Lễ Tưởng Niệm lần thứ 150 Anh hùng Nguyễn Trung Trực.


Lê Bình
Vào lúc 11:00 am ngày Chủ nhật 7/10/ 2018 tại Unify Event Center 675  Story Ave., San Jose Hội Ái Hữu Kiên Giang Bắc California đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 150 vị Anh hùng đất Kiên Giang, Thượng Đẳng Thần Nguyễn Trung Trực. Có khoảng 400 người tham dự.
Lúc 12:00 pm, nghi thức khai mạc bắt đầu với phần rước linh vị Thượng Đẳng Thần vào lễ đài. Bàn thờ được thiết trí trên sân khấu, có lọng và cờ đuôi nheo, hương đăng, hoa quả.  Chiêng trống nổi lên, đoàn lân Kim Bửu Tự rước linh vị và di ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực để lên bàn thờ. Lễ chào cờ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, và phút tưởng niệm các anh hùng vị quốc vong thân cùng đồng hương tử nạn trên đường đi tìm tự do, và đặc biệt tưởng niệm vị sáng lập nên hội Ái Hữu Kiên Giang là ông Từ Ngọc Thạch. Sau đó, Ban Tổ Chức, anh Trần Kim Quang và hai vị chức sắc dâng hương và tế lễ. Sau đó Ông Cái Lê Ba đã tuyên đọc tiểu sử Cụ Nguyễn.
Người ta được biết, Tổ Tiên Nguyễn Trung Trực là người Bình Định, theo chúa Nguyễn vào nam, cư trú tại Long An, làm nghè hạ bạc. Ông Nguyền Trung Trực sanh ra tại Long An, lớn lên làm nghề đánh cá, người ta gọi là anh chài Lịch, tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. (Vì lúc nhỏ ông có tên là Chơn, rồi từ năm 1859 đổi là Lịch, Quản là chức Quản cơ). Sau khi đốt tàu L’Esperance, ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực.
Ông xuất thân trong một gia đình chài lưới ở sông Vàm Cỏ, năm 1861, hưởng ứng lịch Cần Vương chống Pháp, ông chiêu mộ một số đông nông dân nổi dậy đánh phá các đồn Pháp ở các vùng thuộc phủ Tân An. Lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ.
Nghĩa quân dưới quyền lãnh đạo của ông gồm một số nhà yêu nước tổ chức cuộc phục kích đốt tàu L’Esperance của Pháp trưa ngày 10-12-1861 tại vàm Nhật Tảo.
 Sau khi ba tỉnh miền đông Nam Kỳ mất (Nhâm Tuất 1862) ông được phong làm Lãnh binh. Năm 1861 ông về để trấn giữ đất Hà Tiên.
Sau khi thành Hà Tiên thất thủ, ngày 23/6/1867, ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16/6/1868 ông cho quân đánh đồn Kiên Giang (Rạch Giá). Giặc Pháp phản công, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ nhằm chống giặc lâu dài. Pháp đến bao vây. Đến tháng 10/1868 giặc Pháp theo mưu kế của Huỳnh Công Tấn bắt mẹ ông làm con tin, ông tự ra nộp mình. Chúng nhiều lần dụ dộ, mua chuộc nhưng ông không ra đầu hàng.
Sau đó, ông bị giải về Sài Gòn, viên thống soái Nam Kỳ vừa dụ hàng, vừa hăm dọa, ông trả lời: “khi nào diệt cho hết cỏ thì mới hết những người ái quốc chống Pháp của xứ sở này”.
Không dụ hàng được, giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868, hưởng dương 31 tuổi.

Để tỏ lòng biết ơn Ông, hiện nay, người dân thờ cúng Ông ở nhiều nơi, trong đó có Đền Thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Long An, Đền Thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá và đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Gành Dầu Phú Quốc.


Sau phần dâng hương của BTC, đồng hương lần lượt lên đốt nhang để tưởng nhớ quan Thượng Đẳng Thần Nguyễn Trung Trực. Sau phần niệm hương, đoàn lân Kim Bửu Tự biểu diễn giúp vui. Quan khách và đồng hương được mời dùng buổi ăn trưa do BTC khoản đãi.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất