Xung đột và Ngoại giao ở Biển Đông.



VÙNG BIỂN TRANH CHẤP

Pete Cobus | Đài Tiếng nói Hoa Kỳ


Một phần ba lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu. Ước tính khoảng 5 ngàn tỉ đôla thương mại hàng năm. Sáu quốc gia đòi chủ quyền. Một vùng biển. Đó chỉ là bề nổi của vấn đề.

Chào mừng các bạn tới Biển Đông, vùng biển chung của Đông Nam Á. Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên phong phú gần và dưới bề mặt—lòng biển chứa đựng nguồn cá dồi dào và đáy biển hứa hẹn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt mà theo ước tính chính thức của Mỹ ít nhất ngang bằng với trữ lượng của Mexico, và theo một số ước tính gây tranh cãi của Trung Quốc, có thể chỉ thua trữ lượng của Ả-rập Saudi. Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường biển có tầm chiến lược quan trọng nhất và bị tranh chấp nhiều nhất của thế kỷ 21.

Về phía bắc, Biển Đông giáp với Trung Quốc, nước tuyên bố mình có chủ quyền lịch sử từ hàng trăm năm trước. Ngày nay, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 95 phần trăm vùng biển này và lệ thuộc vào đó để mang về 80 phần trăm lượng dầu thô nhập khẩu. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với những đảo nhỏ ở Biển Đông và đã bồi đắp một diện tích khoảng 1.300 hectare để duy trì phần lớn là cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm cả những đường băng đủ dài để máy bay ném bom có thể cất cánh và hạ cánh.

Suốt nhiều thế kỉ qua, Biển Đông đã đóng vai trò thiết yếu đối với sự sống còn kinh tế của những nước giáp ranh như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.

Những quốc gia không có tuyên bố chủ quyền cũng có lợi ích của riêng mình. Ngư trường Natuna giáp với Biển Đông cũng có trữ lượng khí thiên nhiên thiết yếu cho nước Indonesia gần đó.

Xa hơn, Hàn Quốc và Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lệ thuộc vào quyền tự do qua lại ở đây để đáp ứng hơn phân nửa nhu cầu năng lượng của họ.

Mỹ, bảo vệ lợi ích của mình và của những đồng minh, duy trì một sự hiện diện quân sự trong khu vực. Giới chức Hải quân Mỹ dự định mở rộng lực lượng điều động ra nước ngoài của Hạm đội Thái Bình Dương thêm khoảng 30 phần trăm nữa đến trước năm 2021. [https://www.fas.org/sgp/crs/row/R42784.pdf]

Trong khi tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Châu Á trong hai thập kỷ qua vẫn tiếp tục, sự ổn định trong khu vực và sự tiếp cận đối với Biển Đông vẫn còn là một vấn đề có hệ quả toàn cầu.

Những vụ đụng độ giữa tàu tuần tra hải quân Trung Quốc và tàu đánh cá của những nước lân cận cho thấy nhiều nguy cơ châm ngòi xung đột quốc tế và đẩy những cam kết an ninh của Washington lên hàng đầu.

Nhiều nước phương Tây đã hối thúc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một văn kiện ấn định những khu vực kiểm soát hàng hải dựa trên đường bờ biển. Nhưng Trung Quốc phần nhiều xem những luật lệ quản trị hàng hải mà Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn là không tương thích với luật pháp trong nước; tệ hơn họ xem những luật lệ này là những công cụ của bá quyền phương Tây được định ra để hạn chế ảnh hưởng đang lớn dần của Trung Quốc trong tư cách một cường quốc thế giới.



Binh lính Trung Quốc tuần tra trên đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) trước bia chủ quyền có nội dung: “Nam Sa là đất của ta, thiêng liêng bất khả xâm phạm,” ngày 9 tháng 2 năm 2016.

Mỹ, nước đã ký vào UNCLOS nhưng không phê chuẩn, thường dựa vào thỏa thuận quốc tế này để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ.

Vào tháng 7, một ban hội thẩm gồm năm thẩm phán ở thành phố The Hague đã đồng lòng bác bỏ cơ sở pháp lý của gần như tất cả những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc. Trong vòng vài tuần, Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc đã ban hành một quy định khẳng định “cơ sở pháp lý rõ ràng cho Trung Quốc bảo vệ trật tự hàng hải,” trong đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ truy tố bất kỳ người nước ngoài nào bị phát hiện đang đánh cá hoặc thăm dò trong vùng biển tranh chấp.

Những phương tiện khác nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ phức tạp dường như cũng không hữu hiệu. Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, lâu nay đã bị trì hoãn và là văn kiện mà giới chức Bắc Kinh nói sẽ chung quyết vào năm 2017, sẽ không có mấy tác dụng trong việc giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Cũng giống như phán quyết của tòa án ở The Hague, bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN có tính ràng buộc pháp lý đều thiếu cơ chế có ý nghĩa để thi hành.


Tương lai phía trước

Mỹ lâu nay vẫn nói rằng họ không có lập trường chính thức về tranh chấp Biển Đông, dù Mỹ vẫn hay chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở đó và đã mở rộng những liên minh quốc phòng với những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông có thể sẽ phải nhanh chóng xử lý một cuộc khủng hoảng bên trên Biển Đông. Trước đây, chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, cựu Tổng thống George W. Bush đã phải đối mặt với một cuộc tranh chấp quốc tế gây ra bởi một vụ va chạm trên không giữa một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc gần đảo Hải Nam.

Chưa đầy bảy tuần sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, tàu và máy bay của Trung Quốc đã đối đầu với tàu USNS Impeccable, một tàu do thám tại vùng biển nằm về phía nam Đảo Hải Nam, và ra lệnh cho tàu này rời đi. Mỹ cho biết họ có quyền ở đó và rằng tàu của họ đã bị quấy nhiễu. Bắc Kinh thì bênh vực hành động của mình. Ông Obama phản ứng bằng cách gửi một khu trục hạm có gắn phi đạn điều hướng tới để bảo vệ tàu Impeccable.

Những vụ việc như vậy có thể tiếp tục định hình những tranh chấp khi nó diễn ra trên biển và ở những thủ đô khắp thế giới. Cho tới khi những câu hỏi lớn hơn về chủ quyền lãnh hải được giải quyết, đường thủy này hứa hẹn sẽ vẫn là điểm tựa mà địa chính trị thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đặt trọng tâm vào. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến khi chúng xảy ra, ngay ở đây.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất