Vì sao Phương Tây và Pháp nhất thiết phải tấn công Syria?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và nguyên thủ Mỹ Donald Trump, tại thượng đỉnh G7, Hamburg, Đức, ngày 07/07/2017REUTERS/John MACDOUGALL,POOL
Trong những ngày qua, giọng điệu của Mỹ và các nước phương Tây, đối với chế độ Syria càng lúc càng đanh thép, đặc biệt là của Pháp và Hoa Kỳ; hai vị tổng thống Macron và Trump đã nhiều lần điện đàm về khả năng tấn công Syria, để trừng phạt chính quyền Damas về tội vẫn dùng vũ khí hóa học bị nghiêm cấm giết hại thường dân.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là vì sao Phương Tây, và đặc biệt là Pháp nhất thiết trừng phạt chế độ của tổng thống Bashar al Assad.
Theo nhận định chung, ngoài các lý do nhân đạo – không thể để người dân Syria vô tội bị sát hại một cách nhẫn tâm – còn có những nguyên do địa chính trị.
Một trong những lý do có thể được nêu lên đó là bài học rút ra từ trường hợp Bắc Triều Tiên, một nước được cho là từ lâu đã lao vào tiến trình chế tạo bom nguyên tử, thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà ngày nay, trên nguyên tắc chỉ có 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được quyền sở hữu.
Tuy nhiên, phương Tây và Hoa Kỳ đã chần chờ không can thiệp dứt khoát, để cho ngày nay, Bắc Triều Tiên có thể được xem là đã sở hữu bom nguyên tử, trở thành một mối đe dọa khiến cho các nước khác ngần ngại khi nuôi ý định dùng võ lực đối với nước này.
Trong trường hợp của Syria, mối nguy không phải là hạt nhân mà là vũ khí hóa học, nhưng nếu quả thực là chế độ Damas lại dùng đến vũ khí này, thì rõ ràng là họ đã coi thường cộng đồng quốc tế vì trước đây đã từng cam kết tiêu hủy 100% kho vũ khí hóa học của mình. Nếu phương Tây tiếp tục không làm gì, thì rõ ràng là tạo điều kiện cho nước này trở thành một phần tử khó trị
Bên cạnh nguyên nhân xa đó, còn có một nguyên nhân rất gần, khiến cho phương Tây, và nhất là nước Pháp nhất thiết trừng phạt chế độ Damas, nếu cuộc điều tra xác nhận việc họ đã dùng đến vũ khí hóa học ở Đông Ghouta.
Chỉ mới đây thôi, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vạch ra lằn ranh đỏ về vũ khí hóa học mà theo ông, chế độ al Assad không thể vượt qua. Ông từng tuyên bố: « Khi đặt ra lằn ranh đỏ mà không thể kiểm soát chúng một cách nghiêm khắc, thì đó là một sự yếu kém. Mà sự yếu kém thì không phải là một lựa chọn của tôi ».
Đối với chuyên gia François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS tại Luân Đôn, chính vì đã đặt ra lằn ranh đỏ đó mà ông Macron sẽ không thể lùi bước. Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Heisbourg xác định :
Chúng ta đang ở trong một trường hợp mà tổng thống Pháp phải đối diện với lằn ranh đỏ do chính ông vẽ ra cách nay khoảng 1 năm.
Và theo tôi, ông ấy sẽ phải trả giá khá đắt nếu không thực hiện những điều cần phải làm trong trường hợp như thế này.
Cũng theo chuyên gia Heisbourg, tổng thống Macron ngày nay không muốn phạm phải sai lầm của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2013, cũng vạch ra lằn ranh đỏ với Syria, để rồi lại lùi bước vào giờ chót, khiến cho uy tín của Mỹ tại vùng Trung Cận Đông bị suy sụp, không ngóc lên trở lại được.
Tổng thống Obama khi ấy cùng với các đồng minh của Mỹ, cũng đã vạch ra một lằn ranh đỏ, và phải nhắc lại là lúc ấy cả Nga cũng đồng ý. Nhưng rồi khi bị bắt buộc phải ra lệnh tấn công, ông Obama đã thay đổi ý kiến, 4 giờ trước lúc các phi cơ Mỹ và Pháp cất cánh khởi động chiến dịch tấn công.
Uy tín của chính quyền Obama tại vùng Cận Đông bị suy sụp từ đó trở đi, và vị thế của nước Mỹ trong vùng không bao giờ khôi phục lại được. Tổng thống Macron, theo tôi, sẽ không muốn đi theo vết xe đổ của tổng thống Obama tại vùng Trung Đông.
Ý định đánh Syria để trừng phạt tội dùng vũ khí hóa học giết dân đã có, vấn đề là phải chờ có thêm những bằng chứng chắc chắn về vai trò thực thụ của chế độ al Assad. Paris nói riêng, và các thủ đô phương Tây khác có lẽ vẫn không quên bài học Irak, khi Hoa Kỳ tung ra những cáo buộc nhắm vào Saddam Husein để biện minh cho quyết định đánh Irak, những cáo buộc mà sau này được biết là không xác thực.
Lại vượt lằn ranh đỏ, Assad gánh lấy nguy cơ bị phương Tây tấn công
Khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường USS Porter oanh kích vào Syria từ Đại Tây Dương, ngày 7/04/2017, theo lệnh tổng thống Mỹ Donald Trump.AFP/US Navy/ Ford Williams
Năm năm sau vụ tấn công hóa học ở Syria, một lần nữa bộ ba Mỹ-Pháp-Anh lại đứng trước cùng một thách thức. Washington, Paris, và Luân Đôn – dù có lặng lẽ hơn – hứa hẹn sẽ trả đũa thích đáng vụ tấn công hôm 07/04/2018 ở Douma, thuộc Đông Ghouta làm 48 người thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em. Đây là thủ phủ cuối cùng của phe nổi dậy ở gần Damas, bị chế độ Assad và các đồng minh liên tục oanh kích.
Ngày 31/08/2013, dự định tấn công vào Syria đã bị bỏ rơi, sau khi Anh không tham gia, Barack Obama vào phút chót quyết định ngoảnh mặt làm ngơ, trong khi các phi cơ Pháp đã sẵn sàng cất cánh. Paris cảm thấy hết sức cay đắng trước thái độ của chính quyền Mỹ lúc ấy.
Nay thì một lần nữa « lằn ranh đỏ » về vũ khí hóa học đã bị vượt qua, ở Douma, cho đến nỗi phản ứng quân sự lần này dường như khó thể tránh khỏi. Pháp và Mỹ không còn nghi ngờ gì về việc sử dụng chất độc thần kinh, và nguồn gốc của vụ tấn công. Washington hứa hẹn sẽ có « những quyết định quan trọng », điện Elysée nêu ra việc « trả đũa ». Hai tổng thống Emmanuel Macron và Donald Trump đã điện đàm với nhau hai lần từ sau vụ tấn công trên, cả hai hy vọng « cộng đồng quốc tế có phản ứng cứng rắn ».
Pháp đã « điểm mặt chỉ tên » Nga. Nathalie Loiseau, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu đặt câu hỏi : « Trách nhiệm của Nga đến đâu ? Không có chiếc máy bay nào của Syria có thể cất cánh nếu Nga không được thông báo ». Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định : « Các đồng minh của chế độ Assad đặc biệt có trách nhiệm trong vụ thảm sát ».
Theo nhận định của báo Le Figaro, nếu hai tổng thống Pháp-Mỹ một lần nữa lại để cho Damas vượt qua « lằn ranh đỏ », thì sẽ bị mất uy tín nặng nề, và gián tiếp khuyến khích gia tăng vũ khí hóa học trên thế giới, bật đèn xanh cho bọn tội phạm chiến tranh. Bản thân chế độ Syria cũng đã chuẩn bị cho việc bị không kích : quân đội được đặt trong tình trạng báo động tại các sân bay và căn cứ quân sự.
Tờ báo đặt câu hỏi, liệu tổng thống Mỹ Donald Trump - mà tính bất định vốn là cung cách lãnh đạo của ông, và tuần trước đã loan báo ý định rút quân khỏi Syria - có từ bỏ ý định tấn công như ông Obama trước đây, và điều này có ảnh hưởng gì đến quyết tâm của tổng thống Pháp ?
Khác với người tiền nhiệm François Hollande vốn trông cậy nhiều vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, mà không ngờ rằng Obama lại trở mặt ; Emmanuel Macron đã từng nêu ra khả năng Pháp hành động một mình. Ông cho biết nước Pháp sẽ buộc tôn trọng « lằn ranh đỏ », cho dù phải đơn độc tấn công. Vào lúc ông Macron tuyên bố như vậy hôm 12/3, một số tướng lãnh tỏ ra nghi ngại. Nhưng tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng François Lecointre khẳng định, trong trường hợp cần thiết, Paris có thể tự không kích Syria.
Vấn đề còn lại là những mục tiêu nào sẽ được chọn lựa. Hồi tháng 4/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump – có lẽ muốn sửa chữa những sai lầm của Barack Obama – chỉ cho bắn hỏa tiễn vào một căn cứ quân sự Syria. Tuy vậy chế độ Damas vẫn tiếp tục dùng đến vũ khí hóa học.
Nếu Mỹ, Pháp, Anh ý thức được hậu quả của sự vắng mặt hồi tháng 8/2013 - vừa bị mất uy tín, vừa khiến cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sinh sôi nảy nở - thì bộ ba này vẫn lo ngại nguy cơ leo thang chiến tranh. Bởi vì tình hình Syria trên thực địa đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 2013 đến nay.
Năm 2015, sự can thiệp quân sự của Nga và Iran đã giúp Bachar Al Assad đảo ngược tình hình, nắm được thế thượng phong so với phe nổi dậy. Nga đang khống chế bầu trời Syria, là trở ngại đáng kể cho các phi cơ Mỹ, Pháp, Anh ; và còn phải kể đến Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Đông quả thực là thùng thuốc súng, nơi các nhân tố đầy quyết tâm và đôi khi nguy hiểm đối đầu với nhau. Như một nhà ngoại giao đã nhận định : « Tại Irak, người ta đã oanh kích và đổ quân vào, đây là một thảm họa. Tại Libya, người ta đã oanh kích nhưng không đưa quân đến, tuy vậy vẫn là một thảm họa. Còn tại Syria, chúng ta chưa không kích và cũng chưa đổ quân, nhưng vẫn là một thảm họa ».
Các phi cơ Rafale đã sẵn sàng ở Saint-Dizier
Riêng về phía Pháp, các kế hoạch hành động chi tiết đã được giới tướng lãnh trình lên tổng thống Emmanuel Macron.
Các chuyên gia nhận định, một khi được bật đèn xanh cho không kích, đội hình sẽ xuất phát từ một sân bay trên đất Pháp - có thể là căn cứ Không quân Saint-Dizier - chứ không phải từ các căn cứ của Pháp ở Cận Đông như Jordanie hay Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Những nước này không muốn liên can đến các chiến dịch cụ thể như vậy đối với láng giềng Syria.
Cũng tại căn cứ Saint-Dizier mà hồi tháng 8/2013, Không quân Pháp sẵn sàng oanh kích Syria sau vụ tấn công hóa học. Những phi cơ Rafale, mỗi chiếc mang theo hai hỏa tiễn hành trình Scalp có tầm bắn hàng trăm cây số, cần được tiếp liệu ba lần trước khi đến được lãnh thổ Syria.
Hải quân Pháp cũng có thể tham gia : chiến hạm đa chức năng Aquitaine cách đây vài ngày đã được nhìn thấy ở phía đông Địa Trung Hải. Đây là một trong những chiến hạm tối tân nhất của Pháp, được trang bị các hỏa tiễn hành trình trên biển (MdCN), vốn chưa bao giờ được sử dụng đến. Những hỏa tiễn này có khả năng đánh phủ đầu nhanh chóng ở khoảng cách trên 1.000 km, và cũng có thể phối hợp với các hỏa tiễn của Không quân.
Pháp có thể không cần liên minh, mà đơn độc không kích, hoặc phối hợp với Mỹ. Trong trường hợp thứ hai vốn có nhiều khả năng xảy ra nhất, Pháp và Mỹ cùng tấn công, hoặc tấn công riêng rẽ nhưng có kết hợp, vào các mục tiêu đã được phân chia.
Theo tướng Không quân Pháp Jean-Patrick Gaviard, các trung tâm chỉ huy của đôi bên phải phối hợp thật chặt chẽ. Nếu trước đây các cuộc không kích hàng ngày ở Irak và Syria được điều phối từ căn cứ Al Udeid ở Qatar, thì nay được chỉ đạo ở cấp cao nhất, bằng điện thoại giữa hai tổng thống Emmanuel Macron và Donald Trump.
Trong giai đoạn quyết định này, việc trao đổi tin tức tình báo và quản lý bay là tối cần thiết đối với các đồng minh. Không quân Mỹ có thể triển khai các phi cơ tiêm kích F-22 để bảo vệ các phi cơ làm nhiệm vụ, cũng như các máy bay gây nhiễu như trường hợp ở Kosovo trước đây.
Tất nhiên là việc không kích chứa đầy những rủi ro, khi phi cơ phải tiến gần mục tiêu trong một môi trường thù địch. Tại Syria, Nga bố trí các hỏa tiễn địa-không hiện đại, nhất là S-400. Hồi tháng Giêng, một chiếc F-16 của Israel đã bị phòng không Syria bắn rơi.
Sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria là yếu tố hết sức nhạy cảm. Reuters hôm nay cho biết, đại sứ Nga tại Liban đã đe dọa bắn rơi tất cả các tên lửa của Mỹ nhắm vào Syria. Theo một nguồn tin quân sự được Le Figaro trích dẫn, các mục tiêu không kích được chọn lựa theo tiêu chí nằm cách xa các địa điểm đóng quân của Nga.
Nga và Mỹ lại đối đầu gay gắt tại Hội Đồng Bảo An về vũ khí học ở Syria
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về Syria, New York, ngày 10/04/2018.REUTERS/Brendan McDermid
Đúng như dự kiến, trong cuộc họp ngày hôm qua 10/04/2018 tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ về Syria, Nga lại dùng đến quyền phủ quyết để bác bỏ. Và cũng như vậy, hai dự thảo nghị quyết của Nga cũng bị Mỹ và các đồng minh ngăn chặn.
Đối với thông tín viên RFI, Marie Bourreau tại New York, một lần nữa Nga và Mỹ lại đối đầu với nhau một cách gay gắt tại Hội Đồng Bảo An.
"Hoa Kỳ đã yêu cầu tổ chức khẩn cấp một cuộc bỏ phiếu để thúc đẩy lại cơ chế điều tra quốc tế và không thiên vị về trách nhiệm trong các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Sau phủ quyết của Nga, đại sứ Mỹ Nikki Haley tố cáo gay gắt rằng « Nga đã phá hoại tính đáng tin cậy của Hội Đồng Bảo An » và « lịch sử sẽ ghi nhớ ngày mà Nga đã chọn bênh vực một con quái vật hơn là sự sống còn của dân tộc Syria ».
Nhưng tầm quan trọng của nghị quyết này là ở chỗ khác và đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã nhấn mạnh : « Phương Tây đề nghị bỏ phiếu dự thảo nghị quyết này dù biết chắc là sẽ bị phủ quyết » và « họ có thể biện minh cho việc đánh trả ở Syria ». Đại sứ Nga đã lên án trước điều ông cho là « một cuộc phiêu lưu quân sự và không hợp pháp ».
Đại sứ Pháp Delattre, thì cho đây là một cuộc can thiệp chính đáng trước nguy cơ chế độ Damas phổ biến vũ khí hóa học. Ông nói: Để việc sử dụng vũ khí hóa học trở nên bình thường, là thả hung thần phổ biến vũ khí tiêu diệt hàng loạt ra khỏi chiếc lọ, đe dọa sự sống còn của chúng ta, và chúng ta sẽ phải trả giá. Đó là điều mà chúng tôi không thể chấp nhận ».
Tuy nhiên Nga đã cảnh báo : Trong trường hợp phương Tây đánh trả thì sẽ có những hệ quả rất nghiêm trọng cho cả khu vực.
Tổ chức cấm vũ khí hóa học-OIAC, hôm qua 10/04 thông báo "sắp" gởi chuyên gia đến Syria để điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm thứ Bảy tuần qua ở Douma, Đông Ghouta. Để thực hiện điều được cho là "tìm ra sự thật", chế độ Damas, hôm qua, đã mời tổ chức OIAC cử phái đoàn đến điều tra.
Vũ khí hóa học : Phương Tây chuẩn bị tấn công Damas, bất chấp Nga phản đối
Tại một bệnh viện ở Douma, Đông Ghouta, Syria, ngày 07/04/2018, sau vụ được cho là tấn công hóa học.White Helmets/Reuters TV via REUTERS
Các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ và Pháp, trong tư thế sẵn sàng tấn công trả đũa quân sự chính quyền Damas, bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học, sau khi Matxcơva phủ quyết một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về Syria.
Hôm qua, 10/04/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Anh Theresa May có cuộc điện đàm về chủ đề này. Phủ tổng thống Mỹ cho hay hai bên nhất trí sẽ « không để cho việc sử dụng vũ khí hóa học tiếp diễn ». Việc tổng thống Mỹ thông báo hủy bỏ chuyến đi Nam Mỹ, dự định vào cuối tuần để xử lý hồ sơ Syria, cho thấy cuộc tấn công rất có thể sắp xảy ra.
Hôm thứ Hai, khu trục hạm mang tên lửa USS Donald Cook, rời cảng Lanarca, Chypre, tiến vào khu vục nơi có thể dễ dàng tấn công Syria. Về tình hình tại chỗ, theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), quân đội Syria tại các sân bay và căn cứ quân sự cũng được đặt trong « tình trạng báo động » trong ba ngày tới.
Về quan điểm của Pháp, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định rõ ràng mục tiêu tấn công của phương Tây là nhắm vào các cơ sở hóa học của chính quyền Damas : « Chúng tôi đã có được các thông tin, mà một phần lớn đến từ các nguồn được gọi là công khai mà báo chí, các tổ chức phi chính phủ đã nhắc đến. Theo đó, đã có việc sử dụng vũ khí hóa học và hiển nhiên, chỉ có thể quy trách nhiệm cho chế độ Damas. Chúng tôi tiếp tục trao đổi thông tin kỹ thuật và chiến lược với các đối tác, đặc biệt là Anh và Hoa Kỳ. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ ra quyết định. Trong bất cứ trường hợp nào, quyết định của chúng tôi sẽ không nhắm vào các đồng minh của chế độ Damas, hay tấn công vào bất cứ ai. Mục tiêu duy nhất là tấn công vào các khả năng chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria, nếu như một quyết định như vậy được đưa ra ».
Cơ Quan An Ninh Hàng Không Châu Âu (EASA) thông báo có thể có các không kích nhắm vào Syria « trong 72 giờ tới ».
Syria : Tấn công sân bay quân sự T-4, Israel đánh phủ đầu Iran và Hezbollah ?
Lính Israel trên cao nguyên Golan, gần biên giới với Syria, ngày 28/01/2015REUTERS
Sáng sớm ngày thứ Hai 09/04/2018, sân bay quân sự Syria Tiyas, hay còn gọi là T-4 nằm giữa Homs và Palmyra đã bị nhiều tên lửa tấn công. Nga và Syria cáo buộc Israel là tác giả vụ tấn công này, làm thiệt mạng 14 người trong đó có 4 binh sĩ Iran.
Trả lời RFI, ông Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Stanford tại Hoa Kỳ cho rằng « chỉ cần Iran hay Hezbollah tiến lại gần cao nguyên Golan, là Israel sẽ đánh ».
RFI : Tại sao Israel lại giận dữ tấn công khu căn cứ quân sự này ?
Fabrice Balanche : Đây là một căn cứ mà Iran thường lui tới cùng với các trang thiết bị dành cho quân đội Syria và cả lực lượng Hezbollah. Chính vì điều này mà Israel đã tấn công. Đây cũng là một phần của lằn ranh đỏ mà Israel đã vạch ra ngay từ đầu cuộc xung đột.
Chỉ cần ngay khi Iran hay các đồng minh của nước này sáp lại gần cao nguyên Golan là Israel đánh. Israel tỏ ra khó chịu khi nhìn thấy các căn cứ quân sự của Iran nở rộ tại Syria và đe dọa an ninh của Israel, do vậy cuộc leo thang xung đột giữa Iran và Israel không may là sẽ khó tránh được.
Nhưng điều quan trọng chính là thời điểm thực hiện. Vụ tấn công diễn ra ngay sau các vụ tấn công bằng chất hóa học tại Ghouta, hôm thứ Bảy 07/04, gây nhiều phản ứng. Israel chứng tỏ cho các nước phương Tây, Pháp và Hoa Kỳ rằng nếu họ muốn đánh Syria là được. Nga không có phản ứng hay không có cách để chặn các vụ tấn công này, do vậy Israel nói rằng « thay vì khoa chân múa tay ở Liên Hiệp Quốc, quý vị hãy làm như chúng tôi: Đánh. Nếu thực sự muốn làm như chúng tôi, quý vị có thể làm được »
Như vậy, vụ tấn công khu căn cứ quân sự nơi đồn trú của lực lượng quân đội Iran, trên thực tế đó còn là một thông điệp gởi đến các đồng minh phương Tây của Israel?
Israel lo lắng trước việc ông Donald Trump cách nay vài tuần thông báo có thể nhanh chóng rút quân ra khỏi Syria, và đương nhiên ông ấy muốn thực hiện điều này trước kỳ bầu cử vào tháng 11 sắp tới. Tổng thống Mỹ cho rằng chẳng được lợi gì khi phải ở lại Syria, bởi vì tình hình ở đây quá phức tạp và quá tốn kém. Triển vọng này làm Israel rất lo ngại.
Các nhóm gây áp lực, những nhóm vận động hành lang tại châu Âu và Hoa Kỳ thì rất muốn có một cuộc can thiệp ồ ạt chống lại chế độ Assad và đương nhiên là các vụ tấn công bằng chất hóa học có thể là ngòi châm cho kiểu can thiệp này.
Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov có nói rằng hành động tấn công này của Israel là « một diễn tiến nguy hiểm ». Nga có vai trò như thế nào trong cuộc đối đầu Iran – Israel đang diễn ra tại Syria?
Đương nhiên là Matxcơva trách móc và lên án Israel. Nhưng trên thực tế, Nga không hẳn là không hài lòng việc Israel đánh Iran tại Syria bởi vì điều này sẽ hạn chế bớt tầm ảnh hưởng của Iran trên lãnh thổ Syria. Vụ tấn công này cho phép Nga phát triển hơn nữa và đóng vai trò trọng tài. Nhất là Nga đã tìm cách giữ chân Iran và các đồng minh của nước này cách xa cao nguyên Golan ít nhất là 40km.
Do vậy, về lâu dài, Nga hy vọng có thể triển khai một dạng « lực lượng mũ nồi xanh Nga » về hướng Golan, và việc này sẽ còn giúp Nga củng cố hơn nữa vai trò của mình trên trường quốc tế. Ngược lại, các vụ tấn công kiểu này của Israel không được gây trở ngại cho thắng lợi của Nga tại Syria.
Nga cũng sợ là Hoa Kỳ và Pháp theo chân Israel và lao vào tấn công ồ ạt Syria. Và trong mọi trường hợp, những cuộc tấn công – nếu không nói là để làm đảo ngược tình thế – rất có thể làm chậm lại đáng kể chiến thắng của chế độ Damas.
Comments
Post a Comment