Đoàn TQ “áp đảo” Mỹ trong phòng đàm phán thương mại, và 1 nhân vật không ngờ xuất hiện.




Bức ảnh rò rỉ từ cuộc đối thoại thương mại giữa phái đoàn Mỹ-Trung tại Bộ thương mại Trung Quốc ngày 7/1 cho thấy có sự xuất hiện bất ngờ của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Phó thủ tướng Trung Quốc bất ngờ đến đàm phán thương mại


Ông Lưu, một trong những quan chức được chủ tịch Tập Cận Bình tin cậy và là người phụ trách chương trình đàm phán thương mại với Mỹ ở Washington năm ngoái, vốn được cho là sẽ không tham dự sự kiện ngày mùng 7 – vòng đối thoại được thông báo chính thức là ở cấp thứ trưởng.

Đoàn đại biểu Mỹ do Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu. Ông Gerrish là đồng minh thân cận lâu năm với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.



Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (cravat đỏ) bất ngờ xuất hiện trong cuộc đối thoại ngày 7/1 ở Bộ thương mại Trung Quốc và được Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish vỗ tay hoan nghênh (Ảnh: SCMP)

Các bức ảnh được chia sẻ trên mạng đã xác nhận sự xuất hiện của Phó thủ tướng Lưu Hạc. Trong một hình ảnh, ông Lưu đứng giữa nhóm quan chức Trung Quốc, bao gồm Bộ trưởng thương mại Chung Sơn và Thứ trưởng Vương Thụ Văn.

Cả ông Chung và ông Lưu đều có mặt trong sự kiện ông Tập Cận Bình gặp tổng thống Mỹ Donald Trump ở Argentina ngày 1/12 năm ngoái, nơi hai bên nhất trí thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày để mở ra đàm phán.

Bức ảnh cũng cho thấy các quan chức Mỹ, gồm ông Gerrish, đứng ở phía đối diện của bàn làm việc và đang vỗ tay.

Một bức ảnh rò rỉ khác chụp ở góc rộng hơn, trong đó ít nhất 100 quan chức Trung Quốc đang có mặt tại phòng họp – số lượng đông đảo gấp khoảng 2 lần quy mô đoàn Mỹ.

Số lượng quan chức Mỹ-Trung tham dự các vòng thảo luận ở Bắc Kinh, dự kiến kết thúc vào hôm nay (8/1), vượt xa quy mô của các cuộc đối thoại diễn ra trong năm 2018.

Theo một báo cáo của Bloomberg, vòng đối thoại được tổ chức theo các nhóm trao đổi khác nhau giữa đại diện song phương liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, giao thương nông nghiệp và công nghiệp.



Quang cảnh phiên đối thoại ngày 7/1 (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc thiện chí vì đứng trước sức ép lớn

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 7/1 không có cập nhật nào về lộ trình đàm phán, nhưng cho biết chiến tranh thương mại là điều không tốt cho cả hai nước và thế giới, khẳng định Trung Quốc “thiện chí giải quyết mâu thuẫn song phương với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.

Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng sự hiện diện bất ngờ của ông Lưu Hạc tại cuộc họp mùng 7 là cử chỉ thể hiện thành ý và cam kết của Bắc Kinh nhằm hướng đến một thỏa thuận với Washington.

“Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đối diện sức ép trượt dốc, đặc biệt là do tác động của chiến tranh thương mại, thì phía Trung Quốc đã dành nhiều ưu đãi hơn [cho Mỹ], và một số yêu sách của Mỹ cũng nằm trong phạm vi nhu cầu mà Bắc Kinh cần có để cải tổ kinh tế,” giáo sư Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học nhân dân Trung Quốc, nhận xét.

“Mỹ đã tỏ rõ thái độ rằng họ không muốn những lời hứa sáo rỗng, cho nên lần này sẽ có nhiều cuộc thảo luận chi tiết hơn.”

He Weiwen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Toàn cầu và Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh, nói Trung Quốc hiện nay sẵn sàng “vượt rào” để đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ, thể hiện ở việc trước đó đã cam kết mua vào thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng Mỹ.

“Phía Mỹ chắc chắn sẽ nêu các vấn đề như cưỡng ép chuyển giao công nghệ và cạnh tranh trung lập… còn phía Trung Quốc sẽ sẵn sàng thảo luận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp [chính phủ cho doanh nghiệp],” He nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/1 tỏ ra lạc quan về tiến triển đàm phán thương mại.

“Chúng ta đang có tiến triển” trong thương mại, ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC. “Tôi hy vọng chúng ta cũng sẽ đạt tiến triển ở những khu vực mà Trung Quốc đang không hành xử theo cách mà chúng ta kỳ vọng. ”

Tổng thống Trump hôm Chủ nhật (6/1) đánh giá đàm phán thương mại đang diễn ra tốt đẹp, và cho rằng sự suy yếu trong nền kinh tế Trung Quốc đang khiến Bắc Kinh có động lực để hướng tới thỏa thuận với Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề. Nền kinh tế của họ đang không tốt,” ông Trump phát biểu từ Nhà Trắng.

Sau cuộc gặp quan trọng ở Argentina, giới lập pháp Trung Quốc thậm chí đã giới thiệu một dự thảo luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tiếp tục xuống thang chính sách “Made in China 2025” – sáng kiến khiến Mỹ lo ngại về mục tiêu “bá chủ công nghệ” của Bắc Kinh.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất