Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản khởi đầu tại Ba Lan


Hai mươi năm trước, bức tường Berlin, biểu tượng của bức Màn Sắt phân chia thế giới thành hai khối: khối thế giới tự do và khối cộng sản, đã bị tháo dỡ bởi một hành động tự phát của người dân sống tại Đông Đức, mà thời đó bị cai trị bởi chế độ cộng sản.


Hành động chờ đợi từ lâu này đã thực hiện được niềm khao khát tự do của người dân Đông Đức nhằm thoát khỏi sự khống chế tư tưởng, sự hạn chế mà ngăn cấm họ tự do đi lại giữa hai nửa của thành phố Berlin, cấm tự do ngôn luận, và cấm tự do trao đổi tư tưởng, quan điểm hay ý kiến.
Bức tường Berlin đã đứng vững trong hơn 28 năm như là biểu tượng của điều ghê sợ, như một cảnh báo cho những ai dám mơ ước tự do, bức tường mà dính đầy máu của những người dũng cảm dám trèo lên tìm kiếm tự do, đã bị sụp đổ trong vòng vài tháng. Những sự kiện nào đã dẫn tới sự sụp đổ này?

Thành lập công đoàn Đoàn kết
Vết nứt rạn biểu tượng đầu tiên trên bức tường Berlin đã xuất hiện khi một thỏa hiệp được ký kết để cho phép các công nhân Ba Lan được quyền thành lập công đoàn độc lập đầu tiên trong chế độ cộng sản đằng sau bức Màn Sắt. Thỏa hiệp được ký tại Gdansk Shipyard, nước Ba Lan vào ngày 31 tháng 8 năm 1980, chấm dứt một cuộc đình công ôn hòa của 17.000 công nhân trong xưởng đóng tàu.

Từ khi chủ nghĩa cộng sản thành lập tại Đông Âu, nhân dân bị đàn áp bởi các chế độ cộng sản đã cố gắng đứng lên chống lại kẻ áp bức. Các nỗ lực quả cảm ấy đã bị đàn áp bởi những chế độ sử dụng lực lượng quân đội hay cảnh sát chống bạo động. Cuộc đình công của công nhân xưởng đóng tàu tại Ba Lan vào tháng 8 năm 1980 là hành động thành công đầu tiên để kháng cự lại một chế độ cộng sản ở Đông Âu.

Lực lượng đối lập tại Ba Lan đã phát triển sau khi thời đại Stalin kết thúc năm 1956. Các nhà trí thức đã thành lập những nhóm hoạt động ngầm để tìm cách giải phóng xã hội khỏi sự đàn áp cộng sản, để xuất bản các bản tin và báo chí bí mật hầu cung cấp thông tin về các sự kiện bị bóp méo hay che dấu bởi tuyên truyền cộng sản, và để thiết lập cương lĩnh chính trị của họ. Mặc dù phải đối diện với nguy hiểm bị cầm tù hay bức hại, con số các người chống đối vẫn gia tăng. Việc làm của họ đã đặt nền móng cho sự thành công trong cuộc đình công năm 1980.

Một yếu tố khác đóng góp trong sự thành công của vụ đình công là sức mạnh của đức tin tôn giáo trong xã hội Ba Lan. Những người cộng sản không bao giờ có thể nhổ bỏ tận gốc đức tin này. Cuộc đắc cử năm 1978 của Giáo hoàng John Paul II người Ba Lan, tên là Karol Józef Wojtyla, đã tăng cường đức tin trong dân chúng Ba Lan và cho họ hy vọng cùng lòng dũng cảm. Chuyến thăm Ba Lan của đức Giáo Hoàng vào năm 1979 và câu nói nổi tiếng của ngài “Đừng sợ” đã đoàn kết nhân dân Ba Lan và nâng cao tinh thần của họ.

Từ khi chủ nghĩa cộng sản được thành lập, đã có nhiều cuộc phản kháng đông đảo, đình công và biểu tình khởi xướng bởi nhân dân Ba Lan nhằm chống lại chế độ cộng sản. Tuy nhiên, họ đều bị đàn áp bằng bạo lực và kết thúc trong sự đổ máu.

Ví dụ cho một hành động như vậy là cuộc đình công tại thành phố Gdansk năm 1970, nơi các công nhân đã xuống đường và cuộc đình công phát triển thành trận đụng độ với cảnh sát. Kết quả là nhiều công nhân đã bị chết hay bị thương. Người dân đã học được bài học từ kinh nghiệm này rằng vũ khí tốt nhất để chống lại đội ngũ cảnh sát đặc biệt và quân đội được vũ trang và huấn luyện đầy đủ chính là một cuộc đình công ôn hòa trong phạm vi nhà máy.

Một vài tuần sau cuộc đình công chiến thắng năm 1980 tại Gdansk, một công đoàn độc lập và tự quản tên là “Đoàn Kết” đã được thành lập. Công đoàn lớn mạnh nhanh chóng với số thành viên ước chừng 8 triệu người. Nó còn hơn là một công đoàn. Nó bắt đầu trở thành một phong trào xã hội mà đoàn kết toàn thể xã hội và dần dần liên hệ với những vấn đề chính trị.

Thiết quân luật
Nhưng chế độ cộng sản đã không bỏ qua. Chẳng bao lâu sau khi ký thỏa thuận với các công nhân đóng tàu tại Gdansk vào năm 1980, giới chức đảng Cộng sản đã bắt đầu chuẩn bị áp dụng lệnh thiết quân luật tại Ba Lan.

Mối quan hệ giữa các nhà chức trách và công đoàn Đoàn Kết dần dần trở nên căng thẳng. Bước ngoặt là một sự kiện xảy ra tại thành phố Bydgoszcz. Nông dân Ba Lan cũng muốn thành lập công đoàn Nông Dân độc lập và tự quản của riêng họ. Giới chức cộng sản đã từ chối hợp pháp hóa tổ chức này. Những người nông dân tại Bydgoszcz đã tuyên bố đình công trong tòa nhà của tổ chức nông dân được kiểm soát bởi Đảng. Vì vậy một vụ xung đột đã bắt đầu.

Các đại diện của công đoàn Đoàn Kết, Jan Rulewski và Mariusz Labentowicz cùng với một đại diện của công đoàn Nông Dân độc lập và mới thành lập, Michal Bartoszcze đã tham gia một phiên họp hội đồng cấp tỉnh để trình bày về tình cảnh của các nông dân. Đến giữa phiên họp, chủ tịch và một số thành viên hội đồng đã quyết định đóng cửa phiên họp và rời khỏi chỗ họp. Một đội cảnh sát đặc biệt đã đột nhập vào tòa nhà và đánh đập tàn nhẫn các nhà hoạt động cho công đoàn Đoàn Kết, những người này phải nhập viện vì thương tích.

Chế  độ cộng sản đã hoàn tất sự chuẩn bị cho việc áp đặt thiết quân luật và đang chờ dịp để ‘đánh mạnh’ và ‘nghiền nát’ phong trào Đoàn Kết. Cái cớ được sử dụng là những câu trích dẫn từ những diễn văn, lời nói qua việc theo dõi điện tử một buổi họp của ban lãnh đạo công đoàn Đoàn kết.
Thiết quân luật đã được ban hành tại Ba Lan ngày 13 tháng 12 năm 1981, và hàng ngàn người hoạt động cho công đoàn Đoàn Kết đã bị bắt và bị giam cầm mà không kết tội rõ ràng. Một số nhà hoạt động đã bị giết chết. Sự tự do công dân đã bị hạn chế nghiêm ngặt.

Sự đáp trả của nhân dân Ba Lan
Mặc dù cảm thấy vô vọng, người dân Ba Lan đã đứng biểu tình tại chỗ. Sau khi ban hành thiết quân luật, sự tín nhiệm đảng cộng sản Ba Lan (đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan) đã sụt giảm. Tới 850.000 đảng viên do thất vọng với chính quyền cộng sản đã tuyên bố rút ra khỏi đảng. Trong số họ, 36% là các công nhân nhà máy. Nhiều đảng viên công khai vứt bỏ sách của đảng viên để tham gia các cuộc đình công và biểu tình. Thiết quân luật đã được dỡ bỏ vào tháng 7 năm 1983.

Công đoàn Đoàn kết luôn tuyên bố rằng họ sẵn lòng ngồi lại để đối thoại với chế độ cộng sản, ngay cả khi tổ chức của công đoàn đã bị cấm trong những năm thiết quân luật. Tuy nhiên, việc đối thoại đã không bắt đầu cho đến tháng 2 năm 1989. Vào tháng 4 năm 1989, một hội nghị Bàn Tròn đã đi đến thỏa thuận cho phép một nửa Quốc hội và toàn bộ Thượng viện sẽ được bầu cử theo phương thức dân chủ. 

Cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 04-06-1989 đã tạo nên làn sóng chấn động trong giới chức cộng sản. Các ứng cử viên của công đoàn Đoàn Kết đã thắng tất cả các ghế Quốc hội được dành cho cách bầu 
dân chủ, gồm có toàn bộ Thượng viện.

Sự kiện này đã trải đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở các quốc gia khác thuộc khối Đông Âu và dẫn tới sự sụp đổ của bức tường ô nhục Berlin.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất