Mỹ-Hàn phối hợp đáp trả áp lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên
Ảnh tư liẹu : Quân đội Mỹ-Hàn trong cuộc tập trận chung (Ulchi Freedom Guardian) năm 2013. DR
Thu Hằng
5 năm được cho là hòa hoãn dưới thời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã không mang lại tiến bộ như mong đợi về vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên mà ngược lại, Bình Nhưỡng tăng tốc thử nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo. Tân chính quyền Seoul bắt đầu điều chỉnh chính sách « cây gậy và củ cà rốt » với Bình Nhưỡng : vẫn dùng công cụ kinh tế để trao đổi, nhưng đồng thời tỏ ra cứng rắn hơn về khả năng đáp trả quân sự.
Đoạn tuyệt với chính sách hữu hảo của tổng thống Moon
Lời hứa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và nối lại các cuộc tập trận song phương được tân tổng thống Yoon Suk Yeol bắt đầu từ cuộc tập trận « Lá chắn Tự do Ulchi » (Ulchi Freedom Shield), kéo dài từ 22/08 đến 01/09/2022. Đây là điểm «đoạn tuyệt » với chính sách tốt đẹp của người tiền nhiệm Moon Jae In. Trong suốt nhiệm kỳ, ông Moon đã cho hủy hoặc thu nhỏ quy mô hai đợt tập trận thường niên, mùa Xuân và mùa Hè, của quân đội Hàn Quốc và Mỹ để tránh làm đảo lộn chính sách cởi mở và đối thoại với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, chiến lược của tổng thống Moon, bị nhiều người chỉ trích là «dễ dãi», đã không đạt được kết quả. Thậm chí, Bình Nhưỡng như «được đằng chân lân đằng đầu » trong suốt 5 năm, khi tiến hành nhiều vụ thử nguyên tử và hơn 30 vụ thử thỏa tiễn đạn đạo, trong đó có nhiều lần thử hỏa tiển liên lục địa, đặc biệt là vào tháng 03 với Hwasong-17, được cho là có tầm bắn hơn 15,000 km.
Theo nhà nghiên cứu Go Myung Hyun, Viện Nghiên cứu Chính trị Asan tại Seoul khi trả lời thông tín viên RFI ngày 22/08, «trong suốt nhiệm kỳ, ông Moon Jae In đã không tìm cách thích ứng với sự cải thiện kho vũ khí của Bình Nhưỡng». Kết quả là gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tự tin khẳng định Bắc Triều Tiên «sẵn sàng triển khai » sức mạnh răn đe trong trường hợp đối đầu quân sự với Mỹ và Hàn Quốc.
Thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ trong chính sách phòng thủ
Trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Bắc Triều Tiên, chính quyền Seoul tìm cách nâng cao khả năng « sẵn sàng đối phó với mọi tình huống », phần nào bị tác động từ quyết định ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Moon Jae In.
Vẫn theo chuyên gia Go Myung Hyun, nối lại tập trận với Mỹ còn giúp Seoul xoa dịu đồng minh, đồng thời thể hiện lập trường chung của hai bên về «cách đáp trả mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Cả hai bên cho rằng phải chuẩn bị về mặt quân sự ở mức độ cao, và để làm được việc này thì phải tổ chức các cuộc tập trận chung ».
Seoul và Washington «mở rộng quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận và huấn luyện chung » nhưng không nêu chi tiết. Giới chuyên gia thẩm định khoảng 28,500 quân nhân của hai bên tham gia, không quân, hải quân, đông đảo tầu chiến và xe tăng cũng sẽ được huy động. AFP cho rằng quyết định nối lại các cuộc tập trận cũng đánh dấu cho sự thất bại về mặt chính trị đối với Bình Nhưỡng
Bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng trong 5 năm tới?
Chính quyền Bình Nhương chưa chính thức lên tiếng nhưng để cơ quan tuyên truyền Ryomyong lên án cuộc tập trận Mỹ-Hàn là nhằm « phát động một cuộc chiến xâm lược », chỉ trích tổng thống Yoon Suk Yeol là « kẻ cuồng chiến hiếm hoi » và dọa Seoul phải trả giá vì «thái độ đáng thương khi đối đầu với một cường quốc nguyên tử như chúng ta » (Bắc Triều Tiên).
Về mặt kinh tế, kế hoạch xây dựng miền Bắc, được tổng thống Yoon Suk Yeol đề nghị để đổi lấy việc phi nguyên tử, bị Bình Nhưỡng đánh giá là «điên rồ ». Chính quyền Seoul bị bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, coi là « có suy nghĩ thô thiển và ấu trĩ » vì Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ «đánh đổi hợp tác kinh tế lấy danh dự, vũ khí nguyên tử ».
Trước thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng cũng như sự thay đổi trong lập trường về miền Bắc của chính quyền Seoul, có thể thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ thêm căng thẳng trong 5 năm tới. Trước mắt, Bình Nhưỡng có rất nhiều cách để cảnh cáo cuộc tập trận Mỹ-Hàn, như thực hiện nhiều vụ thử hỏa tiễn chiến lược mới nhằm «hoàn thiện chương trình phát triển hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa siêu thanh », theo nhận định của chuyên gia Go Myung Hyun.
Nhiều chuyên gia không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm thứ 7 trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Một số khác cho rằng Bắc Kinh có thể can thiệp để vụ thử không diễn ra trước kỳ Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Nhưng ông Go Myung Hyun tỏ ra nghi ngờ về khả năng trên, trước một Bắc Triều Tiên khó lường, thường không nghe lời Bắc Kinh dù bị phụ thuộc vào kinh tế. Seoul và Washington sẽ không ngồi yên nếu vụ thử xảy ra./.
Comments
Post a Comment