Con Cá Rô Đồng và Người Con Gái Việt!

 Con Cá Rô Đồng và Người Con Gái Việt 



Lê Bình

 

Vào những ngày cuối năm, gia đình ông Chín Đờn Cò có giỗ. Trên đất Hoa Kỳ, đám giỗ cũng đơn giản với mâm cơm cúng, và những món ăn pha trộn nửa Việt nửa Mỹ. Trên chiếc chiếu trải trên tấm phản ông ngồi giữa đám con cháu khoảng hơn chục đứa. Ông Chín, tóc để dài như ông đạo ở miền Tây, có chòm râu thưa. Ông bận bộ bà ba trắng, ngồi vuốt râu, khề khà bên chén rượu nhìn đám cháu. Trong mâm cơm có 2 món ông thích: Canh chua cá lóc, và cá rô kho tộ;  có người cắt cớ hỏi lý do, ông nói “Người dân Nam Kỳ, mà đặc biệt dân miền Tây có món ăn dân dã nhưng ngon tuyệt vời đó là canh chua cá lóc, và cá rô kho tộ. Canh chua mà không có món cá kho thì nó vô duyên lắm.” Sẵn trớn ông nói luôn. Vào thế kỷ thứ XVII chúa Nguyễn Phúc Nguyên đưa dân đến đất phương Nam, vùng đất này là Thuỷ Chân Lạp có người Cambodia sinh sống. Đất Thuỷ Chân Lạp trù phú, đất bồi phù sa, nhưng dân cư thưa thớt. Dân Việt theo chân công chúa Ngọc Vạn vào Nam phá rừng làm rẩy, chém cá sấu, dựng cột xây nhà, biến bưng biền, sông nước thành làng. 

 

Miền Tây là một vùng đất nổi tiếng trù phú, thiên nhiên ưu đãi. ở đây chim trời cá nước; tôm, cá, rắn, lươn, rùa, đến cò, diệc, ba khía, ong mật, ...Nói về cá cũng có rất nhiều loại, ở nước mặn, nước ngọt, nước lợ, ... Trong đó, cá rô là một trong những loài cá quen thuộc với người miền Tây. Người Việt thường hay nhắc đến một loài cá nước mặn, cá Salmon là cá Hồi, đến mùa sanh nở lại quay về chốn cũ để sanh sản. Người Việt quên rằng, đất Phương Nam cũng có một loài cá biết quay về chốn cũ để bảo toàn nói giống. Con cá Rô đồng.

 

Thằng Hai Miệt Vườn, con ông Chín, còn nói: Con cá rô sống ở nước ngọt, nước lợ. Có mặt khắp sông rạch, ao đìa, lung bàu, trên đồng ruộng bát ngát cò bay ở miền Tây. Cá rô có mặt quanh năm, trên đồng cạn, dưới sông sâu. Cùng với cá lóc, cá trê, cá chốt …Cá rô, một loài cá quen thuộc trong cuộc sống người bình dân nhưng ẩn chứa trong nó biết bao điều thú vị mà nhiều người chưa biết. 

 

Ừ, thì vậy! Chín đờn cò mơ màng. Những ngày đầu đi mở nước về phương Nam, cha ông chúng ta ăn cá trừ cơm; ngày xưa đi mở cõi đó, ông cha đã tìm cách thuần phục thiên nhiên mà vừa xây dựng cuộc sống bình yên. Cha ông đã phong phú hoá cuộc sống nhọc nhằn của những ngày đầu nơi vùng đất mới “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”

Canh chua nấu cá rô đồng,

Nửa đêm thức giấc nhớ chồng đi xa.

Con cá rô vào khoảng tháng 3, khi trời đổ hột, sấm rền vang, thì cũng là lúc tới mùa cá Rô lên ruộng để đẻ. Đặc tính của con cá rô là sống rất dễ ở vùng sông nước, hoặc đất khô hạn; với thân hình như một mũi tên, có vi nhọn và có “phổi” để thở lấy oxy trong không khí, cho nên nó có thể “trườn” trên đất khô để tìm về nơi có nước ẩm ướt.

Tháng bảy, khi lúa nở bụi trổ đòng đòng ngậm sữa, cá rô “nhóc” ở trong ruộng. Nhà nhà đi cắm câu, những lúc trúng, mỗi đêm thăm hai, ba lần... đến sáng được rất nhiều. Cá câu được đem ra chợ bán, để dành tiền cưới vợ. Trong dân gian đâu đó còn vẳng câu ca:

Con cá rô nhảy rồ rồ trong rổ,

Cưới được em rồi, cực khổ biết bao nhiêu!

 

Cá rô ở khắp nơi, sống từng bầy. Đi câu cá rô cũng dễ, chịu khó đi câu dọc bờ mương, con rạch thì mỗi buổi câu như vậy cũng đủ thoải mái cho bữa ăn gia đinh. Vợ nói với chồng:

 

Tre già chẻ lóng vót câu,

Đào trùn cắm cá ngồi rầu chi anh!

 

Cá cắm câu được con cá lớn, cá rô lớn gọi là cá rô mề (cỡ bàn tay), béo tròn trong những cánh đồng của bông lúa vừa ngậm sữa. Cá bắt được từ đồng lúa đem về rọng trong lu, khạp. Khi muốn ăn, người ta cứ sắp cá lên vỉ, nướng trên bếp than, cá chín vàng ươm, mỡ tuôn xèo xèo thì đem xuống cạo sơ vảy cá dính tro than, để cá ra lá chuối, lá sen. Ăn cá rô nướng với đọt xoài, đọt cóc, đọt chùm giuộc, lá gừng non, chuối chát, khế chua, ... nước mắm có thêm chanh, ớt ... cuộc sống thảnh thơi giữa cánh đồng nước nổi bát ngát tình nghĩa vợ chồng. Vợ trả công cho chồng:

Cá rô em nướng cho vàng,

Xách chai mua rượu cho chàng uống chơi.

 

Đầu mùa, khi nước đã về, cá rô con theo nước ra sông, người ta đón ở những bờ mẫu, chỗ ruộng giáp với sông để bắt ca rô con, rô mè, cỡ 1-2 ngón tay. Một buổi có thể bắt nửa giạ. Đem cá về, thả cá vô thau nước muối, rửa sơ cho sạch, để ráo. Bắc chảo mỡ lên cho sôi (trước năm 75 có mỡ cừu), thả cá vô chiên, vài phút cá vàng đều, gắp ra rổ. Cá rô mè chiên xù chấm nước mắm gừng, tỏi, ớt ăn kèm rau sống, lá chua, đọt đinh lăng, xà lách, dưa leo, những loại rau đồng: Rau chóc, rau dừa, rau nhúc, đọt váng mọc ở bờ ruộng, …v.v. Thịt cá rô ngọt mềm quyện với vị cay nồng nàn của gừng, của ớt, vị thơm của tỏi càng tăng thêm hương vị cho bữa cơm đơn sơ mà thấm đẫm hương vị đồng quê. 

Và đây, cá rô kho tộ, còn gọi là cá rô kho tiêu, muốn ngon phải lựa cá rô mề. Cá làm sạch, để ráo cho vô tộ sành, rồi ướp nước màu (thắng từ đường cho đến khi cháy khét, đổ nước vào, nước ngả màu tím sẫm), hành, đường, tóp mỡ, nước mắm ngon chừng tiếng đồng hồ, bắt tộ lên bếp kho lửa riu riu, càng thấm càng ngon.

Cá kho trong tộ sẽ giữ được hương vị lâu hơn, không bị mất mùi, tô sành một mặt giúp cá giữ hơi nóng, một mặt không bị lửa táp chín háp, cá sẽ có thời gian thấm gia vị đã ướp. Khi nhắc xuống bỏ thêm tiêu đâm nhỏ, ít lá hành xắt nhuyễn.

 

Betty Dương, Người Con Gái Việt Trở Về Nguồn

 

Betty Kim Dương được sanh ra và lớn lên trong khu vực 2 của Hạt Santa Clara, gia đình của Betty Dương đến San Jose sau khi miền Việt Nam bị cộng sản xâm chiếm, và xây dựng cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.  

Thời thơ ấu, Betty đã dành thời gian của mình sống với gia đình. Gia đình của Betty như con cá ra sông lớn, nước ngập mênh mông, bơ vơ vì môi trường, vì ngôn ngữ bất đồng, Betty đã dành nhiều thì giờ giúp cho ba má, người thân trong gia đình và hàng xóm trong khi liên lạc với dịch vụ của các cơ quan của chính phủ, sở xã hội và các nguồn giúp đỡ khác tại địa phương. 

 

Từ gia đình, ra đến ngoài xã hội, Betty Dương đã dấn thân và phục vụ cho cộng đồng bắt đầu từ trường Đại Học De Anza khi cô tranh đấu cho việc giảm học phí, mở thêm các dịch vụ khác để giúp đỡ cho sinh viên hòa nhập nhiều hơn trong khuôn viên của trường. Sau đó chuyển về trường Berkeley thuộc hệ thống đại học California (UC) để hoàn tất chương trình đại học, và sau đó tốt nghiệp và nhận văn bằng luật sư từ đại học luật khoa Davis King Hall.

 

 Khi ra trường, ngoài làm việc như mọi người khác để nuôi gia đình, Betty Kim Dương còn tìm hiểu và dấn thân vào các công việc tình nguyện tại địa phương. Trong thời gian 10 năm gần đây, Betty Kim Dương đã chuyển qua làm việc trong các cơ quan chính quyền Hạt Santa Clara, Betty đã giữ nhiều vai trò trong các văn phòng khác nhau của Quận Hạt, giúp thực hiện các chính sách, dịch vụ trực tiếp, hoạt động khẩn cấp, thông tin liên lạc trong địa hạt. 

 

Bây giờ, nhận thấy có cơ hội tham gia nhiều hơn trong việc hoạch định chính sách cho dân cư trong địa hạt, cô ra ứng cử chức vị Giám Sát Viên đại diện cho dân để phục vụ với tư cách là Giám Sát Viên cho khu vực 2 của Địa Hạt.  

 

KINH NGHIỆM TRONG GUỒNG MÁY HÀNH CHÍNH CỦA QUẬN HẠT

 

Betty Kim Dương hiện nay là Chánh văn phòng của Giám Sát Viên Cindy Chavez, Hạt Santa Clara, khu vực số 2. Trước khi đảm nhận vai trò này, Betty người phụ trách cho dự án thành lập Trung tâm Phục vụ Việt Mỹ của Quận Hạt (Tại đường Tully và Senter) sau đó cô cũng là Giám đốc đầu tiên của trung tâm, đảm nhận việc điều hành các dịch vụ, văn phòng và các hoạt động hằng ngày. Betty cũng từng điều hành Văn phòng Cơ Hội Công Bằng và đã từng là người đứng đầu Văn phòng Bảo Vệ Người Lao động của Quận Hạt, mà cô giúp thành lập với sự hướng dẫn của Thượng nghị sĩ Tiểu bang Dave Cortese. 

Trong thời gian đại dịch COVID-19, Betty trong vai trò Trưởng Phòng Thông Tin Công cộng phụ trách điều hành mọi thông tin liên lạc, đại diện cho Trung tâm Hoạt động khẩn cấp của Quận Hạt. Chính trong vai trò này cô đã khởi xướng Chương Trình Dùng Đa Ngôn Ngữ trong việc tiếp xúc với dân cư đa sắc tộc trong Hạt Santa Clara, và hiện nay đã trở thành một chương trình thực thụ chính thức của Quận Hạt.

 

Trong năm 2016, Betty cũng đã phụ trách thực hiện thành công Dự luật A để có được 950 triệu đồng trong chiến dịch dành cho các chương trình giúp đỡ nhà ở. Một chương trình xây dựng 4400 đơn vị gia cư dài hạn và chuyển tiếp cho các cư dân thiệt thòi nhất trong Quận Hạt.  

Qua kinh nghiệm sống của chính bản thân, cô có được kinh nghiệm trực tiếp của việc quản trị hữu hiệu đã đem lại kết quả tốt đẹp cho các “chính sách kém hiệu quả”. 

 

Không biết có phải chăng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi nghĩ đến Betty Kim Dương và con Cá Rô, một loại cá bình dị, nhưng gần gủi, loài cá trôi nổi từ ruộng lên đồng, qua sông biển lớn và những vùng đất khô nứt nẻ sau mùa gặt; nhưng cuối cùng cũng tìm trở về nguồn để sinh sôi nẩy nở.  Cá Rô, một loài cá quen thuộc trong cuộc sống người bình dân nhưng ẩn chứa trong nó biết bao điều kỳ thú mà chúng ta cần khám phá. Nó giống như công việc vừa tìm hiểu, vừa tìm cách chế ngự, thuần phục thiên nhiên để phục vụ cho con người mà cha ông chúng ta ngày xưa đi mở nước dày công gầy dựng nên. Tên sông, tên đất, tên người với những hình tượng đa nghĩa để nói chuyện đời, chuyện người ... Những nét đẹp trong văn hóa ấy thật độc đáo, và đáng trân trọng biết bao./.

 



Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất