Như đổ dầu vào lửa: Lo ngại của thế giới tăng cao sau quyết định của Trump về Jerusalem!




Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trong Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Nhà Trắng, ngày 6 tháng 12, 2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trong Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Nhà Trắng, ngày 6 tháng 12, 2017.
Cộng đồng quốc tế đã phản ứng mau chóng trước loan báo của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một diễn biến có thể lại thổi bùng lên bạo lực giữa Israel và người Palestine.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres dẫn đầu những tiếng nói toàn cầu hôm thứ Tư kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế.
"Từ ngày đầu tiên làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tôi đã thường xuyên lên tiếng chống lại bất kỳ biện pháp đơn phương nào có thể gây nguy hại cho triển vọng hòa bình của người Israel và người Palestine," ông nói với các phóng viên. "Tư cách cuối cùng của Jerusalem là một vấn đề phải được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai bên trên cơ sở các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng, xét tới những lo ngại chính đang của cả phía Palestine lẫn Israel.
"Tôi hiểu sự gắn bó sâu sắc của rất nhiều người đối với Jerusalem, nó đã như vậy từ nhiều thế kỉ qua và sẽ luôn như vậy," ông Guterres nói thêm:
"Trong khoảnh khắc lo âu to lớn này, tôi muốn nói rõ rằng: không có giải pháp nào thay thế giải pháp hai nhà nước, không có Kế hoạch B," nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nói.
Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas nói loan báo của ông Trump về Jerusalem là "lời tuyên bố rút khỏi vai trò mà Mỹ đã nắm giữ trong tiến trình hòa bình."
Nhà đàm phán hàng đầu của Palestine, Saeb Erekat, nói, "Bước đi này là có tính phán định trước, áp đặt, đóng lại cánh cửa cho các cuộc đàm phán và tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump tối nay đã loại Mỹ ra khỏi bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa bình. Giới lãnh đạo Palestine sẽ triệu tập một phiên họp khẩn cấp cho Hội đồng Trung ương Palestine để nghiên cứu bài phát biểu này và duyệt lại tất cả các lựa chọn sẵn có và đưa ra quyết định phù hợp liên quan đến nhiều vấn đề."
Ai Cập - quốc gia Ả-rập đầu tiên ký một hòa ước với Israel (năm 1979) - đã lên án quyết định của Tổng thống Mỹ. Một thông cáo của Bộ Ngoại giao nói quyết định của ông Trump vi phạm các nghị quyết quốc tế về tư cách của thành phố này, và lưu ý rằng Ai Cập lo lắng về hệ quả của diễn biến này đối với sự ổn định của khu vực và về tác động "cực kỳ tiêu cực" đối với tiến trình hòa bình Israel-Palestine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phản ứng nhanh chóng và đưa ra chỉ trích. "Đó là một quyết định đáng tiếc của người Mỹ về Jerusalem. Pháp không chấp thuận, nó mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc," ông nói.
Trước đó, đại sứ Bolivia tại Liên Hiệp Quốc cho biết phái đoàn của ông sẽ yêu cầu một cuộc họp công khai của Hội đồng Bảo an nếu ông Trump vẫn đưa loan báo như dự kiến.
"Đó sẽ là một quyết định liều lĩnh và nguy hiểm đi ngược lại luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, làm suy yếu các nỗ lực vì hòa bình trong khu vực, và cũng gây bất ổn cho khu vực," Đại sứ Sacha Llorentty nói với các phóng viên.
Tại buổi tiếp kiến hàng tuần ở Vatican hôm thứ Tư, chỉ vài giờ trước loan báo của ông Trump, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói ông không thể "tiếp tục im lặng" về mối lo ngại sâu sắc của ông đối với Jerusalem.
Ông kêu gọi tôn trọng "hiện trạng" của Jerusalem, một thành phố mà ông lưu ý là thiêng liêng đối với người Do Thái giáo, Kitô giáo và người Hồi giáo. Ông cho biết ông cầu nguyện "sự khôn ngoan và thận trọng sẽ thắng thế, để tránh gây ra thêm các yếu tố căng thẳng mới trong một thế giới đã bị rúng động và phá hoại vì nhiều cuộc xung đột tàn nhẫn."
Các nhà lãnh đạo và các nhà phân tích đã nêu lên cảnh báo trong những ngày gần đây rằng một bước đi như vậy có thể được coi là một sự khiêu khích lớn đối với người Palestine và có thể khơi mào một cuộc cuộc nổi dậy khác.
Người biểu tình Palestinian đốt lốp xe trong khi vẫy cờ Palestine và giơ hình của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat trong một cuộc biểu tình tại quảng trường chính ở Thành phố Gaza, ngày 6 tháng 12, 2017.
Người biểu tình Palestinian đốt lốp xe trong khi vẫy cờ Palestine và giơ hình của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat trong một cuộc biểu tình tại quảng trường chính ở Thành phố Gaza, ngày 6 tháng 12, 2017.
Vào năm 2000, năm năm bạo lực bùng lên sau khi chính trị gia Israel Ariel Sharon tới thăm Núi Đền tại khu điện thờ Hồi giáo Al Aqsa. Cả người Do Thái và người Hồi giáo đều tuyên bố địa điểm này là một trong những nơi thiêng liêng nhất của họ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh loan báo này.
"Chúng tôi hết sức biết ơn Tổng thống vì quyết định can đảm và công tâm của ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuẩn bị cho việc mở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở đây," ông Netanyahu nói.
Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan nói trong một thông cáo rằng sẽ không có hòa bình lâu dài giữa người Israel và người Palestine trừ phi các quyền và các yêu sách của hai bên được tôn trọng ở thành phố lịch sử này.
"Tôi vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ hôm nay đảo ngược một lập trường lâu dài và phá vỡ sự đồng thuận quốc tế về Jerusalem," ông Annan nói. "Tôi hy vọng người Palestine và các cường quốc khu vực Ả-rập trong vùng sẽ phản ứng với sự kiềm chế, và các đồng minh của Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để hướng chính sách của Washington theo chuẩn mực quốc tế. Tất cả các bên phải tránh khơi lên căng thẳng mà có thể lan ra thành bạo lực một cách quá dễ dàng."
"Với bước đi này, Hoa Kỳ đang vi phạm những nghĩa vụ luật pháp quốc tế của chính mình là không công nhận hoặc hỗ trợ một tình huống bất hợp pháp và bảo đảm sự tôn trọng Công ước Geneve," Raed Jarrar, Giám đốc Vận động Trung Đông của tổ chức Ân xá Quốc tế ở Mỹ, nói. "Không một nước nào trên thế giới thừa nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem, và thực tế này càng làm cho quyết định công nhận của Mỹ càng thêm đáng lo ngại."
Jarrar nói quyết định này sẽ làm suy yếu nền pháp trị quốc tế và cho thấy "sự coi thường hoàn toàn các vi phạm nhân quyền hàng loạt mà người Palestine đang hứng chịu vì chính sách sáp nhập của Israel."

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất