Bài văn điểm 0 khi nghị luận về ''sự trung thực và lòng tự trọng'' trong xã hội ngày nay.
Bài văn "lạ" bị điểm 0 gây xôn xao cộng đồng mạng. Nghị luận về “Sự trung thực và lòng tự trọng chính là 2 yếu tố tiên quyết để dẫn đến thành công” với xã hội Việt Nam,
Hãy cùng đọc qua một bài văn như thế.
SỰ TRUNG THỰC VÀ LÒNG TỰ TRỌNG TRONG XÃ HỘI HIỆN TẠI
Đề bài: Có người cho rằng: “Sự trung thực và lòng tự trọng chính là 2 yếu tố tiên quyết để dẫn đến thành công.” Bằng vốn kiến thức hiểu biết xã hội của mình, em hãy nghị luận về vấn đề này.
Bài làm.
Khi đọc xong đề bài, em dụi mắt một vài lần, thật sự ngỡ rằng mình đang mơ vậy. Có thể cô sẽ ngạc nhiên, nhưng mà có thể do quan điểm “thành công” của em hơi khác biệt.
Em không biết giờ thành công chính xác là như thế nào nữa. Song với vốn kiến thức hạn hẹp của mình, trộm nghĩ trở thành một người “quyền cao chức trọng” hay “tiền tiêu không phải nghĩ” – chí ít đó đã là biểu hiện của thành công, thành đạt rồi. Chỉ có điều em thấy phần lớn những người như vậy, thứ thiếu nhất ở họ chính là “sự trung thực” và “lòng tự trọng”.
Theo em nghĩ, trên lý thuyết thì: sự trung thực và lòng tự trọng có thể là 2 yếu tố tiên quyết để dẫn đến thành công, song nó chỉ đúng cho một xã hội “công bằng” mà thôi”. Có câu: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng" Song như Bill Gates đã nói: “Cuộc sống vốn không công bằng - Hãy tập quen dần với điều đó.
Thế nào là trung thực, khi xã hội vốn có rất nhiều điều rất thiếu minh bạch? Hôm nọ em có đọc một bài báo, nói về siêu biệt thự của Giám đốc sở tài nguyên tỉnh Yên Bái trị giá hàng trăm tỷ đồng, có xây cả cầu đi-văng ở trong... Đang giật mình, thì sau lại được biết nó còn chưa ăn nhằm gì so với khu dinh cơ của Giám đốc công an tỉnh. Là một người có hiểu biết, làm phép toán đơn giản em có thể tính rằng với mức lương hiện tại, các vị quan chức này phải mất cả ngàn năm phấn đấu mới có thể sở hữu khối tài sản lớn nhường ấy.
Mà không riêng gì Yên Bái, hầu như vị “quan chức” nào, dẫu chỉ là cấp nho nhỏ như phường – xã, hầu như ai cũng có dăm cái nhà bé bé ở thành phố. Mà khi, số ít trong các quan chức được “yêu cầu kê khai nguồn gốc” số tài sản thì có những chuyện cười ra nước mắt. Khi mà tất cả những thanh niên có hoài bão và giầu nghị lực còn đang trăn trở, vật lộn mưu sinh thì các quan chức “người thì xe ôm tích lũy, kẻ lại bán chổi làm giầu” đủ kiếm tiền tỷ. Thiết nghĩ nếu điều này là sự thật, vậy thì mấy vị này đủ để viết sách dạy làm giầu được. Vậy minh bạch ở đâu??? Vì nếu không có sự minh bạch, lấy gì làm thước đo của lòng tự trọng?
Thời buổi hiện tại, nhờ ơn Chúa mà ở đất nước chúng ta, ta có ba thứ quý giá không tả nổi: tự do ngôn luận, tự do lương tri, và sự khôn ngoan để không bao giờ dùng đến cả hai. Sự trung thực là cái thá gì, khi mà các nhà báo sẵn sàng "giật title câu view" và bẻ cong ngòi bút. Lòng tự trọng là cái thá gì, khi mà có một số các phiên tòa của Việt Nam đã được định trước (còn gọi là án bỏ túi) còn các quan tòa chỉ như cái máy đọc. Lòng tự trọng là cái thá gì, khi mà các cô người mẫu hay hoa hậu bỏ túi 2500 USD để qua đêm với đại gia một đêm. Sự trung thực là cái thá gì, khi mà chỉ vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp nỡ làm hàng giả, hàng kém chất lượng để thu lợi, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Dĩ nhiên, điều này kéo theo hệ lụy là kỷ lục về nói dối và thủ thuật đánh tráo khái niệm thì Việt Nam đạt mức thượng thặng.
Thế nào là sự trung thực và lòng tự trọng, em thiết nghĩ đây vốn là những thứ chỉ tồn tại trong những con người có lương tâm. Xã hội kim tiền hiện tại, lương tâm là thứ hiếm đến độ xa xỉ, ngày nay rất nhiều thứ bị đồng tiền chi phối, đến độ nhiều người sẵn sàng làm cả những việc tốt vì tiền.
Con người có lương tri và lòng tự trọng, đáng ra chúng ta phải có trách nhiệm với những gì mình đã làm và sẵn sàng nhận lỗi thuộc về mình. Tạm quên đi chiến thắng lịch sử của U23 trước U23 Quatar vừa rồi, kể lại câu chuyện trước đó 6 tháng. Nòng cốt của U23 Việt Nam năm 2018 chính là U22 Việt Nam năm 2017, và đội tuyển ấy đã thua U22 Thái Lan và bị loại khỏi Sea Games, báo giới Việt Nam xôn xao khi hay tin HLV Hữu Thắng nhận trách nhiệm về mình và “xin từ chức”. Đọc qua thông tin này, nói thật là em cảm giác hơi sốc vì ngạc nhiên. “Văn hóa từ chức” và “nhận trách nhiệm” ở Việt Nam hãy còn là một thứ rất lạ lẫm, lạ đến độ tưởng như chỉ có trong truyền thuyết.
Thật ra, Hữu Thắng nhận trách nhiệm về một trận thua – chuyện này chỉ bé bằng con kiến so với nhiều vấn đề bất cập và sừng sững khác ở đất nước chúng ta. Thua Thái Lan, có gì to tát, mất tấm huy chương, chút bệnh thành tích vặt vãnh trong thể thao - chứ có mất đất đai thuộc chủ quyền đâu. Phụ sự kỳ vọng của cộng đồng mạng thì đã làm sao, biết đâu chính sự ảo tưởng của cộng đồng mạng đã khiến các cầu thủ tâm lý và chùn chân. So ra, nhiều “cá nhân kiệt xuất” khác khiến Việt Nam thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, khiến biển ô nhiễm, rừng trụi lủi và nguyên khí quốc gia kiệt quệ vậy mà còn “ngang nhiên sừng sững” tại vị kia kìa? Vậy tự hỏi, lòng tự trọng để ở đâu?
Hay giả như, nghe câu chuyện về một quan chức cỡ bự bị đặc nhiệm Việt Nam áp giải lén lút từ nước ngoài về, rồi đọc được lá đơn tự thú của ông, tròng mắt của em suýt nữa rơi ra, may nhanh trí nhắm mắt không đọc tiếp kẻo ảnh hưởng thị lực. Vậy mà, các bộ ngành liên quan, các đồng liêu đồng chức bấy lâu nay không ai biết. Đột nhiên, em đã thấy được “sự trung thực và lòng tự trọng.”
Sự trung thực và lòng tự trọng ở đâu trong xã hội này, và thật sự nó có quan trọng hay không? Từ nhỏ, em đã được dạy rằng con người ta sinh ra phải có tự trọng, có lương tri, biết suy nghĩ về người khác. Thế nhưng, đọc qua câu chuyện về thực phẩm bẩn, về thuốc rởm hay câu chuyện ông chủ tập đoàn y dược nào đó bán hàng ngàn viên thuốc chống ung thư giả mà chỉ bị kết tội buôn lậu, em chợt giật mình. Vẫn nghĩ rằng, chúng ta đang được sống trong một xã hội “công bằng – dân chủ - văn minh” thì chí ít, đó phải là xã hội “quan chức sống có lương tri”, “công an giao thông không nhận mãi lộ”, “bác sĩ không vòi phong bì”, “nhà báo không hoạch họe doanh nghiệp” hay chân dài không đi sextour với Đại gia. Nói chung, khi mà văn hóa xã hội đã xuống cấp và mục ruỗng, cộng đồng mạng chạy theo thị hiếu rẻ tiền thì hai chữ “nhân phẩm” càng được đặt trong báo động đỏ. Vì thế, chúng ta nói đến sự trung thực và lòng tự trọng để làm gì?
Liệu cô có tin rằng “kỳ tích sông Hán” sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam? Đất nước chúng ta có hóa rồng như Hàn Quốc hay chỉ vĩnh viễn là con giun cong mình hình chữ S. Từ nhỏ, em đã được học về những điều Bác Hồ dạy, thấy thấm nhất là câu: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu.” Nhưng Bác ơi, lời Bác dạy năm nào cho “các cháu ngày ấy” có vẻ đã không cố công học tập rồi, phải không cô?
Thôi thì, tranh thủ sót lại một chút lương tri, sự trung thực và lòng tự trọng tối thiểu thì em cũng xin thú thật. Ý tức, nếu như cô đọc đến dòng này mà nghi ngờ, thì em xin thú thật là nội dung này không phải là em viết. Nhưng mong hãy giơ cao đánh khẽ, đừng cho em điểm 0 mà tội nghiệp. Đây chỉ là những điều tâm sự từ tâm can phế phủ của em, về những bức xúc và nỗi đau không biết tỏ cùng ai.
Trân trọng cảm ơn cô giáo!
Lê Việt
http://mexanh.vn/hong-hot/bai-van-diem-0-khi-nghi-luan-ve--su-trung-thuc-va-long-tu-trong--trong-xa-hoi-ngay-nay-1873.html
Comments
Post a Comment