Trong 8 Ngày, Cam Bốt Tịch Thu Giấy Tờ của Hơn 1.700 Gia Đình Người Việt.



*

(Hình: Một chợ cá ở tỉnh Kampong Chhnang, Cam Bốt, nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống.)

Trong vòng 8 ngày, Cam Bốt đã tước giấy tờ của 1.733 gia đình người Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, hoàn thành một nửa mục tiêu đề ra trong chiến dịch thu hồi giấy tờ nhắm vào cộng đồng người Việt, Phnom Penh Post cho biết hôm 6/12.

Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện chiến dịch vì là nơi có nhiều người Việt sinh sống trên các làng bè ở Biển Hồ, theo lời phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Cam Bốt được tờ nhật báo nước này dẫn lời vào tuần trước.

Trong khi đó, một người Việt sống ở khu vực này nói với đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng chiến dịch thu hồi giấy tờ của chính quyền Cam Bốt có thể có động cơ chính trị.

Trên thực tế, nhiều người Việt bị cho là có giấy tờ giả, thực ra đã được chính quyền sở tại cấp trước đây vì họ có nhà cửa hợp pháp. Nhiều gia đình đã sống tại đây qua nhiều thế hệ.

Hiện tại, có hàng trăm trẻ em người Việt trong khu vực không được học ở hệ thống trường công lập Cam Bốt vì ‘không có giấy tờ hợp lệ’.

Ông Pan Laikheang, Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh tỉnh Kampong Chhnang, nói với Phnom Penh Post rằng ông không biết khi nào thì quá trình kiểm tra và thu giữ giấy tờ sẽ hoàn tất.

Tổng cộng có 2.393 gia đình ở tỉnh Kampong Chhnang bị nhắm mục tiêu trong chiến dịch thu hồi giấy tờ, gây ảnh hưởng đến hơn 10.000 người.

Trước đó, Bộ Nội Vụ Cam Bốt xác định có 70.000 người sẽ bị thu hồi giấy tờ trên toàn quốc. Trong đó, hơn 90% là người gốc Việt.

“Sau khi tịch thu các giấy tờ không hợp lệ, chúng tôi sẽ làm hồ sơ để gửi đi [Bộ Nội Vụ], nơi sẽ xác nhận họ là những người nhập cư hợp pháp”, ông Pan Leikheang cho biết thêm.

(Hình AP: Phụ nữ Việt làm nghề đưa khách du lịch trên hồ Tonle Sap, tỉnh Kampong Chhnang, Cam Bốt.)

Theo luật, di dân đến Cam Bốt có thể đăng ký quốc tịch sau 7 năm cư trú. Tuy nhiên với những người không rõ quê quán và lớn lên ở Cam Bốt, quá trình chờ 7 năm bây giờ mới bắt đầu, Phnom Penh Post dẫn lời giới chức phó của ông Laikheang, Pal Soth, cho biết.

“Trong thời gian đó, họ phải đóng thuế theo quy chế di dân”, ông Soth nói thêm.

Tiếp theo động thái giải tán đảng đối lập chính, đuổi các hãng truyền thông quốc tế ra khỏi nước, chính quyền của Thủ Tướng Hun Sen bị các tổ chức quốc tế chỉ trích là vi phạm nhân quyền khi tước giấy tờ của cư dân.

Luật sư Lyma Nguyễn, người từng hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Cam Bốt, nói với VOA qua email rằng việc đây là điều rất “đáng lo ngại” và người Việt ở Cam Bốt nên được đối xử công bằng.

Bà Lyma cho biết các cư dân gốc Việt sống trên Biển Hồ, cũng là nạn nhân nạn diệt chủng Pol Pot, là những người mà bà đã đại diện trước Tòa án Khmer Đỏ.

Nữ Luật sư người Úc Ðại Lợi gốc Việt nói nhiều người Việt Nam được coi là “sống không có quốc tịch ở Cam Bốt” và trên thực tế chính quyền đương nhiệm vẫn không công nhận họ.

Bà nói, sau khi bị Khmer Đỏ trục xuất vào những năm 1970, những người này sống như người tị nạn ở Việt Nam, nhưng phía Việt Nam không chấp nhận họ là công dân Việt Nam.

VOA Tiếng Việt (6/12)

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất