghị Viên tại các Khu Vực trong Thành phố. Có các khuôn mặt trẻ tham gia, trong đó, đặc biệt là luật sư trẻ Diệp Thế Lân!”

Sau 41 năm định cư tại hải ngoại, cộng đồng người Việt khắp nơi đã thành công về mọi mặt, đời sống được ổn định tốt đẹp. Những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ đã tốt nghiệp và ra đời làm việc. Đa số họ đều chọn làm Nha Sĩ, Dược Sĩ, Bác Sĩ, Kỹ Sư, v.v., Ít có người đi theo con đường chính trị đầy chông gai và thử thách như Diệp Thế Lân, một luật sư trẻ.

Năm ngoái trong cuộc tranh cử nghị viên San Jose khu vực 4 thay thế cho ông Kasen Chu. Diệp Thế Lân là một thanh niên trẻ, ngoài 30, xa lạ với cử tri người Việt nhưng lại được ủng hộ của giới trẻ và cảm tình của giới truyền thông báo chí Mỹ. Diệp Thế Lân đã ra tranh cử cùng với ông Nguyễn Mạnh, một người làm truyền thông lâu năm với hai phương tiện truyền thông trong tay là đài phát thanh Việt Nam Tự Do và tờ nhật báo cùng tên Việt Nam Tự Do. Lân đã thua ông Mạnh 13 phiếu. Một con số nhỏ so với những công sức miệt mài mà Lân và những người ủng hộ đã bỏ ra. Thật là đáng tiếc.

Tôi nghĩ Lân đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong lần ra quân đầu tiên, và thất bại này.

Sau mấy tháng vắng bóng, mọi người đều nghĩ Lân sẽ bỏ cuộc và sống cuộc đời bình thường như là một luật sư.


Nhưng Diệp Thế Lân đã làm mọi người ngạc nhiên khi tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử tại khu vực 4 một lần nữa với ông Nguyễn Mạnh là đương kim nghị viên.

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Chắc chắng là Lân chưa từng như những người ở lớp tuổi tôi đã đọc và nhớ câu này từ trong một bài giảng văn hồi còn trung học. Nhưng Diệp Thế Lân đã nghĩ như vậy.

So với những người trẻ khác, Lân đã chọn con đường chính trị làm mục tiêu tranh đấu của đời mình. Lân muốn phục vụ cho cộng đồng người Việt, một con đường cam go, đòi hỏi sự hy sinh của bản thân và một ý chí vững mạnh để có thể làm tốt vai trò của mình.

Là một thanh niên trẻ với khả năng tạo được sự thay đổi có ý nghĩa, đã được bằng khen và công nhận bởi cả hai tổng thống George W. Bush và Barack Obama, cũng như đã được mời vào tòa 
Bạch Ốc bởi tổng thống Obama để tường trình về hoạt động phục vụ cộng đồng của mình, Lân đã có kế hoạch và đề ra các mục tiêu tranh đấu so với các nhu cầu cần thiết mà người dân San Jose đang mong đợi.

Là một ứng cử viên trong sáng, đầy nhiệt huyết, cạnh tranh công bằng, không thủ đoạn, dám nói dám làm, Lân thực sự là một người trẻ mà cộng đồng chúng ta đang mong đợi để tranh đấu cho quyền lợi của cử tri người Việt tại khu vực 4 nói riêng và của San Jose nói chung.

Còn thêm một điểm son, Lân tuy sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng vẫn giữ được bản sắc của người Việt, có thể đọc, viết và nói lưu loát tiếng Việt. Đây là điều kiện thật tốt để Lân có thể đến gần cộng đồng Việt Nam San Jose, giúp cho cộng đồng giải quyết các vấn đề một cách trung thực và rõ ràng trong tương lai.

Lần đầu tiên ra tranh cử với tuổi đời còn trẻ không kinh nghiệm, với sự quá tự tin vào bản thân, với lối suy nghĩ và cách nói rất Mỹ tuy với tâm hồn của một người Việt, Lân đã vô tình làm phật ý một số người Việt trong cộng đồng. Trong khi đó ông Nguyễn Mạnh thì khôn khéo hơn, nói rất ít và hầu như là né tránh các câu hỏi của người Mỹ. Ngoài ra Ông Mạnh còn cam kết sẽ thực hiện 9, 10 điều gì đó. Bây giờ không biết người ta còn nhớ hết các điều đó không? Nhưng hàng ngày trên đài radio của ông Mạnh, cho tới ngày 11 tháng 4, 2016, vặn lên là nghe hai ông “Tâm, Mạnh” song kiếm hợp bích ra rả bài tình ca “Tìm Trung Tâm Sinh Hoạt cho người Việt tại San Jose.” Hai người này đã trở thành một cặp bài trùng gắn bó không rời.

Lần này ra tranh cử, thử lửa lần thứ 2, với sự giúp đỡ rất khiêm nhường so với lần trước, Lân đã phải tự mình làm nhiều việc từ A đến Z. Nhưng với tinh thần tự cường, cương quyết, tự tin, không lùi bước trước khó khăn, không lùi bước trước một đối thủ có nhiều lợi thế hơn mình về nhân lực cũng như tài lực, Lân đã làm cho tôi phải xúc động và khâm phục.

Tôi nghĩ đến câu chuyện về 30 tháng 4 của nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị. Vị chỉ huy hành quân phối hợp giữa bộ binh, trinh sát và không quân đã nói:
“Chúng ta phải đánh giặc theo kiểu nhà nghèo với đạn dược súng ống quá ít và lương thực hạn hẹp.”

Tôi nghĩ Diệp Thế Lân đã ra tranh cử kỳ này trong tinh thần như vậy. Lân như con thoi xoay vần từ sáng đến tối trong công việc vận động cử tri của mình với sự giúp đỡ và tin tưởng của những người ủng hộ, khích lệ. Hy vọng kỳ này Diệp Thế Lân sẽ làm tốt hơn.

Và lần này có vẻ như báo chí và giới truyền thông tại San Jose đã nhìn Lân với một cái nhìn bao dung hơn, cởi mở hơn, thương mến hơn, đã đón nhận, hướng dẫn, và bỏ qua những khiếm khuyết của Lân, sẵn sàng ủng hộ, khích lệ tinh thần can đảm, đầy nghị lực của một thanh niên trẻ đi vào con đường chính trị, biết lắng nghe, sửa đổi những khuyết điểm của bản thân mình, để có thể làm tốt hơn vai trò của một người làm đại diện dân.

Tôi tin rằng với lòng tận tụy, trong sáng, không vụ lợi, Diệp Thế Lân sẽ tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng San Jose một cách hữu hiệu và đưa kết quả đến thật gần. Những quan tâm, lo lắng của cộng đồng sẽ là mục tiêu tranh đấu hàng đầu của Lân. Quá trình phục vụ cộng đồng với sự công nhận và bằng khen thưởng của hai tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã trao tặng cho Lân, đã là chứng minh hùng hồn cho tinh thần đấu tranh xã hội của người luật sư trẻ Diệp Thế Lân. Cạnh đó, với chiều dài kinh nghiệm trong chính trường Mỹ mà Lân đã và đang tham gia cùng với kiến thức luật pháp của một luật sư, chắc chắn Diệp Thế Lân sẽ mang tiếng nói của người Việt chúng ta đi rất xa trong tương lai. Và chúng ta có thể tin như vậy. 

Nhưng chỉ với tài sức của một cá nhân, Lân chắc chắn sẽ không thể thực hiện ước mơ phục vụ cộng đồng nếu không có những sự thương mến và những lá phiếu ủng hộ cho Lân của cử tri khu vực 4 San Jose vào ngày 7 tháng 6, 2016 sắp tới.

Xin quý vị cử tri khu vực 4 hãy tạo điều kiện, nâng đỡ để cho những người trẻ có cơ hội phục vụ, tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng người Việt chúng ta trên quê hương thứ hai và tại San
Jose này, một thành phố có người Việt đông nhất nước Mỹ. Người Việt chúng ta cần có những người đại diện trẻ Việt Nam trong sáng, thông thạo Anh Việt, xông xáo, lanh lợi, có khả năng trình độ, để đưa đến sự phát triển của thành phố cũng như sự thịnh vượng và an ninh trong đời sống cư dân.

Trong ngày bầu 7 tháng 6, 2016 sắp tới, tùy thuộc vào lá phiếu quyết định của cử tri khu vực 4 chúng ta sẽ có một người nghị viên người Việt đại diện cho khu vực 4. Xin hãy dồn phiếu ủng hộ
cho Diệp Thế Lân, thế hệ trẻ, con cháu chúng ta. Là con của một gia đình thuyền nhân tị nạn cộng sản, mang sắc thái và tâm hồn dân tộc, tuy sinh ra tại Mỹ, với trình độ và kiến thức của một luật sư am tường chính trường Mỹ, với thành tích tranh đấu cho quyền lợi cộng đồng từ khi tốt nghiệp trường luật, đã được công nhận và khen ngợi từ tổng thống Hoa Kỳ, Diệp Thế Lân chắc chắn sẽ làm nên đại sự ở tương lai từ nguồn gốc người tị nạn Việt Nam. 

Tháng 4 - 2016

Tường Vi.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất