Tránh xáo trộn: Đức Giáo Hoàng Kêu Gọi Duy Trì “Nguyên Trạng” của Jerusalem.



(Hình AP: Giáo Hoàng Francis kêu gọi tôn trọng “nguyên trạng” của thánh địa Jerusalem sau khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ công nhận thành phố này là thủ đô của Do Thái.)

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố về Jerusalem, Ðức Giáo Hoàng Francis hôm 6/12/2017 kêu gọi sự tôn trọng “nguyên trạng” cho thành phố này và cho rằng căng thẳng mới ở Trung Đông sẽ càng làm tăng thêm các cuộc xung đột trên thế giới.

Tổng Thống Trump dự kiến sẽ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái trong ngày 6/12 và bắt đầu di chuyển Tòa Đại sứ Mỹ tới thủ đô cổ đại này, theo lời các viên chức cấp cao của Mỹ. Quyết định này làm đảo ngược chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ và gây nguy cơ gây làm bùng nổ thêm nữa bạo lực ở Trung Đông.

Trong một lời kêu gọi vào cuối buổi họp hàng tuần, Ðức Giáo Hoàng Francis kêu gọi tất cả mọi người tôn trọng các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về thành phố được coi là thiêng liêng đối với người Do Thái, Kitô hữu và Hồi giáo.

Ðức Giáo Hoàng nói: “Tôi thực hiện một lời kêu gọi chân thành để tất cả mọi người cam kết tôn trọng hiện trạng của thành phố, phù hợp với các Nghị quyết đúng đắn của Liên Hiệp Quốc”.

(Hình AP: Người Palestine cầm áp-phích có hình ảnh Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc biểu tình ở thành phố Ramallah ở vùng Tây Ngạn hôm 6/12/2017, sau khi ông Trump tuyên bố kế hoạch công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái.)

Vatican ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Do Thái, với việc cả hai bên nhất trí về tình trạng của Jerusalem như là một phần của tiến trình hòa bình.

Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước độc lập trong tương lai, trong khi Do Thái tuyên bố toàn bộ thành phố là thủ đô “thống nhất và vĩnh cửu”.

Ðức Giáo Hoàng đã nói với hàng ngàn người trong buổi nói chuyện trước công chúng của ông: “Tôi không thể giữ im lặng trước sự lo lắng sâu sắc của tôi về tình hình trong mấy ngày qua”.

Giáo Hoàng nói ông hy vọng “sự khôn ngoan và thận trọng sẽ chiếm ưu thế, để tránh tạo ra thêm các yếu tố căng thẳng mới cho tình hình chung của thế giới vốn đã bị bất ổn bởi nhiều cuộc xung đột tàn bạo”.

Trong năm 2012, Vatican đã kêu gọi “một quy chế đặc biệt được quốc tế bảo đảm” dành cho Jerusalem, nhằm “bảo vệ tự do tôn giáo và lương tâm, bản sắc và tính linh thiêng của Jerusalem như một thành phố Thánh, (và) tôn trọng và tự do, tiếp cận vào các địa điểm thánh của thành phố. “

(Hình REUTERS: Quang cảnh thành cổ Jerusalem nhìn từ đỉnh núi Olives hôm 6/12/2017.)

Trước khi đưa ra bình luận trước công chúng, Ðức Giáo Hoàng Francis đã gặp riêng với một nhóm người Palestine tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn với Vatican.

Ðức Giáo Hoàng nói “Đất Thánh là dành cho chúng ta những người Kitô hữu, vùng đất tuyệt vời của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại”. Ông cũng nói về cuộc đối thoại giữa các tôn giáo “và trong xã hội dân sự”.

“Điều kiện tiên quyết của cuộc đối thoại đó là tôn trọng lẫn nhau và cam kết tăng cường sự tôn trọng đó, nhằm mục đích công nhận quyền của mọi người, bất kể họ ở đâu”, Giáo Hoàng nói với nhóm người Palestine.

Hôm 5/12, Ðức Giáo Hoàng đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Palestine ,Mahmoud Abbas, về cuộc khủng hoảng này.

Vatican và Do Thái thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1994. Ðức Giáo Hoàng Francis, cựu Giáo Hoàng Benedict và Ðức Giáo Hoàng John Paul II đã tới thăm lãnh thổ của Do Thái và Palestine.

Khi Ðức Giáo Hoàng Francis viếng thăm Thánh Địa này vào năm 2014, ông bay có chuyến bay trực tiếp bằng máy bay trực thăng từ Jordan tới cái mà tòa thánh Vatican gọi là “Nhà nước Palestine” và cuối cùng là tới thăm Do Thái.

Điều này làm người Do Thái lo ngại vì trước đó người tiền nhiệm của Ðức Giáo Hoàng đã luôn tới thăm Do Thái trước tiên và từ đó đi thăm các lãnh thổ khác.

Tòa thánh Vatican đã ký hiệp định đầu tiên với “Nhà nước Palestine” vào năm sau đó.
VOA Tiếng Việt (6/12)

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất