Cảm Ơn Ngày 8/3
h chuyen tiep,
Cám ơn các bạn của ngày 5 tháng 3
Nguyễn Hoàng Vi (Danlambao) - Những ngày cận kề 5/3/2017, không khí Sài Gòn trở nên nặng nề bởi những tranh luận về lời kêu gọi biểu tình ngày 5/3. Phần đông anh em hoạt động năng nổ trong phong trào đấu tranh ở Sài Gòn không đồng tình với việc biểu tình. Không đồng tình không phải là với mục tiêu tốt đẹp như đã đưa ra trong lời kêu gọi của Linh mục Nguyễn Văn Lý mà vì một số dè dặt về ý đồ của những phe nhóm lợi dụng.
Một số nhỏ ủng hộ thì đều bị lực lượng còn đảng còn mình điều động quân canh nhà và ngăn chặn. Đêm trước biểu tình, hầu hết những người hoạt động ở Sài Gòn đều đã bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà. Đầu hẻm nhà tôi 2 tên mặt thường phục ngồi canh, lẻo đẽo theo tôi lúc nào cũng có 4 bóng hình luân phiên.
Tôi đinh ninh rằng cuộc biểu tình này khó mà xảy ra ở Sài Gòn. Bỏ mặc những bóng ma lảng vảng trước nhà và đầu hẻm tôi yên giấc ngủ ngon với đứa con nhỏ. Vậy nhưng sáng Chủ nhật, tôi đón chào ngày mới với hình ảnh người biểu tình ở miền Trung và Sài Gòn tràn ngập trên mạng.
Ấn tượng đậm nhất trong tôi là cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Tôi không nhìn thấy những gương mặt thân quen của bất kỳ hội nhóm hoạt động xã hội dân sự độc lập nào xuất hiện trong đoàn biểu tình lần này. Những gương mặt mới giương cao biểu ngữ, hô khẩu hiệu dù không đồng đều, không chuyên nghiệp nhưng toát lên tinh thần cương quyết và dũng cảm. Từ họ, những lời ca quen thuộc “Trả lại đây cho nhân dân tôi quyền tự do, quyền con người...” được cất lên để bảo vệ môi trường, đòi tống xuất tập đoàn xả thải Formosa ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu.
Những biểu ngữ giơ cao, những lời hô dũng mãnh, những câu hát nhiệt tình của những nhóm người tuy lẻ loi trong thành phố nhiều người và xe cộ đã vang xa khắp nơi trên thế giới qua sự kết nối của mạng truyền thông xã hội.
Khi bắt đầu có sự trấn áp, tôi đã thấy họ ngồi xuống cùng với nhau và vẫn giương cao biểu ngữ một cách ôn hòa. Rất nhanh chóng, lực lượng còn đảng còn mình đánh tan cuộc biểu tình bằng những pha đánh đập và bắt tất cả lên xe bus. Tôi đã thấy hình ảnh những giọt nước mắt lăn dài trên má của cô thiếu nữ khi nhìn thấy cảnh tượng mọi người bị đánh và bị bắt đi. Chỉ 10 phút ngắn ngủi của cuộc biểu tình thôi cũng đủ làm tôi xúc động rơi nước mắt. Vừa thương cho những người bị đánh, bị bắt; vừa phục và kính trọng các bạn, vừa mừng cho cuộc biểu tình đã diễn ra dù không có bất cứ một tổ chức XHDS nào tham dự.
Khi mà cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt, những người biểu tình bị bắt đi. Buổi chiều tối, chính những anh chị em hoạt động đã từng lên tiếng phản đối cuộc biểu tình sáng nay đã tập trung lại đi đến sân vận động Tao Đàn (nơi an ninh CSVN bắt những người biểu tình đưa về đây) để đòi người.
Cuộc biểu tình tại Sài Gòn sáng nay đã cho tôi thấy được rằng người dân họ đơn thuần lắm, họ xuống đường theo tiếng gọi của trái tim và lương tri con người. Không một lực lượng nào có thể ngăn cản được bước chân họ, cũng như không một hội nhóm nào có thể thao túng được họ. Trong hoàn cảnh đất nước ngổn ngang những thảm trạng, khi người dân cần những hoạt động quy tụ lòng yêu nước để họ góp tâm góp sức thì một số hội nhóm XHDS gần như bị bế tắc trong các hoạt động trong một thời gian dài do bận làm những việc “to lớn” khác hoặc đang bận... bất đồng, bất hòa vì những khác biệt, hiểu lầm, tranh chấp. Nhưng cũng chính lúc những người biểu tình bị giam cầm cũng là lúc anh chị em gác bỏ lại hết những khác biệt để đoàn kết đòi cho bằng được những người đang bị giam cầm.
Tôi thực sự biết ơn những người đã bước chân xuống đường sáng Chủ nhật 5/3 và cũng thực sự trân trọng tấm lòng của các anh chị em đấu tranh đã không ngại nguy hiểm để đòi người biểu tình bị bắt.
Bài học rút ra ngày hôm nay:
Trong khi tôi còn “say ngủ”,
trong khi bạn còn mải mê tranh đúng tranh sai,
tranh xem việc xuống đường có an toàn hay không,
tranh xem việc bảo vệ môi trường có bị các chính trị sa lông lợi dụng hay không,
...
thì những người dân bình thường, họ đã bước chân xuống đường để bày tỏ thái độ của họ trước những thảm trạng đang xảy ra cho đất nước.
Xin đừng xem thường lòng dân và hãy hành động theo lương tâm lẽ phải như câu nói nổi tiếng của Martin Luther King:
Kẻ hèn nhát hỏi: "Có an toàn không?"
Kẻ cơ hội hỏi: "Có khôn khéo không?"
Kẻ rởm đời hỏi: "Có được tiếng tăm gì không?"
Nhưng, kẻ có lương tâm hỏi: "Có là lẽ phải không?"
Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, không để được tiếng tăm gì cả, nhưng ta phải chọn nó, vì lương tâm ta bảo ta rằng đó là lẽ phải.
Comments
Post a Comment