Kinh Thơ: Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm của TS Nguyễn Hồng Dũng Vừa Trình Làng.



Lê Bình

Một buổi chiều nắng ấm, ngày Chúa Nhật tuyệt vời cho ngày cuối tuần nghỉ ngơi. Những sinh hoạt cộng đồng muốn có người tham dự, ít khi diễn ra vào chiều Chủ Nhật, sinh  hoạt ra mắt sách lại càng nên tránh, vì: “Sách vở ích gì cho buổi ấy/ Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già...” (Nguyễn Khuyến).
Chiều Chúa Nhật 24/9/2017, lúc 2:00pm; TS Nguyễn Hồng Hồng Dũng  đã chọn cho ra mắt tác phẩm Kinh Thơ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm của ông tại nhà hàng chay Di Lạc, San Jose. Có hơn 100 quan khách đã đến tham dự; trong số đó người ta ghi nhận có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Giác Lượng, Thiền sư Thích Trung Giác, Cụ Phan Như Toản Chủ tịch VNQĐD, cô Vân Lê Ủy Viên Giáo dục East Side, Ông Lê Tấn Cúc, Ông Võ Du, Nhà báo Lê Văn Hải, Nhà báo Trần Đệ,
 Nhà văn Chu Tấn, Nhà Văn Thanh Thương Hoàng, Nhà Văn Diệu Tần, Nhà Thơ Chinh Nguyên, Nhà Thơ Trường Giang, Nhà thơ Ngọc Bích, Giáo Sư Nguyễn Cao Can, Giáo Sư Trần Việt Long
 LS Nguyễn Hữu Liêm, Ông Nguyễn Van Chót, Ông Trung Như, Ông Tony Đinh, Ông Phan Như Nghĩa, Ông Đỗ Đức Thiện, nhà báo Nguyên Trung, XNV Phương Thư, Ông Phan Duy Chiêm, Ông Nguyễn Trung Cao Chủ Tịch Hội AH Quảng Ngãi, Nhiếp ảnh gia Trương Xuân Mẫn, Diệu Trinh Silver Spring, Maryland, Gia Đình Hội Phật Giáo Hải Nhuận, Nhóm thiền ca Tuệ Đăng, Bồ Đề Đạo Tràng, Đạo Tràng Khánh Anh, Phật Tử Pháp Duyên Tịnh Xá Fresno, CA, GĐ Phật Tử Anoma…và rất đông đồng hương, phật tử, và các cơ quan truyền thông báo chí: Tạp chí Nàng Magazine, Tuần báo Việt Tribune, Truyền hình Việt Today, Truyền Hình và Nhật Báo Calitoday, Truyền Hình Viên Thao, Truyền Hình VieTV, Radio Phố Đêm, Truyền Hình Viet Bay, Chương trình phát hình Văn Thơ Lạc Việt.

Sau phần nghi thức khai mạc, và BTC ngỏ lời cảm ơn. Ông Nguyễn Văn Chót, Phật Tử Hải Nhuận đã trình bày y nghĩa và cảm tưởng của ông về tác phẩm Kinh Thơ Hoa Nghiêm, sau đó nhà thơ Chinh Nguyên, Văn Thơ Lạc Việt, trình bày tiểu sử tác giả. Qua sự trình bày của Ông Chinh Nguyên, người ta được biết TS Nguyễn Hồng Dũng là cư sĩ Như Ninh, ông Dũng ngoài khả năng làm thơ, đặc biệt là Kinh Thơ, thể lục bát; ông còn là một nhà bình luận chính trị, nhà báo, là giáo sư trường Hayward State Uninversity.

Giáo sư Trần Việt Long, pháp danh Nguyên Toàn, phát biểu cảm tưởng về cuốn Kinh Thơ, bài phát biểu của ông có tựa: “Con đường từ phàm đến thánh qua thi phẩm KINH THƠ ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM”. Ông mở đầu: “Tôi thật ngại ngùng vì Kinh Hoa Nghiêm rất cao siêu, mầu nhiệm và là nền tảng của Phật giáo Bắc truyền, thông thường chỉ được chư tôn đức Tăng Ni học hỏi và hành trì với lòng chân thành hòa nhập vào pháp giới chư Phật chứ Phật tử tại gia ít có người tụng đọc hết 990 trang Kinh Hoa Nghiêm.  Nhưng tôi không thể không nhận lời trước tâm nguyện thiết tha hộ pháp của Cư sĩ Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng...” Ông trình bày về nguồn gốc Kinh Hoa Nghi6m, về những khác biệt trong kinh về “pháp thân, báo thân, và ứng thân của một vị Phật”. Những điều cao siêu mà một Phật tử bình thường không thể hiểu. Ông nói: “Kinh Hoa Nghiêm là con đường tu hành được trình bày rất rõ ràng qua 53 giai đoạn cầu đạo của Thiện Tài đồng tử như một diễn trình giảng dạy con người đi từ phàm phu đến chính đẳng chính giác qua các cấp bậc từ một Phật tử bình thường đến người Hiền phải trải qua các thử thách và rèn luyện…”
Ông tỏ lời khâm phục tác giả Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng vì “Kinh Hoa Nghiêm vừa rất khó hiểu vừa quá lớn nên thi phẩm Kinh Thơ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm của Cư sĩ Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng với thể thơ Lục Bát quen thuộc có thể giúp cho nhiều Phật tử tại gia dễ tụng đọc và dễ nhớ là một đóng góp rất thiết thực cho việc tu học Phật Pháp của nhiều người.”

 Về Kinh Hoa Nghiêm, trong số khách phát biểu có bài phát biểu của Hòa Thượng Thích giác Lượng
“Giới thiệu kinh thơ Hoa Nghiêm” đươc đăng ở những trang đầu cuốn sách. HT Giác Lượng đã đọc trong nhiều năm,  và cho biết nội dung của sách: “với khoảng gần bốn ngàn câu song thất lục bát thi hóa hết sức chuẩn mực, đúng âm vận đã diễn tả được hình ảnh của hành giả thực hiện Bồ tát đạo giữa dòng đời nhân thế theo tinh thần Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.”

Theo HT Giác Lượng: “Trên căn bản chúng sanh thì ngũ ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức khởi nguyên cho sự tiến hóa đến toàn giác, đức Phật cũng sinh ra với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trong phạm trù của ngũ ấm thân, nhưng Ngài thấy được giả tướng đó mà không bị lôi kéo hoặc chi phối bởi năm uẩn, đưa Ngài đến bậc toàn trí, giác ngộ; trong khi đó chúng sanh dễ bị ảnh hưởng bởi ngũ ấm thân nên vẫn bị lay hoay trong con đường sanh tử.”

Theo lời HT Giác Lượng thì “Kinh thơ Hoa Nghiêm đã chuyên mục về dấn thân qua hình ảnh Thiện Tài, một bóng dáng thân quen của chính chúng ta muốn thực hiện lý tưởng Bồ Tát với tinh thần nhập thế mang pháp khí yêu thương để chia xẻ hạnh phúc cho tha nhân.” Và “Kinh thơ Hoa Nghiêm đã diễn tả được một Thiện Tài mẫu mực, một công dân gương mẫu giữa cuộc đời, dù bước trong bùn lầy của ngũ trược chẳng những tâm vô nhiễm mà còn tỏa được hương sen…Do vậy, mục đích bản kinh thơ này là khêu dậy khả năng Phật tánh ẩn tàng trong mỗi chúng sanh bằng cách gia tăng tinh tấn tu tập thành tựu quả giác ngộ.” HT cũng tỏ lòng “tán thán công đức hy hữu của tác giả..”

Cuối cùng, tác giả Nguyễn Hồng Dũng phát biểu, trình bày về tác phẩm của mình.  Tác giả Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng, cho biết: “Kinh Hoa Nghiêm dịch từ Phạn ngữ là Avatamsaka Sutra. Ngài Thiên Thai lập bài kệ, có câu: “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật…” nghĩa là bộ kinh đầu tiên do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trong hai mươi mốt ngày sau khi Ngài thành tựu đạo quả Bồ đề, đó là bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, tức là kinh Hoa Nghiêm, bộ giáo điển cao quý của Đại Thừa phái.
“Bảy thất nghiêm minh thiền tọa” dưới cội Bồ đề, Ngài nhập “Hải Ấn Tam Muội” hiện Pháp thân Đại Nhật Như Lai để thuyết giảng cho hàng Bồ tát sơ địa đến bậc A La Hán con đường thành Phật. Một tâm niệm trong thiền định thì Bồ tát có khả năng cứu độ được vô lượng chúng sanh, nên hai mươi mốt ngày tư duy thiền quán của bậc toàn giác thì lớn lao chẳng thể nghĩ bàn.” Cũng theo tác giả thì “Sự siêu việt bất khả luận ngôn này khiến bộ kinh đã phải lưu trữ tại Long vương cung, cho đến khi Bồ tát Long Thọ xuất hiện khoảng 600 năm sau khi Phật nhập Niết bàn, Ngài bèn dùng thần thông xuống tận cung Rồng để đọc tụng, sao chép trăm ngàn bài kệ trong ba tháng hầu mang về truyền bá cho nhân gian.” Và “Kinh Hoa nghiêm là đóa hoa tinh khiết đẹp đẽ nhất trên đời; toàn bộ 40 phẩm kinh đi từ vũ trụ quan đến nhân sinh quan mà không bị chướng ngại bởi không gian và thời gian, nó dung nạp tất cả tư tưởng tiến bộ của Đại thừa từ cái nhỏ nhất của hạt bụi đến pháp giới vô cùng tận. Tầm tuyệt đỉnh của tuệ giác là trực chỉ vào bản tánh Phật trong từng người để thấy con đường viên mãn Bồ tát đạo.” Nội dung của bộ kinh là “nhằm vạch lối cho Bồ tát thực hành Bồ tát đạo. Hiểu Hoa Nghiêm phải liễu tri về Tỳ Lô Giá Na tức pháp thân thường trụ bao gồm những quốc độ thân, chúng sanh thân, ngũ uẩn thân, Thanh văn thân, Duyên giác thân, Bồ tát thân, Như lai thân, trí thân, Pháp thân, không gian thân, nghĩa là tất cả pháp giới đều là Phật thân.”
“Từng biển thấp, từng non cao
Ý chi không Phật, lời nào không kinh”
 Tác giả cho biết: “Nói như vậy thì ai trong chúng ta cũng có thể thành Phật nếu thực hiện những giáo huấn từ trong kinh Hoa Nghiêm là phải phát tâm đại bi rộng lớn, tu Bồ tát hạnh và hành Bồ tát đạo viên mãn. Chư Phật đã từng trải thân vô lượng kiếp để cứu độ chúng sanh mới thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác; còn chúng ta cũng phải kiên nhẫn phát khởi tâm Bồ đề, dấn thân làm những gì mà chư Phật đã từng hành hoạt trong quá khứ.” Theo tác giả trình bày việc diễn đạt kinh theo thể thơ: “Thi hóa kinh Hoa Nghiêm với 3416 câu thơ song thất lục bát tóm yếu chín hội đạo tràng, đặc biệt phẩm Nhập Pháp Giới là bản kinh tiêu biểu cho toàn bộ giáo lý vững chắc của Hoa Nghiêm nên được diễn đạt dài nhất. Đây cũng là ý tưởng siêu thoát của Đại thừa không chấp chặt trong giáo điều, mà tiêu biểu là Thiện Tài Đồng Tử vượt 53 cửa thành để thọ học với các vị thiện tri thức khác nhau về hình tướng, giới phái, đạo đời.”

 Ngoài những lời trình bày về nội dung, mục đích “Thi hóa” kinh, ông nói: “Thi hóa đại tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh cũng chỉ là một kiến giải của kẻ đang đi trên con đường học Phật với tâm hồn thanh tịnh không vọng thức, nhưng chắc chắn cũng có chỗ bất đồng với tư duy bác học, vì vậy xin chư vị bỏ qua phần phân tích ngôn tự văn từ vì “y nghĩa bất y ngữ” mà hoan hỷ chỉ giáo thêm cho cánh hoa diệu hạnh đượm hương thiện pháp.”

Xen kẻ trong phần trình bày của quan khách, có xen kẻ những bài đạo ca, do ban Thiền Ca phụ trách.

Như Nguyễn Khuyến đã tiên liệu “Sách vở ích gì cho buổi ấy”. Với số lượng khách tham dự, thời gian ra mắt sách…v.v., đã cho thấy buổi ra mắt sách được ghi nhận là thành công trong thời đại “điện tử” khi con người quá chú trọng về mặt vật chất không còn thiết tha đến đời sống tâm linh.

Buổi ra mắt sách chấm dứt lúc 5:00pm.


Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất