Nước Mắm Việt Nam

 

Việt Nam - quốc gia có truyền thống làm nước mắm lâu đời

Lịch sử nước mắm Việt Nam so với các quốc gia ở Đông Nam Á là nơi có truyền thống làm mắm lâu đời nhất. Điều này được minh chứng thông qua tài liệu mà sử sách để lại, hai chữ nước mắm được đề cập sớm nhất (tới thời điểm hiện tại) trong Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sỹ Liên soạn).

Cụ thể, trong Đại Việt sử ký toàn thư, ở mục kỷ nhà Lê (Đại Hành hoàng đế) khi nói về năm Đinh Dậu, năm thứ 4 (997) có đoạn: "Trước kia sứ Tống sang thường mượn tiếng cống nước mắm để nhân thể bắt đóng góp"…

Vậy theo sử liệu, trước năm 997, nước ta đã có nước mắm để cống. Còn có từ bao giờ, ra sao, ai là ông tổ của nước mắm ở Việt Nam, vẫn còn là một bí ẩn.

Như vậy nguồn gốc nước mắm Việt Nam có từ rất lâu đời, đủ cơ sở để chúng ta tin rằng đây được xem là quốc hồn - quốc túy mà người Việt ngày nay vẫn đang gìn giữ, phát triển trở thành gia vị rất đặc trưng phân phối trên toàn thế giới rất đáng để tự hào.

Có phải chỉ người Việt mới biết làm nước mắm?

Xin nói ngay đây là một nhận định sai lầm. Cùng với Việt Nam, các quốc gia khác cũng có nước mắm. Ở Campuchia gọi là tuk trey, Indonesia là kecap ikan, Lào gọi nam paa, Malaysia là budu, Myanmar gọi ngagampyaye, Philippines là patis, Thái Lan gọi là nam pla/budu/thai pla; Nhật Bản gọi shiotsuru/ ishiri/ikanago-shoyu, Triều Tiên là myeol-chi-jeot-guk, Hàn Quốc là mochi aek chok (Mochi aek chok được làm từ cá cơm với quy trình và cách thức tương tự như cách làm nước mắm của người Việt nhưng người Hàn chỉ dùng nó để muối kim chi mà không dùng để ăn như người Việt).

Phan Thiết - Bình Thuận: Nôi sản xuất nước mắm tại Việt Nam

Vùng đất Phan Thiết khi xưa thuộc vương quốc Chăm Pa, được người Chăm gọi là "Mang Thít". Sau sát nhập vào Đại Việt được người Việt phiên âm, đọc lại thành Phan Thiết. 

Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu chinh phục vùng đất này và đặt tên là Thuận Thành trấn. Người Việt  học được cách ủ chượp nước mắm từ người Chămpa từ đây, sau đó lan truyền ra các tỉnh thành khác trên toàn quốc.

Năm 1697, Thuận Thành trấn đổi lại là Bình Thuận phủ, sau gọi là Bình Thuận dinh.

Năm 1809, niên hiệu Gia Long thứ 7, dinh Bình Thuận được đổi thành Bình Thuận trấn. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trấn Bình Thuận được đổi thành tỉnh Bình Thuận. Khi đó Phan Thiết được gọi là một đạo.

Năm 1898, Phan Thiết chính thức trở thành tổng lỵ tỉnh Bình Thuận và được công nhận là thị xã.

1906-1911: từ ý tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh, những trí thức, những hàm hộ để sản xuất nước mắm theo quy mô lớn. Góp phần đưa nước mắm được sản xuất tại Phan Thiết đi khắp nơi trong cả nước và ra nước ngoài.

1930: Phan Thiết - Bình Thuận trở thành nơi sản xuất nước mắm có quy mô lớn nhất và thơm ngon nhất Việt Nam.

Sách Đại Nam thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn cho biết: Nghề làm nước mắm của Bình Thuận hình thành từ cuối đời chúa Nguyễn với khoảng năm mươi người ở phường Đông Quang. Mỗi năm họ nộp về kinh đô nước mắm và mắm tép. Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả, tính đến nay nước mắm Phan Thiết đã có ít nhất 285 năm tồn tại. Vào đầu thế kỷ XIX, nước mắm Phan Thiết nổi tiếng đến mức, mỗi năm vào tiết Tiểu Mãn và Đại Thử, nhà Nguyễn dùng 3 chiếc ghe bầu chở nước mắm và hải sản khô của Phan Thiết về Kinh.

Comments

Đươc Xem Nhiều Nhất