Giàn Mướp

Giàn Mướp




 Chiều nay, một buổi chiều Chủ Nhật đẹp trời, phải nói là rất đẹp mới đúng. Căn nhà trên triền dốc nhìn xuống thành phố, ánh nắng chiều rực rở khắp thung lũng. Bầu trời dường như trong hơn và sạch hơn sau những trận mưa …phùn đổ về thành phố; gió mang hơi lạnh, cây trong vườn, cây trên đường phố đã đổi màu, cho người ta biết mùa Thu đã trở lại. Trong không khí vui vui đó, căn phòng đầy ắp tiếng cười, những “hội viên” của hội “tam điểm” đang quây quần trong căn nhà mát (patio) đằng sau nhà. (Xin mở ngoặc ở đây giải thích một chút về hội “tam điểm”. Thưa rằng, tam điểm là 3 điểm, không dính dáng dây mơ rể má gì đến hội Tam Điểm thời Đệ Nhị Thế Chiến. Những hội viên tôn trọng 3 điểm làm nền tảng xây dựng hội, đó là: “nhất vợ, nhì Trời, ba mới tới tôi”. Cũng có thể gọi đó là hội “vivo” (vì vợ). Hội này sinh hoạt rất hòa thuận, “thuận vợ, thuận chồng”. Hôm nay hội nhóm họp để ăn uống. )

Trong khi các chị lăng xăng, náo nhiệt trong bếp thì các ông đang túm tụm hút thuốc, lai rai chờ bữa ăn chính. Nhìn quanh khu vườn nhỏ của chủ nhà, miếng vườn tuy nhỏ nhắn mà dễ thương, trong vườn có trồng đủ các lọai cây ăn trái; ở góc vườn, bà cụ đã khoanh một góc nhỏ làm một chiếc giàn trồng su su.
Một anh trong nhóm hỏi:
“Trái su su trồng làm gì, đâu có bổ béo chi đâu, sao không làm giàn bầu giàn muớp.”
Một anh khác, nhìn theo biểu đồng tình:
 “Ừ nhỉ! Trồng giàn bầu, giàn mướp mình còn thơ thẩn được…Trông lên giàn mướp ra hoa, nhìn xuống sân nhà cúc đã đơm bông…”
Chưa hết câu thì một ông khác:
 “Thôi cho tôi xin…nhại thơ, nhại phú của người ta đấy à.”
Anh nọ cười huề vốn:
 “Có sao đâu bạn. Tức cảnh sinh tình đấy mà thôi.”
“Dữ thần hông. Ông mới về thăm bà cụ bên nhà…có gì đâu mà nhớ, mà tức…với cảnh để sanh tình…không khéo ông bị đuổi ra khỏi hội bây giờ.”
 “Sao thế?”
 “Có gì đâu, dễ quá mà. Câu thơ đó như thế nào các ông cũng biết rồi đấy….bà nhà mà nghe được thì chỉ có nước chết. Bà ấy sẽ hỏi “Nụ tầm xuân nào? Về VN có con nhỏ nào nó hớp hồn rồi phải không nào? v.v..và v.v”
“Ông khéo lo thì thôi. Hay là có tật giật mình đấy?”
Câu chuyện sẽ kéo dài nếu không có sự chuyển mạch của một ông khác:
“Nè cho tôi hỏi nhé, các ông là nhà báo, nhà văn, nhà thơ…các ông có thể lý giải giúp tôi là tại sao cái nhà là phải đi đôi với mảnh vườn?”
“Dễ ẹt. Nhà phải xây trên đất, trên vườn…do đó khi có nhà là có vườn …đơn giản vậy thôi.”
“Đúng là đơn giản như đang giỡn vậy.”
“Đâu có lý nào? Phải có ý nghĩa thâm sâu nào đó chớ.”
“Có gì đâu. Đời sống dân Việt là đời sống nông nghiệp, trồng trọt canh tác là chính…thì nhà và vườn phải có thôi.”
“Ừ nhỉ?” (Xin nói thêm, trong nhóm có một anh có biệt danh là anh Ừ Nhỉ. Cái gì cũng ừ nhỉ là xong hết mọi việc.)“Nhưng các ông này. Tôi thấy rằng ông bà ta có mảnh vườn thì hay trồng các loại rau, quả như bầu bí, rau, hành…đủ cả. Nhưng tại sao khi nhắc đến căn nhà mảnh vườn thì người ta hay nhắc đến cái giàn…như là giàn bầu giàn mướp nhỉ?”
“Tới đây mướp lại gặp dưa. Bầu kia gặp bí sao chưa chung giàn ?” (ca dao)
“Ừ nhỉ?”
“Thôi đi cha nội. Ừ nhỉ hoài. Nói gì thì nói ra cho người khác nghe với. Cứ ngồi đó ừ nhỉ, ừ nhỉ…”
“Ừ nhỉ.” Tôi nói đây này. Ông bạn nói sao lạ thế. Đây này.
“Mồng tơi mướp đắng ớt cà.
Bí đao, đậu ván, vốn nhà trồng nên.
Anh giúp em đôi quan tám để cho bền.
Mượn người lịch sự gánh lên kinh kỳ…Có giàn mướp, giàn bầu nào đâu?”

Cái nhà và miếng vườn đi vào đời sống Việt từ ngày xưa. Mảnh vườn không cần lớn, nhưng phải đủ. Trong mảnh đất nhỏ quanh nhà được các bà nội trợ trồng đủ thứ rau. Các ông thì làm giàn trồng các loại quả. Rau và quả đi vào bữa ăn đạm bạc của gia đình. Từ đó, “cây nhà lá vườn” mang ý nghĩa của sự sung túc, no đủ.

Vườn ở quê không thiếu một thứ rau đậu nào, lên thành phố đất hẹp người đông, nhà nhà sát vách, vườn thì tráng ciment, nhưng người Việt vẫn có một chút vườn. Thói quen đó đi vào đời sống làm nên nếp sống riêng. Đến Mỹ, người Việt đôi khi quên mất những cái “giàn” cho nên nhà ở Mỹ chỉ có cây trái làm kiểng, trong bữa ăn cũng thiếu mất hương vị của các loại trái leo giàn. Giàn đậu, giàn bí, giàn bầu…và giàn mướp. Trái mướp trong bữa ăn ở Mỹ không được thấy nhiều. Thảng hoặc trong các bữa ăn gia đình có món canh mướp, tuy rất hiếm. Trong khi đó, tại siêu thị có bán mướp. Nhưng thực đơn nhà hàng lại thiếu món canh mướp, mướp xào…v.v. Mướp là món ăn dân giả không được ưa chuộng chăng?

Trong thực tế đời sống, trái mướp đã đi vào văn học bình dân qua ca dao tục ngữ:
“Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng
Từ ngày anh gặp mặt nàng   
Lòng càng vương vấn, dạ còn ngẩn ngơ”

Mướp đối với dân quê là hình ảnh của thanh bình, ổn định và điền viên. Khi cất nhà, việc đầu tiên là làm một cái giàn, bỏ xuống vài hạt mướp để có cái ăn, vì mướp dễ trồng “Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt mướp”. Hình ảnh trái mướp trên giàn với những bông hoa vàng lung linh trong nắng sớm, ong bướm dập dìu tạo nên sức sống. Dây Mướp, dây bầu là hình ảnh của cuộc sống mới bắt đầu:
“Dây bầu dây mướp cùng leo.
Sớm nuôi cha me nghèo giàu sá chi”

Mướp là loại rau của nhà nghèo? Người trồng mướp với ước mơ ổn định chăng? Giàn mướp là tình yêu? Là hẹn hò? Mướp trong đời sống là hình ảnh:
“Ao sen dàn mướp luỹ tre
Nhắc chi những nỗi đi về năm xưa
Đầu xanh độ ấy đang vừa
Rủ nhau chui lách rào thưa vào vườn.”

Mướp là xao xuyến con tim, là đợi chờ mong ngóng đến với nhau của đôi nhân tình thôn giả, ít học nhưng lễ nghĩa đủ đầy. Yêu là yêu quá nhưng chẳng thế nào vượt qua lễ giáo:

“Chiều chiều gọt mướp nấu canh
Thấy anh qua lại bỏ hành lộn om.”

“Mướp hương bỏ ngọn qua rào
Bây giờ gặp mặt biết chừng nào gần em ?”

Biết bao nhiêu hình ảnh của đời sống được tượng hình nơi quả mướp:

“Ngọn lang trắng ngọn vắn ngọn dài
Cây thài lài ngả dọc ngả ngang
Cây dưa gang sọc đen sọc trắng
Quả mướp đắng, trong trắng, ngoài xanh
Lòng em ăn ở với anh
Trách cái thân lận đận nên ta đành xa nhau.”

Qua sách vở ghi lại, trong kho tàng văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ …v.v. Mướp được ví von:

“Xanh xanh dây mướp leo rào
Đôi ta mới gặp biết chào sao đây?”

Ta cũng có thể nghe được lời than của mướp hay của con người.

“Bèo than phận bèo nằm trên mặt nước, mướp than phận mướp bắc ngọn leo giàn.”


Gia đình Mỹ cũng có mướp, nhưng mướp không đi vào bữa ăn. Thế người ta trồng mướp để làm gì? Trái mướp trong tiếng Anh, Mỹ là Luffa, còn một loại khác cùng giòng mướp là mướp khía Angle Type Luffa. Mướp không đi vào bữa ăn, nhưng mướp Mỹ đi vào kinh tế. Người Mỹ trồng mướp để lấy xơ. Nghe lạ? Hãy đi vào các tiệp bán tạp phẩm sẽ thấy “xơ mướp” được dùng ở trong phòng tắm “sponge” (The word sponge has come to represent any items in commerce with the properties of sea sponges, like luffa (loofah) and man-made sponges.) Người Mỹ dùng xơ mướp để chà lưng, chà chân khi tắm. Còn cây mướp là thế nầy: “The luffa plant is a member of the gourd family. It grows as a flowering annual vine. The pollinated flowers grow cylindrical green fruits that eventually develop into a fibrous seed pod.”

Trái mướp khi đã già, võ khô lại, khi cầm trái mướp già lắc nhẹ ta có thể nghe tiếng khu lọc cọc ở bên trong. Lúc đó, hạt được làm giống, còn xơ làm “sponge”. Lấy trái mướp già ngâm trong một loại dung dịch 10% thuốc tẩy (bleach) và 90% nước khoảng 1 hoặc 2 giờ, đem xả sạch, phơi khô. Thân phận của mướp già là thế.

Mướp trồng bằng hạt, leo giàn, cho hoa vàng và ra trái. Mướp cần nước và nắng. Có thể trồng vào mùa nắng. Trái mướp có chiều dài trung bình là 16”, đường kính là 9”. An khi trái còn non. Có thể nấu canh với tôm, thịt hoặc xào. Đăc biệt canh mướp ăn nóng ăn nguội đều ngon , tánh mát bổ tỳ, vị.

Một người bạn của tôi có trồng giàn mướp. Anh nói:
 “Với tôi, giàn mướp là hình ảnh của sự an cư lạc nghiệp. Mỗi chiều khi tắt nắng. Ra vườn quanh quẩn bên giàn mướp thấy đở nhớ nhà.” Anh còn ước thêm “Nếu được phép mình nuôi thêm đàn gà, tiếng chíp chíp của gà con, tiếng cục cục của gà mẹ vào những buổi trưa hè dưới giàn mướp…không có loại nhạc nào hay hơn, phim ảnh nào tình hơn.” Anh đã vào tuổi “cổ lai hy” anh muốn tạo dựng cho anh một cảnh quan Việt Nam trên đất Mỹ. Anh đến Mỹ vào năm 75 với đại gia đình, không còn thân nhân, không còn nhà cửa. Anh chọn nơi nầy làm quê hương, chưa một lần về lại VN. Tôi cảm được tấc lòng anh khi mơ màng bên giàn mướp.Đèn nhà ai nấy sáng, biết thế nào mà khuyên bảo chia xẻ cho nhau.


Anh bạn tôi, và bao nhiêu người khác nữa bị mất quê hương trong tức tưởi, một đi không trở lại. Dù yêu quê hương, dù yêu giòng sông cánh đồng, yêu luôn cái giàn mướp…nhưng quyết gửi nắm xương tàn nơi đất khách. Tôi biết biết anh có một “trời quê” nơi “đất khách.” Tại sao anh chọn giàn mướp mà không là cây khế ngọt? Có thể đó là hình ảnh “rách như xơ mướp” chăng?
Chả biết.

Mười Chuối
(Bài viết có tham khảo Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc, và trang nhà e-cadao.com của Hà Phương Hoài)

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất