Xin đừng mang danh nghĩa GHPGVNTN mà bán rẻ GHPGVNTN.


Thích Đồng Long:
https://tienglongta.com/2020/06/15/thich-dong-long-xin-dung-mang-danh-nghia-ghpgvntn-ma-ban-re-ghpgvntn/



June 15, 2020



Thích Đồng Long: Xin đừng mang danh nghĩa GHPGVNTN mà bán rẻ GHPGVNTN

LTS: Đại Đức Thích Đồng Long là một tu sĩ trẻ mới được thọ Cu Túc giới, cho nên nhìn qua cung cách hành đạo, phá...





tienglongtaTIẾNG LÒNG GHPGVNTN, TIẾNG LÒNG NGƯỜI


LTS: Đại Đức Thích Đồng Long là một tu sĩ trẻ mới được thọ Cu Túc giới, cho nên nhìn qua cung cách hành đạo, phát biểu của Đại Đức Thích Đồng Long trên mạng xã hội, một số người cho rằng chưa thấm mùi tương chao, nhưng nếu xét về cái tâm đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) thì thực sự nhiều vị Tôn túc không thể so sánh được và ngay cả về cái dũng cũng thế, nhiều vị Thiện Trí thức Phật giáo cũng phải ngả nón bái phục. Vì lẽ, sống dưới chế độ Cộng sản, có mấy ai dám tọa đàm, tọa kháng phản đối chính sách Cong An Mạng và Dự Luật Tiểu Khu của Nhà Cầm quyền CSVN?

Dù tuổi đời mới 21, vào những năm tháng gần đây Thày Thích Đồng Long mới biết đến GHPGVNTN, nhưng trong lòng thầy đã chất chứa bao nỗi khắc khoải, cùng thể hiện tinh thần dấn thân đấu tranh cho một Giáo Hội Truyền thừa của Lịch đại Tổ sư với hơn 2000 năm truyền giáo, trong khi đó 3/4 sô lượng Chư Tăng vào năm 2007đòi hỏi Thầy (Tuệ Sỹ) tôi đâu? Sao không thấy tên Thầy (Tuệ Sỹ) trong Hội Đồng Giáo Phẩm đã từ bỏ Giáo Hội ra đi, nhưng vẫn lấy danh xưng GHPGVNTN, nay chức vụ của các Ngài cao ngất trời, nào là Hội Chủ, Phương Trượng.. thêm vào đó chùa nào cũng nguy nga, to lớn, đồ sộ, Tăng chúng nườm nượp ra vào bái lạy, đảnh lễ như thần dân bái yết Quốc Vương, để rồi phớt lờ Quyết Định Số 12 của Đức cố Đệ Ngũ Tăng Thống ĐLHT Thích Quảng Độ kêu gọi tất cả Chư Tăng, Ni, Cư sĩ (thành viên của GHPGVNTN) hoan hỉ bỏ đi mọi dị biệt trong quá khứ..!

Ôi! Những điều trong thấy mà đau đớn lòng,! Nhân đọc bài viết của thầy Thích Đồng Long về hình ảnh và công hạnh của chư Đại Tăng lãnh đạo GHPGVNTN, Ban Biên tập Tiếng Lòng Ta xin được phổ biến nguyên văn bài “Xin Đừng Mang Danh Nghĩa GHPGVNTN mà bán rẻ GHPGVNTN.

Thấy ai đó đăng lại tấm hình ngày xưa (không biết ngụ ý gì?) Nhìn thoáng qua thấy cũng bình thường nhưng nhìn một hồi lâu thì tôi thấy thật xúc động (nói không ngoa thì muốn chảy nước mắt). Đúng như thế, hình chụp những vị lãnh đạo GHPGVNTN trước năm 1975 (chủ yếu 2 hàng đầu). Hàng hậu học có thể nhìn vào đây mà đê đầu đảnh lễ sát đất các bậc tôn trưởng ngày xưa. Nhưng nếu nhắc đến giai đoạn tiếp theo về sau từ 1975 của những vị Tôn Đức trong ảnh thì thật sự là một nổi đau xé lòng cho những ai hiểu hết được nội tình.

Đầu tiên là Hòa Thượng Thích Thiện Minh – Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN (trong hình là vị đeo kính đen, tay vịn cằm, ngồi tréo chân) do quyết tâm bảo vệ GHPGVNTN, không giao nộp khuôn dấu Viện Hóa Đạo cho chính quyền mới, không ký giấy giải tán GHPGVNTN mà bị tra tấn dã man đến chết trong nhà giam.

Vị thứ hai là Hòa Thượng Thích Huyền Quang (trong hình là vị đầu tiên từ trái qua) cũng vì không thuận theo chủ trương ”Quốc doanh hóa” GHPGVNTN mà bị chính quyền mới trục xuất khỏi chùa Ấn Quang và quản chế tại Quảng Ngãi, Bình Định. Mặc dù bị quản chế nhưng Hòa Thượng Thích Huyền Quang vẫn cố gắng hết khả năng để thực hành theo chúc thư của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu để vận động phục hoạt lại GHPGVNTN, tổ chức Đại hội bầu Hội Đồng Lưỡng Viện,…. đặt lại nền móng cho GHPGVNTN sau năm 1981.

Vị thứ ba là Hòa Thượng Thích Trí Thủ( trong hình là vị đầu tiên hàng thứ hai tính từ trái qua), do vì cái chết trong tù của Hòa Thượng Thích Thiện Minh cộng với áp lực của chính quyền mới và một nhóm chư Tăng ”yêu nước” như Thích Thiện Hào, Thích Minh Nguyệt (Thiên Thai- Bà Rịa), Thích Nữ Huỳnh Liên (Khất sĩ), Thích Pháp Lan,….đang tìm mọi cách vận động Tăng, Ni theo Giáo Hội mới (Quốc doanh) khiến Hòa Thượng rơi vào tình thế ” tiến thoái lưỡng nan”. Sau bao đêm mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ, Hòa thượng đành chọn cách ”chịu nhục để an toàn cho Tăng Ni Phật tử” nên Ngài đồng ý nhận trách nhiệm Trưởng Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo mà chính quyền giao cho.

Sau khi Giáo Hội Quốc doanh thành lập, Hòa Thượng Thích Trí Thủ được cử làm chủ tịch Hội Đồng Trị Sự. Nhưng vị Chủ tịch này có vẻ ”không vừa lòng người ta” nên chỉ 3 năm sau (1984) sau khi vào bệnh viện thì Hòa Thượng cũng viên tịch một cách đột ngột.

Hòa Thượng Thích Minh Châu (trong hình là vị đắp y Nam Tông thứ hai từ trái qua) sau 1975 thì Ngài cùng Hòa Thượng Trí Tịnh và Hòa Thượng Trí Thủ đi thành lập Giáo Hội mới( GHPGVN), Vấn đề Hòa thượng Trí Thủ thì tôi đã trình bày ở trên. Còn việc Hòa Thượng Minh Châu và Hòa Thượng Trí Tịnh quan điểm như thế nào thì mọi người hãy tự tìm hiểu.

Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong hình là vị thứ hai từ phải sang) viên tịch năm 1975 nên cũng không có gì để bàn đến những việc sau này.

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (trong hình là vị sau lưng Hòa Thượng Thiện Hoa) đến năm 1974 thì về Đại Ninh (Lâm Đồng) nhập thất ẩn tu. Sau này Ban Trị Sự GHPGVN nhiều lần thỉnh mời ra làm việc cho họ nhưng Hòa Thượng Thiền Tâm đều từ chối. Điều này chứng tỏ Hòa Thượng Thiền Tâm cũng không ưng thuận gì với cái Giáo Hội mới (GHPGVN) này bao nhiêu cả.

Xét lại tất cả Chư Vị Hòa thượng trong ảnh ở trên, xin hỏi bao nhiêu vị đồng tình với việc đặt Phật Giáo (GHPGVNTN) dưới sự lãnh đạo của thế quyền? Quý Ngài đã làm mọi cách để bảo vệ Giáo Hội truyền thống (GHPGVNTN). Thậm chí là quý Ngài hy sinh cả xương máu, sự tự do của bản thân, lợi ích của chính mình để giữ lại những gì còn lại (mặc dù rất ít) của GHPGVNTN để thế hệ mai sau dựa vào đó để phát triển lại Giáo Hội ngày xưa. Nhưng bây giờ, khi mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ – Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN (vị cuối cùng của thế hệ lãnh đạo GHPGVNTN trước 1975) vừa viên tịch thì đâu đó lại nổi lên một tin đồn rằng GHPGVNTN (còn lại) trong tương lai sẽ cùng hòa hợp (hợp nhất) với GHPGVN để ”phát triển Phật giáo”. Xin hỏi phát triển cái gì vậy? Nếu thật sự hợp nhất với Giáo Hội quốc doanh sẽ phát triển Phật giáo thì tại sao Hòa Thượng Thiện Minh phải đánh đổi xương máu và mạng sống, Hòa thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Quảng Độ phải đánh đổi sự tự do cả cuộc đời để giữ lại nền móng( rất ít) của GHPGVNTN đến ngày nay mà không thuận theo chính quyền để lập GHPGVN có phải sướng cho bản thân không?

Nếu nói rằng GHPGVN thời 1981 khác với bây giờ thì xin hỏi lại rằng khác chỗ nào? GHPGVN có còn lệ thuộc vào sự chỉ đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam không? Nếu còn thì khác chỗ nào? Một con rối đổi màu sơn trên người thì bản chất nó vẫn là con rối thôi. Quan niệm cá nhân ai nghĩ thế nào thì tùy họ. Tôi chỉ mong rằng đừng ai lấy danh nghĩa của GHPGVNTN mà bán rẻ GHPGVNTN cho thế quyền để chà đạp lên xương máu, công lao của chư Tôn Hòa Thượng tiền bối đã bỏ ra để giữ gìn những gì còn lại của Giáo Hội cho đến ngày nay.

Thích Đồng Long

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất